Những trí thức này đã có một ý thức dân tộc rất cao và một bản lĩnh khí phách tuyệt vời. Khi có cơ hội, họ sẵn sàng đấu tranh với các hoàng đế Trung Quốc để đòi quyền được đối xử bình đẳng. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, chưa có nhà nghiên cứu nào ở trong và ngoài nước tìm hiểu. Trên cơ sở những tư liệu ghi chép trong các bộ cổ sử và sách xưa của Trung Quốc và Việt Nam, bài viết này sẽ đi sâu bàn thêm để khẳng định bản lĩnh và khí phách của các trí thức Việt Nam trước triều đình Trung Quốc ở những thế kỷ trước và sau Công nguyên.
Dẫn nhập
Năm 111 TCN, Hán Vũ Đế (141 TCN-87 TCN) nhà Tây Hán thôn tính nước Nam Việt của nhà Triệu, trong đó có Lạc Việt và Âu Việt, từ đây tộc Việt bị nhà Hán đô hộ. Công cuộc đô hộ này của các triều đại Trung Quốc kéo dài hơn một ngàn năm. Trong thời gian đằng đẵng ấy đã có nhiều nhân sĩ trí thức người Việt thi đỗ và làm quan dưới các triều đại phong kiến ở Trung Quốc. Tuy là quan chức nhưng các nhân sĩ người Việt vốn xuất thân là dân bị trị, lại bị người Hán coi thường là “Nam man”, nên họ luôn đấu tranh đòi quyền bình đẳng, yêu cầu triều đình phong kiến Trung Quốc đối xử ngang hàng như các quan lại gốc Hán, với một khí phách và bản lĩnh kiên cường, lời lẽ đấu tranh thấu tình đạt lý, được các triều đại Trung Quốc chấp thuận theo đề nghị. Việc này đã được các sử gia Trung Quốc ghi chép trong các bộ cổ sử như Sử ký của Tư Mã Thiên, Tiền Hán thư của Ban Cố, và trong bộ sử Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử gia triều Lê.
Trên cơ sở tư liệu trong các bộ cổ sử và sách xưa, bài viết này sẽ bàn sâu thêm về bản lĩnh và khí phách của các nhân sĩ trí thức người Việt trong công cuộc đấu tranh chống Hán hóa và đòi quyền bình đẳng tại triều đình phong kiến Trung Quốc.
Tấm gương trí thức tinh hoa đầu tiên được bài viết này giới thiệu là Lữ Gia (191 TCN-110 TCN). Quê ông ở huyện Lôi Dương quận Cửu Chân (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông là bậc lão thần, từng giữ chức Thừa tướng dưới ba đời vua nhà Triệu: Minh Vương Triệu Anh Tề (124-113 TCN), Ai Vương Triệu Hưng (112 TCN), Thuật Dương Vương Triệu Kiến Đức (112-111 TCN) và là người có uy tín lớn của nước Nam Việt lúc bấy giờ, được dân chúng tin cậy. Sử ký của Tư Mã Thiên và Tiền Hán thư của Ban Cố đã cho biết thông tin về ông với những uy đức như sau: “Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã lớn, làm Thừa tướng qua ba triều vương, trong tông tộc có đến hơn bảy mươi người làm quan trưởng lại, con trai đều lấy con gái nhà vương, con gái đều gả cho con trai và anh em trong tôn thất nhà vương, lại có quan hệ thông gia với Tần vương ở Thương Ngô, là nhân vật trọng yếu ở trong nước, được người Việt rất tin cậy, nhiều kẻ làm tai mắt cho, được lòng người hơn quốc vương (Sử ký. Nam Việt liệt truyện. Tiền Hán thư. Tây Nam di, Lưỡng Việt, Triều Tiên truyện)/相呂嘉年長矣,相三王,宗族官貴為長吏七十餘人,男盡尚王女,女盡嫁王子弟宗室,及蒼梧秦王有連。其居國中甚重,粵人信之,多為耳目者,得眾心愈於王。 (司馬遷:《史記.南越列傳》卷一百一十三(上海:中華書局,1959),頁2972。); (班固:《 前漢書.西南夷兩粵朝鮮傳)卷95, 影印光緒31刻本(1905),頁13b 。)
Minh Vương Triệu Anh Tề vốn đã có con lớn với người vợ gốc Việt, sinh ra Triệu Kiến Đức, nhưng sau khi ông sang Hàm Đan, Trung Quốc gặp Cù Thị thì mê đắm bà, sinh ra Triệu Hưng, khi lên ngôi ông phong Cù Thị làm hậu. Năm 113 TCN, Minh Vương mất, Triệu Hưng lên nối ngôi. Cù Hậu trước khi lấy Anh Tề, bà đã từng thông dâm với An Quốc Thiếu Quý. Vua Vũ Đế nhà Hán thấy Triệu Ai Vương còn ít tuổi, có mẹ là người Hán nên sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Triệu Ai Vương cùng Cù thái hậu vào chầu như các chư hầu nhà Hán, lại sai quan Gián nghị đại phu là Chung Quân tuyên dụ, cùng Dũng sĩ là Ngụy Thần giúp việc, còn Vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả. Lần này Thiếu Quý đến, Cù hậu lại tư thông, người trong nước bất bình, Cù hậu lo sợ nên muốn dựa vào uy lực của nhà Hán, nhờ sứ giả dâng thư xin nội thuộc và theo lệ cứ ba năm một lần vào chầu. Vua Hán bằng lòng. Nhưng Thừa tướng Lữ Gia không chấp nhận, dù ông đã nhiều lần dâng thư khuyên can Cù hậu và Triệu Ai Vương, nhưng họ không nghe ông. Để giữ vững độc lập tự chủ, Lữ Gia đã tổ chức binh biến vào năm 112 TCN. Trước khi tổ chức binh biến, Lữ Gia đã tuyên bố lời hịch để triều đình và nhân dân cùng tỏ tường. Lời hịch đã được Tư Mã Thiên và Ban Cố đều chép như sau: “Vương còn nhỏ tuổi. Thái hậu là người Trung Quốc, lại dâm loạn với sứ giả, chuyên tâm muốn nội phụ, đem hết những đồ quý giá của tiên vương dâng hiến cho Thiên tử để dua nịnh. Nhiều kẻ tùy tòng, đi đến Trường An, bèn bị bắt bán cho người làm đầy tớ. Chỉ cốt cái lợi một lúc của mình, mà không trông đến xã tắc của họ Triệu, lo tính mưu kế muôn đời vậy. (Sử ký, Nam Việt liệt truyện. Tiền Hán thư. Tây Nam di, Lưỡng Việt, Triều Tiên truyện)/王年少。太後,中國人也,又與使者亂,專欲內屬,盡持先王寶器入獻天子以自媚,多從人,行至長安,虜賣以為僮仆。取自脫一時之利,無顧趙氏社稷,為萬世慮計之意。. (司馬遷:《史記.南越列傳》第九冊(上海:中華書局,1959),頁2972。); (班固:《前漢書.西南夷兩粵朝鮮傳)卷95-96, 影印光緒31刻本(1905),頁13a 。)
Sau đó, Thừa tướng cùng em đem quân đánh giết Ai Vương, Cù hậu và sứ giả, rồi lập Triệu Kiến Đức Thuật Dương Vương lên ngôi. Viện binh của nhà Hán do Hàn Thiên Thu kéo sang đã bị quân Việt tiêu diệt, rồi ông cho quân binh trấn giữ những nơi hiểm yếu: “Bèn cùng em đem quân đánh giết vương, thái hậu và sứ giả nhà Hán. Sai người báo với Tần vương ở Thương Ngô và các quận huyện. Lập trưởng nam của Minh vương, con của người vợ Việt, là Thuật Dương hầu Kiến Đức lên làm vương. Quân của Hàn Thiên Thu tiến vào, phá mấy ấp nhỏ. Sau đó, quân Việt bèn mở đường lấy lương thảo, còn cách Phiên Ngung bốn mươi dặm, thì quân Việt mới đem quân đánh bọn Thiên Thu, diệt bọn Thiên Thu. (Lữ Gia) sai người gói ghém phù tiết của sứ giả nhà Hán đưa đến biên ải, lựa lời khéo dối mà tạ tội, đồng thời phát binh trấn giữ những nơi hiểm yếu. /乃與其弟將卒攻殺太后、王,盡殺漢使者。遣人告蒼梧秦王及其諸郡縣,立明王長男粵妻子術陽侯建德為王。而韓千秋兵之入也,破數小邑。其後粵直開道給食,未至番禺四十里,粵以兵擊千秋等,滅之。使人函封漢使節置塞上,好為謾辭謝罪,發兵守要害處。(司馬遷:《史記.南越列傳》第九冊(上海:中華書局,1959),頁2972。); (班固:《前漢書.西南夷兩粵朝鮮傳)卷95-96,影印光緒31刻本(1905),頁13a 。) Nghe tin Hàn Thiên Thu bị giết, vua Hán sai Lộ Bác Đức, Dương Bộc cùng các tướng lĩnh khác kéo vài chục ngàn quân sang xâm lược Nam Việt. Dù quân ta chống trả quyết liệt, nhưng lực yếu, cuối cùng năm 111 TCN vua nhà Triệu cùng Thừa tướng bị giặc bắt rồi bị giết. Các xứ ở Nam Việt xin hàng. Nhà Hán dưới thời Hán Vũ Đế trị vì 54 năm đã là một quốc gia hùng mạnh, phát triển mọi mặt đều đạt đến đỉnh cao. Xuất phát từ tinh thần độc lập dân tộc, Thừa tướng Lữ Gia đã lãnh đạo dân binh chống lại ý đồ đô hộ của hoàng đế nước lớn đã là một sự dũng cảm, thể hiện một bản lĩnh, khí phách kiên cường.
Chính vì vậy mà các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đã hết lời ca ngợi ông. Để tưởng nhớ công ơn của Thừa tướng, nhân dân ta đã xây lăng mộ lập đền thờ ông ở xã Đặng Lễ huyện Ân Thi, Hưng Yên là nơi gia đình ông từng cư ngụ sau khi rời khỏi Thanh Hóa; nhân dân còn lập đền thờ ở xã Quang Yên huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc và một số đền thờ khác ở Vụ Bản, Nam Định. Tên của ông còn được đặt tên đường ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt.
Tấm gương trí thức thứ hai là danh sĩ Trương Trọng. Ông là nhân sĩ người Việt đầu tiên đã dũng cảm biện bác với vua nhà Hán Minh Đế (57-75). Trong sách Bách Việt tiên hiền chí quyển 2, Âu Đại Nhậm đã cho biết sơ lược thông tin về Trương Trọng và lời biện bác của ông tâu lên khi trả lời những câu hỏi của vua Hán Minh Đế 漢明帝 (còn gọi là Hán Hiến Tông 漢顯宗), vị hoàng đế thứ hai của nhà Đông Hán. Điều mà chúng tôi muốn lưu ý ở đây theo sử sách thì Hán Minh Đế là một ông vua tài giỏi, có nhiều công lao, nhưng thi hành chính sách thống trị hà khắc, vậy mà những câu trả lời của Trương Trọng đã không làm cho nhà vua phật ý, trái lại còn thích thú, ngợi khen và ban thưởng. Trong sách Bách Việt tiên hiền chí quyển 2, Minh Thuận Đức Âu Đại Nhậm Trinh Bá (Âu Đại Nhậm, tự là Trinh Bá, người ở Thuận Đức, đời nhà Minh) đã viết: “Trương Trọng, tự Trọng Đốc, người Hợp Phố, là danh sĩ đất Lĩnh Nam. Thứ sử đề cử ông làm tòng sự đất Nhật Nam, đến Lạc Dương yết kiến vua Hán, Hán Minh Đế thấy ông thấp bé, hỏi ông rằng: “Viên quan nhỏ bé của quận nào vậy?” Trương Trọng phản kháng đáp rằng: “Thần là Kế lại Nhật Nam, không phải viên quan nhỏ bé. Bệ hạ muốn dùng người có tài cán hay muốn đo xương cân thịt?” Vua thích lời đáp ấy. Tiệc mừng Tết Nguyên đán, vua hỏi rằng: “Quận Nhật Nam nhìn về hướng Bắc mới thấy mặt trời, phải vậy không?” Trọng đáp rằng: “Có quận Vân Trung, Kim Thành, không hẳn sự thực đều là “trong mây”, “thành vàng”. Mặt trời ở quận Nhật Nam cũng mọc từ đằng Đông. Còn về khí hậu thì ấm áp, mặt trời chiếu rọi trên cao, quan dân cư trú, tùy theo tâm trạng sở thích mà lựa chọn phương hướng Đông Tây Nam Bắc và phía sau lưng cho phù hợp. Còn như tên gọi Nhật Nam, là do khu vực này thiên về phía Nam vậy”. Vua càng khen về ông, ban cho lụa là, vàng bạc. Từ đó, ông đều hiến kế mỗi khi được triệu kiến, và mỗi lần đều được ban thưởng. /張重,字仲篤,合浦人。篤學善言,為嶺表望士。刺史推擇,為日南都從事。上計入洛,明帝訝其麽麼,問之曰:「何郡小吏? 」重抗聲對曰:「臣、日南計吏,非小吏也!陛下欲得其才邪? 抑將稱骨度肉也。」帝善其對。正旦大會,帝問曰:「日南郡北向視日耶?」重對曰:「郡有雲中,金城,不必皆有其實。日南日亦俱出於東爾。至於風氣暄暖,日影仰當,官民居止,隨情面向,東西南北,回背無定,所謂日域在南者也。」帝益善之,賜以金帛。自此,上計召對,皆有賞焉。(歐大任:《百越先賢志》卷二, 文津閣《四庫全書影印》,頁51-52。)
Tấm gương trí thức tinh hoa thứ ba là Thứ sử Lý Tiến với lời tấu sớ tâu lên vua Hán Hiến Đế cùng cuộc biểu tình nhỏ của Bốc Long và Lý Cầm tại sân điện của triều đình nhà Hán. Hán Hiến Đế ở ngôi 31 năm (189-220), là vị hoàng đế thứ 14 của nhà Đông Hán và cũng là hoàng đế cuối cùng của nhà Hán, bởi sau đó ông bị Tào Phi ép nhường ngôi để lập ra nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Lý Tiến bấy giờ đang giữ chức quan Thứ sử, năm 200, ông dâng tấu sớ lên vua với nội dung “khắp cả thiên hạ đều là bầy tôi của vua, các quan của triều đình đều là người ở Trung Châu, triều đình chưa từng khuyến khích người ở xa”. Vua nhà Hán chấp thuận mới cho những người là hiếu liêm, mậu tài ở Giao Châu làm Trưởng lại trong châu, chứ không nhận những người ở Trung Châu. Một lần khác, Lý Tiến tiếp tục dâng sớ tâu “Người được cử làm hiếu liêm xin cho được như bác sĩ ở mười hai châu, căn cứ theo nhân tài mà đối xử”. Nhưng lần này Hữu ty của triều đình can ngăn nên nhà vua không chấp thuận lời tâu ấy của ông.
Bấy giờ, nhân ngày hội các nước đến triều kiến tại triều đình nhà Hán, một số quan lại người Việt là Bốc Long và Lý Cầm cùng 5, 6 người khác là lính túc vệ đã quỳ trước ở sân điện, hô to rằng: “Ơn vua ban không đều”. Hữu ty hỏi nguyên nhân, Lý Cầm trả lời: “Nam Việt ở xa không được trời che, đất chở, cho nên mưa ngọt không xuống, gió mát không đến”. Hiến Đế liền hạ chiếu an ủi, lấy một người mậu tài làm Hạ Dương lệnh, một người hiếu liêm làm Lục Hợp lệnh.
Vậy là cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của các quan lại người nước Nam trước triều đình nhà Hán ở Trung Quốc bước đầu được thắng lợi, được vua nhà Hán chấp thuận lời tâu. Cuộc đấu tranh này đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh tuyệt vời của trí thức nước Nam. Đại Việt sử ký toàn thư ở phần Ngoại kỷ, mục Sĩ Vương kỷ đã chép như sau: Năm Canh Thìn thứ 14 (năm 200), thứ sử Lý Tiến dâng tấu lên Hán Hiến Đế: Khắp cả thiên hạ đều là bề tôi của vua. Nay Kiến An năm thứ 5 làm quan ở triều đình đều là sĩ phu ở Trung Châu cả, chưa từng khuyến khích người xa”. Lời lẽ thống thiết, viện dẫn nhiều dẫn chứng. Vua Hán cho những người được đề cử hiếu liêm, mậu tài của Giao Châu làm Trưởng lại trong châu, không nhận những người ở Trung Châu. Lý Tiến lại dâng sớ nói: “Người được cử làm hiếu liêm xin cho được như bác sĩ ở mười hai châu, căn cứ theo nhân tài mà đối xử”. Tuy nhiên lần này Hữu ty của triều đình lại viện cớ người phương xa không thật thà, hay bắt bẻ, chê bai triều đình nên không chấp thuận. Lúc bấy giờ, niên hiệu Chính Nguyên, nhân ngày hội các nước đến triều kiến, người Việt ta là Lý Cầm (Lý Cầm người Giao Châu) cùng đồng hương là Bốc Long khoảng 5, 6 người là lính túc vệ, đến quỳ ở sân điện, hô rằng: “Ơn vua ban không đều”. Hữu ty hỏi nguyên nhân, Lý Cầm trả lời: “Nam Việt ở xa không được trời che, đất chở, cho nên mưa ngọt không xuống, gió mát không đến”. Lời lẽ khẩn thiết đau đớn. Hiến Đế liền hạ chiếu an ủi, lấy một người mậu tài làm Hạ Dương lệnh, một người hiếu liêm làm Lục Hợp lệnh. Sau Lý Cầm làm quan đến Tư Lệ hiệu úy, Trương Trọng làm quan đến Kim Thành thái uý. Nhân tài nước Việt và người Hán cùng được tuyển dụng, Lý Cầm, Lý Tiến có công lao mở đầu việc ấy. (Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư, mục Sĩ Vương kỷ. Tập 1. Bản dịch. NXB Khoa học Xã Hội. Hà Nội. 1967. Tr 96-102) /庚辰十四年 (漢獻帝協建安五年)。刺史李進上言於漢帝曰:「率土之濱,莫非王臣。今建安五年登仕朝廷,皆中州之士,未嘗獎勸遠人。」辭意感切,多所援引。漢帝詔我州之有孝廉、茂才,許除補屬州長吏,不得任中州。進覆上疏曰:「所舉孝廉,請與十二州博士以人才專對。」而有司恐遠人虛誕,毀折中朝,不許。時我越人李琴 (琴交州人)宿衛在台,遂邀鄉人卜龍等五六人,當正元萬國朝會之日,俯伏殿庭曰:「皇恩不均。」有司問其故。琴曰:「南越遷遠,不為皇天所覆,後土所載。故甘雨不降,涼風不飛。」辭意懇苦。詔慰勞之,以我茂才一人為夏陽令,孝廉一人為六合令。後李琴仕至司隸校尉,張重為金城太守。則我越人才得與漢人同選者,李琴、李進有以開之也。(陳荊和編校《大越史記全書·士王紀》(日本:東京大學東洋文化研究所發行,昭和五十九年(1984年),頁130-131。)
Tiếp theo ở thế kỷ thứ V có tấm gương trí thức tên là Tinh Thiều. Thời nước ta bị nhà Lương đô hộ bởi triều đại Lương Vũ Đế (sinh 464, mất 549), trị vì 48 năm (502-549), Tinh Thiều một danh sĩ từ Giao Chỉ sang nhà Lương để cầu chức quan. Thượng thư Bộ Lại nhà Lương là Sái Tỗn thấy họ Tinh không phải là họ lớn, chưa có ai hiển đạt nên chỉ cho một chức quan nhỏ, chức Quảng Dương môn lang. Ông cảm thấy nhục, không nhận, về lại quê nhà, đi theo Lý Bí khởi nghĩa giành lại độc lập tự chủ. Khi Lý Nam Đế thành lập nhà nước Vạn Xuân (năm 544) thì Tinh Thiều được cử đứng đầu ban Văn, Đại tướng Phạm Tu đứng đầu ban Võ. Hiện không thấy tư liệu nào ghi chép tường minh về Tinh Thiều. Trong Đại Việt sửkýtoànthư, kỷ Lý Nam Đế có nhắc đến “Tinh Thiều là người giỏi văn chương”. Còn trong Dung Trai tùy bút, tác giả Hồng Mại ở Trung Quốc có cho biết thông tin sơ lược về Tinh Thiều như sau: “Tinh Thiều: Thời Nam triều Lương Võ đế, có người Giao Chỉ tên Tinh Thiều, giỏi văn chương, tài năng phi phàm, ông đến bộ lại cầu chức quan, quan Thượng thư bộ lại là Sái Tỗn thấy họ Tinh trước nay chưa có ai hiển đạt, chỉ cho chức Quảng Dương môn lang (lính giữ cổng thành Quảng Dương). Thiều thấy nhục nhã, quay về cố hương, mưu đồ nổi loạn. Phàm dựa vào danh vọng gia tộc cao thấp để quyết định cấp bậc tuyển cử là tệ pháp từ thời Đông Tấn, Lưu Tống, Sái Tỗn chọn người hiền như thế, không thể bỏ đi lề thói cũ, tại sao? (/并韶: 梁武帝時,有交趾人并韶者,富於詞藻,詣選求官,而吏部尚書蔡撙以并姓無前賢,除廣陽門郎。韶恥之,遂還鄉里謀作亂。夫用門地族望為選舉低昂,乃晉、宋以來弊法,蔡撙賢者也,不能免俗,何哉? ) . (洪邁:《容齋隨筆》(台北:大立出版社,1981年),頁213。)
Hành động từ chối chức quan, chê chức quan nhỏ, thấp của Tinh Thiều đã thể hiện khí tiết của trí thức nhân sĩ Việt Nam lúc bấy giờ, thật đáng khâm phục và nêu gương.
Riêng về tài năng văn chương của người Việt trong thời gian nước ta bị phương Bắc đô hộ thì có vài nhân sĩ đã làm cho người phương Bắc nể trọng mà theo thông tin trong sử sách, có thể nhắc đến vài tên tuổi như Phùng Đái Tri, Tiến sĩ Khương Công Phụ. Vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân, trị vì 626-649) đã khen thơ của Phùng Đái Tri là “không thua nhường Trung Quốc” (bất tốn Hoa hạ). Bài phú Bạch vân chiếu xuân hải白雲照春海賦 của Khương Công Phụ姜公輔 với lời lẽ tao nhã, thoát sáo đã khiến cho người đời Đường xưng phục, ca ngợi.
Kết luận
Tóm lại, trên đây là một vài thông tin về các nhân sĩ trí thức người Việt đã được các bộ cổ sử và sách xưa ở Trung Quốc và Việt Nam có ghi lại. Những thông tin đó đã thể hiện rõ bản lĩnh, khí phách của những tinh hoa – những tấm gương ưu tú, tiêu biểu cho trí thức Việt Nam, dù lúc bấy giờ đất nước ta đang bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, thì bản lĩnh khí phách ấy càng ngời sáng và tuyệt vời hơn. Thật là “nhân tài đời nào cũng có” như lời người xưa đã dạy, quả là không sai. Bản lĩnh, khí phách cùng tinh thần bất khuất ấy của giới trí thức như trên đã nêu chính là căn tính của người Việt. Cho nên dù đang là thân phận dân nô lệ những những trí thức ấy khi có cơ hội đã vùng dậy đấu tranh, kể cả chiến đấu để giành lại độc lập tự chủ cho đất nước*.
____________
N.C.L-N.C.T.D
Nguyễn Công Lý, PGS.TS.GVCC Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh.
Nguyễn Công Thanh Dung, ThS.GV Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
司馬遷:《史記.南越列傳》卷一百一十三(上海:中華書局,1959),頁2972。
班固:《 漢書.西南夷兩粵朝鮮傳)卷95,影印光緒31刻本(1905),頁13b 。
歐大任:《百越先賢志》卷二, 文津閣《四庫全書影印》,頁51-52。
洪邁:《容齋隨筆》(台北:大立出版社,1981年),頁213。
大越史記全書 · 士王紀. (Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê. Đại Việt sửkýtoànthư, mục Sĩ Vương kỷ. Tập 1. Bản dịch. NXB Khoa học Xã Hội. Hà Nội. 1967. Tr 96-102).
陳荊和編校《大越史記全書 · 士王紀》(日本:東京大學東洋文化研究所發行,昭和五十九年(1984年),頁130-131.
(NSGN 347)