"Bông hồng cho anh"

Giác Ngộ - Thấm thoát đã trải qua một mùa sim nở (Màu tím hoa sim) kể từ khi người nhạc sĩ tài hoa Phạm Thế Mỹ từ giã cõi tạm. Một năm đã trôi qua, nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn đã và đang âm vang trong lòng mọi người yêu mến âm nhạc và nhân cách của nhạc sĩ tài hoa này.

1. Có thể nói trong làng báo Việt Nam cũng như nước ngoài đã có nhiều bài viết về nhạc sĩ (NS) Phạm Thế Mỹ. Vì trong nửa thế kỷ qua, ông đã sáng tác nhiều nhạc phẩm đầy giá trị nhân văn. Những tác phẩm âm nhạc của Phạm Thế Mỹ chứa đựng tình yêu thương chân tình, lòng giao cảm bao la của một người nghệ sĩ đã sống hết tình với anh em, bạn bè, với tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.

HNTD (1).jpg

Chân dung nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Là một cậu bé mồ côi mẹ từ thuở nhỏ nên mỗi khi nghe ca khúc Bông hồng cài áo của NS.Phạm Thế Mỹ, tôi luôn có xúc cảm và rơm rớm nước mắt. Nghe ca khúc như thể ông chia sẻ với những người có cảnh ngộ như tôi, những người không còn thấy mẹ trên đời! Nhớ lại lần tôi gặp ông tại một quán café trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3, khi ấy vào dịp Vu lan, tôi “lang thang” tìm đề tài để viết báo, gặp ông tôi chợt nghĩ về những ca khúc viết về mẹ. Thế là tôi được “cái duyên” nghe ông nói về những ca khúc bất hủ viết về mẹ, với  Lòng mẹ (Y Vân), Quê mẹ (Hồ Thu), Mẹ tôi (Nhị Hà) và tất nhiên, có cả Bông hồng cài áo. Ông tâm sự: “Tôi từng có một thời gian bị bắt giam vì tham gia phong trào đấu tranh cho Phật giáo (1963). Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ mình. Ra tù, tôi tình cờ đọc được đoản văn ‘Bông hồng cài áo’ của Thiền sư Nhất Hạnh và tôi đã phổ thành ca khúc vào năm 1967. Đó là điều mà tôi cho là mình có diễm phúc và may mắn là làm được bài tụng ca về tình mẹ trong thời gian mẹ mình còn sống. Một điều mà tôi vô cùng xúc động đó là lúc mẹ tôi kể về ca khúc Bông hồng cài áo! Vào những thập niên 70, khi đất nước còn chia cách, tình hình không được an ninh, có lần mẹ tôi dắt cháu nội đi dạo chơi và về nhà rất muộn. Cả nhà lo lắng, mãi đến trời tối hai bà cháu mới về. Đến khi hỏi han thì mẹ tôi trả lời: ‘Đang tính về thì nghe máy thu thanh nhà ai đó phát bài Bông hồng cài áo của con, mẹ bỏ về không đành...’”.

2. Ông ra đi gần 1 năm nhưng những gì ông để lại cho đời, cho nền âm nhạc Việt Nam một di sản với trọn vẹn tình yêu quê hương, qua những hình ảnh thanh bình của đất nước: “Trăng sáng ngời trên môi em. Trăng lên tiếng hát vui đêm già” (Thương quá Việt Nam )…

HNTD (2).jpg

Bông hồng cho anh - ảnh minh họa

3. “Bông hồng cho anh” là chủ đề chương trình âm nhạc đặc biệt  tưởng nhớ NS.Phạm Thế Mỹ, nhân một năm ngày mất của ông, do Cty Cổ phần XD TM DV Ánh Tuyết tổ chức, diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16-1 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM. Đây cũng là chương trình lớn đầu tiên giới thiệu về các sáng tác của cố NS.Phạm Thế Mỹ. Với chương trình âm nhạc này, bên cạnh những bài hát quen thuộc và được yêu thích của NS như: Bông hồng cài áo, Tàu về quê ngoại, Thương quá Việt Nam, Lúa về đêm trăng, Nắng lên xóm nghèo, Đường về hai thôn, Tóc mây..., khán thính giả còn được thưởng thức tổ khúc Sự sống của ông, gồm các chương: Lửa, Gió, Núi, Sông, Biển, Đất; qua sự thể hiện của các ca sĩ: Ánh Tuyết, Vân Khánh, Cẩm Ly, Thanh Thúy, Quỳnh Lan, Thùy Dương, Hồ Ngọc Hà, Nguyên Thảo, Quang Linh, Đức Tuấn, Tùng Dương, Xuân Trường, Thụy Long, Diệu Lý, NS.Miên Đức Thắng, Hạnh Nguyên…

Lấy ý tưởng từ bài Bông hồng cài áo, chương trình sẽ được dàn dựng với ngụ ý mỗi bài hát, mỗi tiết mục sẽ là một cánh hồng tưởng nhớ đến người NS tài hoa này. Anh Phạm Thế Minh, con trai trưởng của NS quá cố chia sẻ: “Chắc là cha chúng tôi sẽ rất hạnh phúc khi các nghệ sĩ đã có tấm lòng, sự quý mến dành cho ông và âm nhạc của ông…”.

HNTD (3).JPG

Ảnh minh họa

Bằng tất cả lòng mến mộ của những người yêu âm nhạc Phạm Thế Mỹ, chắc chắn chương trình ca nhạc sẽ mang đến cho người xem cảm xúc yêu thương, gần gũi, không chỉ từ những giai điệu, lời hát mà còn từ chính ý nghĩa của Bông hồng cho anh

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15-11-1930 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Là con thứ 11 của một gia đình trung lưu. Anh trai ông là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu V. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho Báo Quân Đội Nhân Dân. Nhạc phẩm đầu tay của ông là Nắng lên xóm nghèo. Sau Hiệp định Geneve, ông được bố trí ở lại miền Nam . Năm 1959, ông học Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970 ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh... ở Đà Nẵng. Trong những năm 1965-1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo (thời gian này ông sáng tác ca khúc bất hủ Bông hồng cài áo, lấy ý từ một đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Ra tù, ông sáng tác các bài hát như Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Người về thành phố, Những người không chết... được phổ biến trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn-Mỹ-Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Sau năm 1975, ông công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin quận 4, TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn viết một số ca khúc, trường ca Phật giáo. Ông mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau một thời gian dài bị bệnh, hưởng thọ 79 tuổi.

Một số ca khúc của ông là: Áo lụa vàng; Bến duyên lành; Bóng mát; Bông hồng cài áo; Đan áo mùa xuân; Đường về hai thôn; Hoa vẫn nở trên đường quê hương; Màu tím hoa sim; Lêna Belicova; Nắng lên xóm nghèo; Ngỏ chiều; Người về thành phố; Nhạc buồn đêm sao; Người yêu và con chim sâu nhỏ; Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng; Những ngày xưa thân ái; Những người không chết; Thương quá Việt Nam; Trăng tàn trên hè phố; Tóc mây; Thuyền hoa; Rạng đông trên quê hương Việt Nam; Rừng cây trút lá; Thắm đượm duyên quê Trang sử mới....

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày