Bảo tàng trong bệ tượng khổng lồ núi Phật Tích

Bảo tàng trong bệ tượng khổng lồ núi Phật Tích
Được biết, trong bệ tượng còn có một bảo tàng nhỏ hình bát giác, về sau có thể sẽ là nơi bảo quản, trưng bày nhiều hiện vật khảo cổ quý giá của chùa Phật Tích.

Trên núi Phật Tích, ngày mai 25-9, pho Đại Phật nặng 3.500 tấn sẽ được khánh thành trong sự đón chờ của đông đảo Phật tử. Đây cũng là một sự kiện chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

4 năm xây tượng

Trao đổi với NTNN, Đại đức Thích Đức Thiện - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Phật Tích cho biết:

Ý tưởng xây dựng Đại Phật tượng đã ấp ủ từ lâu với mong muốn công trình này sẽ trở thành điểm nhấn cho cảnh quan nơi đây, vốn được coi là một trong những cái nôi của Phật giáo VN. Đặt pho tượng lớn trên núi để bà con trong vùng, Phật tử, du khách chiêm ngưỡng, bái vọng và tâm niệm, cũng là sự củng cố niềm tin trong cuộc sống và lao động...

Đại Phật tượng được phỏng dựng theo pho tượng Phật bằng đá xanh trong chùa Phật Tích mà nhiều người hay gọi là pho A Di Đà, một trong những pho tượng cổ và đẹp nhất VN. Tính đến nay đã gần 4 năm công trình được thi công trong mưa nắng ở vùng.

Theo kỹ sư Ninh Hải Quân - Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta (đơn vị xây dựng tượng), tính cả bệ, pho tượng nặng 3.500 tấn, cao đến 27m, chiều ngang đến 26m giữa hai điểm xa nhất là hai đầu toà sen, vì thế việc xử lý móng phải rất kỹ. Pho tượng được xây bê tông cốt thép và ốp đá bên ngoài. Loại đá được chọn để tạc tượng là đá xanh ở tận Thanh Hoá.

"Chúng tôi vận chuyển đá thô từ Yên Lâm, Thanh Hoá về phía ngoài kia, rồi cho xe nhỏ đưa vào tập kết dưới chân núi" - ông Dương Văn Do - Phó Giám đốc Doanh nghiệp Hùng Lâm ở Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình kể. Đá được sơ chế ở chân núi rồi dùng cẩu và đường ray đưa lên đỉnh núi Phật Tích để gắn lên tượng. Tham gia làm Đại Phật tượng chủ yếu là thợ đá Ninh Bình, thường xuyên là 30 người, những lúc tổng lực là 40 - 50 người.

Điểm đến của du khách, Phật tử

Ông Do cho biết: “Mấy năm chúng tôi làm việc ở đây đều không có phiền toái gì xảy ra. Với những công việc hướng về tôn giáo như thế này, cả chúng tôi và người dân đều có thái độ trân trọng”.

Cùng với truyền thống văn hoá của người dân trong khu vực, vùng Phật Tích có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hoá - tâm linh. Hy vọng các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng, kiến trúc dân dụng quanh khu vực núi Phật Tích sẽ được quản lý chặt chẽ.

Pho tượng được xây dựng trong tư thế ngồi toạ thiền trên đỉnh núi Lạn Kha (còn gọi là Phật Tích), hướng về phía Tây nam. Được biết, trong bệ tượng còn có một bảo tàng nhỏ hình bát giác, về sau có thể sẽ là nơi bảo quản, trưng bày nhiều hiện vật khảo cổ quý giá của chùa Phật Tích. Trong thời gian này, một bảo tháp cũng đang được thi công trên núi Phật Tích, dự kiến hoàn thành vào khoảng giữa năm 2011.

Phật Tích là quả núi thấp nhưng cùng với một số núi khác cận kề như núi Chè, núi Khám… đã tạo thành một vùng sơn thanh cảnh tú nổi bật lên giữa đồng bằng. Nếu từ phía Hà Nội, đứng bên này sông Đuống ở khu vực huyện Gia Lâm hoặc qua cầu Phù Đổng một đoạn là có thể nhìn thấy hình bóng Đại Phật tượng.

Kỹ sư Ninh Hải Quân cho biết, những ngày trời quang, đi trên cầu Thanh Trì hay Vĩnh Tuy cũng thấy được. Chắc chắn sau khi khánh thành tượng cùng với lễ gắn biển chào 1.000 năm Thăng Long cho chùa Phật Tích sau mấy năm tu bổ, tôn tạo, tương lai có thêm ngọn tháp cao, nơi đây sẽ trở thành điểm đến của đông đảo du khách, Phật tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày