Buồn vui mùa tựu trường

GN - Năm nào cũng vậy, mùa tựu trường thường là khoảng thời gian để phân chia chuyên môn, nhiệm vụ, bao kế hoạch được đặt ra cho từng giáo viên. Buổi họp căng như dây đàn, chờ cất lên tiếng cuối cùng rồi đứt ngang.

Sau những tháng nghỉ hè, gặp nhau nói cười chia sẻ với nhau về niềm vui của những chuyến đi, những ngày nghỉ tuyệt vời bên gia đình. Chuông reo vào họp. Nụ cười bỗng vụt tắt, bàn tay nọ bắt tay kia vừa mới đây thôi, nhưng phút chốc bỗng tê tái, lạnh ngắt.

Hội đồng im lặng, chờ ý kiến của từng cá nhân. Từng cánh tay giơ lên để cất cánh cho từng lời so đo, từng sự từ chối những công việc mà nhà trường đã phân công. Bởi người này cho là thiệt thòi, nặng nề hơn so với người khác. Nhưng giá như mỗi cá nhân đều biết rằng, con đường dẫn đến sự trách móc, ghét bỏ nhau chính là sự so đo. Bởi mọi sự so đo lúc nào cũng khập khiễng.

Tôi là một giáo viên bộ môn, nhà ở xa nhất trường. Cứ mỗi sáng, trong lúc người ta còn say giấc ngủ, tôi phải dậy thật sớm để chuẩn bị áo dài, giáo án, sách vở rồi phóng xe đến trường, nhai vội ổ bánh mì rồi vào lớp. Ngoài việc dạy theo sự phân công chuyên môn, tôi còn phải tham gia một số công tác ngoài giờ. Công việc có hơi vất vả. Nhưng tôi tự nhủ, coi đó như là cơ hội để rèn luyện tính năng động cho bản thân. Vì thế, tôi không thích lắm việc đứng trước hội đồng cãi vã những lời không hay, hoặc từ chối thẳng thừng sự phân công nào đó.

Trường tôi nằm ven một thành phố, đi dạy phải qua một con sông rộng bằng đò ngang. Đặc trưng của trường tôi là số lượng giáo viên trẻ khá nhiều. Và tôi là một trong số họ. Sau mỗi lần nhận phân công chuyên môn, có người vui, kẻ buồn, có người tỏ vẻ tức tối bởi những suy nghĩ cá nhân. Những ý kiến, những lời so đo trong hội đồng, đôi lúc tôi thấy ngột ngạt, oi bức quá, mặc dầu mùa hè đã qua đi từ khi nào.

Có người so đo từng số tiết, từng nhiệm vụ, từng quyền lợi của nhau, và thậm chí xem luôn thời khóa biểu của nhau để có cơ hội… kiện tụng! Lòng tự hỏi lòng, so đo như vậy để làm gì mà ngược lại sẽ mất đi sự đoàn kết, tình thân ái trong nhà trường. Tôi thiết nghĩ, để phân công chuyên môn cho từng cá nhân thì Ban giám hiệu đã rất cân nhắc. Và chiếc cân lúc nào cũng ngang bằng từ hai phía.

Công việc dù nhiều hay ít, thì đã được nhà trường giao phù hợp với năng lực của từng người. Nhưng có một số trường hợp cũng được xét theo hoàn cảnh con đau, chồng bệnh, bố mẹ già yếu… để mỗi giáo viên có thể phát huy hết năng lực của mình. Trong sự phân chia ấy, nếu nhìn sâu sắc một chút thì có cả tình lẫn lý.

Nhưng giá như mỗi người trong Hội đồng sư phạm biết hiểu cho nhau một chút, sống chậm lại một chút, và suy nghĩ thoáng ra một chút thì có lẽ chuyện cãi vã, những lời so đo gây mất tình đoàn kết trong trường với nhau sẽ không còn. Mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương về tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, là những “kỹ sư tâm hồn” dẫn dắt bao thế hệ học trò vẽ nên những giấc mơ đẹp, là “thần tượng” về nhân cách về vẻ đẹp cho nhiều học sinh noi theo.

Không khí căng thẳng bao trùm lên căn phòng nhỏ, cuộc họp như kéo dài ra. Cũng may trong cuộc họp còn có một vài ánh mắt ấm áp, sẻ chia của những đồng nghiệp ngồi đối diện. Nụ cười trìu mến nhìn tôi, và nhìn bao đồng nghiệp khác, chợt thấy có gì đó ấm lòng. Và trong cuộc đời của một giáo viên, của sự nghiệp trồng người cần lắm những ánh mắt, nụ cười, những con người biết yêu thương người khác, coi đồng nghiệp như chính người thân yêu của mình vậy. Chỉ có như vậy, thì ở đâu cũng là mùa thu hiền hòa, ở đâu cũng bình yên. Và chỉ có vậy, “tiếng súng” của những cuộc đấu tranh vì cá nhân sẽ không còn.

Hãy thay những lời cãi vã bằng những câu nói sẻ chia, lời tâm tình. Thay những cái liếc ngang thành cái nhìn thân thiện. Như thế mỗi ngày đến trường đều ngập tràn niềm vui, niềm hạnh phúc, trường ơi! Và ngoài kia, hoa vẫn nở, mây vẫn bay, từng khuôn mặt thánh thiện đang cười hồn nhiên giữa sân trường đầy nắng…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày