Bông hoa biết cười

Bông hoa biết cười
Giác Ngộ - Mới hay cười cũng phải sử dụng thường xuyên thì tiếng cười mới trong trẻo thanh tao suôn sẻ phát ra tự sâu thẳm tin yêu chân thật tự đáy lòng, thành một món quà môi chúm chím như bông hoa dâng tặng người.

Hôm qua tình cờ đọc lại cuốn sách cũ có mấy câu thơ tiếng Pháp:“J’aime deux choses/Toi et la rose/La rose pour un jour/Mais, toi pour toujours” (Tôi yêu thích hai điều/ Bông hồng và em yêu/ Bông hồng cho mỗi sớm/ Em cho mãi muôn chiều).

Bỗng nhớ lại hai câu thơ của nhà thơ Lưu Đình Bích: “Mỗi lần con trở lại nhà/Là đem về mẹ bông hoa biết cười”. Sự có mặt của nhà thơ như là sự có mặt của một bông hoa nở thắm tươi cười tràn đầy niềm an vui trong nhà của mẹ. Giống như bài thơ ở trên, sự có mặt của em và bông hồng, phải là bông hồng tươi, phải là môi em chúm chím nụ cười mới làm “tôi” yêu quý, còn nếu như khuôn mặt em luôn cau có giận hờn như bông hồng héo úa thì làm sao “tôi” có thể yêu thích, mẹ có thể vui lòng.

Tặng hoa cho người là thể hiện sự quý mến của mình đối với người đó, mong cho người tươi vui như đóa hoa kia. Ngạn ngữ phương Tây nói rằng: “Nếu tôi có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán bớt một cái để mua hoa hồng”, đủ biết tâm hồn cũng cần được ăn như cái dạ dày. Tặng hoa là một tục lệ rất hay của người phương Tây, ở xứ ta mỹ tục này tuy chưa phổ biến lắm, nhưng không phải vì thế mà trong mỗi gia đình thiếu vắng hoa tươi trên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, trong phòng khách. Nhìn bông hoa huệ, hoa sen, hoa cúc,… tươi thắm toả hương ngan ngát khiến lòng ta hân hoan. “Môi cười như hoa nở/ Mỗi hơi thở vào ra/ Niềm vui xích gần lại/ Nỗi buồn lùi ra xa” (L.Đ).

Hoa - không phải lúc nào cũng có sẵn nhưng tiếng cười thì luôn có sẵn trên môi, muốn có lúc nào là có lúc đó, không phải mất tiền. Có lẽ vì không mất tiền và không hiểu hết giá trị của nụ cười cho nên đôi lúc người ta coi thường, ít sử dụng nó. Vì vậy khi đem “nụ cười” ra sử dụng thì giống như cái bản lề cửa ít khép mở, phát ra tiếng kêu ken két phản cảm khó nghe. Mới hay cười cũng phải sử dụng thường xuyên thì tiếng cười mới trong trẻo thanh tao suôn sẻ phát ra tự sâu thẳm tin yêu chân thật tự đáy lòng, thành một món quà môi chúm chím như bông hoa dâng tặng người. Người được dâng tặng nụ cười cũng sẽ cảm nhận được niềm vui thực sự.

Ai đã từng đến nước Nhật, ghé vào một vài siêu thị mua sắm, sẽ thấy những cô phục vụ đón chào ở lối cửa ra vào, nhiệm vụ của họ là cười thôi. Muốn được làm công việc đứng cười như vậy, các cô cũng phải vượt qua rất nhiều vòng phỏng vấn tuyển lựa. Chưa hết, khi được chọn, họ còn phải trải qua một khóa huấn luyện cách cười với khách hàng.

Có một khách hàng người nước ngoài rất ngạc nhiên khi quan sát thấy cô nhân viên kia chỉ làm mỗi nhiệm vụ là “cười” thôi mà không nhàm chán, khiến ông tò mò đến gần cô gái gạn hỏi. Cô gái lại nở nụ cười trả lời:

“Vâng, thưa ông, tôi cười với tất cả khách hàng đến đây để họ thấy hài lòng và thoải mái. Khi đó họ sẽ mua sắm nhiều hơn, ông chủ tôi sẽ vui hơn, và tôi sẽ được trả lương nhiều hơn. Do đó, tôi có thể chăm sóc gia đình tôi và mang hạnh phúc đến cho họ. Hơn nữa, khi đông khách hàng, nhu cầu hàng hoá sẽ tăng lên, sẽ cần có thêm nhiều nhà máy và nhiều công ăn việc làm được tạo ra, mọi người trên đất nước tôi đều được hạnh phúc. Không chỉ thế, vì phần đông khách hàng của tôi là người ngoại quốc, nên sẽ có thêm cơ hội giao thương với nước ngoài, như thế nước tôi sẽ ngày càng thịnh vượng hơn. Những người như ông sẽ đến nước tôi thường xuyên hơn vì ông hài lòng với chúng tôi và có thể ông sẽ kể về chúng tôi với bạn bè và gia đình ông. Thế nên, đất nước chúng tôi sẽ có thêm nhiều du khách, nhiều ngoại tệ, nhiều việc làm và nhiều người sẽ được hạnh phúc. Như vậy là tôi đã cống hiến cho đất nước mình rồi”(Theo Hạt giống tâm hồn).

Từ câu chuyện nhỏ như vậy thôi, mới thấy giá trị của nụ cười to lớn biết chừng nào. Hãy giữ nụ cười trên môi bạn nhé, sẽ rất có lợi cho bạn và cho tôi nữa, chỉ trừ ra những chỗ ngoại lệ như người ta đang gặp rủi ro hoạn nạn, chẳng lẻ nào mình lại cười trên sự đau khổ của kẻ khác. Chỉ có ở sân vận động thi đấu, cầu thủ đội thua thì khóc còn đội thắng thì có thể cười thoải mái, nhưng cả hai đều “fairplay” bắt tay hữu nghị trong nước mắt và nụ cười chan hòa.

Những người con Phật luôn có trong tâm tưởng nụ cười “Niêm hoa vi tiếu” của Như Lai để vui sống với tinh thần hỷ xả và cố gắng học cho bằng được nụ cười của Đức Thế Tôn.

Mỗi thành viên trong gia đình khi trở về căn nhà mình, nếu biết trút hết mệt nhọc buồn phiền ra bên ngoài, chỉ đem về bông hoa biết cười trên mắt môi rạng rỡ thì căn nhà mình nhất định sẽ an vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày