Những người phụ nữ can đảm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1224 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1224 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là những người mẹ trẻ đơn thân, người dì thay chị nuôi cháu, trong hoàn cảnh khốn khó nhất, dù mù lòa không thấy đường, dù bệnh tật vây quanh như ngọn đèn trước gió nhưng chưa bao giờ chịu bỏ cuộc.

Họ đã nỗ lực hết mình, không than thân trách phận, ngày “tối đen như mực” cũng không cầu xin điều gì ngoài “được sống” để nuôi những đứa trẻ nên người.

Tất cả vì con

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, chị Vũ Thị Thắm (thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) khao khát tìm cho mình một mái ấm. Như ước nguyện, chị đã thực hiện điều đó khi có chồng yêu thương và lần lượt sinh được ba đứa con lành lặn, hiếu thảo. Chồng đi làm thuê, chị cũng vậy nhưng dù cực thì đêm về bữa cơm gia đình luôn ấm áp, cả xóm đều vui lây.

Xót xa thay, niềm hạnh phúc đó không ở lại lâu với gia đình chị. Chồng mất vì tai nạn giao thông trong lúc đi làm về, đó cũng là ngày chị Thắm phát hiện bản thân nhiều bệnh nặng. Đứa con trai đầu lòng của chị cũng vì thế mà đã nghỉ học khi vừa hết lớp 6, đi theo xe hút hầm cầu kiếm mỗi tháng 1 triệu đồng, phụ mẹ nuôi em.

Bệnh thận nặng, không thể ngâm nước nhưng đêm nào chị Thắm cũng đi mò cua, mò ốc với các chị em ở xóm chài để kiếm 80 ngàn đồng lo cho con. Chị nói: “Mỗi phút trầm mình dưới nước là mỗi phút đau, mỗi đêm 6 đến 8 tiếng như vậy, nhưng ráng chịu. Mình chỉ có hai sự lựa chọn nên mình thà chọn đau để hai đứa con còn được đến trường, đứa con lớn của mình đã phải hy sinh cho hai em, nghỉ học rồi”. Người viết đã lặng người khi hàng xóm chị Thắm cho biết, chị Thắm không biết bơi, trên tay chị đeo chiếc vòng nhà chùa cho - chị xem đó là “bùa hộ mệnh”.

Hai đứa con còn đi học của chị Thắm, em Phan Gia Bảo, học lớp 4 và Phan Thị Nhã Trân, học lớp 1. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng sự hiếu thảo của các con khiến người nghe phải đau lòng: “Con là Gia Bảo, con muốn học để sau này làm nhiều tiền cho mẹ, còn em con tên Nhã Trân lại muốn nghỉ, để ở nhà với mẹ. Tụi con sợ mất mẹ”. Nghe con nói, chị Thắm âu yếm nhìn con, mắt rưng rưng. Chị nói trong xúc động: “Bởi vậy nên mình không dám bỏ cuộc, mình không sợ gì hết chỉ sợ hít vào mà không thở ra. Không phải ham sống cho mình mà chết đi thì tội các con không nơi nương tựa”.

Nuôi con trong nước mắt

Yêu và được yêu là điều số đông phụ nữ theo đuổi, chị Mai Thị Xuân Thoa cũng không ngoại lệ. Khoảng thời gian rời tỉnh Ninh Thuận đến TP.HCM và tỉnh Đồng Nai mưu sinh, chị Thoa tìm được người thương. Sau vài lần gặp gỡ, hai ngưởi ăn ở với nhau như vợ chồng, chẳng một lễ cưới, cũng không có đăng ký kết hôn. Ngày chị thông báo có bầu bé Huyền Trân thì cũng là lúc “người thương” đó của chị dứt áo ra đi. Bé Huyền Trân năm nay học lớp 6 cũng là ngần ấy thời gian chị nuốt nước mắt để nuôi con.

Chị kể, hồi đó đêm nào cũng khóc, một thời gian sau, mắt mờ và dần chuyển sang mù. Từ khi con tuổi lên 3, chị đã không thể nào đi làm thuê được nữa và về Ninh Thuận, xin ở đậu nhà của người em trai. Đi bán vé số bị giựt vài lần không còn vốn, hai mẹ con sống bằng tiền trợ cấp nhỏ nhoi vài trăm ngàn mỗi tháng. Có những ngày bí bách quá, bế tắc quá, chị có ý định cho bé Trân nghỉ học. “Lúc mà nhà không còn gạo, mẹ con hết tiền, mẹ hết thuốc uống, con cũng nghĩ đến việc nghỉ học đi bán vé số hay làm gì đó để có tiền lo cho mẹ…”, Huyền Trân nói.

Hỏi chị Thoa sợ nhất điều gì? Chị bảo: “Sợ nhiều lắm, sợ đêm ngủ rồi sáng không dậy nữa, bỏ con bơ vơ, đã không có cha, rồi mồ côi luôn mẹ. Sợ con bệnh vì lúc đó mình không thấy đường để lo cho con, biết con bệnh mà mình bất lực, khóc trong vô vọng. Rồi sợ con thua thiệt, bị ăn hiếp…”.

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng những gì về mẹ, Huyền Trân khắc ghi, nhớ từng chi tiết. Em kể: “Hôm đó do mẹ quên miếng thịt, để 3 ngày rồi mới nhớ, mẹ lấy ra kho. Con ăn xong bị tiêu chảy. Con bị sốt, mẹ thức đêm lo cho con. Đến khi con nặng quá, cậu phải chở con đi bệnh viện. Lúc con đi, mẹ khóc, mẹ dặn con đừng có bỏ mẹ. Trong túi mẹ có vài chục ngàn thôi, mẹ vét hết để đưa cho con đi viện. Lúc đó con thương mẹ, con sợ chết, bỏ mẹ một mình…”.

Dấu gạch nối cho chương trình “Mẹ đỡ đầu”

Chị Thắm, chị Thoa là hai trong số những người mẹ trẻ, can đảm mà phóng viên báo Giác Ngộ biết đến, tiếp sức tại tỉnh Ninh Thuận trong hành trình kết nối “Mẹ đỡ đầu” những năm gần đây. Nhân vật của Báo Giác Ngộ - những người phụ nữ can đảm luôn nhận được nhiều sự quan tâm, đồng cảm của độc giả.

Là Phật tử thuần thành, trong các chương trình Báo Giác Ngộ kết nối, chị Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Cty TNHH GazeFi, Q.3, TP.HCM luôn đồng hành. Có những cây cầu kinh phí hơn trăm triệu, chị ủng hộ nhưng từ chối tham dự khánh thành vì không đủ thời gian. Ấy vậy mà, khi phóng viên mở lời về chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chị Thảo đã đồng ý đi ngay.

Trên đường đi, chị nói với phóng viên báo Giác Ngộ: “Tự nhiên nghe tên ‘Mẹ đỡ đầu’ mình thấy thương ghê. Vì mình nhớ lại những lần đến thăm các trại trẻ mồ côi mà còn khuyết tật nữa, các bé cứ đòi chị ẵm và cứ ôm mình như là người thân vậy, các bé cần tình thương ngoài vật chất nữa”. Với chương trình “Mẹ đỡ đầu” - tiếp sức cho các em đến trường, chị Thảo quyết định đi xe 10 tiếng cả đi và về, chưa tính thời gian đến thăm từng gia đình, đó là việc hiếm với chị.

Trực tiếp đến và lắng nghe, chị Thảo xúc động với từng mảnh đời: “Thấy hoàn cảnh nào cũng thật đáng thương, chị Thắm vượt bệnh tật để nuôi các con, bé Huyền Trân còn mẹ thì mẹ lại mù không thể sinh hoạt như người bình thường được. Hai anh em sinh đôi Huy và Hoàng học lớp 12, mồ côi cha mẹ sống với dì, được dượng vì thương dì mà bao bọc… Nhưng thương nhất là bé Tấn học lớp 8, mồ côi cha mẹ, sống với bà nội; bà già hơn 80 tuổi mà vẫn còn đi làm nuôi cháu”. Nhận làm “mẹ đỡ đầu”, ngoài hỗ trợ tiền mỗi tháng, chị Thảo còn xin số điện thoại của từng gia đình, để có thể hỗ trợ tinh thần và dạy dỗ các con từ xa.

Đặc biệt, niềm vui lại nhân lên khi chị Thảo kể chương trình này với ông xã, anh hào hứng muốn đồng hành cùng làm “Cha đỡ đầu”. Tại Ninh Thuận, anh nhận sẽ tiếp nối vợ, tiếp tục đỡ đầu cho các con kết thúc lớp 12, vào TP.HCM học cao đẳng hoặc đại học. Các con được bảo trợ toàn phần từ chỗ ăn, ở, học phí và anh cũng sẵn sàng nhận vào công ty làm việc trong chuyên ngành công nghệ thông tin, để các con có thể thành công trong cuộc đời. Khi thông điệp này được truyền đi, cũng là lúc niềm vui, hạnh phúc vỡ òa đến với gia đình các con trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày