Bên khung cửa đền Jokhang

Tôi cố gắng lục lọi trong cái trí nhớ vốn đã lộn xộn của mình nay lại được ướp lạnh bởi thời tiết ở độ cao 3.700m này, tìm xem còn chút gì trong những cuốn sách mà tôi đã đọc trước khi đi Tây Tạng để không bỏ sót cơ hội chiêm bái đất thiêng.

Sách hướng dẫn du lịch dặn dò khách tham quan nhớ mang theo kính đen vì trên “nóc nhà của thế giới” có quá nhiều nắng. Tôi răm rắp làm theo để bảo vệ hai cái cửa sổ tâm hồn mình. Còn những cửa sổ không phải của tôi đang ngự ở trên tường đỏ sậm ngoài kia thì được người Tạng treo những tấm vải bố màu đen, để gìn giữ bên trong là một phần di sản văn hoá của thế giới. Những tấm vải được trang trí bằng các hoạ tiết Phật giáo không quá mỏng để giảm bớt cái nắng chói chang, không quá nhẹ để gió thổi bay phấp phới. Vé vào tham quan bên trong đền giá 70 nhân dân tệ, tức là khoảng 140 ngàn đồng nên tôi không mặn mà với ngoại thất nhiều nữa.

dulich-1.jpg

 

Bên trong đền Jokhang có rất nhiều tượng Phật, La hán, các bảo tháp chứa di hài của các vị Lama, kinh sách và rất nhiều vật thiêng, quý giá khác. Hàng ngàn ngọn đèn đốt bằng mỡ của con trâu Yak chỉ đủ làm cho nội thất ửng vàng nhưng lại làm nhiệt độ tăng lên đáng kể. Tôi nhớ ra nét cong của mí mắt Đức Văn Thù được diễn tả trong tập bút ký của Văn Cầm Hải, thì đây tất cả đang ở trước mặt: “Ở giữa đường chạy của mí trên lại lõm xuống che kín một phần ba giác mạc và đôi con ngươi”(*).

dulich-3.jpg

 

Chưa hết sung sướng vì được mục sở thị đôi mắt huyền bí của tượng Phật Tây Tạng, tôi lại ngây ngất bởi giai điệu ánh sáng với sự đóng góp của dãy cửa sổ dọc theo hành lang nối các phòng. Nắng xiên chiếu qua cửa sổ gặp khói hương nghi ngút trong điện thờ tạo thành những quầng sáng kỳ ảo. Thật không ngờ hiệu ứng huyền ảo ấy lại được tạo nên từ bức rèm ngắn màu hồng đỏ trên những tấm che đầu cửa. Gió thổi qua những bức rèm cuộn lên những con sóng liên tiếp, bóng đổ của bức rèm bắt nhịp cho những quầng sáng bên trong hành lang lung linh nhảy múa. Không biết những con sóng trên bức rèm nơi đầu cửa có liên hệ với nét cong trên mi mắt Đức Phật như thế nào, nhưng ấn tượng nó đem lại thì thật sâu đậm. Tôi tiếc nuối vặn vẹo ống kính rồi đi tiếp vì biết rằng không thể chụp lại khung cảnh này. Một phần là vì sợ nếu hình xấu sẽ làm hỏng cảm xúc khi xem lại, phần nhiều hơn là vì… người ta cấm chụp hình trong đền.

dulich-4.jpg

 

Mải miết với những điều quá đỗi lạ mắt, cơ thể nhắc nhở tôi kiếm một chỗ nghỉ chân. Chọn một bậc thềm ở ngoài sân trên tầng hai, tôi ngồi tiếp tục soi mấy cái cửa sổ. Có nhiều kích thước khác nhau, màu sắc khác nhau, đầu cửa có khi không cùng cao độ, vị trí thì không đối xứng… Thảo nào người ta gọi Tây Tạng là đất nước của ánh sáng và tự do. Vàng dùng để làm mái nhà thì cửa không nhất thiết phải có khoá. Cầu thang có thể có tay vịn hoặc không, hoặc có mà không vịn được. Phòng ốc cũng không cần cao bằng nhau vậy thì cửa sổ thế nào chẳng được? Thêm nữa, hầu như các cửa sổ đều đóng.

dulich-2.jpg

 

Ít làm cửa sổ ở tầng trệt, lấy sáng gián tiếp qua cửa sổ mái, tia nhìn từ bên ngoài vào mặt tượng Phật bị che chắn bởi khung cửa và những điều khác tôi học được từ những cửa sổ ở ngôi đền có tuổi gấp hơn 50 lần tuổi tôi này thực sự nhiều ý nghĩa hơn sự đánh giá vội vã lúc ban đầu. Miền đất giàu văn hoá nơi đây còn biết bao kỳ thú để khám phá. Cho dù oxy không nhiều, hãy cùng thở sâu và đi tiếp…

dulich-5.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày