Bạc Liêu: Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông

GNO - Sáng ngày 25-11, tại thiền viện Trúc Lâm (P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu), Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh và thiền phái Trúc Lâm Bạc Liêu đã long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 711 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.

ANHAA (3).JPG

Chư tôn giáo phẩm niêm hương tưởng niệm


Tham dự có HT.Lý SaMouth, thành viên HĐCM, Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh; chư tôn đức Phó trưởng BTS có: TT.Tăng SaVong, TT.Thích Giác Nghi, TT.Thích Quảng Thới, TT.Thích Giác Tạng; các ban trực thuộc, các vị Trưởng, phó BTS các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; chư tôn đức Hệ phái Trúc Lâm, Tăng Ni trụ trì các tự viện và Phật tử các đạo tràng.

Đại diện lãnh đạo có ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; các vị đại diện Ban Dân tộc - Tôn giáo, các ban ngành đoàn thể tỉnh, TP.Bạc Liêu và UBND phường Nhà Mát.

Tại buổi lễ, ĐĐ.Thích Đạt Ma Khả Kiến, Trưởng ban Hoằng pháp BTS, đại diện thiền phái Trúc Lâm Bạc Liêu tuyên đọc tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là con trưởng của vua Trần Thánh Tông.

ANHAA (1).JPG

Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tham dự Đại lễ tưởng niệm

Năm 16 tuổi, ngài được lập làm Đông cung Thái tử và học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Năm 21 tuổi (1279), ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt. Năm 1282, ngài chủ trì Hội nghị Bình Than để lấy ý kiến toàn dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1284, ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến các vị bô lão, những người đứng đầu các Bộ lạc. Toàn thể hội nghị già trẻ, gái trai đều một lòng tung hô quyết chiến.

Năm 1285, ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên - Mông lần thứ nhất. Ngài đã chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1288. Năm 41 tuổi (1293), ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1294, ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và làm cho nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt. Sau đó, ngài trở về hành cung Vũ Lâm - Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia.

Năm 1299, ngài trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định lấy tên là "Hương Vân Đại Đầu Đà”.

Năm 1304, ngài đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện. Ngài đến Bố Chánh - Quảng Bình lập am Tri Kiến và lưu lại đây một thời gian. Sau đó, được Vua Trần Anh Tông thỉnh vào nội cung để truyền giới Bồ-tát cho bá quan văn võ. Năm 1307, ngài truyền y bát lại cho tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm. Ngài tập trung biên soạn kinh sách, ngữ lục và đã để lại một số tài liệu vô cùng quý báu. Trước khi nhập diệt, ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ: "Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”. Ngài thâu thần thị tịch ngày 1-11-Mậu Thân (1308), trụ thế 51 năm tại am Ngọa Vân - Đông Triều - Quảng Ninh.

ANHAA (2).JPG

Quang cảnh lễ tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tại buổi lễ, TT.Thích Giác Nghi thay mặt Ban Thường trực BTS đọc văn tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Noi gương Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thượng tọa kêu gọi tất cả Tăng Ni, đồng bào Phật tử hãy tăng cường đoàn kết, gắn bó với chính quyền, các ngành các cấp làm tốt đạo, đẹp đời ra sức dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Sau đó, chư tôn giáo phẩm và lãnh đạo các cơ quan đã dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Buổi lễ kết thúc trong tinh thần hoan hỉ với niềm tự hào dân tộc Việt Nam có một vị vua anh minh, thiên tài lỗi lạc, vị vua ấy đã bỏ cung vàng điện ngọc đi tu và khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đã tạo nên một nước Việt Nam an bình, thạnh trị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày