Bà lão bán thuốc Nam nơi cổng chùa

Giác Ngộ: Đến Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam), hành hương chùa cổ Hải Tạng với hơn 400 năm tuổi là cái thú của mỗi người. Nhưng ít ai biết rằng hàng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, vẫn có một bà cụ ngoài bảy mươi tuổi ngồi lặng lẽ bên một góc của cổng chùa Hải Tạng để những cây bán thuốc Nam…  

Hình ảnh của bà đã quá quen thuộc với cả xã đảo Tân Hiệp này. Đã hơn 20 năm trời, bà vẫn ngồi đây chỉ để bán những loại cây dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cứu người lấy từ những cánh rừng trên cù lao này. Bà tên Võ Thị Chứt, 72 tuổi. Trước kia, bà cũng ở trong đất liền vùng Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam nhưng chỉ mới hơn muời tuổi, bà đã theo gia đình ra đây lập nghiệp.

Picture 002.jpg

Bà Chứt với "hiệu thuốc Nam" của mình- Ảnh: B.Hữu Cường

Bà bảo lúc sinh thời, cha bà là lương y dân gian bán thuốc nhưng chủ yếu bốc thuốc miễn phí cho bà con xóm làng, nên tấm gương mẫu mực của người cha đã in sâu vào trong tâm trí bà. Từ đó, bà thường theo cha lên núi hái dược liệu về làm thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Bà kể, ngày trước do Cù Lao Chàm còn là một đảo xa, vào đất liền rất khó khăn nên bà con trên đảo khi bị bệnh phải tự tìm những bài thuốc địa phương để chữa trị. Có lần vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, người dân trên đảo bị một căn bệnh lạ, chính cha bà và bà đã làm thuốc trị dứt bệnh cho mọi người bằng những lá thuốc hái trên núi này…

Bây giờ bà Chứt đã già, tuy sức khỏe đã yếu đi rất nhiều nhưng bà vẫn cặm cụi vào rừng rồi leo lên núi, hay đi khắp nơi tìm kiếm thảo dược. Bà cười móm mém trong lúc nhau trầu: “Bây giờ cây cối trên đảo ít đi, thuốc hái cũng khó khăn lắm. Có ngày phải đi hơn chục cây số đường rừng núi để hái thuốc. Thuốc cũng chỉ là cây lá quanh đảo thôi!”.

Người mua thuốc của bà thường là khách quen, hay là những người dân trên đảo, biết rõ bà có mặt hàng gì nhưng có khi phải dặn bà để phần. “Hiệu thuốc Nam” của bà vẻn vẹn chỉ có một cái bàn nhựa với mấy cái ghế con mượn được trong chùa, mấy gói giấy đựng thuốc, một ít cây thuốc giải nhiệt cho cơ thể như: bí kỳ nam (tổ kiến), rễ tranh, cát lồi, ngăn chằn, hà thủ ô, sâm đất, ván bay, rễ – trái nhàu, mỏ quạ, chùm gởi, mướp gai, bí lau, đủng đỉnh, cóc đắng, nhãn lồng…  bà để trong túi lưới.

Sáng, bà chầm chậm đi bộ đến chùa. Khi ánh chiều buông xuống phía sau núi, bà lại dọn dẹp để ra về. Bà có một cậu con trai đi làm tận trong Bình Dương, lâu lâu mới về thăm một lần. Một mình bà thui thủi sáng chiều với thuốc, và lắng nghe tiếng kinh cầu từ trong chùa vọng ra làm vui mỗi ngày.

Một buổi ngồi trò chuyện với bà, thấy bà bán lấy tiền thì ít, mà cho thuốc người ta thì nhiều. Tôi hỏi: “Bà cho nhiều hơn bán thế lấy đâu tiền mà sống?” Bà tủm tỉm cười: “Từ xưa tới chừ có ai bán cây thuốc mà giàu mô cậu!? Bán thuốc kiếm tiền nhưng cũng là để cứu người. Nó giống như một cái nghiệp đeo đuổi cuộc đời tôi rồi cậu ơi! Còn sức mần được thì mần.  Mần đến khi nào hết đi được thì mới ở nhà”.

Tôi đem chuyện của bà tâm sự với cụ từ trông chùa Hải Tạng, cụ từ trầm ngâm: “Bà ấy làm phúc thôi chứ ít khi lấy tiền ai lắm! Ai có thì đưa, bao nhiêu cũng được. Nhiều ngày, tôi để ý thấy sau mỗi chiều khi dọn hàng về, bà cụ vào chùa thắp hương rồi lén bỏ tiền vào thùng phước sương để cúng dường vì sợ tôi không nhận. Bà chỉ giữ lại một số tiền nhỏ để đủ sống qua ngày thôi…”.

Chiều ngả bóng, chúng tôi rời chùa Hải Tạng. Trước khi đi, tôi đến chào bà cụ bán thuốc. Khi tôi đến, bà vội nhét vào ba lô của tôi hai gói thuốc Nam bà đã chuẩn bị trước, còn dặn cách sắc thuốc như thế nào. Thấy tôi móc túi lấy tiền trả, bà cụ trầm giọng tỏ ý không vừa lòng: “Tôi không lấy tiền đâu! Tặng cậu thang thuốc bồi bổ sức khỏe. Các cô các cậu còn trẻ, phải biết quý sức khỏe của mình! Tôi già rồi, tiền bạc nào có ích chi mô…”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày