GN - Có một người bạn tôi chưa từng chạm mặt, chỉ biết nhau qua tấm hình đại diện nhỏ trên Facebook và thỉnh thoảng trò chuyện qua messenger đôi câu không đầu không cuối. Anh có những câu thơ là lạ, mang hơi hướm Thiền tông nhưng lại rất đời thường, chứng tỏ nội tâm sâu sắc nhưng không vọng động, không mưu cầu cái danh hão như một số người biết chút ít văn chương chưa ra tấm ra món gì mà cứ ước mong những điều ngoài tầm với.
Từ miền Bắc xa xôi lưu lạc vào thành phố phương Nam đầy nắng gió, không trụ lại được nên tiếp tục “tay nải mụ mê” (lời thơ của anh) về tới tận biên giới Tây Nam, nơi xứ sở hẻo lánh, quanh năm làm bạn với cây rừng. Vậy mà cái nắng như muốn nung chảy người ra của vùng đất lạ lại khiến anh không thể rời xa, để rồi ấp ủ một chồi xanh nảy mầm từ ước mơ gia đình nhỏ, quấn quýt bước chân mỗi sớm chiều về. Chồi non ấy cho anh niềm vui sống, cho anh thêm nghị lực để đêm đêm một mình trong vườn cao su vắng, âm vang chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả từng hồi, anh lặng lẽ làm công việc của người công nhân cạo mủ, trút từng dòng nhựa trắng như giọt sữa từ bầu vú mẹ, chắt chiu cho cuộc sống gia đình, cho đứa con trai dễ thương đang ngày càng lớn bằng tất cả những gì mà một người thiện lương có thể làm bằng đôi tay rắn rỏi và ý chí vươn lên.
Tuy chưa từng trò chuyện bằng lời nhưng trực giác báo tôi biết rằng con người có ánh mắt thăm thẳm buồn, có khóe miệng hơi trĩu xuống này đang sống bằng tất cả những cảm xúc li ti tuôn chảy từng ngày trong huyết quản đối với những sự vật nhỏ nhoi, những nỗi niềm không thể tỏ bày lướt qua chầm chậm trong tâm hồn của riêng anh. Đôi khi chỉ chiếc lá chao nghiêng, một ánh nắng xuyên qua mạng nhện, một thân nấm mọc trong đêm cũng bồi hồi trong anh bao trở trăn về kiếp người hữu hạn. Tôi đồ rằng nếu không lập gia đình và không vướng víu chút đời còn nhiều đam mê chắc anh sẽ xuất gia vào một ngày đẹp trời nào đó.
Một ngày trời giăng mây xám, có lẽ trưa hay chiều có mưa rơi, anh về nhà với chú sóc non trên tay. Không hiểu vì lý do gì mà sóc con lạc mẹ, anh bắt gặp được, thôi thì đem về chăm chút. Con sóc bé quá, nằm gọn trong lòng bàn tay anh, vẻ mong manh yếu ớt của nó trông rất tội nghiệp, nhưng nuôi như thế nào đây? Tôi băn khoăn nhưng im lặng ngầm theo dõi xem anh sẽ làm gì. Không lâu sau, tôi thấy anh đăng hình một chiếc lồng chim cũ có lót sẵn một cái khăn và để cho sóc non nằm vào đấy, dáng co ro. Tôi lại thấy anh dùng chai thuốc nhỏ mắt đã sử dụng hết thay bình sữa, pha một ít sữa cho sóc bú thử.
Tôi hồi hộp nghĩ: Nếu sóc không uống sữa thì sao? Một con sóc con có thể chăm sóc như em bé được không? Nhưng ô kìa, sóc non đã chịu nhấm nháp chút sữa trong cái bình nhỏ xíu, dễ thương ơi là dễ thương! Tôi thấy mình trút đi gánh nặng, nó sống rồi. Tôi không thể thấy biểu cảm trên gương mặt anh vì anh không cập nhật điều này trên mạng xã hội, nhưng “suy bụng ta ra bụng người”, tôi nghĩ chắc anh cũng vui lắm, giống như tôi.
Hình ảnh cuối cùng về chú sóc non mất mẹ này là của cu Bi (con trai anh) và đứa bạn hàng xóm; hai cậu bé đang nâng niu chú sóc nhỏ trên tay, thích thú đút sữa cho nó. Bàn tay non nớt của cu Bi ân cần chăm chút chú sóc con như đang âu yếm đứa em nhỏ của mình. Đây sẽ là một người bạn đặc biệt của em trong suốt quãng ngày thơ ấu hồn nhiên. Tôi đồ rằng khi anh chụp lại hình ảnh con nhỏ với chú sóc, lòng anh chắc vui và bình an lắm. Anh có biết mình vừa thực hành một bài học nhỏ cho con mà không cần giáo điều khô khan, răn dạy bằng từ ngữ “đao to búa lớn”, nhưng chưa chắc con anh tiếp thu được; bằng chính trực quan sinh động từ trong vô thức, anh đã là tấm gương để con noi theo.
Một ngày đầu tháng Bảy mưa rơi nhịp đều trên mái hiên, nhưng rồi mưa sẽ tạnh và nắng ấm tràn về xuyên qua khung cửa nhỏ có chú sóc đang nằm yên ngủ, bên cạnh người đàn ông trung niên có ánh mắt đăm chiêu, tay nắn nót câu thơ với từng dòng chữ hiền như con gái. Và tôi cứ từng ngày đọc những dòng trạng thái nho nhỏ của anh trên trang Facebook để “chọn cho mình một niềm vui” như một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui / Cùng với anh em tìm đến mọi người / Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát / Để thấy tiếng cười rộn rã bay”.