Bếp cơm thiện nguyện chùa Bảo Vân

Không những phục vụ 2.500 đến 3.000 suất cơm mỗi ngày cho bệnh nhân, thân nhân từ các tỉnh thành đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu và các bệnh viện khác, bếp cơm chùa Bảo Vân còn trang bị một xe cấp cứu dùng trung chuyển bệnh nhân nặng, nghèo từ bệnh viện trở về các tỉnh, thành hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, Ban Từ thiện chùa Bảo Vân cũng đã hỗ trợ viện phí cho những hoàn cảnh ngặt nghèo...    

Một ngày vất vả của những người tình nguyện phục vụ bếp cơm từ thiện chùa Bảo Vân (đặt tại số 23/4 Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh) bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng và kết thúc khi trời đã tối mịt. Và đã từ 3 năm qua, ngày nào cũng vậy, bếp lửa đêm vẫn sáng đều đặn làm chỗ nương nhờ cho người bệnh và thân nhân nghèo trong những lúc khó khăn, bệnh tật.

bepcomtuthien-1.jpg

Chia sẻ bữa cơm cho bệnh nhân (Ảnh: CTV)

Ấm lửa tình người

Sư cô TN.Như Giác, Trưởng ban Từ thiện chùa Bảo Vân nói: “Việc làm này xuất phát từ tấm lòng từ bi, san sẻ của nhiều người chung tay góp sức cho người khó khăn chứ một mình đâu làm gì được. Mình chỉ là người quản lý chung, làm sao giữ hòa khí, sự đồng lòng trong anh chị em tình nguyện để công việc chung được trôi chảy, như ý… có như thế thì bữa cơm dành cho bệnh nhân mới ngon, ý nghĩa hơn”.

Nói thì đơn giản thế nhưng để bếp cơm ấm tình nhân ái được như ngày nay thì mồ hôi, công sức và tình thương của mọi người được đặt trọng tâm để tất cả đều nỗ lực. Vì thế có bệnh nhân ăn cơm lâu năm ở đây bảo vui rằng: “Bếp cơm đã được ‘lên đời’ từ bếp cháo tình thương cách đây đã 11 năm”. Sư cô TN.Như Giác cho biết, những ngày chuyên phục vụ cháo sáng, các Sư cô cùng Phật tử đã phải đem bếp cháo phục vụ cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, lâu ngày bệnh nhân đông lại phục vụ thêm cho bệnh nhân Bệnh viện Ung Bướu. Bếp cháo ấy cũng đã dời đi, đổi địa điểm mấy lần nhưng vẫn không ngày nào ngơi nghỉ, vắng một hôm là bệnh nhân không có cháo mà ăn, thấy thương lắm. Nên dù có khó khăn mấy, nồi cháo ấy vẫn ấm lửa, bát cháo tình người vẫn ngút khói bởi ngày càng có nhiều bàn tay góp sức để chung lo với bệnh nhân vượt qua lúc ngặt nghèo.

Hiện nay, mỗi ngày bếp cơm tình thương chùa Bảo Vân phục vụ ngày hai bữa cơm trưa và chiều, mỗi ngày 2.500 đến 3.000 suất cơm cho bệnh nhân nghèo từ các tỉnh thành đến điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu, Phạm Ngọc Thạch, Y Học Cổ Truyền; ngoài ra những hôm bệnh nhân từ các tỉnh được phẫu thuật ghép thủy tinh thể tại các bệnh viện, bếp cơm vẫn phục vụ thêm cho những người này. Điều đáng trân trọng là dù chùa phục vụ hai bữa cơm chay chính cho bệnh nhân nhưng vẫn duy trì nồi cháo sáng và sữa đậu nành cho người bệnh.

bepcomtuthien-3.jpg

Bà Nhung và tình nguyện viên đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều (Ảnh: H.Diệu)

Một ngày “mục sở thị” ở con hẻm rộng này mới thấy hết những tấm lòng tận tụy ở bếp cơm chùa Bảo Vân. Bắt đầu từ 6 giờ sáng bệnh nhân đã xếp hàng dọc dài để nhận cháo, rồi đến 9 giờ 30 lại đến giờ phát cơm trưa, 15 giờ 30 đến cơm chiều, lúc nào bệnh nhân cũng đông, phải xếp hàng và trình giấy nhập viện nhưng người nào cũng nhận được phần của mình. Một tình nguyện viên xét phiếu nhập viện cho biết, sở dĩ làm việc này là để tránh tình trạng bên ngoài vào xin cơm nhiều thì bệnh nhân thật sự khổ phải mất phần thì tội nghiệp lắm nên Ban Từ thiện bắt buộc phải thực hiện quy trình thật nghiêm túc. Và dù đông đúc nhưng nhờ làm việc khoa học, ai cũng có cơm nóng với canh, kho… có khi một người nhưng xin cho hai ba người vẫn được. Sư cô Như Giác nói vui: “Hiện nay, Bệnh viện Ung Bướu cũng có bếp cơm từ thiện nhưng chẳng biết sao lúc nào bếp cơm bên hẻm nhỏ này vẫn đông đúc lắm”.

Tấm lòng thiện nguyện

Để khoảng 3.000 bệnh nhân có bữa cơm mỗi ngày, Ban Từ thiện chùa Bảo Vân đã phải trang bị dụng cụ nhà bếp và chuyên nghiệp hóa bếp ăn. Hiện nay, bếp cơm đã thật sự khang trang, cơm được hấp bằng nồi hơi, và hệ thống bếp bằng lò ga khép kín rất sạch và an toàn. Mỗi ngày, anh chị em tình nguyện viên phải nấu 350kg gạo nên nhà bếp lúc nào cũng đông người phục vụ, phải huy động đội nấu từ 15 đến 20 người từ các tỉnh về tình nguyện và 20 người công quả tại TP.HCM cho khâu gọt cắt rau củ quả. Và chùa huy động một xe chuyên đi xin rau củ quả từ các chợ rau đầu mối về để chuẩn bị cho mỗi ngày.

bepcomtuthien-2.jpg

Bệnh nhân xếp hàng chờ nhận cơm trưa (Ảnh: CTV)

Bà Trương Thị Nhung (86 tuổi) quê tại xã Định Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đã hướng dẫn một tổ thiện nguyện 16 người gồm cháu ruột, con ruột và bà con quanh xóm đến phục vụ tại bếp cơm từ thiện chùa Bảo Vân, mỗi đợt tổ phục vụ liên tiếp 1 tháng, năm nay nhóm của bà đăng ký phục vụ 4 tháng. Tấm lòng thiện nguyện của bà Nhung ai cũng quý bởi đã 20 năm qua bà từng phục vụ tại các bếp tình thương của Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP.HCM… nơi nào cần thì bà sẵn sàng đến giúp và kêu gọi mọi người cùng giúp. Bà nói công việc gắn với bà xuất phát từ cái tâm biết thương người nghèo khó, bản thân bà và những người cùng nhóm không có của cải, vật chất nhưng còn có cái công, chung sức nhỏ bé để bữa cơm cho bệnh nhân nghèo được chu đáo hơn.

Hiểu, chia sẻ với công việc ý nghĩa này, anh Lê Văn Phướng (28 tuổi), Nguyễn Văn Thuần (25 tuổi), Lê Hữu Cảnh (15 tuổi) là con và cháu của bà Nhung cũng đã theo chân bà phục vụ trong đội nấu được hai năm qua tại bếp cơm từ thiện chùa Bảo Vân. Sư cô TN.Như Giác cho biết: “Bếp cơm phục vụ cho bệnh nhân chu đáo là nhờ vào sự tận tâm của những nhóm tình nguyện, họ không nề hà gì từ công việc nhỏ đến công việc lớn và luôn thể hiện được sự hoan hỷ bởi ‘cách cho’ hơn là ‘của cho’ dù có vất vả đến mấy”. Điều đáng quý là những nhóm tình nguyện từ các tỉnh thành đến phục vụ bếp ăn chùa Bảo Vân là những nông dân, họ tranh thủ những ngày rảnh việc đồng áng, tranh thủ hùn công đức cho việc phước thiện này và với họ “biết đủ và được góp sức trong việc từ thiện là thấy mình giàu hơn rồi”. Đó là cái lý đơn giản để mỗi ngày tình nguyện viên chia bớt nỗi buồn, sự lo lắng và nỗi đau với bệnh nhân nghèo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Lợi ích của việc thực tập chánh niệm trong đời sống thường nhật

NSGN - Chánh niệm là phương pháp thực tập tích cực được phát huy ngày càng mạnh mẽ trong thế giới hiện đại. Mặc dù chánh niệm có nguồn gốc phong phú từ Phật giáo, nhưng nó là sản phẩm chung dành cho loài người, là năng lực thiên bẩm của con người, nó vượt lên trên các yếu tố tôn giáo và văn hóa.

Thông tin hàng ngày