Gần 10 năm về trước, đứa con gái út của thầy cô nay là Thích nữ Hạnh Đăng, chùa Thiền Tân (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh nặng và khó chữa. Nhiều bác sĩ nổi tiếng TP.HCM không tìm ra bệnh nên bảo chuyển ra nước ngoài nếu không khó giữ được tánh mạng. Hạnh Đăng ngày càng bị phù ra và có nhiều vết bầm tím ở người.
Vì tình mẹ thương con vô bờ bến, Sư cô Hạnh Quang thường xuyên đi chùa lạy Phật cầu nguyện khi con hết bệnh sẽ xuất gia làm mọi việc lợi lạc cho chúng sanh.
Thầy Thích Tâm Đắc đang cúng vong tại chùa Hội An- Ảnh: H.H
Tại chùa Phật Quang (thị trấn Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), Thượng tọa Thích Thiện Chiêu đã quy y Tam Bảo cho Hạnh Đăng và khuyên lạy Phật, sau đó dần dần Hạnh Đăng khỏe hẳn và hết bệnh và xuất gia lúc đó Đăng mới 4 tuổi.
Lời nguyện được các chư Phật, chư Bồ tát gia hộ nên Đăng cứu được mạng sống, chỉ hơn tháng sau Quang Hạnh cũng xuống tóc xuất gia và Thượng tọa đã gửi sư cô qua chùa Phước Huệ và đi học Trung cấp Phật học ở Đồng Tháp. Tại gia đình, Sư cô Hạnh Quang còn thiết lập một am nhỏ đủ chuông, mõ, khánh…để các thành viên gia đình tụng niệm hằng ngày.
Không bao lâu, người con trai lớn của Sư cô cũng xuất gia tên là Thích Hạnh Thông đang tu tại chùa Thanh Lương (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Đứa con giữa và thầy Tâm Đắc cũng xuất gia trong vòng 1 năm. Cả gia đình 5 người đều do TT.Thích Thiện Chiêu xuống tóc.
Thầy Tâm Đắc, hiện nay tu tại chùa Hội An (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết thêm, với mong muốn thoát ra khỏi cuộc sống sinh, bệnh, già, chết và ước mong thoát khỏi cái khổ ta bà này nên thầy cũng không hề trao đổi với Sư cô về ý định xuất gia. Thầy cảm thấy đến lúc cũng phải gửi thân tâm nơi chốn thiền môn để cả gia đình phục vụ tốt cho chúng sanh và là “người cha” người thầy tu tốt để định hướng cho các con tu đúng Chánh pháp.
Sau quá trình hoàn tất chương trình Trung cấp Phật học, Thích nữ Hạnh Quang đã về ngôi Tam Bảo phát tâm xây am trước đây thành “chùa làng”. Nơi đây, thuộc vùng biên địa nên cả xã chưa hề có chùa và người dân chưa hiểu gì về Phật pháp.
Vì vậy, đây cũng là hạnh nguyện và là cơ hội để cô hoằng dương Phật pháp. Từ sự thấm nhuần nhiệm màu của Phật pháp vì vậy Sư luôn rèn luyện tâm của mình và răn dạy các con. Tu là sửa và chú ý tu tâm cho tốt chớ không phải tu vì tướng, tu vì lợi nên luôn tiết kiệm và không xài lãng phí của cúng dường.
Bốn năm đi học, Sư cô chỉ mặc 1 chiếc áo nhựt và 2 bộ đồ thôi để giữ gìn và tích lũy phước và tiết kiệm chi tiêu điện, nước. Thậm chí, Sư cô còn mua cây xoài về trồng tại chùa bán lấy tiền và trồng lúa thêm để xây chùa thật khang trang và hoàn chỉnh. Ngôi chùa nhỏ là nơi tâm linh để các dân trong làng đến tụng kinh và sám hối và là nơi để Sư cô truyền trao chánh Pháp giúp mọi người giữ gìn 5 giới tại gia.
Việc cả gia đình xuất gia tạo sự ngạc nhiên cho cả xã, vì thế nhiều người dân đến đây với sự tò mò hơn là hiểu đạo. Dịp này, là cơ hội tốt để Sư cô từng giúp mọi người đến với Tam Bảo, sống tốt hơn và an lạc hơn.
Đây có thể xem là một gia đình tiêu biểu của xã hội và trong đạo Phật. Từ sự nhận thức và tin vào màu nhiệm Phật pháp, họ đã thức tỉnh và biết chuyển biến tâm thức, giác ngộ trong cảnh khó khăn để vươn lên “sống tốt đời, đẹp đạo”và có những hành động tu đúng Chánh pháp, tăng trưởng phước duyên trên con đường tu tập, làm lợi lạc cho chúng sanh, làm đẹp cho Phật pháp.