Bộ Y tế nâng cấp độ chống dịch

  • TP.HCM còn 8.400 chỗ cách ly, 2.300 giường bệnh luôn sẵn sàng

Bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm, được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm.

Đây là yêu cầu của Bộ Y tế phát đi chiều nay, 6-4 nhằm nâng mức độ phòng chống dịch, ngay từ cửa ra vào các cơ sở y tế. Lý do là dịch vẫn đang diễn biến mới rất phức tạp, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám chữa bệnh và ngược lại.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân trừ trường hợp cấp cứu, còn lại tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở. Đặc biệt khi đến thăm khám nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội và đảm bảo an toàn khi khám bệnh.

bachmai.jpg


Kiểm soát người vào tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Giang Huy


Ban chỉ đạo quốc gia hôm nay cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Mặt khác, tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh.

Ngoài ra, tại các bệnh viện nên giãn, hoãn việc mổ phiên các trường hợp trì hoãn được. Rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh trong giai đoạn chống dịch hiện nay và nếu có diễn biến tăng lên.

Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc trong trường hợp dịch xảy ra theo chiều hướng xấu hơn, đủ hậu cần cung cấp cho hàng chục nghìn bệnh nhân, sản xuất được khẩu trang và đồ chống dịch từ nguyên liệu trong nước.

Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập để thay thế máy thở ngoại nhập.

Các địa phương được đề nghị thành lập các tổ chủ động "đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng", theo phương châm phát hiện và cách ly. Duy trì mỗi tổ tối thiểu 2 người, có nhiệm vụ lập danh sách theo dõi, sàng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch, những người đến các cơ sở y tế, những người đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ; những người lang thang ngoài xã hội (nghiện ma túy; có tệ nạn xã hội) và báo ngay cho y tế cơ sở để kịp thời xử lý y tế.

* Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro.

"Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng", Phó Thủ tướng nói.

Sau hai ngày số ca mắc mới có chiều hướng giảm, hôm qua chỉ ghi nhận một ca, chiều nay 4 ca nhiễm được công bố, nâng tổng số bệnh nhân lên 245.

Hôm nay 4 người được tuyên bố khỏi Covid-19, đưa số khỏi bệnh lên 95. 150 người đang điều trị tại các cơ sở y tế hầu hết ổn định sức khỏe. Số ca âm tính lần một 34 ca, âm tính lần 2 là 24 ca.

* Tối 6-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cho đến thời điểm hiện tại, công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của TP đang có nhiều tín hiệu khả quan.

Cụ thể như khả năng cách ly, TP sẵn sàng 12.600 chỗ, hiện còn dư 8.400 chỗ chưa sử dụng. Bây giờ, người từ nước ngoài về ít nên trong những ngày tới, nhu cầu cách ly dự kiến không tăng nhiều.

Về năng lực chữa bệnh, ông Nhân thông tin TP có 2.300 giường với đầy đủ các phương tiện trang thiết bị để chữa cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có 1.000 giường luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận bệnh.

Tuy nhiên, toàn TP hiện chỉ có 31 người bệnh, dùng 5% số giường, còn lại 95% giường chưa dùng. Trong khi đó, các nước châu Âu và nhiều nước trên thế giới đang lâm vào tình trạng quá tải không đủ giường bệnh.

Ông Nhân dẫn chứng thực tế và nhìn nhận đó là kết quả thành công của TP.HCM trong thời gian qua, kết quả của những giải pháp kịp thời và sự đồng lòng thực hiện của cả hệ thống, sự hưởng ứng, tuân thủ của người dân TP.

Mở rộng ra phạm vi cả nước, ông Nhân cho biết hiện nay Việt Nam đang giữ ở tỉ lệ 2,4 người nhiễm trên 1 triệu dân, một mức thấp so với Mỹ (700 người nhiễm/1 triệu dân), Pháp (900 người nhiễm/1 triệu dân), Đức (1.000 người nhiễm/1 triệu dân), Tây Ban Nha (2.400 người nhiễm/1 triệu dân)...

Thêm vào đó, Việt Nam mới chỉ có 25 trên tổng số 63 tỉnh thành có người nhiễm. Còn 38 tỉnh thành chưa từng có người nhiễm bệnh.

“Nếu giữ được như hiện nay, chúng ta sẽ giữ được tương lai” - Bí thư Nhân tin tưởng và mong muốn thông điệp này sẽ được truyền đến mọi người.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều bởi hiện nay trên thế giới chưa biết sẽ kết thúc dịch bệnh này như thế nào, vào lúc nào.

“Có lẽ sau giai đoạn này, chúng ta sẽ phải chuyển sang trạng thái xã hội không có dịch nhưng vẫn có nguy cơ virus. Khi đó, lại phải suy nghĩ xem có phải tiếp tục đeo khẩu trang không? Rồi thì khi đó thì chúng ta giao thương, làm ăn, mở cửa như thế nào để vừa vực dậy đời sống, sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cũng là chuyện phải tính toán” - ông Nhân phân tích.

Bí thư Nhân đề nghị trong tình hình hiện nay, người dân TP cần nghiêm túc tiếp tục thực hiện thật tốt các giải pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn, không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết…

“Tình hình mỗi nước luôn biến động chứ không bất biến. Nhìn vào đó để chúng ta thấy không phải đạt được thành quả ban đầu mà có thể lơ là, chủ quan” - ông Nhân cảnh báo.

Lê Nga - Mai Hương - Ái Nhân

- Nguồn: VnExpress, Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày