Ba trái bưởi

GN - Vài ngày trước khi tôi và gia đình rời Nhật Bản vào năm 1968 sau sáu năm sinh sống, bạn tôi từ California đến thăm và tặng chúng tôi ba trái bưởi trong một hộp carton mà anh ấy đã mang theo.

Thời đó nước Nhật hạn chế nhập khẩu, nên trái cây từ nước ngoài, chẳng hạn như bưởi, dưa và nho, là rất hiếm nên quá đắt tiền. Chẳng hạn, một trái bưởi có giá vài nghìn yên, tương đương với hai mươi đô-la theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm đó. Nhiều người đã mua những trái cây nhập khẩu này chủ yếu để làm quà tặng trong những dịp đặc biệt.

Vì chúng tôi sẽ sớm quay trở lại California, nơi có nhiều bưởi, nên chúng tôi quyết định cho đi ba trái bưởi. Thật tình cờ, đó là ngày vợ tôi đến lớp học cắm hoa hàng tuần, vì vậy vợ tôi đã tặng bưởi cho cô giáo. Chúng tôi không nghĩ gì nữa về chuyện đó, nhưng vài ngày sau chúng tôi nhận được một lá thư đặc biệt từ cô giáo. Được viết bằng bút lông trên giấy truyền thống của Nhật Bản và được gấp cẩn thận, lá thư chắc là có cái gì đó đặc biệt.

buoi3.jpg


Ảnh minh họa

Bức thư của cô giáo bắt đầu bằng lời lẽ trang trọng về thời tiết, sau đó cô bày tỏ sự cảm kích về ba trái bưởi. Cô viết rằng cô đã chia sẻ trái bưởi đầu tiên với những đứa cháu của mình, chúng rất hào hứng với mùi thơm và hương vị của một loại trái cây kỳ lạ mà chúng chưa từng thấy trước đây. Trái bưởi thứ hai cô bóc vỏ và ăn cùng với một người bạn cũ mà cô không gặp lại trong hơn hai mươi năm, khiến cuộc hội ngộ trở thành một dịp rất đặc biệt. Trái bưởi thứ ba cô đem đến bệnh viện, nơi người bạn thân nhất của cô sắp mất vì bệnh nan y. Cô bạn đã không ăn hơn một tuần, nhưng khi nhìn thấy trái bưởi, cô ấy muốn nếm thử một miếng nhỏ. Khi cô ăn xong miếng đầu tiên, cô muốn thêm một, rồi một miếng khác, cho đến khi cô ăn hết một nửa trái bưởi. Các thành viên trong gia đình chứng kiến cô ăn, đã cảm động vui mừng đến rơi nước mắt.

Cô giáo cảm ơn chúng tôi tận đáy lòng vì ba trái bưởi. Phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc bức thư là, “Cảm ơn những trái bưởi!”. Thế rồi tôi nghĩ về những gì đạo Phật Hoa Nghiêm tông [một trường phái của Phật giáo Trung Quốc dựa trên kinh Hoa nghiêm] dạy rằng một cử chỉ nhỏ cho đi có tác động vang lại trong một thế giới liên thuộc và liên thông lẫn nhau. Theo truyền thống này, một hành động từ thiện nhỏ (dana paramita: bố thí ba-la-mật) được xem là tương đương với vô số hành động từ thiện. Không ai có thể đo lường được tác động của một hành động cho đi, vì tác động trở lại của nó vượt lên sức tưởng tượng hạn chế của chúng ta.

Các cháu nhỏ sẽ luôn nhớ mùi thơm và hương vị ngọt ngào của trái bưởi đầu tiên, như lấp lánh hình ảnh yêu thương của bà, ngay cả sau khi bà đã đi từ lâu. Hoài niệm của hai người phụ nữ về quá khứ đã khiến mọi thứ trở nên đáng nhớ hơn với mỗi miếng bưởi, cảm giác tốt đẹp tỏa ra và ôm lấy những người xung quanh. Người bạn sắp mất sẽ sống mãi trong trái tim và tâm trí của những người thân yêu khi cô thưởng thức từng miếng bưởi. Bức thư của cô giáo cắm hoa đã nhắc nhở tôi về sự thích nghi của đạo Phật Hoa Nghiêm tông với thế giới đương đại.

Tuy nhiên, khi phản ánh về bố thí ba-la-mật, tôi biết rằng nó đòi hỏi ba loại thanh tịnh (hay vô cấu). Đó là, theo Phật giáo, việc cho đi thực sự bao hàm nhận thức không có người cho, không có quà tặng và không có người nhận. Sự ràng buộc với bất kỳ loại nào - cho dầu đó là bản thân như là ân nhân, cho dầu đó là giá trị của món quà hay đó là cám ơn của người nhận - đã vô hiệu hóa hành động thuần khiết của việc cho đi. Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi không có ràng buộc gì, không phải vì chúng tôi vô ngã mà đơn giản vì chúng tôi đã không trả tiền cho những trái bưởi và chỉ đơn thuần chuyển chúng cho cô giáo. Đây có thể xem như là sự cho đi thực sự, nhưng đó là một hành động tình cờ và không liên quan gì đến bố thí ba-la-mật như một hành động cho đi vô ngã, ra khỏi tự lợi, dẫn đến bờ bên kia của giác ngộ.

Trong thực tế, hành động thực sự của bố thí ba-la-mật bao hàm cả việc từ bỏ những gì chúng ta trân trọng nhất, ngay cả cuối cùng là bản ngã của chúng ta. Tôi biết một nhà giáo khuyến khích thực hành bố thí ở trẻ em bằng cách làm gương. Một lần, anh đề nghị những học sinh của mình tặng trái cây cho người vô gia cư. Khi làm như vậy, anh đã mua những trái cây mắc tiền nhất ở cửa hàng tạp hóa. Khi một bà mẹ phàn nàn rằng người vô gia cư không xứng đáng với sự hoang phí như vậy, thầy đã giải thích hai điều quan trọng về sự cho đi thực sự. Đầu tiên, nó đòi hỏi một sự hy sinh nào đó từ phía người tặng. Cho đi thứ mà người ta không cần là không phải bố thí. Thứ hai, hành động cho đi không được ra vẻ bề trên mà phải thể hiện sự tôn trọng người nhận được món quà. Trên thực tế, người cho cũng biết ơn người nhận vì người nhận cũng đã thực hiện hành động cho.

Mặc dầu bố thí ba-la-mật theo đúng nghĩa là mục tiêu của chúng tôi, nhưng không dễ để thực hành. Tuy nhiên, như trong trường hợp ba trái bưởi của chúng tôi, ngay cả khi việc cho đi không xuất phát từ trái tim, chúng tôi muốn hoàn lại một cái gì đó cho thế giới. Khi một sự thực hành như vậy được lặp đi lặp lại thường xuyên nhất có thể, chúng ta có thể nhận ra rằng món quà là sống động, như được thực hiện bởi vô số nguyên nhân và điều kiện tốt. Cho dầu chúng ta có biết hay không, mọi hành động do từ bi có thể có một ý nghĩa tích cực vượt xa khả năng tưởng tượng của chúng ta.

Taitetsu Unno
Cao Huy Hóa dịch

.........................

Nguyên tác: Three Grapefruits, tạp chí Tricycle Summer 2003.

Taitetsu Unno (1929-2014) là giáo sư danh dự về Tôn giáo học, tác giả sách River of Fire, River of Water.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày