Ông Sudhep thắp nến cúng dường tại buổi lễ
diễn ra ở chùa Cảnh Phước (Bangkok, Thái Lan) ngày 29-9 - Ảnh: L.Đ.L
“Tôi muốn làm gì đó cho Phật giáo và quê hương”
Trò chuyện với PV Giác Ngộ trong những ngày diễn ra lễ giới thiệu về Bồ-tát Thích Quảng Đức, sái tịnh, gia trì tôn tượng và nhất tâm tưởng niệm 53 năm ngày HT.Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (năm 1963) tại chùa Cảnh Phước (Bangkok, Thái Lan) ngày 29-9 vừa qua (xem tin, ảnh trên giacngo.vn/vanhoa/), ông Sudhep Silpangam (có tên VN là Quý) cứ nhắc đi nhắc lại điều đó. Ông cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có những hoạt động kinh doanh tại VN, từng tiếp xúc với những vị lãnh đạo Chính phủ như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Và “tôi kính trọng những người làm việc cho dân cho nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên”, ông Sudhep Silpangam bày tỏ. Rồi ông bảo: “Tôi muốn làm gì đó cho Phật giáo và quê hương” - như một điều ông tâm đắc trong lòng. Có lẽ vì quê hương là niềm thao thức lớn nhất trong ông bên cạnh nơi mình sinh ra và lớn lên là đất Thái. Ông dẫn chúng tôi xem hình ảnh ba và mẹ được thờ phụng tại tháp đại đồng ở chùa Cảnh Phước, rồi bùi ngùi nhắc về song thân cùng quê hương xứ Huế (của mẹ) và Hà Nam Ninh (của cha).
Là một người sống ở Thái Lan từ thuở ấu thơ cho tới nay đã 61 tuổi nhưng ông vẫn nghe, nói tiếng mẹ đẻ tốt. Ông kể về ước nguyện làm việc cho Phật giáo của mình, cụ thể là đem hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức đến người Thái, Phật tử Việt tại Thái Lan rằng: “Tôi đã mơ thấy HT.Thích Quảng Đức suốt 2 năm nay, có lẽ đây là cơ duyên để thôi thúc tôi thực hiện dự án này, và có lẽ cũng là sợi dây nối kết tôi đến với những ngôi chùa Việt trên đất Thái, cũng như đến với quý Hòa thượng cùng anh em Phật tử người Việt tại VN và Thái Lan”. Chúng tôi bảo, đó có lẽ là nhân duyên lớn của ông và Sudhep Silpangam gật đầu, tán dương những công hạnh của Bồ-tát Thích Quảng Đức.
Trong quá trình thực hiện dự án này ông đã nhiều lần sang VN, gặp chư tôn thiền đức Phật giáo VN để tìm hiểu về cuộc đấu tranh chống chế độ nhà Ngô đàn áp Phật giáo cũng như sự kiện vị pháp thiêu thân của HT.Thích Quảng Đức (năm 1963). “Quá tuyệt vời, ngài là con người quá tuyệt vời. Và tôi muốn cho người Thái biết, người VN ở Thái biết về ngài”, ông bày tỏ niềm kính ngưỡng đối với ngọn lửa của Bồ-tát Thích Quảng Đức cách đây 53 năm, làm chấn động thế giới với trái tim bất diệt - đến nay vẫn còn lưu giữ như một chứng tích của sự tu hành hòa quyện cùng tinh thần dân tộc lúc nào cũng kiên trung trước áp bức, cường quyền, bất công...
Ngoài việc tôn vinh hình ảnh của một vị chân tu để lại xá-lợi tim một cách mầu nhiệm mà Phật tử Việt nào cũng kính ngưỡng, ông Sudhep Silpangam còn muốn, thông qua hoạt động này sẽ quyên góp được tịnh tài cho công tác xây dựng Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) cũng như bảo tháp 13 tầng, nơi tôn trí vĩnh viễn trái tim bất diệt của ngài. Vị doanh nhân người Thái gốc Việt chia sẻ, Phật giáo là tôn giáo mà người dân cả hai nước đều tôn thờ nên dự án này cũng mang một ý nghĩa rất lớn để hai dân tộc gắn kết nhau hơn. Do vậy, sự kiện được thực hiện nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước Việt Nam - Thái Lan, nhận được sự ủng hộ của Hội Những người Thái gốc Việt và các doanh nhân Thái Lan tại VN.
Ông Sudhep Silpangam (trái) và nghệ nhân Lekkong được chư Tăng VN hướng dẫn
đến lễ Bồ-tát Thích Quảng Đức tại tượng đài của ngài (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: N.V
ĐĐ.Thích Thiện Tài, thư ký chùa Hưng Phước (TP.HCM), người trực tiếp hướng dẫn ông Sudhep đến TP.HCM tìm hiểu về Bồ-tát Thích Quảng Đức đã nói về việc đem hình ảnh Bồ-tát tới Thái, rằng việc làm của vị doanh nhân này rất đáng trân trọng, bởi đây là cơ hội để ông được cúng dường tới Bồ-tát cũng như trọn vẹn nguyện lành là mong muốn đóng góp xây chùa ở VN, làm việc gì đó cho quê nhà.
Chuyện của một nghệ nhân Thái
Nổi bật trong các phẩm vật được trưng bày tại buổi lễ tôn vinh Bồ-tát Thích Quảng Đức tại Thái Lan vừa qua, có thể nói là tượng điêu khắc ngài bằng thép tái chế, do nghệ nhân Banjerd Lekkong kỳ công thực hiện.
Ông Banjerd Lekkong được biết đến là nghệ nhân điêu khắc các hình tượng bằng thép tái chế duy nhất trên thế giới và là niềm tự hào trong giới điêu khắc nghệ thuật ở Thái Lan hiện nay. Khoảng tháng 5 vừa qua, thế giới đã có dịp được chiêm ngưỡng các tác phẩm từ thép tái chế vô cùng độc đáo của ông qua cuộc triển lãm mang tên Metamorphosis: Banjerd Lekkong a Solo Exhibition, tại phòng triển lãm Agora, New York, Mỹ. Đây cũng là nơi khởi đầu cho câu chuyện thực hiện tôn tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức của người nghệ nhân yêu thích sắt thép và là một Phật tử này.
Nói đến nhân duyên được tiếp xúc tìm hiểu và thực hiện dự án dựng hình tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức bằng thép, ông Lekkong chia sẻ: “Tôi được tham dự lễ cúng dường để xây dựng tòa tháp 13 tầng, nơi lưu giữ trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM). Đó là vào khoảng cuối tháng 5-2016, ông Sudhep Silpangam - Giám đốc dự án, đã liên hệ với tôi về việc này và mời tôi làm hình tượng của Bồ-tát Thích Quảng Đức, thông qua đó, quyên góp cho việc xây tháp”.
Theo nghệ nhân Lekkong, khi bắt đầu thực hiện dự án, ông đã có chuyến đi thực tế tại VN để khảo sát và lấy ý tưởng. Đăng tải trên trang cá nhân của mình, nghệ nhân với biệt danh “Iron Man” đã viết khi đứng tại nơi diễn ra sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu vì đạo pháp: “Đây là nơi lưu dấu sự kiện lịch sử về ngài cách đây 53 năm, với câu nói: “Để chấm dứt chiến tranh, tôi cần phải cho cả thế giới biết, cho người mù được nhìn thấy, cho người tai điếc được nghe”. Chính câu nói này đã làm tôi ấn tượng và có động lực hơn nữa quyết định làm tượng của ngài để cúng dường”.
Trong những phút trải lòng cùng Giác Ngộ, người Phật tử của xứ sở Chùa vàng chia sẻ, đây là một công việc mang tính thử thách trong cuộc đời sáng tạo với thép tái chế của mình, bởi ông chưa từng làm hình tượng người từ thép trước đây, và vì vậy lần này là trải nghiệm đầu tiên với ông.
Đặc biệt, việc điêu khắc tôn tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức khó khăn hơn, do không giống các bức tượng khác, có thể biết trước được đặc điểm của người đó, việc thực hiện tôn tượng hoàn toàn thông qua các ảnh được lưu lại trong quá khứ và nhất là thời khắc ngài tự thiêu, khi ánh lửa gần như bao trùm, lại càng khó để thổi hồn vào tác phẩm. Vì vậy, khi bắt tay vào dự án, ông dồn toàn bộ trí lực như bản thân mình đang ở trong sự kiện năm ấy, bằng cách đọc tất cả những quyển sách liên quan đến Bồ-tát Thích Quảng Đức và thu thập các hình ảnh có thể về ngài.
Sau đó, trải qua 2 tuần làm việc, với 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày - chỉ mong truyền tải hết ý nghĩa vào trong hình tượng vốn chỉ bằng thép tái chế kia.
Đại tướng không quân Chalit Pookpasuk, thành viên Hội đồng cơ mật Hoàng gia (bìa trái),
chiêm ngưỡng hình tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức do nghệ nhân Lekkong thực hiện - Ảnh: N.V
Tâm sự về những trải nghiệm trong lúc điêu khắc tôn tượng Bồ-tát, nghệ nhân cho biết: “Trong khoảng thời gian 3 ngày đầu tiên, tôi mới làm được mắt, lông mày và mũi. Mỗi lần cầm lên một mảnh thép, tôi đều phải suy nghĩ cẩn trọng để sắp xếp vị trí cho hợp lý. Trên hết, điều đầu tiên tôi phải xác định chính là làm sao cho tôn tượng có thần thái như người còn sống, chứ không giống như robot, làm sao để những mấu nối hay các hoa văn được sử dụng trên gương mặt, tai, mũi, miệng không bị ảnh hưởng, hay trộn lẫn với ngọn lửa. Tôi đo lường tất cả các góc ảnh chụp gương mặt của ngài mà tôi tìm được, sử dụng các nguyên vật liệu có hình dáng phù hợp cho từng góc cạnh”.
Với tác phẩm này của mình, ông đặc biệt nhấn mạnh phần lửa và trái tim bất diệt của Bồ-tát, mà theo ông là những nét chứa đựng ý nghĩa sâu sắc nhất. Về ngọn lửa bùng lên khi ngài tự thiêu trong quá khứ là ngọn lửa dùng để chống lại những chính sách diệt đạo của chính quyền bấy giờ và để lại trong lòng người Phật tử VN sự tiếc thương vô cùng. Nhưng với ngọn lửa xuất hiện trong tác phẩm, đó sẽ là ngọn lửa của niềm tin, của ánh sáng lan tỏa từ pháp Phật, theo đúng như ước nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức.
“Điều quan trọng mà tôi tâm niệm và mong muốn nhất đó là phải ước định và thực hiện trái tim bất diệt của ngài cho bằng được. Trong lúc thực hiện tác phẩm, tôi tin rằng ngài đã gia hộ cho tôi có đủ trí lực để làm. Niềm tin và khả năng có được là thứ tôi dùng để hoàn thành tác phẩm của mình, tôi luôn và sẽ cố gắng hết sức để làm” - ông Lekkong chia sẻ.
>> Tin liên quan: Thăm báo Giác Ngộ, doanh nhân Sudhep tặng tượng Bồ-tát Quảng Đức ||