Bát nước chè xanh và Mark Brownsteins

(Bài dự thi) - Mark Brownsteins, chủ nhiệm hãng phim “The Food Hunter” là một người Mỹ yêu ẩm thực, cầm máy quay nhiều thức ăn uống độc đáo của các dân tộc trên thế giới.

Việt Nam cũng là điểm đến trong kế hoạch săn lùng của ông.

Một ngày tháng ba năm 2006, Mark đến Huế tìm tôi theo lời giới thiệu của Bộ Ngoại giao. Ông muốn hợp tác để làm phim về ẩm thực Huế. Dáng cao lênh khênh, Mark phải cúi người bước qua khung cửa thấp tè ngôi nhà tôi ở, ngồi vào ghế trường kỷ, thở dồn dập vì chặng đường đi quá vất vả. Nhìn khuôn mặt với làn da đỏ ong, đang vã mồ hôi, tôi biết ông khách đang khát nước nên vội  bưng bát nước chè xanh ra mời. Đón bát nước chè tươi màu hoa thiên lý, ông chưa vội uống, nheo mắt ngắm, rồi đưa lên mũi hít hít…Tưởng ông e  ngại, tôi vội giải thích: “ This is Vietnamese fresh tea, please!”.Mark gật gù rồi đưa bát nước lên miệng. Uống xong vẫn cầm cái bát nhìn mãi. Đoán Mark muốn uống thêm nên tôi mời bát nữa.Lần này, ông ta uống chầm chậm… đến  giọt cuối cùng, rồi buột miệng: “Very delicious!” và hỏi tỉ mỉ về loại thức uống này.

Mở giáo án power-points về thức uống Việt Nam trong laptop với hình ảnh những ruộng chè xanh bát ngát ở Thái nguyên, cả cây chè cổ xưa hoang dã trên cao nguyên Hà Giang… tôi say sưa thuyết giảng về thức uống dân dã, rất rẻ tiền nhưng lắm công dụng mà từ thưở xa xưa người Việt đã dùng làm thức uống. Kể thêm cả huyền thoại về Đức Thích ca nhân một hôm  quá buồn ngủ, không thỉnh kinh được, bực với chính mình,  rứt mi mắt ném xuống đất.Tại nơi đó mọc  lên cây cỏ lá xanh biếc. Đồ đệ Đức Phật hái lá cây ấy nấu nước uống.Lạ lùng thay! Thứ nước ấy như một điều kỳ diệu, giúp họ luôn tỉnh táo, thấu hiểu những điều huyền bí cao siêu từ lời Phật daỵ. Cây ấy được nhân rộng và đem đi  trồng khắp bốn phương và trở thành cây Chè hôm nay trên đất Huế.

Mark há hốc miệng nghe từng lời, nuốt từng tiếng, mở lớn mắt như muốn thâu hết hình ảnh cây chè kỳ diệu Việt Nam mà hôm nay lần đầu tiên trong đời ông được uống nó.

Mấy ngày sau Mark cùng tôi quay bộ phim ẩm thực Huế. Mark xách máy theo tôi ra chợ quay cảnh  mua sắm, cảnh sơ chế thực phẩm, nấu nướng món ăn trong ngôi nhà rất cổ bên dòng sông Hương. Công việc vất vả, trời lại nóng bức nên mọi người đều  vã mồ hôi như tắm. Ban hậu cần chuẩn bị sẳn những lon bia, nước ngọt ngoại mắc tiền ướp đầy  trong tủ lạnh. Nhưng… Mark đã từ chối tất cả, cứ thỉnh thoảng đến bên ấm nước chè xanh rót từng bát đầy uống ừng ực.Mấy lần bắt gặp tôi nhìn, ông  cười, giơ ngón tay cái lên ra hiệu:” Tuyệt vời!”.

Giờ ăn, Mark cũng vẫn chỉ uống chè xanh, dù trên bàn có đủ rượu ngoại hảo hạng.

Bát nước màu hoa thiên lý vị ngòn ngọt, chát chát với mùi gừng nhè nhẹ được nấu  từ lá chè tươi đã cám dỗ ông Mỹ sành điệu khiến tôi nghĩ ngợi nhiều.

Từ  một loài cây bản địa hoang dã, chè xanh đã theo chân người Việt trồng khắp nơi làm thức uống hàng ngày.Trên đất Huế cây chè  tuy không nổi tiếng như Thái Nguyên hay Lâm đồng, nhưng chè Truồi Huế cũng có tiếng ngon nhờ trồng dọc triền sông Truồi. Những triền chè trồng trên bãi bồi ven sông Hương cũng đã tạo nên một thức uống có tiếng ngon, được ví von thành lời ca truyền khẩu mà những ai từng sống ở Huế đều nghe từ miệt Kim Long: “ bánh Bác Nghè, nước chè Mụ Giáo”.

Bát nước chè xanh và Mark Brownsteins ảnh 2

Khi thu hoạch, người trồng chè trảy lá để nấu nước. Loại lá chè chặt cả nhánh chất lượng kém thua.

Để có bát nước chè tươi, người Việt có nhiều cách pha. Có người chỉ   rửa sach lá tươi, vò hơi nát, cho vào ấm, chế nước sôi chần nhanh, rồi đổ hết nước hăng. Sau đó lại đổ ngập  nước sôi lên lá, đậy kín bình đợi hương chè tiết ra. Khi pha,  mùi  thơm ngan ngát trong  bát nước màu hoa Thiên lý trong veo đến lạ lùng.Nhưng lại có nhà thích uống bát chè sắc đậm hơn.Họ vẫn rửa sạch lá tươi, vò lá chè vào ấm nhưng lại đổ  nước lạnh ngập mặt, đặt lên bếp, nấu lửa lớn cho  chóng sôi, rồi tiếp tục nấu một lúc cho hương chè ra hết.  Sắc nước có màu hổ phách, giống màu nước cô ca cô la nhập ngoại, nhưng trong veo và hương thơm thì rất khác biệt. Cả hai loại nước chè này đều hòan tòan không có hóa chất  độc hại như phần lớn các loại  nước giải  khát bán đầy phố chợ.

Hầu hết ở vùng  nông thôn, ngày ngày nông dân ra ruộng  còng lưng dưới nắng mưa, bình nước chè mang theo uống khi giải lao, chất nước như vị thuốc tiên đã giúp họ tiêu tan mệt nhọc,

Nơi thành thị loại nước trà mạn hoặc trà sen được dùng phổ biến hơn.Tuy nhiên, cũng lắm người thích uống nước chè xanh dân dã này hàng ngày như gia đình tôi. Hôm nào thiếu, miệng cứ nhàn nhạt, bụng nê nê…

Trong hợp đồng làm phim, tôi phải tiếp tục diễn tại Đình Yên Thái Hà Nội vào tháng mười hai. Đến hẹn, cả đoàn có mặt tại Hà Nội  chờ tôi. Qua mail trao đổi, tôi có hỏi các bạn Mỹ thích món quà gì của Huế sẽ mang ra. Thư hồi âm của Mark, ông viết: “ Fresh tea leaves for me, pls!.”

Ngày đi, tôi mua một bó lớn lá chè Truồi mang ra làm quà. Cùng chuyến bay ấy có một phụ nữ Việt kiều xinh đẹp về thăm quê, lúc tiễn đưa được tặng bó hoa rực rỡ, ôm trong tay ngồi ở phòng chờ. Người đẹp, hoa đẹp nên có lắm người  ngắm nghía cô ta rồi họ cũng  quay sang nhìn tôi mà trong ánh mắt tôi đã đọc được ý nghĩ:” Bà khùng ơi bà ôm bó lá chè tươi to đùng đi đâu thế?”.

Do ôm bó lá chè cồng kềnh nên tôi rời phòng cách ly cuối cùng, thoáng  thấy trên ghế chờ, bó hoa xinh xắn đã bị người đàn bà đẹp vất bỏ lại. Riêng bó lá chè tươi giá chỉ mấy ngàn vẫn được tôi  ôm lên máy bay với lòng rộn rã. Bởi tôi hiểu, chiếc lá chè vốn ngày nào ta cũng uống  mà không thấy giá trị nhưng với Mark Brownsteins là thức uống Việt tuyệt vời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày