Bông hồng đã thôi cài lên áo...

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trong căn nhà nhỏ ở quận 4 (TP.HCM). Ảnh: TƯ LIỆU
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trong căn nhà nhỏ ở quận 4 (TP.HCM). Ảnh: TƯ LIỆU
Ông ra đi ở tuổi 79 thanh thản nhẹ nhàng sau một cuộc đời nhiều cống hiến... “Đi khắp trời Tây, trời Đông, cứ độ Vu Lan về nghe Bông hồng cài áo, tôi chỉ muốn trở về nhà, về với mẹ cha”.

Vào lúc 3 giờ sáng qua (16-1), nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã qua đời sau một tháng hôn mê do di chứng tai biến mạch máu não.

Có tài và có tình

Cuộc đời âm nhạc của người thanh niên gốc Bình Định - Phạm Thế Mỹ bắt đầu từ khi ca khúc đầu tiên mang âm hưởng tươi trẻ Nắng lên xóm nghèo được mọi người đón nhận.

“Tôi là một trong những anh em cùng nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tham gia phong trào văn nghệ của Viện đại học Vạn Hạnh trong thời gian từ năm 1963 đến 1969. Sau đó lại tiếp tục cùng anh vào năm 1966... Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một nhạc sĩ có tài và có tình” - cô Trần Tuyết Hoa, nguyên giảng viên Viện đại học Vạn Hạnh, người từng gắn bó với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ suốt phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam cũng như thời gian sau này đã chia sẻ về người anh, người bạn lớn của cô như vậy.

Theo lời của cô Tuyết Hoa, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ hơi nóng tính nhưng trên hết vẫn là tình cảm chung của ông dành cho các thế hệ đi sau. “Anh rất thích tôi đóng trong vở nhạc kịch Sắc lụa Trữ La hay anh cứ nhắc hoài việc anh Nguyễn Xuân An (cố nhạc sĩ Xuân An - PV) vào vai một tử tù chính trị chuẩn bị đem ra xử bắn trong vở Lời nguyện pháp trường quá đạt!”.

Dẫn dắt thế hệ sau

Không chỉ hài lòng ở thế hệ đàn em qua những vai diễn mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn sẵn sàng dẫn dắt, tận tình chỉ bảo các bạn đồng hành cũng như các nhạc sĩ: Miên Đức Thắng, Nguyễn Xuân An, Nguyễn Đức Huy... sau này.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - một trong những thế hệ sau của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng kể rằng vào năm 1966, khi chế độ cũ đổ quân vào đàn áp nhân dân bốn tỉnh miền Trung, chính nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã cùng lực lượng sinh viên chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng để phát liên tục ca khúc Tranh đấu đến cùng. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác những bài hát yêu nước, kêu gọi tinh thần đấu tranh ngay giữa Sài Gòn những năm 1960 của thế kỷ trước.

Những người sáng tác thế hệ sau học hỏi rất nhiều ở ông, bởi tự tác phẩm của ông, tính dân tộc được đặt lên rất cao, đặc biệt qua các trường ca: Con đường trước mặt, Lửa thiêng. Bên cạnh đó, có thể xem “nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những nhạc sĩ tiên phong về khai thác giai điệu, quãng âm... đặc trưng của nhạc dân tộc để đưa vào những ca khúc mới” - nhạc sĩ Sao Biển khẳng định.

Gói trọn hai chữ “hòa bình”

Trong những sáng tác của ông, bên cạnh một số rất ít những tình khúc về tình yêu lứa đôi nhẹ nhàng, đầy yêu thương: Áo lụa vàng, Tóc mây... thì phần lớn là những ca khúc thể hiện tình yêu quê hương, dân tộc và ước vọng hòa bình: Bông hồng cài áo (lời Thích Nhất Hạnh), Bóng mát, Hỡi hồn mẹ Việt Nam, Những ngày xưa thân ái, Đưa em về quê hương... và cả những trường ca, nhạc kịch thể hiện tình yêu lớn này. Nhận xét về âm nhạc của Phạm Thế Mỹ, cô Tuyết Hoa cho rằng: “Anh là người rất mê hòa bình. Anh luôn chủ trương sáng tác không chạy theo thị hiếu quần chúng. Anh nghĩ rằng nhiệm vụ nhạc sĩ là phải hướng quần chúng về cuộc sống hòa bình, lên án chiến tranh, ca ngợi tình người, tình yêu quê hương, dân tộc và cuộc sống thanh bình”.

Sau 1975, ông trở thành cán bộ văn hóa thông tin quận 4 (TP.HCM), trong hơi thở mới của đất nước, ông tiếp tục có những sáng tác mới nhưng vẫn không quên tình yêu quê hương, đất nước. Thế nhưng dù bao nhiêu ca khúc nhưng giai điệu và ca từ gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sống trong lòng khán giả bao thế hệ chính là Bông hồng cài áo... “Đi khắp trời Tây, trời Đông, cứ độ Vu Lan về nghe Bông hồng cài áo, tôi chỉ muốn trở về nhà, về với mẹ cha”, đó là cảm xúc có lẽ không chỉ riêng cô Tuyết Hoa mà nhiều thế hệ khán giả cảm nhận được khi nghe Bông hồng cài áo.

Dẫu biết chuyện sinh-tử là chuyện khó nói trước, dẫu biết người nhạc sĩ đã không khỏe nhiều sau cơn tai biến cách đây mấy năm, dẫu lâu nay ông cũng không còn sáng tác... nhưng thật không dễ để đón nhận một mất mát. Mong người nhạc sĩ sẽ nhẹ nhàng phiêu bồng như câu hát xưa trong bản tình ca Áo lụa vàng của ông “Anh đi trong nắng, mang theo ánh sáng. Với màu áo tuyệt vời, với màu nắng rạng ngời, anh đi vào niềm vui…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày