Bán vé số nuôi con vào đại học

GN - Câu chuyện về cặp vợ chồng nghèo không có một chữ “lận lưng” nhưng vẫn quyết tâm nuôi con thi đậu vào đại học như gợi thêm niềm tin rằng nếu có quyết tâm, ước mơ, con người có thể vượt lên tất cả.

Bán vé số nuôi con

Trong tay không một mảnh đất canh tác, chồng bị bệnh đau cột sống không thể lao động nặng, lại phải nuôi 2 đứa con ăn học, đứa lớn vào đại học, đứa nhỏ đang học THPT, thế nên mọi gánh nặng trong gia đình như trút lên đôi vai bé nhỏ của chị Lý Ngọc Giàu (ngụ khóm 2, phường 4, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp).

Dù tên Giàu nhưng cuộc đời của chị lại… rất nghèo. Lấy chồng, sinh con ra, lo cho con được ăn học thành tài tới nơi tới chốn đó chính là lẽ sống, ước mơ lớn nhất của chị Giàu và chồng. Thực hiện được ước mơ đó là điều không phải dễ dàng với hoàn cảnh của họ.

Tuy nhiên, anh chị đã tìm mọi cách truyền ước muốn đó lại cho con để cả gia đình cùng vượt lên hoàn cảnh bằng mọi giá, cố gắng đưa con đến với bến bờ tri thức.

hinh xh GN 1069 (2).jpg

Chị Giàu dù không biết chữ nhưng luôn nỗ lực để nuôi con vào đại học

Cũng từ động lực đó, dù rất vất vả nhưng chưa khi nào chị Giàu có mảy may suy nghĩ để 2 con mình phải nghỉ học. Hàng ngày, với số tiền lời ít ỏi từ việc bán vé số dạo của chị, hai vợ chồng nghèo gom góp, để dành nhiều nhất có thể cho một việc đó là lo cho 2 đứa con có đủ điều kiện ăn học, như thể là cách để bù đắp phần nào nỗi mất mát của chính hai vợ chồng “không có chữ”.

Chị Giàu tâm sự: “Hai vợ chồng tôi đã dốt nát, không biết chữ nên không thể để con dẫm theo vết xe đổ của mình nữa. Cũng vì lẽ đó, hai vợ chồng cố gắng bằng mọi cách, dù có cực khổ cũng ráng kiếm tiền cho con ăn học, không cho con nghỉ học giữa chừng”.

Căn nhà dột trước, dột sau, trống huơ trống hoác nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, nhìn vào chẳng thấy có gì là giá trị, bữa cơm nghèo hàng ngày của hai vợ chồng chị Giàu cũng chỉ có rau luộc chấm nước tương qua ngày.

Ấy vậy, điều khiến nhiều người ngưỡng mộ ở gia đình nghèo này là cả hai vợ chồng tuy không có một chữ “lận lưng”, nhưng ý thức về việc chăm lo cho con cái ăn học thì ít có gia đình nào sánh bằng. Chính vì thế, gia đình nhỏ này được xem là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu tại địa phương.

Nói về gia đình chị Lý Ngọc Giàu và anh Nguyễn Văn Bình, bà Nguyễn Thị Đức, Bí thư chi bộ khóm 2, phường 4, TP.Sa Đéc nhận xét: “Gia đình Giàu và Bình thuộc hộ cận nghèo, rất khó khăn.

Trước đây, chị Giàu đi làm công nhân ở công ty, sau này sức khỏe yếu người ta không tiếp nhận nữa thì chuyển sang đi bán vé số để kiếm tiền lo cho 2 con ăn học. Cái nhà thì sắp sập rồi, nhưng mà tinh thần lo cho con ăn học cũng như sự hiếu học của hai cháu thì rất đáng khen, địa phương luôn lấy gia đình này làm gương cho nhiều gia đình khác noi theo để cùng nhau khuyến học cho các cháu”.

“Em không đầu hàng số phận”

Không được sinh ra trong một gia đình khá giả như những bạn bè cùng trang lứa, thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ cha, em Nguyễn Thị Trúc An là con gái lớn của chị Giàu đã không ngừng nỗ lực trong học tập và kết quả nhiều năm học phổ thông em đều là học sinh khá, giỏi.

hinh xh GN 1069 (1).jpg

Trúc An luôn cố gắng vượt qua gia cảnh khó khăn

Đặc biệt, em đã thi đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ, ngành Kiểm toán. Thông tin em Trúc An thi đỗ đại học là một thông tin khá bất ngờ với nhiều người trong xóm, bởi trong số con em của nhiều gia đình khá giả ở địa phương cũng không có mấy em được trúng tuyển đại học.

Được tin con thi đỗ đại học là niềm vui, tự hào với hai vợ chồng chị Giàu, nhưng liền đó cũng là nỗi lo lắng rất lớn, bởi chi phí cho việc học tập của con cũng ngày càng tăng lên, hai vợ chồng sợ không kham nổi.

Để có thể tiếp tục việc học của mình và đỡ đần cùng cha mẹ có đủ chi phí trang trải cho việc học, hàng ngày sau giờ học, Trúc An tranh thủ thời gian rảnh đi làm thêm tại một căng-tin gần trường. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, Trúc An đã có thêm được phần tiền lương dành dụm để phụ vào đóng tiền trọ, tiền học phí.

Trúc An cho biết, gia cảnh khó khăn, vất vả là thế, nhưng em chưa bao giờ có ý định bỏ học, bởi với em, chỉ có học thức mới giúp thay đổi cuộc đời.

Trúc An bộc bạch: “Thấy ba mẹ cực khổ, vất vả vì chúng em, em rất xúc động và thương ba mẹ. Vì thế, em xác định một điều với em bây giờ là chỉ có học thì sau này mới có việc làm ổn định, có thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ và thay đổi cuộc đời. Nên dù khó khăn thế nào đi nữa em cũng sẽ cố gắng vượt qua, không đầu hàng số phận”.

Thành quả học tập của Trúc An cũng chính là động lực, là niềm vui để hai vợ chồng chị Giàu vượt qua khó khăn tiếp tục trên hành trình chinh phục học hành của con.

Anh Nguyễn Văn Bình, cha em Trúc An tâm sự: “Lúc trước khi còn sức khỏe tốt, ai thuê mướn gì tôi cũng làm để kiếm tiền lo cho 2 con, giờ thì sức khỏe không được tốt, tôi chỉ đảm nhiệm công việc nội trợ thay cho vợ, làm việc gì có thể để đỡ đần cho vợ con.

Mình cố gắng lo cho con tới cùng, thấy con học được kết quả tốt mình cũng mừng, nhìn những tờ giấy khen của con treo trên tường mà bao nhiêu vất vả cực khổ đều tan biến hết, đó cũng là động lực để vợ chồng tôi tiếp tục vượt qua dù có trăm ngàn khó khăn vất vả”.

Ngạn ngữ Hy Lạp có câu nói rất hay “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả rất ngọt ngào”. Quả thật, con đường chinh phục tri thức không hề dễ dàng nhưng với những ai có quyết tâm, ý chí và nghị lực thì sẽ hái được quả ngọt.

Chị Giàu và chồng tuy nghèo về vật chất nhưng có lý tưởng, giàu nghị lực đã và đang cùng con cái vượt lên chính mình để đồng hành, chinh phục tri thức. Dù con đường, hành trình ấy còn bao gian nan phía trước nhưng thành công sẽ đến với những ai biết rõ mình muốn điều gì và không bao giờ bỏ cuộc.

Thanh Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày