BTS địa phương cần chủ động xác minh, phản hồi các tin đồn

GNO - Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, khi thông tin - hình ảnh của chư tôn đức chưa được nghiêm trang dễ dàng bị lan tỏa trên mạng một cách nhanh chóng với những thông tin chưa chuẩn xác, gây ảnh hưởng đến uy tín, sự trang nghiêm của Giáo hội, thì trách nhiệm của chư tôn đức các Ban Trị sự địa phương là quan trọng.

Theo đó, BTS PG các địa phương cần phải chủ động nắm thông tin về sự việc, thể hiện sự quan tâm và hướng dẫn cơ sở xử lý, ứng phó thông tin, để thông tin chính xác đến với người được tiếp cận là Tăng Ni, Phật tử và các giới trong xã hội.

4cg.jpg


Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác - nơi có tin đồn thất thiệt
đã được Giác Ngộ thông tin những ngày vừa qua - Ảnh: Vũ Giang

Đó là nội dung chia sẻ của chư tôn đức các quận về việc chủ động ứng phó với thông tin, sự việc (như vụ tin đồn thất thiệt tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở Tiền Giang vừa qua) làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội. Ngoài ra, chư tôn đức chia sẻ thêm với Giác Ngộ online:

* TT.Thích Giác Trí, Phó Thường trực BTS GHPGVN quận Gò Vấp (TP.HCM):

1cs.jpg

- Đầu tiên, tôi nghĩ BTS PG quận/huyện/thị hoặc tỉnh/thành phố liên quan phải xác minh sự việc có đúng là xảy ra ở cơ sở thuộc Giáo hội mình đang quản lý hay không, sau đó tới cơ sở xác minh sự việc, xác minh con người, xác minh thông tin, nắm rõ thông tin để có những hướng dẫn cơ sở tự viện xử lý thông tin đó. Và với trách nhiệm của mình, ví dụ ở Q.Gò Vấp, BTS quận sẽ báo cáo lên BTS TP và thông báo cho chính quyền trong địa phương biết chính xác sự việc.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, nơi cơ sở, hoặc tự viện xảy ra vụ việc phải tự nhìn lại mình, có thể mình không làm những việc đó nhưng đôi khi trong cư xử hằng ngày, trong giao tiếp, mình phạm lỗi gì đó, nhân vô thập toàn mà và tu là sửa, vì thế mình nên nhìn lại xem tại sao người ta lại đồn không tốt về mình, nương theo đó để sửa, làm điểm tựa tu tập, giữ oai nghi của mình.

* ĐĐ.Thích Thiện Châu, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN Q.3 (TP.HCM):

- Vai trò của BTS quận là phải phối hợp chặt chẽ với tự viện, trụ trì đó để nắm thông tin chính xác, sau đó có văn bản báo cáo gửi đến BTS thành phố, gửi các cơ quan chính quyền địa phương để tìm ra phương pháp giải quyết. Gửi thông báo đến các tự viện địa phương, thông qua đó, nhờ chư tôn đức trụ trì thông báo cho Phật tử nắm rõ những diễn biến sự việc, để Phật tử có trách nhiệm bảo vệ uy tín cho Giáo hội.

* ĐĐ.Thích Đồng Phước, Phó ban kiêm Chánh Thư ký  BTS GHPGVN Q.1 (TP.HCM):

3cs.jpg

- Chùa là cơ sở chung của Giáo hội, trong đó vị trụ trì quản lý trực tiếp, sinh hoạt theo quy định Hiến chương Giáo hội và pháp luật nhà nước. Khi có những thông tin ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tự viện thì Phật tử đóng vai trò là mặt trận kịp thời thông tri đến vị trụ trì và trụ trì sẽ báo cáo lên Ban Trị sự phối hợp cơ quan chức năng xác định, kịp thời giải quyết thông tin, vụ việc đó.

Khi có kết quả về sự việc, thì phải thông tin rộng rãi cho đại chúng để giải tỏa những tin đồn không đúng sự thật, có văn bản cụ thể niêm yết tại các cơ sở để Phật tử nắm rõ vụ việc, cùng bảo vệ uy tín Phật giáo

* Còn với BTS cấp tỉnh, hoặc thành phố việc chủ động ứng phó, hỗ trợ nên thực hiện như thế nào cho địa phương khi có sự việc xảy ra ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo?

- TT.Thích Giác Trí: Ở cấp cao hơn cũng phải đính chính, cơ quan ngôn luận cấp thành phố phải có trách nhiệm thông tin, cải chính về toàn bộ sự việc, có trách nhiệm xử lý thông tin cùng với BTS quận, huyện và nếu vụ việc nghiêm trọng thì BTS cấp tỉnh nên kết hợp với BTS quận, huyện tổ chức một cuộc họp báo, thông tin rộng rãi tới mọi tầng lớp.

- ĐĐ.Thiện Châu: Trách nhiệm địa phương nắm thông tin, và có văn bản làm việc với trụ trì đương nhiệm đứng đầu cơ sở, cũng như có văn bản báo cáo Giáo hội thành phố. Khi biết thông tin, Giáo hội cấp thành phố phải thể hiện vai trò lãnh đạo của mình - phối hợp chỉ đạo địa phương nắm bắt tình hình, để cùng đưa ra biện pháp giải quyết.

- ĐĐ.Thích Đồng Phước: Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố cũng cần có những văn bản thông báo kịp thời, cùng hỗ trợ cho BTS quận, huyện xử lý thông tin. Đặc biệt, Ban Thông tin - Truyền thông cấp tỉnh, thành phố cần chủ động trong việc phổ biến thông tin rõ ràng đến tự viện, Phật tử, để tất cả đều nắm rõ sự việc tránh những hoang mang, dao động.

* Nói qua một chút về thông tin liên quan Phật giáo được đăng nhiều trên báo, phát trên truyền hình gần đây là vụ phóng sanh cá chim trắng, gây dư luận trái chiều trong xã hội. Bạch Thượng tọa/ Đại đức, quý thầy có ý kiến gì về vụ việc cũng như cách phản ứng lại thông tin đó của Giáo hội không?

- TT.Thích Giác Trí: Phóng sanh trước hết là không sát sanh, là nuôi dưỡng và làm tăng trưởng lòng từ bi, mở rộng lòng thương của bản thân đối với vật được phóng sanh; là tạo dựng hay gieo mầm nhân làm việc lành cho người, vật được phóng sanh; là tái tạo khả năng sống tốt, sống đẹp, sống có ích, có sự hiểu biết về mối liên hệ giữa bản thân và chung quanh với tấm lòng yêu thương bản thân và những gì nuôi dưỡng bản thân; là xây dựng và mở ra con đường tương lai tươi sáng an lạc, đầy đủ cho người và vật được phóng sanh.

Như vậy, phóng sanh là trả lại môi trường sống có đầy đủ điều kiện tự nhiên đáp ứng nhu cầu sống của vật được phóng sanh. Nói rõ hơn, trả lại cuộc sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ, xanh tốt, phù hợp đời sống của vật được phóng sanh. Ngược lại là đẩy vật vào chỗ chết là tội ác.

Hiện tại, phóng sanh dường như đang trở thành phong trào với một số tầng lớp trong xã hội. Nguyên tắc phóng sanh là không được làm tổn thương vật được phóng sanh, người ta nói người ta thương con vật nên mới phóng sanh, nhưng lại không hiểu môi trường sống của nó, lại thả nó vào một môi trường hoàn toàn khác thì như vậy là chưa hiểu, chưa thương theo Phật dạy.

Phóng sanh hồi xưa là bất thình lình, do con cá đang sống dưới nước, con chim đang bay trên trời bị bắt nhốt lại - nghĩa là mạng sống nó sắp mất, mình thương cái mạng nó đang sống tự nhiên bị bắt, nhốt, bị bỏ tù, thậm chí sắp bị chết nên mới năn nỉ người bắt bán lại và đem phóng sanh.

2cs.jpg

- ĐĐ.Thích Thiện Châu: Đối với nhà Phật, phóng sanh không phải là một cứu cánh để làm phước, phóng sanh là tốt nhưng phải có chánh kiến, phải lựa môi trường cho thích hợp, loài động vật thích hợp. Đặc biệt, chư tôn đức khi tổ chức phóng sanh, cần phải có định hướng, hướng dẫn cho Phật tử, phóng sanh phải đúng nghĩa, chứ không phải chạy theo hình thức.

Với bản thân tôi, để thể hiện tình thương, bảo vệ môi trường có nhiều hình thức khác nhau, tôi đặc biệt quan tâm đến con người là chính, mình có thể hỗ trợ học bổng giúp học sinh nghèo hiếu học, hoặc thực tế hơn có thể quét rác bảo vệ môi trường, bảo vệ sạch sẽ đường phố nơi mình ở... cũng là việc tốt có ý nghĩa thiết thực với chính mình và môi trường xung quanh.

- ĐĐ.Thích Đồng Phước: Phóng sanh, bố thí làm phước là những lời dạy đầu tiên mà chư Phật, thầy Tổ đã dạy chúng ta trên bước đường tu học cũng như cuộc sống để gieo duyên, tích phước trong hiện tại, mai sau. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy “Chúng sanh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sanh. Cứu được thân mạng chúng sanh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”. Chúng ta nhìn thấy các loại chúng sanh có mạng sống đang bị giam cầm, sắp bị giết hại, mạng sống nguy hiểm, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu giúp là sự cứu lấy mạng sống.

Ngày nay, phóng sanh có nhiều phương thức khác nhau, nhưng nếu lúc đó chúng ta phát tâm từ bi thì đó là điều tốt. Tuy nhiên, ở góc độ môi trường thì chúng ta cần phải có thông tin rõ ràng, hiểu biết về từng loài và môi trường sống của chúng để phóng sanh đúng ý nghĩa.

* Chân thành cảm ơn chư tôn đức!

Nhã An - Mai Trung
thực hiện

* Bài liên quan: Để việc phóng sinh thể hiện lòng từ bi đúng nghĩa ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày