Bỏ rượu nhờ học Phật

GNO - Đối với người Phật tử khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu luật thi hành từ ngày 1-1-2020 là một niềm vui, vì sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và hạng chế những tác hại từ rượu bia đến cuộc sống của con người.

Dưới đây, hai Phật tử chia sẻ với Giác Ngộ online về cách ứng xử trước những lời mời rượu bia, từ gia đình, bạn bè, đối tác kinh doanh để tạo nên một nét riêng, một sự lan tỏa “đạo” nhẹ nhàng đến những người từng mời mình.

Thương hiệu “không biết uống rượu bia”

Đó là chuyện của anh Tâm Đạo Hỷ - một Phật tử tu theo pháp môn của Thiền sư Nhất Hạnh. Anh kể, cách đây nhiều năm, vì các mối quan hệ, bạn bè, làm ăn nên phải uống rượu, khi uống vào thì hay buồn ngủ. Anh nhớ lại, có lần trên đường chạy xe về, ý thức đầu là đi ngang chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) nhưng đến khi mở mắt giật mình thì đã thấy ở ngã tư Võ Thị Sáu. "Gần như khoảng giữa đoạn đường đó là tôi ngủ. May lúc đó nửa đêm không có xe chạy qua”, anh nói mà vẫn còn rùng mình.

Từ đó trở đi, anh kiên quyết vì sức khỏe cho mình, hạnh phúc cho gia đình, vợ con và an toàn cho xã hội - nếu có uống thì cất xe, đi xe ôm.

1rb.jpg


Phật tử Tâm Đạo Hỷ

Rồi đến lúc biết và thực tập đạo Phật, khi đi với bạn bè ngồi bàn nhậu, cả buổi nước suối, anh cũng chịu bao nhiêu lời ra tiếng vào như "tu tại tâm, tu mà còn chấp".

“Dĩ nhiên, lúc đó tôi tu chưa tới, mới tu nên lý luận lại, tranh luận đủ thứ, nhưng càng tranh luận một hồi thấy bản thân mất bình tĩnh, sân si nổi lên. Thuyết phục không được về nhà mất ngủ, nghĩ đường cãi cho hay hơn, thấy mệt mỏi, rồi đến một ngày tự ngộ ra, ủa mình cãi chi vậy, tranh luận làm gì. Mình đã chọn và mình thấy đúng thì mình cứ làm, chứ càng tranh luận càng đi xa".

Theo đó, anh quyết định nói rõ quan điểm của mình với mọi người một lần, nếu không nghe thì do cái duyên của mình với họ chưa tới, nói vì trách nhiệm phải nói - vì họ chưa biết chứ không tranh luận.

Anh chia sẻ, thật ra họ muốn mình giống họ, vì trong một tổ chức, mình khác tất cả mọi người thì không hay lắm. Nhiều khi họ bắt ép mình uống vì nghĩ mình sẽ vui, sẽ không bị thiệt thòi. “Khi họ khuyên, tôi cũng biết ơn, vì họ thương mình, sợ mình lạc loài, nhưng thương không hiểu làm cho mình khổ”.

“Do vậy, khi tới đám hẹn tôi nói nhỏ trước với nhân viên chuẩn bị món chay, chai nước suối, lon bia, anh em vô thì đứng cụng ly, nhắp môi để anh em vẫn vui, để mọi người thấy mình ngồi, vẫn vui vẫn hòa đồng với anh em, vẫn nhẹ nhàng thoải mái”, anh Đạo Hỷ chia sẻ.

Nhờ đó, anh vẫn gặp bạn bè, vẫn hòa đồng và nói thiệt với mọi người “tôi không uống được, vì uống 2 chai là ngủ. Tôi thấy mình cứ sống thực với chính mình, nếu mình giữ nguyên như vậy thì đến một ngày họ thấy mình vững chãi họ sẽ theo mình”. Theo anh, giữa hội chúng, mọi người đang ăn nhậu mà mình thuyết phục, rượu tác hại xấu thì mình không có cơ hội thuyết phục họ lần hai.

“Đến một ngày tự nhiên mình nói vài câu nhẹ nhẹ mình chuyển hóa được họ. Thật ra tất cả người bạn của tôi đến giờ phút này họ uống ít hơn hồi xưa rất nhiều. Và tôi đã làm một điều kiên trì là không còn ép nhau, từ chỗ không ép tôi thì không ép người khác”.

Anh chia sẻ, nhiều người nói môi trường anh làm xuất nhập khẩu thì ăn nhậu dữ lắm. "Nhưng làm hai mấy năm ở môi trường này, tôi đâu có biết ăn nhậu gì đâu. Bây giờ thương hiệu không biết ăn nhậu là của tôi”. Giờ đi đâu, mọi người đều bảo vệ, “riêng anh đó cứ để vậy, uống được bao nhiêu thì kệ. Để giữ được như vậy là quá trình trải qua 10 năm, cũng nhiều tai tiếng”, anh Tâm Đạo Hỷ bày tỏ.

Vì sự chân thành, có mặt hết lòng cho nhau nên nhiều bạn ở xa khi tới Sài Gòn đều muốn gặp anh. “Bây giờ, khi ngồi với bạn thấy có thể đem lại niềm vui cho bạn thì tôi ngồi, họ có nhu cầu cần sự có mặt của mình thì ngồi có mặt hết lòng. Còn lại thì hầu hết tôi đi về”.

Từ kinh nghiệm trên, anh chia sẻ: “Nếu là Phật tử thì các bạn hãy bình tĩnh, mình nghĩ việc gì mình nên làm thì mình làm. Trong những bữa hẹn có rượu bia thì điều tối kỵ là không tranh luận mà luôn tìm cách né tranh vấn đề. Nếu họ đả kích mình thì mình nên né tránh, cứ hòa với họ, mình cứ nói thật - em uống thì em say, mà say em về trước thì không có cơ hội vui chơi với nhau.

Rượu bia làm cho mình không tỉnh táo và không tiến xa trên con đường tu tập - nhận rõ điều đó nên mình bảo vệ chính mình, vì cái lương thiện của chính mình. Để giải thoát đơn giản là không vướng mắc đến nó. Để đạt được điều vừa nói đòi hỏi có sự thực tập thiền quán thường xuyên và muốn như vậy thì rượu bia là một trở ngại rất lớn. Ý thức được điều đó, hiểu rồi thì đừng để vướng, tự động mình sẽ ý thức. Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống - là một điều rất hay, rất dễ thương, nó tạo nên một nét đẹp đạo đức trong cuộc sống” anh Tâm Đạo Hỷ chia sẻ.

“An lành và thấy nhiều lợi lạc từ khi giữ trọn giới không uống rượu”

Trong khi đó, đối với anh Tịnh Lợi (TP.HCM) - một tài xế lái xe - bày tỏ, rất mừng khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Với anh: “Mỗi khi ngồi lên xe tôi tâm niệm luôn nghĩ đến sự an lành cho người mình chở, đi đến nơi về tới chốn” - nhờ đó 27 năm lái xe, mọi chuyến xe anh đi đều an toàn.

Anh Tịnh Lợi chia sẻ, khi chưa theo đạo Phật, bản thân thấy rượu không có lợi, qua những năm lái xe không uống rượu vì công việc, tiếp theo là thói quen không thích. Sau khi biết đạo thì thấy đó là nghiệp của mỗi người vì hành động lặp đi lặp lại. Nên khi làm cho công ty thiết bị y tế hiện tại, anh xin phép không tham gia ăn nhậu với công ty và được giám đốc đồng ý.

Bạn bè lâu ngày gặp lại, nhiều người chưa hiểu, mời thì anh từ chối và nói rõ ràng quan điểm của mình, “chứ không giải đãi cho qua”. Các bạn công ty đều biết anh có đời sống tâm linh, ăn chay, không uống rượu. Nhưng mỗi lần có tiệc cưới họ mời thì anh vẫn đến, vẫn ngồi chung và không làm cho các bạn mất vui.

Với anh chị trong nhà, thời gian đầu, mỗi lần họp gia đình thường muốn thông qua ly bia để nối kết tình cảm. Qua một vài lần từ chối, “tôi nói rõ với anh chị - em không uống rượu bia được. Bây giờ em đi chùa giữ giới, ăn chay nên em không nhậu”.

Khi nói rõ như vậy, “ban đầu anh chị không đồng ý, nhưng dần dần khi đời sống tâm linh nghiêng về Phật giáo, nhận thấy đời sống tôi có nhiều an lạc. Thì từ chỗ phản bác đến bây giờ mọi người lấy đó làm niềm tự hào. Dần dà, các anh chị đi đến chùa, dù vẫn chưa thuần thành, hồi xưa là không đi”, anh Tịnh Lợi chia sẻ.

2rb.jpg


Anh Tịnh Lợi

Anh Tịnh Lợi kể, 13 năm trước đối trước Tam bảo chùa Hoằng Pháp phát nguyện giữ trọn vẹn giới không uống rượu cho đến nay, anh thấy lúc nào mình cũng an lành. Do vậy, anh kiên định và nói không với rượu bia, vì không sử dụng thì không ảnh hưởng đến đời sống, đến công ăn việc làm. Các con tin tưởng, tự hào ba đi làm là về nhà, không nhậu nhẹt, hút thuốc, lấy anh ra làm gương.

 “Sau này hiểu giới trong đạo Phật và đi sinh hoạt Gia đình Phật tử, gần các em nhỏ, thấy mình đang mang trọng trách là người anh hướng dẫn các em mình hiểu về đạo Phật, cho các em tin vào những giáo lý đạo Phật là chuẩn, là đẹp để các em có một cái nhìn nhận cao đẹp. Nên từ đó tôi đưa giới vào bản thân mình - phải có một thân giáo, không đánh lừa các em, lúc nào cũng sẵn sàng đứng trước các em nói những điều chân thật nhất. Thân giáo thực hiện được điều đó thì mình mới dám nói, chứ mình sa vào những điều đó mà mình đi khuyên các em thì không được, vì tâm linh và năng lượng của sự thật mới đem lại hiệu quả, chứ nói mà không làm thì các em mình sẽ cảm nhận được”, Phật tử Tịnh Lợi chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày