Bàn về “Pháp phục Phật giáo VN”

Đồng bộ là cần thiết nhưng liệu có khả thi?

GNO - Chiều qua, 27-11, tại chùa Pháp Hoa (Q.3, TP.HCM), buổi họp bàn “phương pháp triển khai giai đoạn cuối của đề án Pháp phục Phật giáo Việt Nam” đã được diễn ra, dưới sự chủ trì của TT.Thích Thọ Lạc, Q.Trưởng ban Văn hóa GHPGVN và ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Tham dự buổi họp còn có chư tôn đức đại diện Ban Văn hóa GHPGVN: TT.Thích Trí Chơn, Phó ban Văn hóa T.Ư, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM; ĐĐ.Thích Quảng Minh, ĐĐ.Châu Hoài Thái, Phó Thư ký Ban Văn hóa T.Ư.

H1.jpg


Quang cảnh buổi họp

Bên cạnh đó, còn có sự hiện diện của các đối tác tham gia vào đề án: bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam; bà Nguyễn Thị Sao Kim, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Mốt; bà Cẩn Thị Thu Trang, Viện phó Viện Mẫu thời trang Việt Nam; cùng đại diện các doanh nghiệp: Tổng công ty May 10, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty May Phương Đông, Công ty Vina Gio…

Phát biểu tại buổi họp, TT.Thích Thọ Lạc khái quát lại tiến trình thực hiện đề án trong 3 năm qua, sau khi được HĐTS phê duyệt và cho biết:

“Sau ba lần tổ chức khảo cứu, tọa đàm, trưng cầu ý kiến và tổ chức hội thảo với tài liệu chi tiết về chuyên đề pháp phục; ba lần làm mẫu thử, trình hội đồng thẩm định thuộc hệ thống Phật giáo cũng như chuyên gia bên ngoài thông qua mới tiến hành đi đến quyết định phê duyệt triển khai đề án mẫu Pháp phục Phật giáo Việt Nam như hôm nay”.

Theo Thượng tọa, đây có thể nói là sự nỗ lực rất lớn của toàn thể chư tôn đức Tăng Ni Ban Văn hóa và các ban viện khác, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực may mặc và Phật giáo. Bởi lẽ, cho đến nay, pháp phục đã trở thành một trong những vấn đề được quy định trong nội quy Ban Tăng sự của GHPGVN.

“Với tư cách là đại diện quản lý các vấn đề về văn hóa, trong đó có pháp phục của quý Tăng, Ni, tôi thiết nghĩ, việc tạo nên sự đồng bộ về pháp phục trong một hệ thống lớn như Phật giáo Việt Nam là điều hết sức cần thiết”, Thượng tọa nhấn mạnh.

H2.jpg


TT.Thích Thọ Lạc khái quát lại quá trình thực hiện đề án

Được biết, căn cứ Hiến chương GHPGVN, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc  lần thứ VIII ngày 21 & 22-11-2017, căn cứ chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của GHPGVN, bên cạnh việc ban hành Quyết định số 139/QĐ-HĐTS (20-7-2018), phê duyệt bài khóa tụng thống nhất của GHPGVN là kinh “Chuyển pháp luân” bằng Việt ngữ; Ban Thường trực HĐTS GHPGVN đã ký ban hành Quyết định số 140/QĐ-HĐTS (20-7-2018), phê duyệt triển khai thực hiện mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam, gồm pháp phục Phật giáo đặc biệt, pháp phục sử dụng trong nghi lễ quốc gia và các phụ kiện.

Theo đó, TT.Thích Thọ Lạc cũng đã bày tỏ mong muốn đề án Pháp phục Phật giáo VN được hoàn thiện và đưa vào triển khai phổ cập thực tế một cách sớm nhất có thể, trong giai đoạn tới. Đặc biệt, năm 2019, với một trong những dấu mốc quan trọng nhất của Phật giáo Việt Nam - Đại lễ Vesak Liện Hiệp Quốc 2019 - nếu đề án pháp phục có thể được triển khai, bên cạnh đề án khóa tụng thống nhất, thì đây là điều hết sức thiêng liêng.

Trước đó, cũng tại diễn đàn quan trọng và lớn nhất của Phật giáo VN - Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017) - sự thống nhất trong pháp phục và kinh tụng cũng đã được áp dụng, tạo nên một hiệu ứng về sự đồng bộ và trang nghiêm trong tác phong của Đại lễ.

Thượng tọa cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta mang được sự đồng bộ, thống nhất này ứng dụng trên phương diện quốc tế, cụ thể là tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 sắp tới, đó sẽ là một dấu ấn thiêng liêng, một cơ hội để lưu lại trong lòng diễn đàn Phật giáo quốc tế về nền văn hóa Phật giáo VN, mang đậm bản sắc dân tộc, mà không bị pha tạp bởi ngôn ngữ hay sắc phục của quốc gia khác.

H3.jpg
Ông Vũ Đức Giang đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để sớm đưa đề án vào ứng dụng thực tế

Tuy nhiên, trao đổi tại buổi họp, ông Vũ Đức Giang cho rằng, để đi đến được bước cuối - hoàn thiện đề án pháp phục còn cần phải đạt được sự thống nhất trong tất cả các kiểu mẫu, từ y áo bên ngoài, bên trong, đến túi đãi, giày dép… Tất cả cần Giáo hội có văn bản phê duyệt thống nhất kiểu mẫu ấy, thì việc thiết kế và sản xuất với số lượng lớn mới đảm bảo chất lượng, mang lại sự đồng bộ và tính ứng dụng cao.

Đây cũng là ý kiến chung của hầu hết các thành viên doanh nghiệp đối tác tham gia vào đề án lần này. Bởi, như bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định, thị trường pháp phục hiện nay rất đa dạng và bắt mắt về mẫu mã cũng như màu sắc, chất liệu vải… nhưng cũng rất hỗn tạp, rối ren khi pha trộn nhiều phong cách, nhiều ý thích cá nhân, thấy rõ trên một sản phẩm bên ngoài.

Do vậy, theo bà Mai, cần có sự chỉ đạo thống nhất của Giáo hội về kiểu mẫu đối với 3 phần như đề án đã đề ra, trước là để các doanh nghiệp may mặc lĩnh vực pháp phục có sự đồng bộ trong thiết kế, sau là để các doanh nghiệp tham gia đề án có sự chuẩn bị và phương án cụ thể để cho ra sản phẩm, với chi phí hợp lý nhất. Tránh sự sản xuất tràn lan, mất định hướng, gây lãng phí cho ngân sách của Giáo hội.

H4.jpg
TT.Thích Trí Chơn đại diện Ban Văn hóa GHPGVN TP đưa ra nhiều vấn đề còn tồn đọng của đề án

Ngoài ra, ý kiến từ TT.Thích Trí Chơn đề xuất, nên đưa đề án pháp phục vào ứng dụng thí điểm thực tế trước, tại các cơ sở Học viện ở các tỉnh thành lớn, nhằm thu thập thêm ý kiến của quý Tăng Ni khi trải nghiệm thực tế sản phẩm. Qua đó, một phần, doanh nghiệp có thể rút kinh nghiệm và tạo nên những mẫu thiết kế tốt hơn; một phần cũng tạo nên sự thích nghi và khuôn nếp về ứng dụng pháp phục cho quý Tăng Ni nói chung.

Khép lại buổi họp về phương pháp thực hiện đề án Pháp phục Phật giáo Việt Nam giai đoạn cuối, ban chủ trì cuộc họp ghi nhận ý kiến từ các thành viên tham dự và tiến hành đề xuất lên GHPGVN. Buổi họp kết thúc trong sự thống nhất của các thành viên tham dự.

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày