(GNO-Bắc Ninh): Sáng 16-6-2011 (15-5-Tân Mão) tại chùa Tiêu - xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, chư tôn đức Tăng Ni thiền phái Trúc Lâm và chư Ni tại bổn tự đã long trọng tổ chức lễ giỗ Quốc sư Vạn Hạnh.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có: ĐĐ. Thích Kiến Nguyệt - trụ trì TVTL Tây Thiên; ĐĐ. Thích Tâm Thuần - trụ trì TVTL Sùng Phúc; Ni trưởng Thích Đàm Chính - trụ trì chùa Tiêu cùng chư tôn đức Tăng Ni các thiền viện, chùa trong tông môn toàn miền Bắc và đông đảo Phật tử, nhân dân địa phương. Sau khóa lễ cúng Phật, chư tôn đức đã lên đỉnh núi nhiễu tôn tượng và đỉnh lễ Tổ sư. Tại Tổ đường, chư tôn đức đã cử hành khóa lễ cúng Tổ. Đại đức Thích Kiến Nguyệt thay mặt ban tổ chức đã tuyên đọc tiểu sử và công trạng Tổ sư:
“Thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018) - đời thứ 12, dòng Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi
Vạn Hạnh thiền sư họ Nguyễn, người châu Cổ Pháp, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (nay là làng Đình Bảng, Thuận Thành, Bắc Ninh) xuất thân trong một gia đình đời đời tín Phật. Thuở nhỏ, ngài đã có tư chất khác thường, tinh thông Tam học, nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh.
Năm 21 tuổi, xuất gia với Thiền Ông ở chùa Lục Tổ. Ngài thuộc thế hệ thứ bảy, dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi của chùa Pháp Vân. Sau khi thầy qua đời, Thiền sư dốc chí luyện tập môn Tổng trì Tam muội, từ đó lời nào ngài nói ra cũng đều rất ứng nghiệm.
Thiền sư Vạn Hạnh chính là người đã dày công giáo dưỡng Lý Thái Tổ (1010-1028) ở trong chùa từ nhỏ, lúc vua còn là chú tiểu Lý Công Uẩn, theo nghĩa phụ Lý Khánh Văn đến chùa Tiêu Sơn học đạo. Khi thấy Lê Long Đĩnh bạo ngược, trăm họ sống trong cảnh lầm than, bấy giờ Lý Công Uẩn đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ nhà Lê, Thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra nhà Lý. Về sau, cũng chính Thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, để tính kế phồn thịnh muôn đời cho con cháu.
Ngày rằm tháng 5 năm 1025, khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng).
rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).
… Vai trò giúp cho vua Lý Thái Tổ khai sáng một triều đại mới, Thiền sư Vạn Hạnh đã làm tròn trách nhiệm người công dân đối với đất nước, một người con Phật đối với Đạo pháp. Chính ông là đứa con dân tộc và thấm nhuần đạo pháp để rồi ông đảm nhận một trách nhiệm của dân tộc là giúp Lý Công Uẩn lên ngôi và đảm nhận sứ mạng của Như Lai là đem Phật pháp vào đời. Nhờ vậy dưới triều đại nhà Lý vững chắc và thịnh vượng ngự trị hơn 200 năm nhờ thực thi tinh thần Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam…”.
Sau các nghi lễ cúng Tổ, chư tôn đức Tăng Ni cùng toàn thể đạo tràng Phật tử đã có một thời khóa tọa thiền cúng dường chư Tổ. Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm long trọng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Chùa Tiêu là một danh thắng nổi tiếng và cũng là - trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam. Chùa Tiêu hầu như không bị ảnh hưởng bởi các biến cố lịch sử qua nhiều thời kỳ, giữ nguyên được nét kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Chùa là chốn tu thiền giảng đạo của nhiều bậc cao tăng trong đó sư Vạn Hạnh là người trụ trì. Hiện trong chùa còn thờ nhục thân của Thiền sư Như Trí viên tịch năm 1723, là vị hòa thượng đứng thứ 15 trong danh sách các vị hòa thượng đã trụ trì.
Tác bạch cung thỉnh chư tôn đức quang lâm
Cúng Phật tại chính điện
Chư tôn đức nhiễu tôn tượng và đảnh lễ Tổ sư
Tôn tượng Quốc sư Vạn Hạnh trên đỉnh núi
Lễ giỗ Tổ tại tổ đường
ĐĐ. Thích Kiến Nguyệt tuyên đọc tiểu sử Tổ sư
Thời khóa tọa thiền cúng dường Tổ sư