Thừa tự pháp của thầy

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong kinh Thừa tự pháp (Kinh Trung bộ, số 3), Đức Phật dạy hàng đệ tử nên thừa tự giáo pháp của Ngài chứ không nên thừa tự tài vật của Ngài.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1167 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1167 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Không chỉ đối với Đức Phật mà đối với các vị thầy trong hiện tại cũng vậy, ta nên thừa tự gia tài Chánh pháp, các giá trị tinh thần của thầy mình chứ không nên chỉ thừa tự chùa chiền, tài sản vật chất.

Tuy không nhiều nhưng vẫn có một vài trường hợp sau khi vị thầy mất đi thì chùa chiền hay tài sản của thầy trở thành nguyên nhân bất hòa, tranh chấp giữa các đệ tử. Đây thật sự là một điều rất không hay trong Phật pháp. Bởi vì hàng xuất gia được xem là những người xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, những người xả ly mọi ràng buộc của thế gian để thực hiện đạo giải thoát thì làm sao có chuyện ham muốn hay tranh giành của cải vật chất? Chính Đức Phật là người đã bỏ cung vàng điện ngọc để vào rừng ở, bỏ vợ con, tài sản, để chỉ khoác lên mình bộ y hoại sắc. Là hàng đệ tử của Ngài, tự thệ nguyện và tuyên bố với mọi người là theo dấu chân Ngài thì tại sao ta lại làm trái ngược với những điều Đức Phật đã làm?

Thời Đức Phật, người xuất gia chỉ sở hữu y và bát. Còn thời đại ngày nay người xuất gia có thể sở hữu nhiều thứ, nhưng không vì thế mà bản chất, mục đích, lý tưởng của người tu thay đổi. Do nhu cầu của thời đại mà Phật giáo cần có những cơ sở và phương tiện vật chất để sinh hoạt phù hợp với xã hội nhưng mục đích của xuất gia vẫn là đoạn tận vô minh để thoát ly sinh tử, vẫn là lý tưởng yêu thương và phụng sự tha nhân. Nếu các tiền nhân, các vị tổ thầy có khai sơn tạo tự hay mở rộng chùa chiền thì cũng chỉ vì để làm phương tiện tu học và giáo hóa mà thôi.

Cho nên hàng đệ tử nếu như muốn kế thừa thầy tổ mình thì chính là kế thừa cái gia tài Chánh pháp, cái tinh thần quên mình vì đạo của thầy tổ thì mới là sự kế thừa chân chính, mới thật sự không phụ lòng thầy tổ đã cực nhọc xây dựng đạo tràng. Có thể ở thế gian, cha mẹ tạo dựng cơ ngơi là để truyền lại cho con cái, nhưng trong đạo pháp thì chắc chắn rằng không có vị thầy nào chỉ muốn truyền lại ngôi chùa cho đệ tử. Kế thừa chức vị trụ trì đâu có nghĩa là thay thầy tiếp quản ngôi chùa mà là giữ gìn và phát huy đạo đức, phẩm hạnh, tâm nguyện tu tập và hoằng dương Phật pháp của thầy.

Người thế gian có câu nói rằng “có tiền xây nhà được nhưng không xây tổ ấm được”. Trong Phật pháp cũng vậy, ngôi chùa đồ sộ nguy nga nhưng không có tu tập, huynh đệ bất hòa thì đó không phải là Phật pháp. Vật chất nếu thiếu đi hơi ấm của con người thì cũng chỉ là vật vô tri. Nhìn lại lịch sử nhân loại ta thấy rằng có biết bao công trình đồ sộ trở thành hoang phế. Tại Ấn Độ, bao nhiêu thánh tích Phật giáo đã bị chôn vùi hàng thế kỷ dưới lớp bụi thời gian và ký ức của con người. Ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều công trình Phật giáo rất quy mô nhưng không có hoặc có rất ít chư Tăng tu tập và hoằng pháp.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Muốn cho hàng đệ tử thừa tự gia tài Chánh pháp của vị thầy thì trước tiên vị thầy phải có gia tài Chánh pháp. Vị thầy phải là người có tu tập, có đạo hạnh và biết cách giáo dưỡng đệ tử. Vị thầy phải là tấm gương về tu tập cũng như dạy đệ tử biết rõ đâu là cốt lõi của người tu. Nếu như vị thầy chỉ lo xây chùa mà thiếu đi sự dạy dỗ đệ tử tu học đúng Chánh pháp thì hẳn nhiên khi kế thừa vị đệ tử chỉ thừa tự được ngôi chùa vật chất mà thôi.

Ngày nay chùa chiền được trùng tu, xây dựng nhiều, trong đó có những công trình có giá trị vật chất tương đối lớn. Nếu người tu thiếu sự tu tập thì dễ bị dính mắc vào đó, sinh ra tranh giành, tạo ra cái nhìn không tốt của xã hội với Phật giáo, như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Thừa tự pháp: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật… Nếu các ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các ngươi trở thành những người mà người ta nói: ‘Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp’, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: ‘Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp’”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày