Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cùng lãnh đạo các ban ngành đoàn thể, mặt trận tỉnh thành, địa phương sở tại, đông đảo Phật tử đến dự.
Đông đảo Phật tử đến dự lễ
Sau phần nghi thức, Hòa thượng Lý SaMouth tuyên đọc Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thích Minh Lành đọc Diễn văn Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Trung ương Giáo hội, Đại đức Thích Quảng Thới trình bày bản báo cáo thành tích 30 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Bạc Liêu được thành lập từ năm 2000, đã đoàn kết gắn bó 6 hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội gồm Bắc tông, Nam tông Khmer, cư sĩ Phật học hội Nam Việt, Tịnh độ Cư sĩ, Phật giáo người Hoa do Hòa thượng Thích Huệ Hà làm Trưởng ban Trị sự đã tiếp nối truyền thống yêu nước của các thế hệ tiền bối cùng nhau chung sức chung lòng góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu phồn vinh, thịnh vượng.
Chư tôn đức chứng minh lễ
Phật giáo Bạc Liêu đã 4 lần tổ chức Đại giới đàn cho gần 2.000 Tăng Ni và Phật tử thọ giới, tôn tạo nhiều ngôi chùa cổ bị xuống cấp, khôi phục những tự viện bị chiến tranh tàn phá và phát triển nhiều ngôi chùa ở vùng sâu; trong tỉnh hiện quản lý 122 tự viện và gần 500 Tăng Ni. Ngành giáo dục phát triển tốt, trường Trung cấp Phật học được thành lập từ năm 2002 với 2 phân hiệu Bắc tông và Nam tông, đến năm 2004 mở lớp Cao đẳng Phật học tỉnh, đã tốt nghiệp 3 khóa trung cấp và 2 khóa cao đẳng, đào tạo hơn 300 Tăng Ni, một số tiếp tục theo đại học; năm 2007 Trường Phật học Bạc Liêu được công nhận là thành viên của Liên hiệp Các trường Phật học quốc tế. Ban Hoằng pháp của Tỉnh hội có 20 vị được đào tạo thông qua trường lớp của Trung ương hiện đang giảng dạy giáo lý tại các đạo tràng trong tỉnh, tổ chức được một cơ sở bảo trợ học sinh nghèo hiếu học với hơn 50 em. Ngành hướng dẫn Phật tử tổ chức được 53 đạo tràng tu học cho Phật tử và 7 gia đình Phật tử hơn 200 em; tổ chức 2 lần tiếp sức cho 500 học sinh đi thi đại học tại Cần Thơ và TP.HCM. Ban Nghi lễ đã giữ gìn và phát huy được những hình thái nghi lễ Phật giáo qua nhiều lễ hội bởi những thập niên đầu thế kỷ 20, Bạc Liêu được xem là cái nôi của nghi lễ cổ truyền Phật giáo ở Tây Nam Bộ; những kỳ Đại lễ như Phật đản, Vu lan, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ vía Phật, Bồ tát, Lễ tưởng niệm các vị tiền bối hữu công, Lễ cầu siêu cho anh linh liệt sĩ và nhiều cuộc lễ khác được tổ chức chu đáo, đặc biệt Lễ hội Quán Âm Nam Hải là một trong 4 lễ hội được Nhà nước công nhận.
Ở lĩnh vực văn hóa, Báo Giác Ngộ, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình thường xuyên đưa tin, trang báo điện tử của Tỉnh hội đã phát hành hơn 60 kỳ gần 700 bài viết gồm nhiều thể loại hiện có hơn 60 ngàn độc giả trên thế giới; tổ chức 28 cuộc triển lãm hình ảnh hoạt động Phật sự có hơn 40 ngàn lượt người xem; tham mưu cho Tỉnh hội tổ chức thành công hội thảo chủ đề Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ, chuẩn bị tổ chức hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tại các huyện, thành hội Phật giáo có thành lập đội văn nghệ Phật giáo phục vụ các kỳ lễ lớn.
Công tác từ thiện xã hội tổ chức rất tốt, tại các tự viện trong tỉnh có một số Tuệ Tĩnh đường khám bệnh và phát thuốc miễn phí; chùa Bửu Linh có tổ chức bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Hòa Bình; tịnh xá Bửu An và chùa An Thạnh Linh có phòng khám Tây y, Phước Linh Đại Bi Quán nuôi người già neo đơn và trẻ em khuyết tật; Nhà trẻ mồ côi Long Phước nuôi dưỡng 50 em; trong 10 năm qua cứu trợ cứu đói cho đồng bào nghèo, thiên tai lũ lụt, cất nhà tình thương, xây nhà tình nghĩa, bắc cầu bồi lộ, thực hiện an sinh xã hội với tổng giá trị hơn 50 tỉ đồng.
Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 8 đơn vị tập thể và 16 cá nhân của Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu có thành tích đóng góp trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển của địa phương