Bánh đúc có xương

GN - Đang làm việc, nó nhận được điện thoại của đứa cháu ở quê, cô bé nói đứt quãng trong tiếng nấc: “Dì ơi, ông mất rồi, dì về ngay đi”.

Chưa nghe hết câu, đầu óc nó quay cuồng, chuếnh choáng rồi đánh rơi điện thoại xuống đất. Nó tựa lưng cái phịch làm chiếc ghế văn phòng xoay tít. Chị cùng phòng hốt hoảng lại vừa lay nó, chị  vừa nhặt chiếc điện thoại lên nghe và đã hiểu hết câu chuyện. Chị gọi điện báo với sếp và đưa nó về nhà trọ.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, nó thu xếp vài bộ đồ qua loa và về quê ngay trong đêm. Trên quãng đường về nó chỉ biết khóc ròng, khi thỉnh thoảng lại có cú điện thoại hỏi nó tới đâu rồi. Nó càng sốt ruột hơn.

banh duc.jpg


Ảnh minh họa

Quê nhà đã hiện ra trước mắt. Mặt trời đã mọc lên khỏi đỉnh núi, nó về đây với nỗi đau đớn nghẹn lòng. Trong lúc nhà đang rối ren, không có người thân nào ra cổng đón nó, tiếng cô hàng xóm la lớn, “Ôi, Út về đấy rồi à, mau vào nhà đi con, người ta đang làm lễ truy điệu cha con đó”. Với đôi mắt thất thần, nó không kịp chào ai mà rẽ đôi đám người đông đúc chạy thẳng vào nhà. Nó gục đầu bên quan tài ông cụ mà khóc khan không thành tiếng. Khi người ta đọc tiểu sử của cha nó, dù đau khổ tột cùng, nó vẫn đủ tỉnh táo để nghe rõ, tên cháu đích tôn không phải là thằng con anh cả mà là con anh thứ hai. Nó kinh ngạc không hiểu vì sao, nhưng biết hỏi ai lúc này khi mọi người đều bận rộn.

Thế rồi, vì cả ngày không ăn, vì khóc quá nhiều, nó đã ngất lịm đi khi cha nó còn nằm đó. Đám người nháo nhào, chia đôi, một số người bế nó đi cấp cứu. Trước khi đi, nó chỉ kịp nghe loáng thoáng tiếng cô Út khóc: “Anh ơi, anh hãy yên lòng, dù sao thì em cũng sẽ yêu thương cháu nó như chính giọt máu của anh sinh ra”. “Cháu nó” mà cô nói là ai? Và rồi nó bất tỉnh. Trong lúc mê sảng, hình ảnh cha và cuộc sống gia đình thời thơ bé như những thước phim quay chậm, đang từ từ hiện về trong đầu nó.

Nhà nó đã nghèo, lại đông con. Đồng lương hưu còm cõi của cha, và mấy sào ruộng cằn của mẹ nó không đủ nuôi tám đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Các anh chị sớm phải nghỉ học. Gánh nặng cuộc sống đổ dồn hết lên đôi vai cha, mẹ và anh cả. Trong ký ức ngày lên sáu, nó còn nhớ, đã có lần cha đánh anh vì anh không chịu đi học, rồi đêm đó nó thấy cha đã khóc thầm. Nhưng cuộc sống khó khăn, nên có thương con đứt ruột cũng đành phải xoay theo vòng xoáy cuộc đời. Cha đành chấp nhận để anh nghỉ học, theo cha đi đốn củi trên rừng.

Sáng sáng, nó dậy sớm cùng mẹ để làm cơm nắm muối vừng cho cha và anh mang đi. Lần nào nó cũng thấy cha gói thêm mấy củ khoai: “Thằng cu đang tuổi thanh niên, mang thêm lỡ nó đói”. Chiều về thì một mình anh chở củi đi chợ bán. Anh hay chịu khó đi xa một chút thì bán mới được giá, mua được thêm tí thức ăn cho lũ em nheo nhóc ở nhà.

Tới bữa ăn, nó thấy cha toàn ăn khoai thôi, đến lúc xới bát cơm, cha chỉ ăn vài miếng rồi bảo: “Ăn khoai ngon quá, nên no mất rồi, anh cu ăn giùm cha bát cơm dở nhé” (Thực ra là cha cố tình làm vậy để nhường cơm cho anh, vì chúng tôi không đứa nào chịu ăn lại, còn để cơm trong nồi thì anh lại nhường em mà không dám ăn). Ngoài trời, gió đêm thổi nhẹ vào ô cửa nhỏ của mái tranh nghèo. Mười con người quây quần bên nồi cơm bé tí tẹo, sao mà ấm áp đến thế. Cuộc sống khốn khó nhưng cũng thật bình yên.

Đêm nào cha nó cũng ngủ muộn. Ông cụ hay đi tới đi lui xem các con ngủ chưa, rồi phải buông màn, đắp chăn cho anh nó, vì ông sợ anh nó ngủ không đủ giấc thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Có một đêm, nó ngủ muộn, nghe cha nói chuyện với mẹ: “Nhìn thằng cu lớn đạp cái xe cũ nát đi bán củi chợ xa một mình, tôi xót ruột lắm bà ạ. Lỡ đâu dọc đường xe hư hỏng, thằng nhỏ phải dắt bộ, cực thân lắm. Tôi tính kiềm tiền mua cho nó cái xe đạp mới”. Mẹ nó cũng nghèn nghẹn: “Tôi cũng thương con, nhưng lấy tiền đâu bây giờ hả ông?”. “Tôi tính rồi, hôm qua nhà ông Bảy có nhờ tôi lấp cái ao để làm vườn, tôi tranh thủ buổi chiều tối rảnh rỗi, kéo đất lấp ao cho ông ấy, sẽ đủ tiền mua xe đấy bà ạ”. “Nhưng sức vóc ông vậy, làm nổi không?”. “Bà cứ yên tâm, tôi làm được”.

Thế là mấy ngày sau, chiều nào cha cũng cặm cụi kéo đất. Khi cái ao của nhà ông Bảy thành một mảnh vườn thì cũng là lúc anh cả có xe mới. Anh sung sướng chở đàn em nhỏ đi một vòng quanh làng, đứa nào cũng đòi đi trước.

***

Do phải làm việc nhiều nên anh đã bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Anh không thể tự tắm rửa sinh hoạt được. Mà con trai lớn, mẹ làm những việc đó không tiện. Với lại còn lũ em ở nhà nữa. Nên cha nó là người túc trực ở bệnh viện chăm anh. Vì không có người ở nhà trông nó nên cha phải dắt nó theo. Hàng ngày, nó ngồi lại phòng bệnh với anh, còn cha nó kiếm đủ thứ việc lặt vặt trong bệnh viện để làm, giặt đồ thuê, khuân rác thuê, bốc vác thuê cho mấy xe chở hàng vào căng-tin để kiếm thêm chút tiền bồi bổ cho anh. Cả ngày cha chỉ ăn vài củ khoai lót dạ, còn dành tiền mua đồ ăn cho hai anh em nó.

Cái không khí ở bệnh viện thật đáng sợ, mùi thuốc mùi rác và đủ thứ khác khiến người ta thấy tởm lợm. Nhưng khi nhìn cha miệt mài đút cho anh từng thìa cháo, nó cũng thầm ghen tỵ và cũng muốn mình bị ốm để được cha chăm sóc. Mọi người cùng phòng bệnh, ai cũng thương cảm cho ba cha con nó. Người ta nói hiếm có người đàn ông nào mà chăm con được như vậy. Cha chỉ cười xòa: “Giọt máu của mình, sao không chăm được hả các bác?”. Ngày anh ra viện, nhìn cha gầy rộc hẳn đi nhưng ánh mắt cha ánh lên niềm hạnh phúc giản dị vì con trai đã qua cơn nguy kịch.

Hình như cuộc sống đói nghèo làm cho tình cảm con người ta càng thêm sâu nặng hơn. Cha mẹ đã ôm ấp, yêu thương anh em nó như ngoài đồng xa kia, thân cây lúa đang che chở cho những tổ chim non. Mấy anh em nó dần lớn lên, cũng đã biết làm việc đồng áng phụ mẹ. Cuộc sống tuy không đói ăn nữa nhưng vẫn còn nghèo.

Ngày anh cả nó lấy vợ, trong nhà không có thứ gì đáng giá. Cha nó quyết định bán chiếc giường gỗ lim và cái xe đạp đi, đủ tiền mua một đôi bông tai để con trai tặng vợ trong ngày cưới cho bằng bạn bằng bè. Để rồi sau đó, cha mẹ nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp, và cha lại đi cái xe đạp cũ của anh ngày trước. 

Những câu chuyện ngày xưa cứ thế hiện về, nó nhớ, nhớ lắm cái ngày xa xôi ấy…

Truyền hết lọ dịch, nó đã tỉnh lại. Nhìn quanh nhà, nó thấy chỉ có chị gái đang ngồi trông nó. Mắt chị sưng húp vì vừa khóc cha, vừa lo cho em. Vừa mở mắt ra câu đầu tiên nó thắc mắc: “Chị, mọi chuyện là thế nào, em không hiểu?”. Thấy nó tỉnh, chị mừng rỡ: “Út đỡ mệt chưa, em nghỉ ngơi đi đã, từ từ chị kể cho nghe”. Vờ như không nghe tiếng chị, nó hỏi tiếp: “Sao đích tôn nhà mình không phải cu Bốp mà lại là cu Tôm, là sao, là sao chị?”. Chị gục đầu bên thành giường, khóc nức nở. “Lúc cha lâm chung, em về không kịp, trước khi nhắm mắt, cha bảo mẹ nói ra một sự thật, rằng anh cả không phải con đẻ của cha. Anh là con của mẹ với người chồng trước, bác ấy đã mất vì bệnh ung thư khi anh còn là một bào thai. Cha thương mẹ, và cũng thương anh như con ruột của mình”.

Lẽ nào trên đời lại có những chuyện như vậy, mà tại sao cha mẹ lại giấu anh chị em nó mấy chục năm trời như vậy chứ? Nó hoang mang, nó giận, nhưng biết giận ai bây giờ. Tiếng gió chiều vi vu ngoài cửa sổ, vọng về tiếng nhạc xa xôi, ai oán não nề. Giàn bông giấy cha trồng năm nào đung đưa trước gió như vẫy tay tiễn cha về cõi vĩnh hằng.

“Mau lên thắp hương cho cha đi em” - chị giục nó. Nó lê bước lên nhà, nơi để bàn thờ cha nó. Trước bàn thờ, anh cả nó vật vã khóc than. “Cha ơi, sự thật này sao bây giờ cha mới nói. Con vẫn không thể tin được... Một giọt máu rơi mà tại sao cha lại yêu thương đến vậy. Tấm lòng cha như bậc thánh nhân. Tình thương cha dành cho con còn hơn là máu mủ. Kiếp sau hay ngàn kiếp sau nữa, con cũng chỉ nguyện xin Trời Phật một điều, mãi mãi là con của cha”… Tiếng khóc của anh nó làm cho mọi người đều nức nở nghẹn ngào.

Trời dần đổ về đêm. Trăng non đầu tháng đã nhô lên quá đỉnh đồi. Bầu trời trong xanh và cao vợi. Phải chăng cha đang ở trên cao xanh kia, là một trong những vì sao lấp lánh, đang dõi theo và soi đường cho cuộc đời anh em nó. Nó ngồi thẫn thờ ở bậc cửa. “Vào nhà đi Út, sương xuống lại ốm nữa bây giờ” - chị nó nhắc. Nó nói với chị hay nói với chính mình: “Là sự thật sao, cha thương anh đến thế cơ mà, làm sao em tin được chứ?”. Chị cũng nghẹn ngào theo nó: “Trên đời này không gì là không thể Út ạ. Em hãy tin rằng, bánh đúc vẫn có thể có xương”.

Hai chị em nó ngồi tựa lưng vào nhau, ngoài kia, ánh trăng thanh bình quá…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày