GN - Chồng bị bệnh ung thư qua đời, bao nhiêu gánh nặng mưu sinh, gồm các khoản vay nợ khi chạy bệnh cho chồng, tiền sinh hoạt gia đình, học phí của hai con... đều phụ thuộc hoàn toàn vào nồi súp của chị.
Hàng ngày, chị Nga thức rất khuya và dậy từ rất sớm để nấu kịp hai nồi súp sáng mang ra chợ bán. Bỏ công lấy lời, có khi 12 giờ trưa chị vẫn còn ngồi ở chợ. Tiết kiệm từng đồng trong mọi sinh hoạt, người mẹ ấy chỉ mong đủ tiền lo cho con đi học, cho tương lai tươi sáng.
Đặt trọn ước mơ
“Từ ngày chồng đổ bệnh rồi mất, mặc dù khá vất vả nuôi hai con đi học nhưng chưa bao giờ chị Nga than thở. Bấy giờ chị bán thêm thuốc thú y, nhưng tiệm mở để đó… ‘cầm hơi’ chứ chẳng mấy ai mua. Cuộc sống ba mẹ con và các khoản chi tiêu phụ thuộc vào nồi súp”, một bạn đọc đã điện thoại nói với phóng viên báo Giác Ngộ như thế.
Chị Nga bên nồi súp giúp nuôi con ăn học
Căn nhà số 9B, ấp 4, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An của chị Nga mặc dù ở sát lộ, nhưng không dễ để tìm vì nằm lọt thỏm bên cạnh những ngôi nhà xây cao của hàng xóm. Ngôi nhà tường diện tích khoảng chừng 50m2 xây đã lâu, nóc nhà lợp bằng tôn đã chuyển màu, được gia cố bằng những tấm bạt ni-lông. Mặc dù không gian nhà khá nhỏ, mọi thứ dường như xuề xòa nhưng bàn thờ của chồng chị thì rất tươm tất, luôn ấm hương nhang và đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chỉ có nền nhà khu vực này là được lót bằng gạch sáng, mới.
Đi từ trước ra sau nhà, ngoài nơi thờ chồng, thì chỉ có không gian gần bếp, nơi chị Nga sơ chế nguyên liệu nấu súp là tươm tất. Chị nói: “Vì là chỗ nấu đồ bán nên ưu tiên sạch, ngăn nắp”. Ngày nào cũng vậy, chị đều thức đến 10 giờ đêm để sơ chế nguyên liệu, khuya 3 giờ đã dậy nấu xong 2 nồi súp, rồi vội đem ra chợ bán lúc bình minh. Hỏi chị, một bữa chợ như vậy, bán lời được bao nhiêu, chị cười hiền cho biết: “Nếu bán hết thì lời khoảng 200 ngàn, còn nếu bán ế thì lời 50, 100 ngàn. Vô chừng lắm”.
Khi chúng tôi ngồi tính, cứ cho là chị bán hết hai nồi súp thì mỗi tháng chị cũng kiếm chỉ tầm 6 triệu, đắn đo không biết làm sao lo xuể cho hai con đi học - một đứa sinh viên năm nhất cao đẳng, một đứa đang học lớp 11. Chị tâm sự: “Có nhiều lúc cũng bế tắc nhưng nghĩ đến hai con, rồi tĩnh tâm niệm Phật là mình lại có con đường, và vượt qua hết. Không đủ tiền đóng học phí cho con, có khi đi mượn, rồi bán súp, góp tiền trả hàng ngày. Nghĩ tích cực một chút, con lớn thì nợ mòn, mình sẽ sống lạc quan hơn”.
Hàng xóm đều nói rằng, chị Nga vất vả là vậy nhưng bù lại, hai con của chị rất thương mẹ, hiếu thảo và rất chăm học. Đó chính là điều mà chị Nga xem là may mắn, an ủi hơn rất nhiều người cùng hoàn cảnh. Vì ít ra, chị biết tương lai của mình rất xán lạn, khi vì con mà cố gắng, mà đặt niềm mơ ước.
Tấm gương hiếu học, hiếu thảo
Tiến Đạt, đứa con đầu lòng của chị hiện là sinh viên năm nhất, ngành cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Cao Thắng, TP.HCM. Thương mẹ, ngay sau tuần đầu tiên lên thành phố học, em xin mẹ cho đi làm thêm. Mặc dù thuyết phục đủ cách nhưng mẹ em nhất quyết không cho. Chị Nga nói: “Sợ con nó thấy mình cực, rồi không lo học, lo làm sau này không có tương lai.
Với lại, thấy con đi học mình cho tiền ít đã thiệt thòi cho con rồi, giờ để con tự đi làm, tự học nữa, nói thiệt là không đành. Dù cũng khó khăn, nhưng mỗi lần Đạt nói đến làm thêm là tôi... lắc đầu”.
Anh em Đạt và Nhi
Hỏi em vì sao muốn đi làm? Lặng người phút chốc, Đạt bộc bạch: “Để phụ mẹ trang trải học phí, để mẹ đỡ cực”. Mỗi tuần, chị Nga cho Đạt 350 ngàn, trong đó tiền gửi xe đã hết 50 ngàn, tiền xăng hết 30 ngàn. Đạt nói, ngoài đi học, em chẳng dám lấy xe đi đâu.
Càng khó, Đạt càng thương mẹ và gánh vác thay mẹ mọi việc mà em có thể làm. Cuối tuần, học vừa xong là Đạt về quê ngay với mẹ. Ngày nào có em ở nhà là chị Nga được đi ngủ sớm hơn một chút và dậy trễ hơn một chút.
Chiều là em sơ chế nguyên liệu nấu súp phụ mẹ, bỏ mạt cưa sẵn vào lò để khuya đỡ mất thời gian nhóm lửa. Khoảng 3 giờ nấu súp thì độ 2 giờ rưỡi em đã dậy nấu nước lèo, luộc trứng cút và bóc vỏ. “Có em ở nhà thì mẹ được ngủ thêm khoảng 45 phút, cũng đỡ nhức lưng”, Đạt nói. Mẹ nấu xong, em giúp mẹ chở ra chợ bán.
Đoạn đường từ nhà chị Nga đến chợ, tuy đi xe máy chỉ khoảng mười lăm phút, nhưng để chở hai thùng súp nặng, đó là điều khó khăn. Chị trải lòng: “Chở hai thùng một lúc trên chiếc xe Dream, có khi kiềm xe không nổi, xe loạng choạng. Sợ nhất là lỡ kiềm xe không được, thùng súp đổ”. Đó cũng chính là lý do vì sao, cứ cuối tuần học xong là Đạt về quê ngay để nấu súp và phụ mẹ chở qua chợ bán.
Cũng giống như Đạt, Yến Nhi - đứa con gái út của chị Nga (học lớp 11, Trường THPT chuyên Long An), cứ đến cuối tuần là tranh thủ bắt xe buýt về nhà phụ mẹ. Học chuyên khối D, nhưng Nhi chỉ dám xin mẹ học thêm hai môn Anh văn và Toán, còn môn Văn em tự học.
Nghe em lý giải mà thương: “Hai môn Toán với Anh văn thì cần thầy cô dạy luyện thêm để em có thể đạt được kiến thức đi thi đại học. Còn môn Văn tự mình học để nhín được 300 nghìn”. Mỗi tuần chị Nga cho Nhi 250 ngàn, có ngày Nhi ăn sáng mười ngàn, có ngày chỉ ăn năm ngàn, gói ghém tiền. Nhi gọi là bỏ ống heo, tiết kiệm được gì là tiết kiệm, để nuôi ước mơ chạm đến giảng đường đại học.
Hỏi ra mới biết, Nhi muốn học thiệt giỏi, để mình có thể thi vào trường tốt, sau này có việc làm với lương tốt, lương cao, được như thế thì “Nhi sẽ cùng anh Hai lo cho mẹ”. Nhi trải lòng: “Ngày xưa, mẹ thích em đậu vào trường chuyên Long An, em đã cố gắng và đã làm được. Từ lúc ba mất, mẹ vất vả nuôi hai anh em, mong cho hai đứa học thành tài, em sẽ vì mẹ mà phấn đấu. Làm gì để mẹ hạnh phúc là em đều làm. Em chỉ cần mẹ sống vui vẻ mỗi ngày”.
Như thường lệ, cứ đến 4 giờ chiều ngày Chủ nhật là Đạt chở Nhi ra bến xe để đón xe buýt xuống tỉnh học. Không thấy ba-lô của Đạt, chúng tôi hỏi và em bảo: “Thứ Hai, em học buổi chiều, 11 giờ mai em mới lên Sài Gòn. Em muốn ở lại thêm với mẹ, phụ mẹ một đêm đỡ một đêm”. Nghe em nói, chị Nga nhoẻn miệng cười. Chúng tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc từ gương mặt phúc hậu của chị.
Đưa chúng tôi ra đầu ngõ, chỉ tay về phía cây đu đủ trước nhà xum xuê trái, chị Nga nói, chiều nay hái xuống ít trái, mang vào thắp hương cho chồng, rồi đợi cuối tuần tụi nhỏ về cùng ăn. Cả nhà bây giờ không mong ước giàu sang, chỉ mong bán súp có lời hàng ngày, đủ để cho các em đi học, ra trường có việc làm ổn định.
Nhắc đến chị Nga, những tiểu thương bán hàng ở chợ Phước Vân - Cần Đước đều dành nhiều tình cảm. Dì Mười bán hàng cạnh chị Nga cho biết: “Ngày nào Nga nó mua đồ ăn ngon là biết ngày đó cuối tuần, con của nó đi học về. Chỉ khi có con, nó mới ‘đi chợ’ mặc dù bán súp ở chợ. Một mình nuôi con vậy chứ có hoàn cảnh nào khó khăn hơn, Nga bán súp không lấy tiền. Ở đây cũng có vài đứa trẻ nghèo được Nga cho súp miễn phí, để ‘vững bụng’ đến trường. Dù trong hoàn cảnh nào, Nga cũng sống rất nghĩa tình, tử tế. Tụi tui quý Nga là ở chỗ đó”. |