Nét văn hóa nơi cửa thiền ấy đã từ lâu không còn phổ biến. Giác Ngộ giới thiệu lại hình thức sinh hoạt này với hy vọng sẽ được quý độc giả chia sẻ - tiền đề để khôi phục lại nét văn hóa đáng quý của tiền nhân.
Nhân duyên
Hồi năm 2008, Đại đức Thích Nguyên Minh (chùa Phật Quang - Phan Thiết, Bình Thuận) nhân chuyến Phật sự sang Pháp cung đón Đức Đạt lai Lạt ma, có đem về một bàn cờ Phật - bằng chữ Hán, chép tay trên giấy khổ lớn. Theo lời thầy Nguyên Minh, đây là bàn cờ Phật được lưu ở một ngôi chùa Việt tại Pháp, nhân gặp thầy từ Việt Nam qua, lại thấy nơi trời Âu hiện giờ không còn ai biết cách chơi cờ này, nên quý thầy bên đó gửi thầy Nguyên Minh đem về Việt Nam với hy vọng có thể bảo tồn một nét văn hóa Phật giáo của Việt Nam.
Bàn cờ Phật, bản chữ Việt
Người gửi có ghi vắn tắt hướng dẫn cách chơi, nhưng đến khi về Việt Nam, bày bàn cờ ra, cả thầy Nguyên Minh cũng không biết lối chơi cờ Phật là như thế nào.
Hỏi ý kiến một vài vị tu sĩ tại TP.HCM, cũng không ai biết cách sử dụng bàn cờ Phật. Sau đó, trong một lần trò chuyện với thầy Thích Quảng Lợi (chùa Phật Bửu - Q.3, TPHCM), có nghe thầy bảo lúc nhỏ xuất gia ở Bình Thuận từng thấy một vài chùa chơi bàn cờ Phật này, tuy nhiên cung cách thế nào thì thầy không còn nhớ nữa.
Trong một lần tìm đọc tác phẩm "Nhân gian Phật giáo đại cương" của Hòa thượng Thích Trí Hải viết từ năm 1971, thấy Hòa thượng có khuyến khích mọi người "dùng cờ cực lạc thay cho cờ bạc bằng tiền" để "vui và còn hiểu được giáo lý của Đức Phật dạy". Theo Hòa thượng Trí Hải, "Bàn cờ vẽ thành ô vuông, mỗi ô có 6 dòng chữ để Trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Dần dần có ô bỏ địa ngục đi thay bằng các quả vị đã tu chứng được như Sơ thiền, Nhị thiền tới Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, cho đến Đẳng giác, Diệu giác, Phật". Như vậy, rất có thể bàn cờ Cực lạc mà Hòa thượng Trí Hải đề cập đến chính là bàn cờ Phật mà chúng tôi đang gặp. Điều này càng khiến tôi mong muốn tìm kiếm ai đó còn giữ được luật chơi cờ Phật, để học theo nhằm tìm hiểu một hình thức chơi "cờ của nhà chùa", và nếu được, sẽ rủ một số anh em cùng khôi phục truyền thống này trong khuôn khổ gia đình, bạn bè trước đã.
Đến năm sau, trong một dịp sinh hoạt với thầy trò Trung tâm dịch thuật Huệ Quang (tu viện Huệ Quang), tôi sực nhớ đến chiếc bàn cờ Phật và đem hỏi Hòa thượng trụ trì Thích Minh Cảnh. Chẳng dè, thầy Minh Cảnh là người từng chơi cờ Phật từ những năm 1950 tại Sài Gòn, nắm bắt các luật chơi, nhớ được một số phong trào, và quan trọng hơn cả là: vào năm 2008, thầy Thích Minh Cảnh vừa tổ chức thiết kế, in lại bàn cờ Phật với mục đích phổ biến lối sinh hoạt này trong các tự viện như một truyền thống văn hóa vừa có ý nghĩa khuyến tu.
Bước đầu khảo tả và nhận xét về ý nghĩa
Ở đây, tôi căn cứ trên mẫu bàn cờ Phật được in 2 màu, do Hòa thượng Thích Minh Cảnh thực hiện năm 2008 (so sánh với bàn cờ Phật do thầy Nguyên Minh mang từ Pháp về, thấy chỉ sai lạc một vài chỗ không quan trọng lắm):
Bàn cờ Phật hình vuông, chia thành tổng cộng 76 ô vuông, xếp thành 4 vòng và 1 ô trong cùng theo thứ tự từ ngoài vào trong, từ rộng đến hẹp [tượng trưng cho 5 cấp bậc] thể hiện lộ trình của một người tu từ khi bắt đầu phát tâm xuất gia tu Phật cho đến khi đạt quả vị Vô thượng Chánh giác - thành Phật.
Mỗi ô trên bàn cờ tượng trưng cho một vị trí [của người tu] trên đường tu. Mỗi vòng (cấp bậc) thể hiện một trình độ tu chứng nhất định. Ô trong cùng là ngôi vị Phật. Tại mỗi ô, theo từng cấp bậc (vòng trên bàn cờ) lại được chia thành các danh vị với tên gọi là các thuật ngữ trong nhà Phật, chủ yếu là thể hiện 3 cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), 6 đường (trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục), và các giai vị Thánh, Phàm, Tu chứng…
Người chơi dùng cách gieo hột xí ngầu (con xúc xắc) để di chuyển giữa các ô và các vòng từ vị trí "Sơ khởi phát tâm" đến "Vô thượng Chánh giác".
Tại mỗi ô của vòng ngoài cùng có 6 danh vị tương ứng với 6 mặt của con xúc xắc, cũng chính là tượng trưng cho 6 khả năng người tu sẽ gặp phải khi đang ở tại vị trí ấy. Chẳng hạn: tại ô "Phát tâm xuất gia" có 6 khả năng: 1. Địa ngục đạo, 2. Nhơn luân đạo, 3. Tu la đạo, 4. Di Lặc nội viện, 5. Phước Ái thiên, 6. Đao Lợi thiên. Người chơi, tùy vào kết quả gieo con xúc xắc, sẽ di chuyển từ ô "Phát tâm xuất gia" đang đứng đến 6 ô khác có tên như vừa trình bày.
Vì dùng con xúc xắc, nên người chơi di chuyển trên bàn cờ là do may rủi, nhưng quá trình ấy được tượng trưng cho hành trình tu tập. Bởi vậy, tại hai vòng ngoài cùng thì mỗi ô có 6 khả năng xảy ra - người chơi phải đi qua hành trình rất nhiều vị trí như vậy, cho đến khi gặp một vị trí thuộc hàng trong, thì được lên một cấp. Và sau vòng thứ 2, bàn cờ Phật lúc này là khu vực "Bất thoái chuyển", tức người chơi khi đã vào đến đây thì không phải trở về các ô vòng ngoài. Các ô (vị trí) của khu vực "Bất thoái chuyển" này được đặt tên bằng các quả vị tu chứng như: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Thập tín vị, Thập hạnh vị, Thập trụ vị, Thập hướng vị… và các khả năng (vị trí) gặp phải trong mỗi ô cũng ít dần đi, chỉ còn từ 3 đến 1 khả năng. Chẳng hạn, trong ô "Tu đà hoàn quả" có 3 khả năng: 4. A la hán quả, 5. A na hàm quả, 6. Tư đà hàm quả, tức là: khi người chơi vào đến ô "Tu đà hoàn quả" này, sẽ phải gieo con xúc xắc sao cho ra các mặt 4, 5, 6 thì mới đi tiếp được, còn nếu gieo xúc xắc gặp các mặt 1, 2, 3 thì không đi được, phải đợi đến lượt gieo lại. Tại ô "Hạ phẩm hạ sanh" (cũng thuộc khu vực "Bất thoái chuyển") thì chỉ có 2 khả năng: 4. Hạ phẩm thượng sanh, 6. Hạ phẩm trung sanh, tức là: người chơi vào đến ô này phải gieo xúc xắc lên các mặt 4, 6 mới được đi tiếp, còn gieo lên các mặt 1, 2, 3, 5 thì không được đi. Tương tự, vào đến ô "Thập địa" thì chỉ có 1 khả năng là: 4. Đẳng giác. Ô "Đẳng giác" cũng chỉ có 1 khả năng là: 4. Diệu giác. Ô "Diệu giác" cũng chỉ có 1 khả năng là: 4. Viên giác. Và ô "Viên giác" cũng chỉ có 1 khả năng là: 4. Vô thượng Chánh giác - hết cờ.
Bàn cờ Phật, bản chữ Hán
Chúng tôi nhận thấy: Tại hai vòng ngoài, vị trí "Địa ngục đạo" xuất hiện với mật độ dày đặc tại các ô: 16 lần/ 28 ô. Điều thú vị là nếu người chơi vào đến ô "Sơ thiền thiên" ở vòng 2 vẫn có 1 khả năng trở về ô "Bắc câu lô châu" ở vòng ngoài, và tại ô "Bắc câu lô châu" này lại có 1 khả năng rơi vào "Địa ngục đạo". Điều này có thể xuất phát từ ý người sáng lập bàn cờ Phật muốn lưu ý đến việc: người bắt đầu tu tập, nếu không cẩn thận, sẽ gặp rất nhiều trường hợp bị đọa địa ngục. Trong khi đó, xác suất từ vòng ngoài vào trực tiếp khu vực "Bất thoái chuyển" là rất thấp: chỉ có 4 vị trí trong 28 ô.
Và tại khu vực "Bất thoái chuyển", người chơi cờ không còn bị quay lại các ô vòng ngoài mà chỉ hướng tới những vị trí của vòng trong, tuy nhiên, đến đây thì xác suất để đi tiếp là khó hơn. Quy luật trên bàn cờ ở đây được xây dựng trên lý thuyết tu chứng các quả vị của đạo Phật, vì khi người tu đạt các quả vị Bất thoái chuyển, tức là không còn quay trở lại lục đạo luân hồi nữa, nhưng để tiến tu đến quả vị Phật thì vẫn còn xa, rất xa.
Dù vậy, người xây dựng bàn cờ Phật cũng tính toán đến một trường hợp rất đặc biệt: đó là kể từ khi bắt đầu, nếu người chơi gieo xúc xắc liên tiếp 4 lần gặp mặt số 4, là đạt quả vị Phật.
Cách chơi
Cùng nhau chơi ván Cờ Phật mỗi độ Xuân về
Sử dụng bàn cờ Phật: in, vẽ trên giấy hoặc vải.
Số người chơi: từ 2 đến 6 người.
Cách thức: mỗi người chọn cho mình một "vật đại diện" tùy ý (hột nút, chiếc chìa khóa, đồng xu…) để tại ô bắt đầu trên bàn cờ là "Sơ khởi phát tâm". Dùng một con xúc xắc (xí ngầu), mỗi người theo thứ tự gieo vào tô, và kết quả được mặt số bao nhiêu thì đi đến vị trí đã quy định. Cứ lần lượt như thế, ai đến ô "Vô thượng Chánh giác" sớm nhất, là thắng.
Luật ăn - thua: mỗi ván cờ chọn hiện vật hay hiện kim để mỗi người cùng đặt vào trước khi chơi, ai may mắn vào đến "Vô thượng Chánh giác" trước nhất là được toàn bộ số hiện vật hay hiện kim đó. Ngoài ra, tại mỗi ô, nếu khi gieo xúc xắc phải đi đến ô nào, mà ô đó đã có người đang đứng, thì người đến sau phải chung "tiền" hoặc hiện vật cho người đứng trước, số lượng bao nhiêu tùy theo quy định mỗi cuộc cờ, quy luật này gọi là "nộp tiền trọ". Do đó, ván cờ Phật thú vị ở chỗ có người rơi vào ô "Địa ngục đạo", mãi chưa ra được, nhưng sau đó có quá nhiều người cũng vào ô "Địa ngục đạo", nên số "tiền trọ" người vào địa ngục đầu tiên thu được cũng kha khá.
Lời kết
Chúng tôi chưa sưu tra được chính xác bàn cờ Phật này là sản phẩm của ai, và xuất hiện vào thời nào, xin hẹn quý độc giả một dịp khác. Theo lời Hòa thượng Thích Minh Cảnh thì trước đây, trong một số chùa ở Sài Gòn có dùng bàn cờ Phật ghi bằng chữ Hán. Đến năm 1950, Hòa thượng Giác Quang ở chùa Thiên Phước (Cầu Kho - Sài Gòn) dịch ra tiếng Việt, và có in, phổ biến. Sau này chùa Giác Hải ở Phú Lâm cũng có chơi. "Khi đó, chỉ có trong chùa mới chơi, vì người dân không rành chữ Hán, không sử dụng bàn cờ Phật được. Quý thầy mỗi độ xuân về, thường vào tối mùng 3 tết, khi chùa đã vãn khách, mới ngồi lại cùng nhau uống trà, chơi chừng vài ba ván cờ Phật để xem ai được may mắn vào ngôi vị Chánh giác nhanh nhất", Hòa thượng Thích Minh Cảnh nhớ lại. Tuy nhiên, sau bao nhiêu biến động của lịch sử nước nhà, Phật giáo cũng lao đao và một thú chơi tao nhã ngày xuân nơi cửa thiền cũng vì thế mà rơi vào quên lãng. Điều trùng hợp là cũng năm 2008, khi Đại đức Thích Nguyên Minh mang bàn cờ Phật từ nước Pháp về Việt Nam, thì cũng năm này, Hòa thượng Thích Minh Cảnh cho in lại một số bàn cờ Phật để giới thiệu cho một số chùa tại TP.HCM, có đóng gói, kèm hột xí ngầu hẳn hoi. "Nhưng đến nay, không thấy nơi nào phản hồi, không biết người ta có còn chơi không", Hòa thượng Thích Minh Cảnh băn khoăn. Dù vậy, nếu cộng đồng Phật tử và công chúng hôm nay để ý đến lời khuyến khích của Hòa thượng Thích Trí Hải mà áp dụng lối chơi cờ Phật, thì ngay chính lúc giải trí như vậy, cũng có tác dụng nhớ được các ngôi vị thánh phàm, nhớ các quả vị tu chứng, nhớ con đường của người tu cũng trầm luân khổ ải v.v… Như bài thơ "Vịnh cờ Phật" mà Hòa thượng Minh Cảnh cảm đề nhân dịp in lại bàn cờ này:
Gắng công ước nguyện viên thành.