Bên dòng sinh tử châu sa

GN - Bao nhiêu năm làm kiếp con người (Sinh)

Chợt một chiều tóc trắng như vôi (Lão)

Lá úa trên cao rụng đầy (Bệnh)

Cho trăm năm vào chết một ngày (Tử)…

(Cát bụi - Trịnh Công Sơn)

Cuộc đời này vốn vô thường, huyễn mộng… Là con Phật, ai cũng rõ biết điều đó.

SAM_4603.JPG


Nữ sĩ Tâm Tấn (Trinh Tiên)

Kiếp người là giả tạm, phù du, mong manh ngắn ngủi… Quy luật “sinh trụ hoại không” của muôn đời thật phũ phàng và vô cùng nghiệt ngã, hỏi có mấy ai vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa chặt chẽ của nó?

Dẫu rõ biết, dẫu thấu hay, nhưng vì vẫn là một chúng sanh, một sinh linh bé nhỏ, đang còn hụp lặn giữa bể khổ trầm luân, trôi lăn giữa dòng sinh tử luân hồi, nên chúng ta cứ luôn luôn sẵn sàng để cho những giọt nước mắt tuôn rơi, không chỉ khi tiếc nuối đau buồn với tổn thất, mà còn với lúc hạnh phúc mừng vui.

Nước mắt lưng tròng, rơi rớt đầm đìa, trào tuôn ràn rụa… thì cứ để chúng tự nhiên xuất đáo, tự do bay nhảy, không chuyện chi phải kìm nén, đắp đê ngăn đập để chặn đường rơi lối chảy của chúng. Khóc được cứ khóc, đó là chuyện bình thường. Khóc với tâm bình thường thì vẫn không hề xa Đạo.

Mẹ tôi, nữ sĩ Tâm Tấn (Trinh Tiên), nhà thơ của Phật giáo, đã từng khóc biết bao lần trong quãng đời tu học và phụng sự Đạo pháp, mỗi khi đối diện với nỗi khổ “sinh ly tử biệt”, đối diện với sự mất mát to lớn của bao người, hay đối diện trước một khoảng không gian trống vắng tịch mịch mà một vị Trưởng lão, một vị cao tăng, hay một vị Ni trưởng… mới vừa để lại sau khi xả thân ngũ uẩn rời bỏ cõi trần gian mộng huyễn. Mẹ cũng khóc như ai. Nhưng bà thường khóc bằng… thi ca. Từng giọt lệ là từng câu chữ, từng dòng nước mắt là từng âm điệu âm giai, từng câu cú ngôn từ tuôn sa theo dòng chảy đau thương tiếc nuối như những hạt châu để dâng trình tiễn đưa giác linh của những bậc đại trí đại hạnh cao đăng giác ngạn. Nên, tôi mạo muội gọi đó là những giọt châu sa bên dòng sinh tử!

Những thi phẩm thương tiếc chư tôn đức phẩm hạnh của Mẹ tôi không chỉ đơn thuần là những bài thơ phúng điếu góp vào tang lễ, đã được gửi gắm hết cả tâm tình của một người con khóc cha vừa khuất bóng, khóc mẹ mới đi xa, mà hạt châu nào cũng long lanh sáng ngời bao lời kinh tiếng kệ tán dương, tán tụng ân đức cao dày của các bậc thạc đức hoằng pháp, độ sinh.

Là một đứa con luôn luôn còn bé bỏng nhỏ nhoi của Mẹ, tôi chỉ xin làm nhiệm vụ góp nhặt, tập hợp, và tuyển chọn lại những hạt châu quý báu đó từ những trang bản thảo chép tay, và các tập Kỷ yếu Tang lễ… về một mối, với ước nguyện được xâu kết thành một chuỗi hạt châu trong vườn thi đạo.

Bồ-đề Thánh Thọ (*)
(Kính dâng giác linh HT.Phó Tăng Thống thượng Thiện hạ Hòa)

Sinh dưới bóng cội Bồ-đề Thánh thọ

Đất thiền gia sen hạ kín hương trời

Tâm phước điền đơm hạt ngọc tinh côi

Nạm ý Đạo tròn vin câu diệu Pháp

Giọng dạy Chúng như oanh ngôn yến ngữ

Đức trao Tâm suối mát mạch Lâm thiền

Giới tử Dược Sư, giới tử Từ Nghiêm

Người dẫn dắt lạy Đại Tăng ấn chứng:

Ngọc thốt văn thanh người nghe cảm động

Sư trưởng Huê Lâm rớm lệ mỉm cười…

Người châm hương khi Thánh nữ vào ngôi

Tâm dụng Pháp như suối ngàn lặng lẽ…

Dầu giữa cảnh phong ba và máu lệ

Cấm Chúng ác hành, tránh dụng lời Ma!

(Là bởi vì trong một đóa kỳ hoa

Thâm vi diệu bóng Bồ-đề Thánh thọ!)

Ly trần… hơn sáu mươi năm dị độ

Giữa mùa an cư nắng hạ rực vàng

Có cơn mưa lành trước lễ chuyển quan

Đất Trầm tỏa phất ngàn tâm quy ngưỡng…

Phước huệ giao ngôn khắc vào suy tưởng

Cho nguồn Thơ thơm nguồn Đạo tươm vần

Duyên Đạo Đời nửa thế kỷ hòa Tâm

Quỳ đảnh lễ Thánh dung ngân ánh lệ.

(*) Bồ-đề Thánh Thọ là giống bồ-đề chiết ra từ gốc bồ-đề mà Đức Bổn Sư ngồi thiền định và đắc quả vị Phật. Năm 1938, Đại sư Maha Thera Narada đem cây bồ-đề chiết từ Bodh Gaya sang Việt Nam, và tặng cho Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Hội thọ lãnh và làm lễ trồng cây bồ-đề ở trước chùa Linh Sơn (Sài Gòn, nơi Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đặt trụ sở). Tác giả ví công đức đạo hạnh của Ngài HT.thượng Thiện hạ Hòa, vị cao tăng khai đạo, vững gốc nẩy nhành như Bồ-đề Thánh thọ.

Niềm đau nhược thảo
(Kính dâng Giác linh HT. Già Lam thượng Trí hạ Thủ)

Gót hồng nhẹ bước về Ngôi

Vẫy tay Hoằng pháp ngậm ngùi nhân sinh!

Trăng soi Báo Quốc lung linh

Dấu rêu còn đậm sân thiền bóng xưa...

Trầm khơi Hải Đức hương đưa

Nao nao Biển Pháp nhớ mùa huyền ngôn,

Quảng Hương sương nắng gieo hồn

Sương bay Cổ lục nắng vờn Thiên thu;

Cỏ cây thao thức dáng Từ

Mưa đau nhược thảo, sa mù nhã hoa!

Gió hương rèm lụa phất qua

Đăm nhìn chiếc võng, khay trà, mà thương!

Nhìn sâu lối sỏi vườn hương

Giày rơm gậy trúc in đường Thầy đi...

Chim nghiêng mái Tịnh ca bi

Nhớ “Hoàng Hoa”... giọng ngâm thi buổi trà

Thầy như mặt nhựt chiếu xa

Môn sinh, Phật tử lệ nhòa hướng dương

Ân Thầy đầy ắp nguồn thương

Từ ngôn ái ngữ đẹp dường gấm châu,

Hàng hàng giọt lệ kết châu

Tâm nguyền trải thảm dâng hầu Giác Linh

Trùng trùng quang chiếu Non Linh

Tâm Như nhập Thánh đăng trình giá-na.

Trầm phong kín động Kim Tòa

Non ngàn năm... Hạc Mây xa chập chùng...

Kim Cương Huyệt Đá
(Kính dâng giác linh cố Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Nghiêm)

Trời Xuân Lộc, đất Đồng Xuân

Mây lành Trăng sáng khai thần sơ sinh

Rồi từ một Tạng Địa Linh

Bàn tay ấn bút ngân Kinh Lời Vàng

Phổ Môn mở Pháp Hoa trang

Luận Thành Thật điểm hàng hàng ý sâu

Ngợp trong Suối Pháp nhiệm mầu

Vừa xong Bát Nhã vạn câu, Tặng Đời…

Một đời Hoằng Hóa cao ngôi

Ẩn cư Trại Thủy đỉnh đồi pháp sương

Giữa Vô thường trụ Chơn thường

Mai vàng Lan biếc thiền hương bốn mùa…

Dòng kinh tỏa mát tờ xưa

Giọt sương châm Tuệ Đại Thừa vào nghiên…

Tuổi Đời, Tuổi Đạo cao niên

Làm sao tránh khỏi biến thiên Cuộc Trần!

Ôn chờ sắc hội Tinh Vân

Đất trời dung hợp vào Xuân Quý Mùi

Chân Trần bước nhập về ngôi

Mắt xuyên Hải Đức

Mạch đồi Long Sơn.

Linh Phong Cổ Tự cung đờn

Bất sanh Bất Diệt Pháp vờn Tâm Kinh.

Cỏ hoa chim chóc cung nghinh

Kim Cương Huyệt Đá ấm tình ngàn năm…

Truyền tâm tải đạo
(Kính dâng giác linh Hòa thượng thượng Thiện hạ Siêu)

 Thuyền Tôn, Báo Quốc, Từ Đàm

Trống chuông Bát Nhã… bàng hng trổi Kinh

Trên cao lấp lánh Văn tinh

Nghiêng mời ánh chớp vận hành về Ngôi

Cao Tăng phẩm hạnh rạng ngời

Đem ban Tâm Phật ấm đời nhân sinh.

Chín phương trời đất minh minh

Năm mươi tuổi Hạ viên thành mười phương.

Huyền Văn chấp bút khoa trường

Chuyển tay Hàn Mặc khơi nguồn Chân Kinh

Truyền trao lớp lớp tăng sinh

Mầm Sen Khai Hạ, điểm nhành Mai Xuân

Bút nghiên thừa Huệ thừa Ân

Thiên Thần quét lá, lên tầng Tuệ Tăng.

Trí Tâm như ngọn Hải Đăng

Cho thuyền cao sóng thăng bằng mù khơi…

Như Trăng lồng lộng khung Trời

Soi cho Cội pháp rừng đời nguyên sinh.

Chiều Thu nắng ngả bên thềm

Chuông ngân trút lệ, mõ rền nhịp tang

Vườn Thiền Tôn, sân Từ Đàm

Rào mưa gãy gục, trăng vàng vỡ khuôn

Mái rêu Cổ Tự đậm buồn

Vầng Dương che mặt màn sương Thu mờ…

Mây vàng đỉnh Thứu giăng tơ

Ảo hình lọng báu nghinh chờ Chân Sư.

Vừa xong Ấn bút gieo Châu

Truyền tâm tải đạo, về hầu Như Lai. 

Hoa Mạn Đà La
(Kính dâng giác linh HT.Luật sư thượng Đỗng hạ Minh)

Nhìn trời tỏa sáng tia sao:

Bút tươm Luật Tạng nạm vào trang son;

Vầng trăng chiếu diệu đầu non:

Nghiên vàng dấu ấn khuyên tròn đề thi

Tâm tâm trải gấm đồng quy

Dệt trang Thiền sử sắc quỳ lung linh

“Mấy mùa Xuân tới, Đạo Căn vươn tỏa đồi xanh, nẩy nở Mạn Đà Tâm Đại Chúng

Mười bảy năm qua, Pháp Chủng gieo ngời triền biếc, xum xuê Tùng Trúc Chí Tăng Sinh” (*)

Câu đối kính dâng mừng chúc bậc Siêu, Minh

Hai nét bút Luận Kinh tươm Luật Tạng.

Không ngại phế hưng, không chùn Pháp nạn

Đường đồi xanh quẩy nặng gánh hai chùa

Hải Đức-Long Sơn hực nắng bầm mưa,

Chân hành Đạo vẫn không lầm lối bước.

Bàn tay Pháp vươn dìu người ngã trượt

Nguồn bao dung suối mát độ hành nhân

(Lỡ bước phiêu du chạm kiếp đường trần)

Ân pháp nhũ như Mẹ Hiền vẫy gọi!

Gió đất nước lửa, hao dần Tứ Đại

Xe Hoàng Vân Phượng Các hiển non xa!

Tháo dép bụi trần, đau gót phù hoa,

Chân không bước lên mấy tầng Nội Viện…

Còn nghe vẳng nhịp trống chuông cung tiễn

Một tràng cười rung sóng biển nguồn non

Dấu ấn trang xưa nghiên bút châm son

“An Cư Tháp” nắng Trăng Rằm ủ Hạnh.

(*) Hai câu đối này tác giả kính mừng ngày Hòa thượng Từ Đàm -Thiện Siêu và Thượng tọa Đỗng Minh được phong Viện trưởng và Phó Viện trưởng Trường Cao đẳng Phật học.

Mất bóng Hạc Vàng
(Kính dâng giác linh Ni trưởng Thích nữ Trí Hải)

Thời Huế đẹp… thôn vườn xanh Vỹ Dạ

Phủ Vương thơ, Huyền nữ nếp yêu kiều

Sách vở thơm hương, tà áo Cô Chiêu

Gót son chuyển gieo đề Thi, bút Họa…

Như sen trắng Tịnh Tâm mùa năng Hạ,

Đài gương ươm phong nhị kín U hương

Chớp sát na nhìn thật tướng Mây Sương,

Từ Đại Nội nhập qua Thiền Đại Giác.

Mắt chạm tờ kinh

Huyền âm trỗi nhạc

Thấm bản đạo ca

Tâm bật Kim Ngôn!

Tiếng Hồng Chung rúng động đầu nguồn,

Trăng Di Đà lặng thinh hiển hiện…

Một tiếng thét! Trả về thân Cõi huyễn

Ngàn sức Đau cho khép kín di ngôn…

Bờ Tử sinh, thuyền lách mái chiêu hồn

Sen trắng Phủ Vương, Sen vàng Lâu Các.

Huyền Sử nghi dung hạnh tài uyên bác

Kim Cổ Đông Tây dấu ấn nhân gian.

Ni sư! Ni sư! Mất bóng Hạc Vàng…

Cung kính vọng về Hồng Ân đảnh lễ Sư Trưởng
(Kính dâng giác linh Ni trưởng Thích nữ Viên Minh)

Nghiệp duyên trần cảnh qua Bách Tuế

Lưu đường giáo thọ nở Thiền hoa

Pháp hạnh bồ đề nhập Không môn

Đạt cõi Vô Ưu về diệu tánh.

Phật lực Hồng Ân độ thế

Viên dung tướng hảo khai minh

Thừa ân lớp lớp ni sinh

Nhành sen khai hạ, vun nhành mai xuân…

Xin đảnh lễ Hồng Ân, bái vọng

Dâng Tâm Thơ… đẫm lệ tuôn tràn

Hoa đăng sáng lễ Vu Lan

Lời thơ hiếu hạnh vượt ngàn dặm xa…

… Còn rất nhiều những “thi phẩm châu sa” khác, rất tiếc là trang báo có giới hạn, nên chúng tôi chỉ xin giới thiệu thêm thi phẩm gần đây nhất để kết thúc bài viết này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày