Buông bỏ

(Bài giảng tại trường hạ chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương, ngày 15-6-2015)


GN - Chúng ta sợ buông, mất, nên ráng giữ. Nhưng tôi khẳng định rằng buông thì được, giữ là mất.


buong bo.jpg

Hôm nay, tôi rất vui khi thấy Phật giáo tỉnh nhà đã trải qua ba mươi mùa an cư, mà số lượng Tăng Ni an cư còn đông hơn và năm nay đạt đến đỉnh cao, có trên sáu trăm Tăng Ni về an cư, đó là tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Bình Dương nói riêng.

Tôi nhớ lại vào năm 1960, tôi thọ Đại giới và phát nguyện trong mùa an cư, không đi ra khỏi chùa Ấn Quang để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Năm 1963, với tư cách là giảng sư hoằng pháp, tôi không an cư và tiếp tục vận động cho Phật giáo trong cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp Phật giáo của Chính phủ Diệm.

Sau đó, có đủ duyên, tôi sang Nhật nghiên cứu cách tổ chức, quản lý của Phật giáo Nhật. Trở về nước, năm 1975, đất nước độc lập và thống nhất. Trong thời gian này, tôi vẫn tiếp tục an cư, không ra khỏi chùa.

Đến năm 1983, Phật giáo Việt Nam thống nhất cả nước, tôi được các vị Trưởng lão đề cử làm Trưởng ban Hoằng  pháp trong nhiệm kỳ đầu. Năm đó, tôi cũng theo thông lệ, không ra khỏi chùa để an cư. Hòa thượng Trí Thủ nói với tôi rằng trong mùa an cư, Tăng Ni có điều kiện tập hợp một chỗ và có nhu cầu học Phật. Nếu thầy cấm túc an cư, rồi mãn mùa an cư, thầy hoằng pháp, giảng cho ai. Lời cảnh báo của ngài khiến tôi suy nghĩ, không cấm túc an cư thì trái luật Phật, nhưng cấm túc an cư thì không thể làm công tác hoằng pháp được. Cuối cùng, nhớ lời Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng khi chúng ta đi hoằng pháp là làm việc Tăng sai, coi như chúng ta vẫn cấm túc an cư thì không phạm lỗi không an cư. 

Vì vậy, tôi nhắc đại chúng nếu không được Tăng sai làm việc, nên ở yên một chỗ để an cư. Vị nào do Tăng sai làm Phật sự, có thể xuất ngoại, nhưng nhớ rằng đi đến điểm Tăng sai rồi về, nếu đi chỗ khác là phạm luật. Điều này quan trọng, nếu quý vị cố giữ, sống trong Chánh pháp Phật, thì Phật pháp hưng thạnh và bản thân ta cũng từng bước tạo được công đức và phát triển được giới, định, tuệ.

Đến năm 1999, tôi suy nghĩ trong khoảng thời gian gần hai mươi năm qua, tôi đã hoàn thành trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp trải qua nhiều nhiệm kỳ và tuổi cũng bắt đầu lớn, nên tôi muốn trao gánh nặng hoằng pháp cho người sau tiếp nối. Nhưng các vị Hòa thượng nói rằng lớn tuổi có thể ít đi, nhưng còn uy tín, có thể sử dụng uy tín để hộ trì Chánh pháp. Vì vậy, tôi tiếp tục làm hoằng pháp đến năm 2007, thì có nhu cầu mới là Phật giáo chúng ta chuẩn bị lễ Vesak ở Việt Nam.

Tôi được Giáo hội đề cử làm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, giao việc hoằng pháp cho Hòa thượng Bảo Nghiêm ở miền Bắc. Từ đó, tôi hạn chế việc đi thăm các trường hạ miền Bắc. Nhưng riêng đối với chùa Hội Khánh, mỗi năm một lần, đến mùa an cư, tôi đến thăm, vì nơi này ghi dấu kỷ niệm đẹp trong đời tôi. Thật vậy, ở ngôi tổ đình này, trước kia Hòa thượng Từ Văn xuất thân từ tổ đình Huê Nghiêm và sau này, Hòa thượng Trí Tấn cũng xuất thân từ Huê Nghiêm. Vì vậy, trong truyền thống tông môn, nơi đây có mối liên hệ mật thiết với tôi, nên dù tôi không làm công tác hoằng pháp, nhưng các thầy tỉnh nhà xuống thỉnh tôi về đây thuyết giảng, tôi nghĩ không thể không đi.

Tôi muốn nói với quý vị nên nhận thấy điều này trong việc tu hành của chúng ta. Điều này là gì. Kinh Pháp hoa ghi rằng khi ánh quang của Phật Thích Ca chiếu đến Bồ-tát Diệu Âm, Bồ-tát liền thưa với Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí ở phương Đông rằng ngài phải qua Ta-bà. Tôi suy nghĩ tại sao Phật khác mời, Diệu Âm không đi, nhưng Đức Thích Ca mời thì phải đi. Chúng ta cần tìm nghĩa lý sâu xa đó để sống.

Tôi nhận ra điều thứ nhất là thế giới Ta-bà đầy dẫy ác nghiệp, gọi là ngũ trược ác thế. Vì vậy, Đức cổ Phật chỉ cho chúng ta thấy thế giới này an lành, thế giới kia an lành, thế giới nọ hoàn toàn an vui, nhưng riêng thế giới Ta-bà toàn là khổ với khổ. Vì vậy, tất cả các người tu khác, các vị Bồ-tát khác đều có nguyện sanh về thế giới an lành. Thật vậy, trong kinh Pháp hoa cũng nói các Bồ-tát nguyện sanh thế giới an lành, sanh ở chỗ có Phật, chỗ khác khổ và không có Phật thì không tới, vì ai cũng sợ khổ.

Trong lúc đó, Đức Thích Ca hành Bồ-tát đạo chọn con đường khác, chỗ nào có khổ, Ngài tới. Vì ở Ta-bà không có Bồ-tát nào tới, nhưng Đức Thích Ca thấy chúng sanh Ta-bà thật đáng thương, không ai dìu dắt họ ra khỏi sinh tử. Cho nên Đức Thích Ca nguyện dấn thân vào thế giới Ta-bà để cứu độ chúng sanh cho đến khi Ngài thành Vô thượng Đẳng giác. Vì vậy, trong kinh Di Đà nói mười phương Phật gia hộ cho Đức Phật Thích Ca, vì Ngài làm việc khó làm, không ai làm, nhưng Ngài làm và làm được. Nghĩa là ở Ta-bà, Đức Thích Ca thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề và Ngài khai phương tiện, dìu dắt chúng sanh ra khỏi Nhà lửa tam giới. Đó là việc khó làm mà Đức Phật Thích Ca đã thành tựu viên mãn, còn những việc dễ, để người khác làm.

Một con người có năng lực siêu tuyệt như Đức Thích Ca mời thì chắc chắn ai cũng đi, đó là bài học lớn cho chúng ta noi theo.

Học Phật, Tăng Ni nên phát đại tâm, tu đại hạnh, làm những việc khó làm, tôi nghĩ các Hòa thượng lớn đều thương mến. Riêng tôi, nhiều người mời, tôi không đi, nhưng Hòa thượng Trí Tấn ở tỉnh này mời, tôi đi. Nhớ lại vào những năm thống nhất Phật giáo là thời kỳ hoằng pháp còn rất khó khăn, không dễ như ngày nay, vì tỉnh Bình Dương lúc đó là tỉnh nghèo khổ và khó khăn nhất, cho nên, việc tu hành phải gác sang một bên. Nhưng Hòa thượng Trí Tấn đứng ra gánh vác Phật sự tỉnh này, nên tôi phải ủng hộ, hợp tác với ngài.

Diệu Âm nguyện đến Ta-bà. Học hạnh của ngài, chỗ nào khó khăn có nhu cầu, chúng ta sẵn lòng tới. Học hạnh của Đức Phật Thích Ca, làm việc khó làm, chúng ta nguyện sẵn lòng dấn thân, dù gian lao, khó nhọc cũng không từ chối.

Ngày nay, tỉnh Bình Dương đã tập hợp được hơn sáu trăm Tăng  Ni an cư, nếu tôi không tới đây cũng không sao, vì đã có nhiều người đến. Chúng ta phải phát tâm tu đại hạnh là đồng nguyện với Phật Thích Ca, chắc chắn chúng ta làm được.

Khi Đức Phật Thích Ca mời Bồ-tát Diệu Âm, Ngài phóng hai luồng hào quang từ vô kiến đảnh tướng và bạch hào tướng. Tướng bạch hào ở giữa hai chân mày là trí tướng. Do công đức tu hành trải vô số kiếp, Phật thành tựu tướng trí tuệ này. Ánh sáng trí tuệ chiếu thấu muôn sự muôn vật, nên Phật thấy đúng như thật. Ngài biết rõ chúng sanh nghĩ gì, có khả năng gì, nghiệp gì mà tạo thành con người đau khổ hay an vui trên thế gian. Vì vậy, khi nói kinh Pháp hoa, Ngài sử dụng trí tướng hay sự hiểu biết rọi xuống tứ sanh lục đạo mười phương, chứng tỏ những gì Ngài nói là chân thật.

Ngoài ra, vô kiến đảnh tướng nằm ở đỉnh đầu Phật phóng hào quang màu vàng. Vô kiến đảnh tướng tiêu biểu cho đức tướng hay tướng đại nhân. Phật được tôn xưng là bậc đại nhân, vì Ngài cảm hóa người bằng đức hạnh, bằng tình thương bao la, bằng lòng kính trọng bình đẳng.

Trí tướng, nói cho dễ hiểu là người học giỏi, nghe nhiều. Đức tướng tiêu biểu cho người đức hạnh. Người giỏi, người giàu không phải lúc nào cũng được người khác quý mến. Nhưng người khiêm tốn, kính trọng người khác, luôn được nhiều người quý trọng. Học hạnh của Phật Thích Ca, chúng ta nên sống khiêm cung, hiền lành, tôn trọng mọi người, chắc chắn người sẽ đến với chúng ta dễ dàng hơn.

Để điều động Diệu Âm Bồ-tát, Phật sử dụng cả trí tướng và đức tướng. Nghĩa là với tài năng siêu việt, Phật hiểu rõ quá trình hành đạo và khả năng của Bồ-tát Diệu Âm, cũng như đức hạnh toàn thiện của Phật đã thúc đẩy Diệu Âm tự nhiên phải đến với Phật.

Quý vị muốn làm Phật sự quan trọng, tuy không có đức tướng như Phật Thích Ca, nhưng mình có tâm quý trọng người, thì người cũng sẽ tới.

Tôi nhớ Hòa thượng Trí Tịnh ít đi, nhưng nghe Hòa thượng Huê Nghiêm tịch, ngài cũng chống gậy đi tới hộ niệm. Hòa thượng Huê Nghiêm không học nhiều, nhưng ngài chuyên tu, là người có đức hạnh.

Học Phật, chúng ta phải trau dồi đức hạnh để giống Phật Thích Ca, thì mười phương Phật sẽ hộ niệm, Phật sự dù khó khăn, chúng ta cũng thành công.

Xưa kia, Hòa thượng Trí Tấn gánh vác Phật sự tỉnh Bình Dương vào thời kỳ khó khăn nhất, nhưng Giáo hội ở tỉnh nhà chúng ta đã thành lập được sớm nhất. Kế đến là Hòa thượng Minh Thiện cũng không học giỏi, nhưng có đức hạnh. Tôi nhớ có lần Hòa thượng Minh Thiện tới Trường Cao cấp gặp tôi, với tấm lòng thành khẩn, quỳ xuống lạy tôi và nói rằng con thỉnh thầy về Bình Dương thuyết pháp. Tôi không thể từ chối.

Đức hạnh rất quan trọng. Chúng ta học giỏi, nhưng thiếu đức hạnh, khó được người hợp tác. Có đức hạnh, người sẽ cảm thông và hết lòng với mình, thì thành công dễ dàng.

Sau đó, thầy Thiện Duyên cũng là đệ tử của Hòa thượng Trí Tấn, học lớp hoằng pháp đầu tiên, đến thưa, khiến tôi vô cùng cảm động, rằng con nguyện về Bù Đăng, Bù Đốp là vùng vô cùng khó khăn. Chính tâm hồn như thế, đạo đức như thế làm cho người dễ chấp nhận, dễ hợp tác.

Có lẽ tỉnh Bình Dương từng thế hệ kế tiếp học được hạnh đức của các vị đi trước, làm cho người dễ hợp tác và duy trì được hoạt động Phật sự tỉnh nhà. Được như vậy, tôi tin Phật sự tỉnh Bình Dương không thua kém các tỉnh khác.

Ngoài ra, lần này tôi mang theo một bộ sách là Hai mươi mùa an cư, tức hai mươi năm tôi đi hoằng pháp trong mùa mưa và tập hợp tất cả những bài giảng khi thăm viếng các trường hạ từ Nam đến Bắc, từ Cà Mau đến Móng Cái. Bộ sách này được in ra, vì có một số thầy thưa rằng Hòa thượng không đi giảng nữa, nhưng cho phép tập hợp những bài thuyết giảng để người sau tham khảo, làm tài liệu cho sự nghiệp hoằng pháp.

Lần này, tôi lên đây, đem theo 50 bộ sách Hai mươi mùa an cư để tặng trường hạ. Tôi nhớ trường hạ này có khoảng năm mươi hành giả, nhưng hôm nay, số Tăng Ni an cư đông quá, trên 600 vị. Vì vậy, nếu  quý vị có nhu cầu tham khảo, lập danh sách, tôi sẽ cung cấp đầy đủ để quý vị làm hành trang hoằng pháp trong mùa mưa.

Tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp 26 năm, nhưng trừ những năm đầu, vì điều kiện chưa cho phép, không đi hoằng pháp được. Vì vậy, còn 20 năm hoằng pháp khắp mọi miền đất nước. Những bài pháp được tập hợp lại trong bộ sách này giúp quý vị có tư lương hoằng pháp, nhất là những vị chịu cực đi hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa. Và đó cũng là nguyện của Bồ-tát Diệu Âm vào Ta-bà, cũng đồng nguyện với Phật Thích Ca hành Bồ-tát đạo ở Ta-bà, thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác.

Sau đây, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm tu hành. Từ trước cho đến nay, nhiều người an cư thường dành cho việc học nhiều, nhưng riêng tôi, dành thì giờ tu để được sở đắc nào đó trên bước đường lập hạnh theo Phật. Vì đối với tôi, học nhiều cũng tốt, nhưng thực tập được lời Phật dạy, được kết quả tốt hơn và cũng là mục tiêu của người tu.

Tăng Ni ngày nay đa số có học vị. Ở thời tôi, tìm được một sư có bằng tú tài cũng khó, nhưng nay, tìm sư có tiến sĩ không khó. Học viện Phật giáo chúng ta có trên một trăm tu sĩ có bằng tiến sĩ. Phải nói tìm người có học vị dễ, tìm người tu có kết quả tốt thật khó. Học Phật pháp  và ứng dụng vào việc tu hành có kết quả thì cần hơn.

Tu có kết quả là sao. Việc thứ nhất, trong mùa an cư, chư Tăng cố gắng thực tập bài học đầu tiên mà Phật dạy là buông bỏ. Ngay như gánh nặng hoằng pháp, trong mùa an cư, tôi cũng dừng lại, buông xuống. Tất cả chúng ta có thể buông xuống và dừng lại, để tâm chúng ta được lắng yên.

Thật vậy, Phật dạy năm thầy Tỳ-kheo ở Lộc Uyển rằng các ông ở yên tu, không đi khất thực. Phật khất thực cho ăn. Các ông tập buông bỏ tất cả mọi việc, không nghĩ gì, vì các ông tu lâu, có mắt nhìn và suy nghĩ đủ thứ chuyện này chuyện kia, làm sao đắc đạo, giải thoát. Thấy nhiều, nghĩ nhiều, dẫn đến khen chê người, chẳng được lợi ích chút nào.

Phật dạy năm Tỳ-kheo quán Không, nghĩa là không nắm bắt được bất cứ cái gì, cái gì cũng rời khỏi tầm tay của chúng ta. Vì vậy, trong tay chúng ta không giữ, trong tâm chúng ta cũng không nắm giữ. Pháp này nghe đơn giản, nhưng thực hành được cũng khó.

Thật vậy, thử hỏi trong mùa an cư, một số nội thiền ở yên, tay buông, nhưng tâm thực sự buông chưa. Đang an cư ở đây, nhưng tâm nghĩ không biết chùa mình, bổn đạo mình bây giờ ra sao, không biết trở về, chùa còn hay mất. Tâm không buông, vì chúng ta sợ buông, mất, nên ráng giữ. Nhưng tôi khẳng định rằng buông thì được, giữ là mất.

Có người nói năm 1975, đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, Phật giáo sẽ bị hạn chế cho đến không tồn tại. Họ bỏ ra nước người để tu, vì ở đây không được tu. Sau mấy chục năm, họ trở về, gặp lại tôi, nói rằng tưởng ở đây không tu được, nhưng thấy các thầy làm việc nhiều hơn xưa, phát triển được sinh hoạt tu học.

Phật dạy chúng ta buông bỏ trước, phải thực hiện cho được ba pháp: Không, vô tác và vô nguyện. Trong thời gian an cư, để lòng trống không, không nghĩ gì là vô tác, tức tác ý không có, khởi ý không có; vô nguyện là ham muốn không có. Để lòng yên tĩnh, sẽ nhận được hạnh phúc tràn dâng trong cuộc sống, đó là bài học ban đầu mà tôi áp dụng năm 1960.

Khi tâm đứng yên, tôi có cảm giác kỳ diệu là mình không mong muốn, không có nhu cầu, tâm hồn mình thật thanh thản. Tâm hồn thanh thản là vô tác, vô nguyện, không tác ý, thì sức khỏe của mình lại tốt hơn, dù ăn ít hơn.

Thực tập được pháp này, tôi khám phá ra nhu cầu vật chất không nhiều như tham cầu của con người. Ba tháng an cư, chúng ta không giữ tiền, không làm, nhưng vẫn sống bình thường, hay sống tốt hơn. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ. Ăn ít, nhưng khỏe mạnh hơn và đầu óc sáng suốt hơn. Từ đó, tôi nhận thấy trong cuộc sống, hay trong kinh nghiệm tu hành, một ngày chúng ta ăn một chén cơm, cơ thể không đòi hỏi nhiều. Ngày nay, khoa học cho chúng ta biết ăn nhiều dễ sinh bệnh. Ăn nhiều, thừa chất béo, chất đạm khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đau nhức.

An cư, ăn một bữa, không bị thấp khớp, đó là sự thật trên bước đường tu. Thật vậy, tự nhiên mới một tháng đầu an cư, bệnh thấp khớp biến mất, vì nhờ ít ăn, nên không bệnh nữa. Thứ hai là mình ăn ít, nhưng gia công lễ sám, tụng niệm nhiều, là cơ thể mình vận động nhiều, nên các chất độc trong cơ thể theo mồ hôi thoát ra, không cần uống thuốc giải độc.

Có thầy nói chưa vô hạ, bị ngứa ngáy, khó chịu, nhưng vô hạ, hết bệnh này. Nếu nghĩ đơn giản là nhờ lạy Phật mà chuyển nghiệp cũng được. Khi tôi ở Nhật, thấy người ta ứng dụng chữa bệnh này bằng cách trời nóng, tắm xong thì xông hơi cho thoát chất độc ra.

Trời nóng, đắp y lạy Phật, ướt áo, thải được chất độc, trở thành khỏe. Ăn ít đạm, lại vận động, nên thấy nhẹ nhàng, khinh an, là tu một tháng, tâm giải thoát và tướng giải thoát hiện ra. Không còn ý thức nhu cầu, nên người thấy mình, họ không lo sợ. Còn lúc các thầy xây chùa, trong lòng nghĩ đến tiền, nên người thấy mình, họ sợ mình mượn tiền, xin tiền. Đó là kinh nghiệm mà tôi có được, khi mình không có nhu cầu, người không e ngại mình, nên mình được giải thoát. Còn lo lắng, tính toán, buồn phiền thì sẽ hiện ra tướng này.

Vị Hòa thượng kế bên vừa hỏi tôi Việt Nam Quốc Tự xây dựng tới đâu rồi. Tôi trả lời không lo, các Phật sự tùy duyên mà thành. Chúng ta quán sát nhân duyên, theo đó làm đạo, được giải thoát. Các duyên sanh, việc sanh, các duyên diệt, việc tự diệt; không phải mình muốn mà được. Buông bỏ hết, không ham muốn gì hết. Các thầy hỏi làm sao xin được Việt Nam Quốc Tự. Tôi nói không xin, nhưng duyên tới thì được.

Điều quan trọng Phật dạy để tâm hồn thật yên tĩnh để chúng ta thấy duyên sanh, duyên diệt. Và Phật dạy rằng người nào thấy nhân duyên sanh diệt là thấy pháp, hay thấy chân lý. Tu hành hơn nhau ở điểm này. Khi nhân duyên sanh, ta biết ngày tháng nào đó, người nào sẽ đem giao Việt Nam Quốc Tự. Duyên chưa tới, xin cũng không được.

Đọc lịch sử ghi rằng có nhà sư Ấn Độ thấy có chùa Nam Hoa, nhưng ngài nhìn xa hơn, thấy phải năm trăm năm sau, mới có vị cao tăng đến đây xây chùa. Quả thật, năm trăm năm sau, Tổ Huệ Năng xây chùa Nam Hoa và mở đạo tràng tu Thiền, tạo thành sức sống mãnh liệt của Thiền, phát triển mạnh qua đến Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thấy duyên rõ ràng là như vậy.

Giống như các Hòa thượng trước không làm được chùa này. Phải đợi đến Thượng tọa Huệ Thông làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, mới xây dựng được chùa Hội Khánh. Còn Hòa thượng Trí Tấn chỉ kiết giới, ở giảng đường bên kia.

Đối với việc lớn hơn nữa là hiện thân làm giáo chủ cõi Ta-bà này để hóa độ chúng sanh, Phật Thích Ca nói phải chờ Đức Phật Di Lặc ra đời mới làm được. Ca Diếp ngộ ý chỉ này, nên Phật truyền y bát cho ngài và ngài vào núi Kê Túc nhập định, chờ Phật Di Lặc ra đời mới đem trao y bát.

Các vị cao tăng hành đạo, tâm yên tĩnh, quán sát nhân duyên mà hành đạo. Không mong cầu, không ham muốn, cái gì tới sẽ tới. Việc của Di Lặc phải để Di Lặc làm. Thể hiện ý này, Phật nói rằng trái non không hái, vì ăn không được. Ở Nam Hoa thì phải chờ năm trăm năm sau có Lục Tổ đến, mới làm được. Tham vọng mà tới, coi chừng mang họa.

Mùa an cư, các thầy lắng lòng yên tĩnh, thành tựu cho được ba pháp Không, vô tác, vô nguyện. Tâm trí chúng ta lắng yên, thấy nhân duyên từ quá khứ cho đến hiện tại và vị lai, thấy điều gì đáng làm, chúng ta làm, chắc chắn đạt kết quả tốt đẹp.

Trong mùa hạ, tôi mong chư Tăng giữ tâm trí lắng yên, từng bước vào Thiền định, thế giới chân thật của Phật, Bồ-tát mở ra cho chúng ta và từ đây tu hành, mới nói được Chánh pháp Như Lai. Cầu mong chư hành giả an cư khám phá được yếu chỉ Phật nói để truyền bá Chánh pháp làm lợi lạc cho chúng hữu tình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày