Cô rời VN năm 1975 khi mới 18 tháng tuổi. Cô tên là Viktoria Cowley (tên thường gọi là Vikki). Đoàn làm phim sẽ theo bước chân của Vikki và quay về cô trong chuyến đi tìm quê hương. Phim dự kiến sẽ được công chiếu trên kênh truyền hình BBC vào tháng 3.2010.
Vikki chỉ là 1 trong 99 đứa trẻ được chuyến bay Babylift do tờ báo của Anh là The Daily Mail thu xếp đưa sang London. Và cô chỉ là 1 trong gần 2.500 trẻ em được xem là mồ côi, sống trong các cô nhi viện trước tháng 4.1975, được đưa ra nước ngoài trong một chiến dịch không vận mà cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi.
Một câu hỏi thường được đặt ra là những đứa trẻ babylift, được nhận làm con nuôi, yêu thương và chăm sóc, được sống trong hoàn cảnh đầy đủ khác hẳn ở nơi họ đã được đưa đi, liệu có gì khiến họ có thể phản kháng, hay hụt hẫng? Vì, trẻ babylift như Vikki không được tự quyết định cuộc đời mình vào giây phút quan trọng nhất là đi hay ở.
Gần đây, liên tiếp có một loạt các đoàn làm phim trở về VN theo đuổi cùng chủ đề này, nhiều bộ phim khác thì gắng phân tích tâm lý của những thanh niên babylift nay đã 35-40 tuổi. Một vài người trong số họ đã may mắn trở về và tìm được mẹ, hay anh chị em ruột. Một câu chuyện cảm động đã diễn ra trong chương trình đoàn tụ người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly...”, khi Tiffany Goodson, một nhà sản xuất tại Hollywood, lần đầu tiên được nhìn ngắm gương mặt người mẹ thân yêu. Bà đã mất chỉ 3 năm sau ngày cô được đưa ra nước ngoài, nhưng cô vẫn luôn linh cảm thấy tình thương của mẹ.
Câu chuyện của Vikki mới chỉ bắt đầu. Trong trí nhớ mong manh của mình, cô thấy mẹ đẻ vẫn còn khi cô rời VN. Cô sinh năm 1973, được đưa vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Lâm Ty Ni tại Gia Định - Sài Gòn, cùng với một người anh trai cũng bé “trứng gà trứng vịt” như cô.
Tại trung tâm này, cô được đặt tên Lâm Yến Hằng, nhưng trước đó, có thể cô mang tên Trần Thị Minh Trang. Có thể, nhà đông con, cha tử trận, và 1-2 đứa trẻ phải vào trại cô nhi? Kịch bản này xảy ra khá nhiều vào thời đó. Nhưng với Vikki, người lớn lên tại bờ biển Sussex phía nam của nước Anh thì tất cả đều đặt ra nhiều câu hỏi.
Vikki rất muốn biết rõ lý do tại sao cô lại rời trung tâm đó và tại sao cô lại được đưa lên máy bay rời khỏi đất nước và gia đình của mình đến một nơi với một cuộc sống mới ở nước Anh xa xôi. Vikki cũng rất muốn hình dung cuộc sống của cô sẽ như thế nào nếu cô vẫn ở lại VN, và cô muốn biết mẹ đẻ và những người thân của cô lúc đó và sau này nhớ cô như thế nào và đã đi tìm cô ra sao.
Vikki sẽ cùng đoàn làm phim của kênh truyền hình Anh BBC ở VN từ ngày 5.1 đến ngày 15.1.2010. Độc giả nếu có thông tin về những người trong ảnh, xin gọi điện về cho “Như chưa hề có cuộc chia ly...” – (08) 6264 7777. Niềm hy vọng của cô chứa đựng trong những tấm ảnh mà người cha nuôi đã chụp: Vikki trước khi rời VN; người anh trai ngồi giữa các bạn; Vikki chụp cùng các sơ... |
Ở bên Anh, Vikki đã có dịp gặp một số người có hoàn cảnh rời VN bằng máy bay năm 1975 như cô, nói chuyện với những người đã tổ chức đưa những trẻ em rời VN sang Anh lúc đó và cả những người đã tình nguyện chăm sóc và nuôi những trẻ em này. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những câu chuyện để kể và để nghe. Chính vì vậy, cô đã quyết định trở về VN để tìm câu trả lời cho tất cả những thắc mắc vẫn ám ảnh cô hơn 30 năm qua.
Về VN lần này, Vikki sẽ quay trở lại thăm địa điểm của Trung tâm Lâm Ty Ni, nơi cô đã rời khỏi năm 1975; thăm 1-2 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, gặp gỡ và nói chuyện với những người làm việc trong trung tâm để hiểu thêm những công việc họ đang làm; đến thăm tòa nhà của Công ty thuốc lá Anh - Mỹ tại TP.HCM, nơi bố nuôi của cô đã từng làm việc; nếu có thể được cô đi tìm lại ngôi nhà mà cô đã được sinh ra và lớn lên.
Và điều mong muốn hơn hết là cô sẽ được một ai đó giúp đỡ để tìm được mẹ và anh trai thân yêu.