“Bà Hai nước chè”

GN - Cuộc sống của bà còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng ngày bà vẫn đau đáu, âm thầm làm thiện nguyện. Đó là san sẻ yêu thương với những cảnh đời thương tâm, bất hạnh với chỉ gói xôi, trái bắp, ổ bánh mì, phần cơm hộp, chai nước chè xanh… mà bà dành dụm chút tiền để mua tặng cho bệnh nhân nghèo…

Cố gắng làm người tử tế

Có những lúc không tiết kiệm được tiền, gặp hoàn cảnh khó khăn, bà “dày mặt” đứng ra cùng bệnh nhân đó đi vận động, quyên góp và sẻ chia những đồng tiền ấy cho họ. Tuy vật chất cho đi không lớn, thậm chí rất nhỏ, nhưng hành động ấy của bà đã để lại một chút tình người nồng ấm và đáng trân quý.

Bà Trần Thị Lựu hay còn gọi “bà Hai nước chè”, năm nay đã 63 tuổi, ngụ trên đường K-20, tổ 32, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là tấm gương sáng giữa đời thường như thế. Nhờ làm thiện nguyện mà bà được bệnh nhân, người nhà và các nhân viên, y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng gọi trìu mến, thân thương bằng cái tên mộc mạc là “bà Hai nước chè”.

ba Hai.JPG

"Bà Hai nước chè" suốt 7 năm âm thầm làm thiện nguyện

Nhà của bà Hai ở gần bệnh viện. Vào một ngày đầu tháng 5-2012, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng được thành lập và đi vào hoạt động. Cùng lúc này, bà Hai cũng mở quán nước nhỏ tại nhà, cho thuê ghế xếp và đun nước chè xanh mang vào bán cho bệnh nhân. Tại bệnh viện này, bà Hai đã có cơ duyên tiếp xúc, gần gũi, gắn bó với bao cảnh đời bất hạnh, thương tâm, khốn khó và bà đã trở thành chỗ dựa của họ lúc yếu lòng. Bởi họ cảm nhận được tấm lòng bao dung, nhân ái và đong đầy yêu thương của bà Hai.

Bà Hai nhớ lại: “Vào một ngày đầu mùa thu năm 2012, tôi mang nước chè xanh đi bán quanh bệnh viện, thì trông thấy cặp vợ chồng trẻ ngồi ôm đứa con đã qua đời. Thoáng nhìn họ với đôi mắt đỏ hoe, buồn bã, khóc sướt mướt, tôi tiến lại gần và hỏi thì họ cho biết, không có tiền đưa con về quê an táng. Nhìn hình ảnh đau buồn đó, tôi rất chạnh lòng, xót xa muốn giúp đỡ ngay nhưng bản thân lại không có tiền.

Tôi liền đứng ra dẫn người nhà bệnh nhân đi từng khoa, phòng và quanh bệnh viện để kêu gọi sự đóng góp, nhờ giúp đỡ, hỗ trợ của mọi người. Khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã vận động quyên góp được hơn 3 triệu đồng, nhờ vào số tiền này mà thi thể đứa bé đã kịp thời được đưa về quê chôn cất...”.

Một lần khác, bà Hai biết được có bệnh nhân nhi 11 tuổi ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) mới mất tại bệnh viện nhưng gia cảnh quá khó khăn, nghèo khổ, không có tiền thuê xe đưa thi thể về quê. Bà Hai thấy xót lòng nên ngưng bán nước chè ngay và nhanh chóng cùng gia đình đi quanh bệnh viện quyên góp được hơn 6 triệu đồng. Bà cũng tự nguyện đóng góp phần mình một số tiền để giúp gia đình có chi phí về lại quê nhà.

“Qua việc làm thiện nguyện của tôi, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng hay tin về hoàn cảnh khó khăn này và đã kịp thời hỗ trợ chuyến xe miễn phí. Được giúp đỡ, hỗ trợ tiền và chuyến xe, họ sẽ lo đám tang cho con chu đáo hơn, tôi đây cũng yên lòng...”, bà Hai nước chè xúc động, hồi tưởng lại.

Đây là hai trong hàng trăm trường hợp, hoàn cảnh được bà Hai chia sẻ, hỗ trợ và cưu mang. Đôi khi bà chỉ giúp được gói xôi, trái bắp, ổ bánh mì, phần cơm hộp, chai nước chè xanh cho bệnh đỡ đói lòng, hay số tiền có được nhờ bà Hai đi quyên góp, vận động và giúp đỡ của mọi người trong bệnh viện. Việc làm của bà Hai không lớn, nhưng để lại tình người nồng ấm, rất đáng quý và trân trọng biết bao.

7 năm san sẻ yêu thương…

Cứ thế, trong suốt 7 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa hạ cũng như mùa đông, bà Hai đều âm thầm, lặng lẽ đem nước chè đi bán quanh bệnh viện. Dịp này, bà cũng thân tình thăm hỏi, biết hoàn cảnh nào khó khăn thì giúp đỡ với tâm nguyện hỗ trợ, chia sẻ yêu thương bằng sự chân tình.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hai bộc bạch: “Tôi gắn bó với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã 7 năm, cho nên biết được trong bệnh nhân còn có những hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh, khốn khó cần được trợ giúp. Tôi cũng chẳng khá giả gì nhưng mà nhiều người còn khó khăn hơn mình, tôi suy nghĩ và đồng cảm với họ như câu nói ‘lá lành đùm lá rách’, còn mình thì ‘lá rách đùm lá nát’.

Nhờ vậy mà tôi cứ giúp thôi. Nhiều năm qua, tôi không nhớ hết là mình đã sẻ chia, đùm bọc bao nhiêu cảnh đời, tôi chỉ biết tâm niệm rằng, cuộc đời con người ai cũng có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn nên hãy cứ giúp đời, giúp người khi còn có thể…”.

Vào mỗi buổi sáng, bà Hai nước chè có mặt đúng giờ khoa Nhi - Hồi sức tích cực mở cửa... Bà đến từng phòng bệnh, gửi biếu những chai nước chè xanh thơm mát, nghĩa tình. Hình ảnh của bà Hai trong mắt mọi người có mặt tại bệnh viện rất bình dị nhưng từ bà toát ra hình ảnh hết sức nhân hậu.

Việc làm thiện nguyện của bà đã lan tỏa khắp bệnh viện và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y bác sĩ trong bệnh viện đều biết. Bởi thế, đã có nhiều cá nhân, tổ chức nhân đạo từ thiện tìm đến bà nhờ làm nhịp cầu nhân ái, kết nối, liên lạc với các bệnh nhân khốn khó, thương tâm, bất hạnh để hỗ trợ kịp thời và thiết thực.

Tại địa phương, bà Hai cũng từng tham gia tích cực vào các hoạt động đoàn thể như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện và Bảo vệ trẻ em, Hội Nông dân… cũng chỉ để làm công tác nhân đạo, từ thiện giúp người. Chính vì thế, cách đây hơn hai năm, bà Hai đã được vinh danh trên diễn đàn giao lưu “Gương điển hình phụ nữ sống đẹp” do UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức. Trong diễn đàn này, bà đã nhận kỷ niệm chương - biểu tượng của chương trình vinh danh gương phụ nữ sống đẹp.

Nói về công việc thiện nguyện của bà Hai, bà Nguyễn Thị Thắm, quê ở thôn Ninh Khánh, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đang nuôi người nhà, nằm điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết: “Tôi lưu trú tại bệnh viện này tương đối lâu, để nuôi người nhà đang nằm điều trị tại đây. Trong khi đó, gia cảnh tôi gặp vô vàn khó khăn, nhà lại ở xa nên việc ăn uống hàng ngày phải tính thật chi li, tằn tiện, có khi thiếu thốn.

May sao, bà Hai biết được hoàn cảnh khốn khó của tôi, sẻ chia từng ổ bánh mì, trái bắp, phần cơm hộp, chai nước chè xanh. Có khi bà còn cho thêm tiền, ơn này tôi không bao giờ quên. Theo tôi tìm hiểu và được biết, trong những năm qua bà Hai đã đùm bọc, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khốn khó giống như tôi. Có khi chứng kiến gia cảnh bệnh nhân quá ngặt nghèo, không có tiền về quê, bà phải đi vận động, quyên góp từ những tấm lòng nhân hậu. Tấm lòng thương người của bà Hai thật đáng quý…”.

Ông Lê Tấn Bửu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Khuê Mỹ, nơi bà Hai sống, cảm kích và dành những lời tốt đẹp khi chia sẻ về “bà Hai nước chè”. Ông cho đó là “một con người quá đỗi bình thường thế nhưng lại tỏa sáng giữa đời thường...”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày