GN - Là một doanh nhân Phật tử với triết lý kinh doanh lợi mình, lợi người - phù hợp với quan điểm Phật giáo, chị Trần Thị Xuân Quyên đã cùng chồng sáng lập Trường Quản lý Khách sạn Việt Úc với mong muốn chia sẻ công việc cho nhiều người. Đầu năm Nhâm Thìn 2012, chị có nhiều chia sẻ về đạo, đời:
Lúc nhỏ tôi thường đến chùa lễ Phật nhưng thú thật lúc đó chỉ là mê tín! Rồi tình cờ đọc được những cuốn sách nói về triết lý đạo Phật như Đạo Phật trong kinh doanh, Đạo Phật trong cuộc sống…, đồng thời, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống: buồn vui, đau khổ, hạnh phúc tôi cũng nếm trải đủ cả, nghiệm ra mới thấy rằng lời Đức Phật dạy dù đã trải qua bao thế kỷ nhưng đến nay giá trị của lời dạy ấy không hề thay đổi.
Tôi nghĩ rằng, đến với một tín ngưỡng tôn giáo nào cũng tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi người. Riêng tôi, đạo Phật rất gần gũi với cuộc sống, giúp cho mình tu sửa, áp dụng, thực hành những triết lý Phật giáo giúp cho tôi cảm thấy an lạc và nhẹ nhàng hơn giữa biển đời luôn nổi sóng…
Chị Trần Thị Xuân Quyên - Ảnh: Phong Châu
Trong cuộc sống thì như vậy, còn trong công việc kinh doanh, dạy nghề, chia sẻ kỹ năng cho bạn trẻ - học viên, chị ứng dụng lời Phật dạy như thế nào?
- Chị Trần Thị Xuân Quyên: Làm bất cứ việc lớn nhỏ gì tôi đều ứng dụng luật Nhân quả và tôi cũng rất thích nghiên cứu các ứng dụng khoa học trong đạo Phật. Tại sao tôi thất bại, tại sao người khách hàng ấy giận dữ với tôi, tất cả đều được tôi lý giải dưới góc nhìn về luật Nhân quả.
Tôi may mắn làm trong môi trường giáo dục nên cũng ít va chạm hơn những ngành nghề khác. Trường tôi dạy nghề (ngành khách sạn - nhà hàng), học viên sau khi ra trường ai cũng mong kiếm cho mình một công việc ổn định; có những học viên đến trường trong hoàn cảnh rất khó khăn, họ mong được học nghề để đi làm, tiền học phí họ đóng cho mình gần như là cả tài sản của họ. Cho nên mỗi khóa học, mỗi giờ học, tôi và tập thể nhân viên, giảng viên của trường đều lên lớp với một chữ Tâm, truyền đạt hết những kiến thức, kinh nghiệm cho học viên. Bởi chúng tôi hiểu rằng, chỉ khi họ có năng lực, kỹ năng và tình yêu nghề, có đạo đức thì mới có thể thành công nên mình không thể qua loa, dạy cho họ một cách hời hợt, vô cảm…
Hơn nữa, như đã nói, bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào, công việc, đối tác, bạn bè nếu có dịp chia sẻ tôi luôn nói về luật Nhân quả. Với các bạn trẻ học viên cũng thế, tôi luôn chia sẻ nếu các bạn không đầu tư học hành nghiêm túc (là nhân) thì tương lai của các bạn sẽ không tốt, hoặc không là tốt nhất (là quả).
Tôi tâm niệm rằng, làm giáo dục không chỉ giảng dạy cho các học viên nghề nghiệp mà quan trọng hơn còn là những chia sẻ cách sống, làm người tử tế hầu mong các bạn có thể tránh những va vấp, sa lầy vào chỗ không tốt, hủy hoại nhân cách và tương lai của mình (mà các bạn là những người trẻ rất dễ yếu lòng, sa ngã…).
Trong cuộc sống, nếu mình hiểu và tin sâu luật Nhân quả thì mình sẽ luôn biết cách mang đến niềm vui cho mọi người bởi đó cũng chính là kiến tạo hạnh phúc cho mình mà, phải không?
“Tôi nghĩ, làm người cần có tài và có đức, nếu thiếu một trong hai thì không thể nào thành công. Đức là cách sống tạo nên giá trị của con người, biểu hiện cụ thể của điều đó là sống phải biết sẻ chia, yêu thương con người… Nếu con người mất đi điều này thì tâm hồn sẽ thành sỏi đá, vô cảm! Một số các bạn trẻ ngày nay có lối sống thực dụng và thích hưởng thụ; vì vậy các bạn đã trở nên vô cảm, xã hội đã, đang thiếu hụt những con người có lòng nhân ái, yêu thương, chia sẻ… Điều này báo chí đã lên tiếng, nhắc lại nhiều lần. Nên, mong là năm mới Nhâm Thìn 2012 xã hội chúng ta sẽ không phải tiếp tục kêu gào vì đạo đức xuống cấp” - Trần Thị Xuân Quyên |
Ai thấy Xuân Quyên chắc cũng sẽ khen chị trẻ, riêng tôi thấy chị rất… tự tại? Chị có thấy vậy không?
- Cám ơn bạn đã khen! Cũng nhờ đọc, học giáo lý của Phật mà tôi đã ngộ ra rằng trên đời này không có gì chắc chắn cả. Nếu bạn có được ngoại hình dễ nhìn thì bạn hãy tin chắc một điều: đó là kiếp trước mình đã gieo tạo nhiều thiện nghiệp.
Phật dạy “Tướng tự tâm sinh”, do vậy, để có được sự tự tại thì mình phải tu sửa tâm mình thật điềm tĩnh trước mọi việc xảy ra, nhìn sâu vào sự việc và hoàn cảnh để có cách hành xử hợp lý, đúng theo lời Phật dạy! Được cái tôi ít khi nóng nảy hay giận hờn ai lâu được, dễ tha thứ và thông cảm, cũng ít thích hơn thua.
Vậy, chị có hài lòng với những gì mình đang có?
- Tôi may mắn có được một gia đình mà nơi đó, ba mẹ, anh chị rồi chồng con ai cũng chia sẻ và thương yêu. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng là niềm hạnh phúc rồi. Tôi không tham đến mức cái gì cũng muốn, bởi Phật dạy rồi: thiểu dục, tri túc (ít muốn, biết đủ) là hạnh phúc.
Vì thế, không ai có thể hạnh phúc khi mình muốn quá nhiều thứ, và cũng theo lời Phật dạy, tôi hiểu rằng mình chỉ có thể có bình yên, gia đình mình chỉ có thể hạnh phúc khi bản thân mỗi người đều ý thức được điều này để cân bằng trong mọi thứ, cùng cố gắng xây dựng, kiến tạo tổ ấm...
Doanh nhân nói chung có khá nhiều… “cám dỗ”, riêng chị có gặp những “cám dỗ” nào trong môi trường doanh nhân? Chị vượt qua điều đó như thế nào trong tư duy của một người con Phật?
- Tôi cũng là con người nên tam độc (tham sân si) vẫn còn đó, mà còn tham sân si thì ắt cũng có lúc mình “chiêu cảm” (cám dỗ) bởi những ngũ dục của thế gian như danh, sắc, tiền tài… Vấn đề là phải nhận diện được nó, và như đã nói ở trên là phải “thiểu dục, tri túc” chứ cái gì mình cũng muốn “được”, không muốn “mất” thì khổ ngay.
Hơn nữa, như lời Đức Phật thì không có gì hữu hình (có tướng) mà tồn tại mãi mãi cả (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, sẽ theo quy luật thành-trụ-hoại-không), hiểu được điều đó nên mình dừng đúng lúc thì mình sẽ thoát ra được, không rơi vào cạm bẫy!
Còn trong cách dạy con thì bà mẹ Xuân Quyên thể hiện như thế nào?
- Tên nhóc nhà mình là Nghĩa Nhân, cả hai vợ chồng thống nhất đặt tên này cho con cũng là muốn con sau này sống nhân ái với mọi người, sống có tình có nghĩa! Và tất nhiên, muốn con như vậy mình phải dạy con sống như vậy! Đó cũng là Nhân quả mà, phải không?
Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ. Chúc chị và gia đình năm mới thân tâm thường an lạc…