Blouse trắng góp xuân cho đời

Cần mẫn với bệnh nhân quên cả thời gian - Ảnh: Bảo Toàn
Cần mẫn với bệnh nhân quên cả thời gian - Ảnh: Bảo Toàn
Giác Ngộ - Mười bảy năm công tác tại Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh tâm thần Thủ Đức (33C/2 đường Phú Châu, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) là ngần ấy năm chị lặng lẽ hiến dâng yêu thương cho đời.

Tại trung tâm đầy tình người này, không biết đôi bàn tay chị bao nhiêu lần đã sưởi ấm, đánh thức và đưa mùa xuân về với những bệnh nhân tâm thần - những người bất hạnh bị khuyết tật tâm hồn nơi đây. Có lẽ chính vì thế mà đồng nghiệp, bệnh nhân rất yêu và quí mến chị. Bởi trong họ: "Chị không chỉ là bác sĩ có tài, có tâm với nghề mà còn là nữ bác sĩ tràn đầy niềm tin và sức sống". Chị là bác sĩ Nguyễn Thị Trước Trân…

Tìm đến vì tình yêu thương

Vì yêu, con người ta có thể làm tất cả. Nếu như yêu thương người nào đó, thì ta không bao giờ ngại ngần hay từ chối làm bất cứ chuyện gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người thân yêu của mình. Và nếu như yêu nghề, ta cũng sẽ làm được tương tự. Mặc cho muôn ngàn cách trở, nếu như có niềm tin thì ta sẽ làm được như thế. Với bác sĩ Nguyễn Thị Trước Trân thì điều đó cũng không là ngoại lệ.

Nhắc đến cái duyên đưa đẩy chị gắn bó với trung tâm nơi đây, chị khẽ cười, kể rằng: "Lúc còn là sinh viên Trường Trung học Quân y II TP.HCM, có một lần Trân cùng phái đoàn từ thiện đến Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh tâm thần Thủ Đức. Lúc thăm hỏi, chăm sóc bệnh nhân nơi đây, nhìn họ hồn nhiên nói, cười tằng lăng tíu líu nên Trân thấy thương, mến. Như có tình cảm gì đó rất đặc biệt, lòng Trân cứ bồn chồn mãi không thôi. Vậy nên lúc gần ra về, Trân đã liều mình đến gặp giám đốc trung tâm xin được về đây làm sau khi ra trường. Anh cười rồi bảo Trân cứ làm đơn xin về, anh sẽ xem xét. Nhưng không ngờ ngày nhận được bằng tốt nghiệp cũng là ngày Trân được nhận về trung tâm làm".

Biết tin chị được nhận về trung tâm công tác, bạn bè cùng lứa với chị ai cũng thấy tiếc và khuyên chị đừng nên về làm, bởi lúc đó có nhiều nơi tốt hơn, có điều kiện hơn dang tay chào đón. Mặc cho sự can ngăn của bạn bè, chị vẫn nhất quyết khăn gói về với bệnh nhân nơi đây mà không chần chừ hay tiếc nuối. Và rồi chị gắn bó luôn với nơi đây từ ngày đó.

… Tâm hồn thắp sáng những niềm thương

Có làm mới có biết, công việc chăm sóc bệnh nhân nơi đây không hề đơn giản như chị nghĩ. Chính vì vậy mà những ngày đầu về công tác, chị đã gặp không ít bỡ ngỡ, lo lắng và trăn trở. Nhưng với ý chí, niềm tin, nỗ lực bản thân và sự hỗ trợ, giúp đỡ của người đi trước, chị đã nhanh chóng rút ngắn khoảng thời gian đầy khó khăn ấy. Và ngạc nhiên hơn là bằng sự quan tâm yêu thương chân tình, chỉ trong thời gian chị đã xoa dịu cơn đau và lần lượt chinh phục trái tim của hàng trăm bệnh nhân nơi đây. Để rồi mùa xuân liên tiếp lại tràn về với bệnh nhân chị chăm sóc. Họ bắt đầu bớt đau hơn, sống vui hơn và có nhiều người lành bệnh trở về đoàn tụ với gia đình.

Trong số bệnh nhân may mắn tìm được chính mình và làm lại cuộc đời có em Phương Ngọc, 22 tuổi. Em đã khỏi bệnh hẳn và được người thân đón về chỉ sau thời gian ngắn được chị trực tiếp chăm sóc, chữa trị.

"Không niềm vui nào bằng niềm vui nhìn thấy bệnh nhân mình khỏi bệnh, rời khỏi trung tâm". Chị nói.

Chính vì thế mà lần nào đưa bệnh nhân khỏi bệnh về với gia đình, chị đều khóc. Có lẽ, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc và cũng là vì lòng quyến luyến tình thân trước buổi chia ly. Chị kể: "Nhớ ngày đưa Ngọc ra khỏi trung tâm, một tay Ngọc cầm túi đồ, tay thì líu ríu nắm tay mình, càng ra gần cổng trung tâm, em nó càng nắm chặt hơn. Đến lúc ra tới xe, Ngọc bước đi hai, ba bước là xoay người lại nhìn. Thấy mắt Ngọc đỏ hoe, mình lật đật đi vào. Vì sợ đứng đó, kiềm lòng không nổi". Hay chị Hồng Hoa cũng vậy. Sau khi chữa hết bệnh ở trung tâm, chị đã quay về hòa nhập cuộc sống với cộng đồng. Chị Hoa đã lập gia đình ở tuổi đời 28. Và ngày ngày chị sống yên vui, hạnh phúc bên mái ấm nhỏ của mình như bao đôi vợ chồng bình thường khác trong xã hội muôn màu này…

Nhưng có lẽ giám đốc trung tâm càng đánh giá cao chị hơn đó là khi chị đem về cho nơi đây thêm tin vui mới. Bằng hành động thiết thực, chị đã truyền thông đến bệnh nhân của mình những suy nghĩ tích cực và tiếp cho họ niềm tin, tìm về với niềm vui cuộc đời. Điều mà đồng nghiệp chị không ngờ rằng, họ - những người được chị chữa khỏi bệnh đã sống tốt và cống hiến cho đời chẳng kém gì chị. Như cô Phấn chẳng hạn.

Cô Phấn nguyên là một bệnh nhân, đã khỏi bệnh và có thể rời khỏi trung tâm từ rất lâu. Nhưng bởi thấy yêu mến, quý mọi người nơi đây nên cô đã xin được ở lại. Trong niềm vui, cô bộc bạch: "Giờ tôi hết bệnh rồi, cái gì cũng biết. Nhờ bác sĩ Trân mà tôi hết bệnh sớm. Tôi muốn làm gì đó đền ơn bác sĩ. Nên tôi đã xin ở lại phụ các bác, các chị điều dưỡng chăm sóc, đúc cơm, tắm cho những người bạn tri kỷ của tôi chưa khỏi bệnh. May mà được cho phép, tôi mừng quá chừng. Coi vậy chứ ở đây không có buồn, mà vui lắm".

Và xuân đã về nơi chân trời mới…

Có chị, trung tâm nơi đây có thêm một tiếng cười, bệnh nhân có thêm một tấm lòng yêu thương và đồng nghiệp có cơ hội hiểu nhiều hơn về triết lý nhân sinh của cuộc sống. Như lời chia sẻ của cộng sự - điều dưỡng Ngọc Mai nhận xét rằng: "Làm việc chung chị Trân nhiều năm, tôi như được tiếp ngọn lửa niềm tin từ chị. Chị cho tôi thấy được tình thương yêu mãnh liệt với đời, với người và trái tim vô cùng lương thiện của người bác sĩ. Đi với chị, tôi nể chị không chỉ là bác sĩ khiêm tốn mà còn là bác sĩ nặng tình, nặng nghĩa với anh, em. Chưa bao giờ tôi thấy chị cáu gắt, chán nản hoặc giữ khoảng cách với người bệnh thiểu năng trí tuệ hay tâm thần. Mà ngược lại, chị luôn thân thiện, tặng nhau nụ cười, cho nhau ánh mắt ấm áp". Chính vì vậy mà không ít lần chị làm say lòng anh- một đồng nghiệp luôn quan tâm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chị từ những ngày đầu về công tác. Để rồi mùa xuân hạnh phúc lứa đôi tràn về, trung tâm bất ngờ đón nhận tin vui từ anh chị. Có ai ngờ, ở cái nơi khắc nghiệt này, chị lại có thể vẽ ra không chỉ cho bệnh nhân nơi đây mà còn cho cả chị những chân trời mới.

Xuất phát từ tình yêu hình thành từ lý tưởng, vì thế mà chị được chồng và gia đình chia sẻ khá nhiều. Nhất là về công việc, tưởng chừng như lập gia đình thì niềm yêu nghề trong chị sẽ không còn được thực hiện được nữa. Nhưng không ngờ, chị lại được chồng tạo mọi điều kiện để chị đến với ước mơ cống hiến.Với vợ chồng chị, thì cái trung tâm này từ lâu đã không còn là nơi làm việc, mà đã trở thành ngôi nhà, mái ấm thứ hai của mình. Vì thế mà Tết năm nào cũng vậy, gia đình chị đều dắt díu nhau vào trung tâm đón xuân cùng đồng nghiệp, bệnh nhân. Và dường như từ lâu, gia đình chị đã quen rồi với những mùa Tết như thế. Những cái Tết không xa hoa, chưa đủ đầy nhưng chưa bao giờ lạnh lẽo và thiếu niềm hạnh phúc. Bởi nụ cười, lời chúc Tết và tiếng hát hò của tập thể bệnh nhân nơi đây đủ đốt cháy đi cái hiu quạnh của vùng đất lạnh vốn còn rất hoang sơ này.

Như bước ra từ câu chuyện cổ tích, khó tin nhưng là sự thật. Cái dư vị cuộc đời có khi như vậy mà đánh thức biết bao tâm hồn con người. Để rồi như chị nghĩ: "Cát bụi rồi cũng về với cát bụi. Biết vậy, nên lúc sống làm được gì cho mọi người thì cố gắng làm. Để lúc mất đi, mình còn có chút gì để lại cho đời và chút gì đó để thương, để nhớ".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày