NSGN - Bài này sẽ trình bày một số pháp vào định, dựa trên nhiều truyền thống. Tuy được viết để trả lời nhiều thắc mắc, bài này vẫn là một khảo sát không thẩm quyền, vì bản thân người viết tu học chưa tới đâu. Trong các phần dựa vào kinh và luận, hy vọng các ghi chú cuối bài sẽ làm sáng tỏ hơn.
Trước tiên, nói về thái độ người tu học: cần có lòng tin kiên cố và tận lực tinh tấn, bất kể thịt da xương cốt khô héo.
Đức Phật nói trong kinh Trung bộ số 70 rằng đối với người tu có lòng tin kiên cố, dù bây giờ chưa tu học tới đâu, nhưng người có lòng tin tất nhiên sẽ tinh tấn, và trước khi lìa đời trong kiếp này hoặc sẽ đắc quả Chánh trí (quả A-la-hán), hoặc là quả Bất hoàn (quả Bất lai, hay A-na-hàm). Hãy tin rằng Đức Phật nói không thể sai được. Trích bản dịch của HT. Thích Minh Châu là:
“Này các Tỷ-kheo, đối với đệ tử có lòng tin giáo pháp bậc Ðạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời tùy pháp này được khởi lên: “Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng”. Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử có lòng tin giáo pháp bậc Ðạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, vị ấy sẽ chứng được một trong hai quả như sau: Chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn”. (1)
Nhưng, phải tu học thế nào? Đức Phật dạy rằng phải tu trong từng giây phút trong ngày, tu trong từng khoảnh khắc trong và ngoài, hiểu là giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh từng khoảnh khắc.
Kinh Pháp cú, kệ 315 viết: Y hệt một thành trì, canh gác trong và ngoài, hãy tự canh gác chính bản thân mình. Chớ để một khoảnh khắc nào trôi qua sơ suất…
Nghĩa là, phải quan sát từng khoảnh khắc trong tâm.
Có một suy nghĩ rằng: tại sao nhiều vị sư hiện nay tập trung nhiều vào các pháp thiền Chánh niệm, và thường không nói nhiều về các pháp định - thí dụ, vào sơ thiền, nhị thiền… Thực tế lịch sử, ban đầu phong trào dạy Vipassana khởi lên từ Miến Điện là từ Thiền sư Ledi Sayadaw (1846-1923), người tìm ra pháp thiền thích nghi với mọi thành phần đại chúng để dùng như công cụ chống lại thực dân Anh, để toàn dân Miến Điện tu được trong mọi hoàn cảnh đời thường, và cũng để bảo vệ Phật giáo trong khi nhiều giáo sĩ người Anh vào Miến Điện mở trường truyền giáo. Tuy ngài nhấn mạnh về tuệ, nhưng trong thiền Chánh niệm (Vipassana) từ ban đầu cũng tự động đã có yếu tố cận định, vì nếu không, sẽ không gọi được là Mindfulness. Trong các thế hệ sau của ngài có cư sĩ S.N.Goenka, người truyền dạy Vipassana ra toàn cầu và cả tại Việt Nam.
Tại sao quý ngài không dạy tập trung vào định? Bởi vì giới là cần hộ trì nhất. Và cũng vì hai Thánh quả đầu tiên (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm) có thể đạt được mà không cần tập định.
Trong bài viết “Liberation - Relevance of Sutta-Vinaya”(2) của Đại sư Dhammavuddho Thera có dẫn lời Đức Phật dạy trong các kinh Trung bộ (43), Tương ưng bộ (46.4.8), Tăng chi bộ (10.75; 4.58; 5.41), cho thấy Thánh quả Tu-đà-hoàn là thân cận thiện tri thức, lắng nghe Chánh pháp (lắng nghe, hiểu là nghe, đọc, nghiền ngẫm kinh điển), chú tâm tương ưng (paying proper attention or thorough consideration, chú ý tương ưng, suy xét cẩn trọng, như lý tác ý), siêng tu học.
Đại sư cũng dẫn ra các kinh trong Tăng chi bộ (3.85 và 9.12), ở đó Đức Phật nói rằng hai Thánh quả đầu tiên cần có giới toàn hảo (perfect sila).
Đặc biệt, Thánh quả Tu-đà-hoàn không khó, theo phân tích của Đại sư, vì kinh Tăng chi bộ (3.9.85) nói rằng các bậc Thánh vẫn có thể bị lỗi phạm giới nhỏ. Kinh Tương ưng (55.3.4) dẫn ra trường hợp ngài Sarakani, khi Đức Phật nói rằng Sarakani đã đắc Thánh quả Tu-đà-hoàn đã làm đại chúng bất ngờ, vì Sarakani trước đó đã bị tẫn xuất về đời thường, và đã phạm giới uống rượu.
Đại sư cũng dẫn ra kinh Trung bộ (số14), kể rằng ngài Mahanama, người đã đắc quả Tư-đà-hàm (còn gọi là Nhất lai, một lần tái sinh nữa), trình với Đức Phật rằng ngài tu học nhiều năm, nhưng đôi khi trong tâm vẫn khởi lên niệm bất thiện (tham-sân-si). Đức Phật trả lời rằng bậc Thánh dù đã có trí tuệ, đã biết tham-sân-si là sai, nhưng vẫn có thể bị lôi cuốn bởi niềm vui cảm giác, trừ phi đã đắc hai yếu tố trong định là: piti (delight, vui sướng nhờ tu định) và sukha (happiness, hạnh phúc).
Đại sư trong bài cũng dẫn ra kinh Tăng chi bộ (5.3.26), nói về năm giải thoát xứ, cho biết người tu có thể đắc quả A-la-hán qua một trong 5 giải thoát xứ: 1. Lắng nghe (hay học) Chánh pháp; 2. Giảng dạy Chánh pháp; 3. Tụng đọc Chánh pháp; 4. Tư duy ý nghĩa Chánh pháp; 5. Thiền tập.
Tới đây, cũng nên nhắc về hai kinh Tăng chi bộ (10.2 và 11.2), ở đó Đức Phật dạy rằng chỉ cần giới đức thanh tịnh, các chi giải thoát khác (kể cả định, huệ) cũng sẽ tự động thành tựu, dẫn tới Thánh vị A-la-hán.
Như thế, chúng ta có thể hiểu vì sao, khi quý ngài Miến Điện khởi động phong trào toàn dân tu thiền Vipassana, đã không tập trung dạy về định.
Một câu hỏi: Làm thế nào để biết là đã vào được sơ thiền? Đức Phật nói trong nhiều kinh rằng, vào sơ thiền (và các tầng thiền khác) sẽ thấy an lạc vô cùng tận. Trong sơ thiền, niềm vui hỷ lạc tràn ngập toàn thân y hệt như người tắm và xoa bột tắm trên toàn thân.
Đức Phật giải thích trong kinh Tăng chi bộ (5.28) rằng vào sơ thiền sẽ thấy:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần”.(3)
Chúng ta dễ dàng hiểu được tại sao một số vị thầy ngoại đạo hướng dẫn đệ tử vào được sơ thiền, rồi nói gì cũng được tung hô, vì niềm vui trong sơ thiền (và các tầng thiền khác) là tuyệt vời.
Chữ “tầm” trong giải thích về sơ thiền trong tiếng Anh là: thought (bản dịch của Bhikkhu Bodhi), directed thought (bản dịch Thanissaro Bhikkhu), initial thinking (bản dịch Leigh Brasington), applied thought (bản dịch Henepola Gunaratana). Nghĩa là: niệm hướng vào. Chữ “tứ” trong giải thích về sơ thiền trong tiếng Anh là: examination (bản dịch của Bhikkhu Bodhi), evaluation (bản dịch Thanissaro Bhikkhu), sustained thinking (bản dịch Leigh Brasington), sustained thought (bản dịch Henepola Gunaratana). Nghĩa là: niệm trụ vào.
Như thế, chúng ta có thể tin rằng, có những trường hợp nhiều người đã vào được sơ thiền, mà không biết tới danh từ này. Đó là khi tâm lắng xuống, lặng lẽ, cảm nhận làn da trên toàn thân vui sướng vô cùng, hệt như bột tắm xoa toàn thân.
Có một câu hỏi: quý thầy dạy vào định như thế nào? Leigh Brasington là một thiền sư đã theo học nhiều năm ở Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka…, giải thích rằng hiện có hai khuynh hướng chính trong Theravada. Mỗi khuynh hướng chính cũng dạy có phần khác biệt tùy các thầy, ở các quốc độ khác biệt:
- Dạy vào các tầng thiền theo Thanh tịnh đạo luận, nổi bật là trường thiền Pa Auk Monastery (ở Miến Điện) với các khóa thiền kéo dài nhiều tháng, và khi một số môn đệ người Hoa Kỳ đưa pháp này về dạy ở Hoa Kỳ, rút ngắn còn khóa 10 ngày. Vào định hoặc bằng hơi thở, hoặc nhìn các đĩa màu kasina. Vị thầy nổi tiếng khác là Ajahn Brahmayamso, học với Thiền sư Ajahn Chah ở Thái Lan trước khi về Úc châu, chủ yếu dùng hơi thở để vào định, phương pháp có kết hợp với kinh.
- Dạy vào các tầng thiền theo các kinh Pāli, nổi bật là nữ Thiền sư Ayya Khema, dạy vào định bằng nhiều cách, hơi thở, tâm từ, niệm quét (sweeping) trên thân. Tương tự là quý thầy Amathagavesi ở Sri Lanka. Bhante Gunaratana, Thanissaro Bhikkhu…
Cách tu định phổ biến nhất là qua thiền hơi thở và qua thiền tâm từ.
Một số người nói rằng tâm từ trong nhà Phật cũng giống như yêu thương hay bác ái trong các đạo khác. Thực ra không phải. Thiền tâm từ trong nhà Phật có một số phương pháp tu khác nhau, cũng có hai khuynh hướng tu chính, một là theo kinh và một theo Thanh tịnh đạo luận.
Riêng phương pháp tâm từ do Đức Phật dạy trong kinh Tương ưng (46.64) độc đáo là kết hợp với thiền Tứ niệm xứ.
Trích nơi đây từ bản dịch tiếng Việt của HT.Thích Minh Châu trong kinh “64. Từ” thuộc Tương ưng giác chi:
“Và này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với từ… tu tập xả giác chi câu hữu với từ, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm và pháp ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm và pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác”, vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác, hay đạt đến giải thoát được gọi là thanh tịnh, vị ấy an trú. Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát là thanh tịnh tối thượng, Ta tuyên bố như vậy. Ở đây là trí tuệ đối với Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn”.(4)
Nghĩa là niệm giác chi kết hợp với tâm từ để ly tham, ly sân, ly si.
Chủ đề bản kinh rất dài đó là: Làm cách nào từ bi dẫn tới giác ngộ… Kinh vừa nêu là Mettā Sahagata Sutta. Piya Tan giải thích theo Thanh tịnh đạo luận rằng Đức Phật dạy trong kinh này là về đối trị nhóm 5 tưởng trong tâm.
Thứ nhất, trường hợp gặp một pháp mình ưa thích (thí dụ: gặp một phụ nữ xinh đẹp, nghe một đoạn nhạc ưa thích…), người tu phải khởi niệm, hướng bao trùm về pháp đó là bất tịnh, hay quán pháp đó là vô thường.
Thứ hai, trường hợp gặp một pháp mình không ưa (thí dụ: gặp một người hung dữ, hay đọc phải một bài thơ quá dở…), người tu hoặc là quán bao trùm đối tượng hung hăng đó bằng tâm từ, hay xem kẻ hung dữ đó chỉ là như tập hợp các đại (thí dụ: đất, nước, gió, lửa).
Thứ ba, người tu quán bao trùm khắp các đối tượng cả xinh đẹp dễ thương và hung hăng dữ dằn đó bằng niệm về bất tịnh, hay xem chúng như vô thường. Do vậy xem cả 2 như là “pháp ghê tởm” (dịch như HT.Thích Minh Châu).
Thứ tư, người tu quán bao trùm khắp các đối tượng cả dễ thương và hung dữ đó bằng tâm từ bi, hay xem chúng như các đại; do vậy xem cả 2 như là “pháp không ghê tởm” (dịch như HT.Thích Minh Châu).
Thứ năm, tránh cả hai loại đối tượng dễ thương và hung dữ đó - khi xem sắc với mắt, nghe tiếng với tai, ngửi mùi với mũi, nếm vị với lưỡi, chạm xúc với thân, nhận ra pháp với thức, người tu không vui và cũng chẳng buồn, duy chỉ giữ tâm xả trong tỉnh thức tròn đầy.
Bây giờ, câu hỏi là: có cách nào tiện dụng để vào sơ thiền? Thiền sư Leigh Brasington (người nối pháp của Ayya Khema) giải thích bằng một bài viết(5), giảng dạy trong một thiền thất 9 ngày trong năm 2002 do ông hướng dẫn. Ông nói rằng trong vòng 9 ngày, với pháp này sẽ có một số người vào được sơ thiền.
Bài hướng dẫn rất dài, ở đây chúng ta tóm tắt như sau: Yêu cầu học nhân ngồi thẳng lưng, thoải mái, thư giãn toàn thân. Hít thở nhẹ nhàng, tự nhiên. Cảm nhận hơi thở nơi chóp mũi, chỉ chú tâm vào hơi thở nơi chóp mũi. Nếu tâm chệch ra, hãy kéo trở lại hơi thở nơi chóp mũi. Hơi thở mơ hồ dần, có thể cảm nhận là gần như biến mất, hay đã biến mất. Khi đó, chú tâm vào một nơi có cảm thọ an lạc. Thí dụ, mỉm cười (như tượng Đức Phật) và chú tâm vào thọ an lạc nơi mỉm cười. Nếu thấy chú tâm vào nụ cười mỉm không được, hãy nghĩ tới nơi khác, thí dụ, giữa ngực hay trên đỉnh đầu, nghĩa là một nơi trên cơ thể để cảm nhận thọ an lạc. Tự nhiên như thế, không làm gì hơn, dần dà cảm thọ an lạc toàn thân sẽ tới, an lạc toàn thân vô cùng tận. Và đó là sơ thiền, khi đối chiếu với kinh.
Như trên là một cách.
Trong kinh Tăng chi bộ (4.41), Đức Phật dạy về bốn cách khác nhau vào định. Trích bản dịch của HT.Thích Minh Châu:
“Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc”.(6)
Trong bản phân tích của Piya Tan, nói về 4 cách này như sau:
Cách thứ nhất, an trú hạnh phúc ở đây và bây giờ (hiện pháp lạc trú), là tập cho bốn tầng thiền.
Cách thứ nhì, quán tưởng về ánh sáng, còn gọi là thiên nhãn, sẽ đạt tri kiến (biết và thấy).
Cách thứ ba, là chánh niệm tỉnh giác, tưởng về vô thường (quan sát các thọ sinh trụ dị diệt).
Cách thứ tư, quan sát sinh và diệt trong 5 uẩn (sắc thọ tưởng hành thức).
Tới đây, chúng ta sẽ nói về pháp định vô tướng. Nói vô tướng, nhưng có nghĩa là thực tướng. Như vậy, thực tướng là gì? Thực tướng các pháp đang diễn ra trước mắt, bên tai, và trong tâm mình là gì? Đức Phật trả lời là vô thường, là vô ngã, là do nhân duyên kết hợp. Cụ thể: Làm sao để thấy vô thường và vô ngã trôi chảy trước mắt và bên tai?
Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) trong bài thơ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle”(7) mô tả rằng tất cả các pháp chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim.
Nội dung bài thơ của ngài Xá Lợi Phất, nơi đây sẽ viết như văn xuôi cho dễ đọc, có thể dịch nghĩa như sau:
“Đời sống, thọ mạng, niềm vui, nỗi đau đều buộc chung vào một khoảnh khắc của tâm, một khoảnh khắc nhanh chóng trôi đi. Ngay cả các vị phi nhơn sống lâu tới 84 ngàn tỷ năm cũng không sống được 2 khoảnh khắc nào trong tâm y hệt nhau. Cái ngưng lại nơi người đã chết hay cho người còn đứng nơi đây đều là cùng các uẩn, khi biến đi là vĩnh viễn không nối lại được. Các trạng thái đang biến mất bây giờ và các trạng thái sẽ biến mất trong các ngày tương lai đều có đặc tướng y hệt như các đặc tướng đã biến mất trước đây. Khi không tạo tác gì nữa, sẽ không có sinh ra; chỉ với hiện tại này, chúng ta đang sống. Khi đã nắm được nghĩa tối thượng, thế giới chết ngay khi tâm ngưng lại. Không cất giữ gì được những gì đã biến mất, không để gì được cho tương lai. Những người đã sinh ra trong đời này đang đứng y hệt như hạt đậu rất nhỏ trên đầu mũi kim. Sự biến mất của tất cả các trạng thái này đã không hề được hoan nghênh, mặc dù hiện tượng khoảnh khắc tan rã như thế đã có từ thời ban sơ. Từ nơi chưa được nhìn thấy, các trạng thái này hiện ra và biến đi, được nhìn thấy chỉ khi chúng đang trôi đi vào quá khứ. Y hệt tia chớp trên bầu trời: tất cả các pháp khởi lên và rồi biến hẳn đi”.
Người viết tin rằng, bài thơ này khi được đọc và nghiền ngẫm, có sức mạnh dẫn vào định, y hệt như bài Bát-nhã Tâm kinh, vì gần như tức khắc, trong tâm người đọc sẽ không còn trụ bất kỳ pháp nào nữa.
Thực tướng các pháp là trôi chảy như thế, là vô thường và vô ngã. Và như thế, thực tướng chính là vô tướng. Nhưng gọi là thực tướng, hay gọi là vô tướng cũng chỉ là khiên cưỡng, vì không có lời nào mô tả được.
Chính trong thực tướng này, gọi là vô thường hay thường cũng được, gọi là vô ngã hay ngã cũng được, vì gọi gì cũng là tạm gọi; nhưng gọi vô thường và vô ngã sẽ cận nghĩa nhất. Hình ảnh các pháp chảy xiết như điểm tiếp giáp của hạt đậu nhỏ trên đầu mũi kim là bất khả ngôn thuyết, không lời nào nói được. Hãy thử hình dung rằng chúng ta đang thấy, đang nghe, đang biết, đang cảm thọ toàn bộ thân tâm và thế giới đang chảy xiết trong thời gian như hạt đậu nhỏ lơ lửng trên đầu mũi kim. Thử nhìn trước mắt các pháp như thế, sẽ thấy hiện lên bài Bát-nhã Tâm kinh: không gọi được pháp nào là có, không gọi được pháp nào là không, và sẽ hiểu tường tận rất nhiều bản kinh Phật, đặc biệt là hệ Bát-nhã. Sau khi đọc, quán sát, nghiền ngẫm, cảm thọ bài thơ trên của ngài Xá Lợi Phất, sẽ dễ dàng hiểu từng dòng kinh Kim cang.
Nhiều thế kỷ sau Đức Phật, ngài Long Thọ ra đời và mô tả rằng các pháp như thế đã hiện ra trước mắt chúng ta qua 2 sự thực: chân đế và tục đế.
Nghĩa là, tất cả những gì chúng ta nhìn về thế giới này đều qua bức màn không thực, dệt lên bằng ý thức. Chúng ta nói trước mắt là người, là cây, là núi, là sông… nhưng thực sự đó là khái niệm hóa gọi là người, là cây, là núi, là sông… Trong khi đó, các bậc Thánh ngoài cặp mắt khái niệm hóa đời thường, còn nhìn qua cặp mắt soi chiếu 5 uẩn: tất cả chỉ là các uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) đang trôi chảy xiết trên đầu mũi kim.
Trong hình ảnh chảy xiết đó, không thể có cái gì gọi là quá khứ, vị lai, hiện tại. Ba thời này chỉ là khái niệm hóa. Và hễ mở miệng về bất kỳ pháp nào, đều sẽ là các khái niệm hóa do chúng ta thêu dệt lên, và chúng ta không còn sống được trong cái hiện tiền nữa. Đây cũng là lý do mà các Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam ưa nói: Hễ mở miệng là trật rồi.
Trong kinh Tương ưng (23.2)(8), Đức Phật dạy rằng phải đập cho tan vỡ, phải đập cho văng tứ tán, phải đập cho không còn gì hết ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành thức (smashing, scattering, & demolishing form (etc.) and making it unfit for play) mới thấy được Niết-bàn. Đó là ngôn ngữ Bát-nhã Tâm kinh vậy.
Đó cũng là ngôn ngữ Trung quán của ngài Long Thọ. Đọc kỹ bài thơ của ngài Xá Lợi Phất đã dịch trên, chúng ta sẽ thấy ngài Long Thọ diễn lại chính xác cái nhìn chảy xiết qua đầu mũi kim đó qua bài kệ:
Bất sinh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn. Bất nhất diệc bất dị. Bất lai diệc bất khứ.
Dịch: Không sinh cũng không diệt. Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác. Không đến cũng không đi.
Đây là pháp đốn ngộ. Ngay khi thấy tức khắc thực tướng vô tướng, tất cả sắc thọ tưởng hành thức gần như tê liệt, và rồi cả năm uẩn đều sẽ từ từ mất sức mạnh. Và đó là pháp ngộ trước tu sau.
Thiền Tổ sư nhấn mạnh về ngộ, nhằm gỡ bỏ bức màn khái niệm hóa do tâm thức nhiều đời phủ lên thực tướng. Đó là những trường hợp trực nhận thực tướng vô tướng qua thấy nghe hay biết, nhưng khi kể lại bằng chữ viết qua nhiều đời sau, chúng ta đọc và ngỡ là bí hiểm. Như ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn đại ngộ khi nghe tiếng viên sỏi văng vào cây trúc, chứ không phải là do suy luận gì. Hay như khi ngài Long Đàm thổi tắt nến, ngài Đức Sơn liền ngộ tức khắc, và hiểu hết ý chỉ của kinh điển. Đó là từ tai, từ mắt mà vào, và thấy ngay trong dòng chảy xiết vô thường của các uẩn, có một Niết-bàn tự tâm có thể cảm nhận qua tai, qua mắt - mà không phải qua mài giũa gì hết. Đó là như trong kinh Bahiya, khi Đức Phật dạy ngài Bahiya rằng hãy để cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe… và chúng ta thấy kết quả là: ngài Bahiya đốn nhập Niết-bàn.
Đó cũng là lý do Thiền tông nói là pháp này nằm ngoài chữ nghĩa kinh điển, chỉ là muốn nói là phải thấy, phải nghe tức khắc cái Niết-bàn tự tâm, chứ không phải từ gạn lọc chữ nghĩa.
Pháp định của thực tướng vô tướng được Đức Phật nói nhiều lần trong nhiều kinh.
Kinh Pháp cú, kệ 92 viết rằng: Bậc A-la-hán có một đối tượng là giải thoát ra khỏi cõi sinh tồn này, tức là, Niết-bàn vốn là không và vô tướng. Nơi đến của họ, y hệt như chim bay trên bầu trời, không thể dò ra dấu vết (…They have as their object liberation from existence, that is, Nibbana which is Void and Signless. Their destination, like the course of birds in the air, cannot be traced).
Trong Trưởng lão Tăng kệ (1.92), có viết:
“Với bậc đã có phiền não khô cạn, bậc không còn gắn bó vào thực phẩm, nơi an trú là sự giải thoát của vô tướng và của rỗng rang không tánh: Lối đi của họ khó dò nổi, y hệt chim trên bầu trời”.(9)
Chữ “thực phẩm” trong đoạn trích dẫn trên còn có ý nhắc lời Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi bộ (10.27 và 12.64) rằng không cần tu gì hết, chỉ cần xa lìa thức ăn sinh tử luân hồi(10) là xong.
Kinh Phật nói rằng các pháp tự thân vốn xa lìa phiền não. Chỉ vì duyên vào nhau, dục tham khởi lên, mới bị trói buộc. Nghĩa là, nếu cảm nhận các pháp đang chảy xiết trong sắc thọ tưởng hành thức, tức khắc sẽ không có gì để duyên vào nhau mà trói buộc nữa. Như thế, nếu thấy các pháp chỉ là dòng chảy xiết trên đầu mũi kim.
Thiền tông Việt Nam có gì liên hệ tới bài thơ của ngài Xá Lợi Phất? Thưa rằng chúng ta sẽ gặp lại gần như y hệt và sẽ hiểu tận tường bài kệ của ngài Tuệ Trung thượng sĩ (khi thấy dòng chảy xiết vô thường trên đầu mũi kim):
Bản lai vô cấu tịnh; Cấu tịnh tổng hư danh. Pháp thân vô quái ngại; Hà trược phục hà thanh.
Dịch: Trước giờ vẫn không hề dơ với sạch; Dơ với sạch toàn là chữ rỗng thôi. Pháp thân không gì ngăn ngại; Chi mà đục với chi mà trong.
Trong dòng thơ trên của ngài Tuệ Trung, chúng ta gặp chữ “pháp thân” sau khi ngài nói rằng các pháp vốn không dơ, không sạch. Chảy xiết như thế, tất nhiên không dơ, không sạch, pháp thân hiển nhiên là trung đạo - Pháp thân là thân của Pháp, là thân của trí tuệ, vốn xa lìa mọi dơ sạch.
Có phải Đức Phật nói bản nhiên các pháp vốn không hề dơ sạch?
Nơi phần trên, chúng ta có nói về pháp đối trị 5 tưởng, khi mắt nhìn thấy hình dáng của người xinh xắn, hay khi tai nghe đoạn nhạc du dương… nhưng tới kinh Tương ưng (41.1), Đức Phật dạy rằng giữa tâm với cảnh nguyên khởi không gì trói buộc nhau, vì mắt không phải là trói buộc của sắc, và sắc không phải là trói buộc của mắt, tương tự với tai… Nghĩa là, tự thân, các pháp vốn xa lìa mọi trói buộc, mọi dơ sạch. Chỉ vì chúng ta khởi tâm linh tinh, mới có phiền não.
Trích bản dịch kinh Tương ưng (41.1) của HT.Thích Minh Châu:
“…con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng… Mũi không phải là trói buộc của các hương… Lưỡi không phải là trói buộc của các vị… Thân không phải là trói buộc của các xúc… Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý”. [Nối kết bản Việt và Anh ở(11)].
Vì vậy, còn nói rằng trước hết là cần chứng ngộ được Pháp thân, mới tức khắc biết cách để tâm vào nơi không dơ, không sạch, không vướng vào bất cứ những gì của quá-hiện-vị lai.
Như vậy, một cách phổ biến, Thiền tông truyền dạy như thế nào?
Hiện nay, Thiền tông phổ biến ở Hoa Kỳ là Tào Động (Soto Zen).
Thiền sư Thánh Nghiêm (1930-2009) giải thích về một pháp có tên là Mặc Chiếu thiền của Tào Động tông, qua lời cao đồ là Guo Gu nói trên tạp chí Lion's Roar ngày 12 tháng 8-2016, dịch như sau:
“Cách toàn hảo để thực tập Mặc Chiếu là ngồi mà không dựa vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý. Bạn ngồi mà không trụ vào bất cứ nơi nào, không nghĩ tưởng bất cứ gì, cũng không rơi vào hôn trầm. Bạn không nhập định, cũng không để cho khởi niệm tán loạn. Trong khoảnh khắc này, tâm là như thị - tỉnh giác và lặng lẽ, tỏ tường và không ảo giác”.(12)
Trong đoạn dẫn trên có nói là “không nhập định” - chỉ đơn giản vì Thiền tông là pháp đốn ngộ, thấy ngay tức khắc không hề xa lìa tự tánh định, nơi không hề có xuất định và nhập định. Vì hễ nghĩ ngợi, là hạt đậu sẽ rơi khỏi đầu mũi kim.
Có một phương pháp khác, có thể sẽ thích nghi với nhiều người: dựa vào kinh Lăng nghiêm.
Trước tiên, nên tập khi ngồi. Cách ngồi khó nhất là kiết-già, rồi tới bán già; cách dễ hơn là ngồi kiểu Miến Điện (xem hình ngồi qua https://images.google.com/ với nhóm chữ “Burmese posture”); hay chỉ đơn giản ngồi trên ghế, áp sát hai bàn chân trên mặt đất. Khi quen thuộc rồi, nên tập trong mọi thời đi đứng nằm ngồi.
“Hoặc mở mắt lim dim hướng tới đầu chóp mũi, hoặc nhắm mắt nhẹ nhàng. Hít thở nhẹ nhàng. Không nghĩ ngợi chút gì. Sau nhiều hơi thở nhẹ nhàng, hãy bắt đầu lắng nghe, chỉ đơn giản lắng nghe cái khoảnh khắc đang trôi chảy. Không phải nghe âm thanh bên trong, không phải nghe âm thanh bên ngoài. Chỉ đơn giản lắng nghe, là lắng nghe. Có tiếng cũng mặc, không tiếng cũng mặc. Chỉ lắng nghe, không phải nghe bằng hai tai, mà là như dường nghe bằng toàn thân. Chỉ nghe là nghe. Lặng lẽ, tỉnh giác, lắng nghe, không để chệch một khoảnh khắc nào”.
Thiền tập như thế, trong vài phút đồng hồ, sẽ chứng nghiệm tất cả kinh điển. Trong cái lắng nghe, đó là vô thường, vì âm thanh trôi đi, không gì níu được. Hễ khởi tâm nghĩ ngợi, lập tức mất đi cái lắng nghe đang trôi chảy. Trong cái lắng nghe, đó là vô ngã, vì không hề có bất kỳ một pháp nào thoát khỏi dòng chảy xiết của âm thanh. Trong cái lắng nghe, không hề có cái gì gọi là “tôi” và “cái của tôi” vì dòng chảy xiết của âm thanh cuốn phăng hết cả 5 uẩn sắc thọ tưởng hành thức. Trong cái lắng nghe, nhân và quả hiện ra như là đồng thời, nhân duyên sinh và nhân duyên diệt như là đồng thời, nên còn gọi là không hề có sinh, và không hề có diệt. Trong cái lắng nghe, Tứ Thánh đế tức khắc hiện ra, bất như ý và an lạc đồng thời hiện ra, nơi đó khổ và diệt khổ là một (và cũng là không), và do vậy phiền não tức thời là Niết-bàn, sóng là nước và nước là sóng (cũng nghiệm ra Trung quán của ngài Long Thọ: Thị cố tri Niết-bàn, phi hữu diệc phi vô; như thế, biết rằng Niết-bàn không phải có và cũng không phải không). Trong cái lắng nghe, cũng sẽ nhận ra các diệu lý trong kinh Duy Ma Cật và kinh Giải thâm mật: thắng nghĩa bất nhị (không hai) nhưng cũng không gọi là một, và hoàn toàn xa lìa ngôn thuyết.
Khi ngồi lắng nghe như thế, có thể trong vài phút đồng hồ, sẽ thấy an lạc toàn thân, đầu mình và tay chân như tắm trong hồ nước mát. Pháp này còn gọi là không có gì để tu, vì hễ nghĩ ngợi hay mở miệng là xa lìa cái lắng nghe rồi. Phật tánh nơi đây sẽ hiển lộ trong cái toàn thể, không gọi là trong hay ngoài. Trong pháp lắng nghe này, nếu chỉ lắng nghe bằng toàn thân xương cốt thịt da, đó là Tào Động tông; nếu khởi lên chữ “Ai”, lập tức pháp lắng nghe trở thành phương tiện của Lâm Tế tông. Nhưng chớ nên nghĩ là phải mài giũa gì, vì khi lắng nghe cái khoảnh khắc chảy xiết đó, bạn sẽ hiểu hết tất cả kinh điển trên toàn thân xương cốt da thịt của mình. Đó cũng là lời Đức Phật dạy ngài Bahiya, rằng trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe. Bất kỳ ai cũng có thể tập được pháp nghe của kinh Lăng nghiêm, và sẽ thấy trong vài phút đồng hồ, hiểu ngay tất cả mọi kinh điển, khi cảm nhận các pháp ấn cụ thể, rõ ràng, minh bạch… không gì mơ hồ. Và sẽ hạnh phúc vô cùng tận.
_____________________
(1) Kinh Trung bộ, số 70: https://suttacentral.net/vn/mn70
(2) Liberation - Relevance of Sutta-Vinaya: http://www.budsas.org/ebud/ebdha163.htm
(3) Kinh Tăng chi bộ (5.28), bản dịch của HT Minh Châu: https://suttacentral.net/vn/an5.28
(4) Kinh Tương ưng https://suttacentral.net/vn/sn46.64
(5) Instruction for Entering Jhana: http://www.leighb.com/jhana3.htm
(6) Kinh Tăng chi bộ (4.41): https://suttacentral.net/vn/an4.41
(7) Guhatthaka-suttaniddeso: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/nm/nm.2.04.olen.html
(8) Kinh Tương ưng bộ (23.2): http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn23/sn23.002.than.html
(9) TLTK (1.92): The one whose defilements are dried up, Who’s not attached to food, Whose resort is the liberation, That is signless and empty: Their track is hard to trace, Like that of birds in the sky. Xem: https://suttacentral.net/en/thag1.92
(10) Pháp môn Định vô tướng: https://thuvienhoasen.org/a28189/phap-mon-dinh-vo-tuong
(11) Kinh Tương ưng bộ (41.1), bản Việt dịch: https://suttacentral.net/vn/sn41.1 Bản Anh dịch của Ni trưởng Uppalavanna: …the eye is not the bond of forms and forms are not the bond of the eye, yet the interest and greed that arise on account of these two is the bond there. The ear is not the bond of sounds and sounds are not the bond of the ear, yet the interest and greed that arise on account of these two is the bond there... http://awake.kiev.ua/dhamma/tipitaka/2Sutta-Pitaka/3Samyutta-Nikaya/Samyutta4/40-Citta-Samyutta/01-Cittavaggo-e.html
(12) Bài kinh Tuấn mã: https://thuvienhoasen.org/a25964/bai-kinh-tuan-ma-va-thien-tong.