Cái tự biết soi gương

Cái tự biết soi gương
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi ai dẫu trôi lăn trong ác đạo, tánh giác vẫn không mất. Dĩ nhiên tánh giác ở đây không dám nhận ở nghĩa “tánh” vốn những bậc chứng ngộ chạm vào; nó tạm hiểu là tính giác (một cái tự nhiên “có tính chất tự biết giác”).

Tôi và bạn không sống với nó thành ra mê. Chúng ta chấp thân huyễn tâm vọng là mình, chấp có một cái ngã di động trên trần gian rồi dùng “sở tri vô chứng” để chụp lên vạn pháp.

Từ vọng trong tâm, ta quán chiếu ra ngoài để thấy mọi người mọi vật, gộp chung lại vạn pháp đều bình đẳng và mỗi pháp đều vi diệu với chính nó và vi diệu với trời đất vũ trụ pháp giới, ta không thể chấp được pháp nào từ khuôn nghiệp si mê của mình. Rồi từ pháp bên ngoài tiếp tục quán chiếu vào những vọng sâu bên trong để càng ngày rõ thêm bản chất hư giả của vọng, thấu từng niệm vọng như cuộn khói mong manh dần rồi nhòa vào hư không; để phát hiện điều hệ trọng: Nếu không có cái thật sao thấy được cái giả.

Vạn pháp đều chung một thể tánh song không hề có tự thể, sinh rồi diệt bất tận. Ai từng quán chiếu giấc mộng sẽ thấy mọi cảm thọ và tiến trình tâm thức không khác ngoài đời. Sách cũ từng chép một vị phán quan ban ngày làm cho triều đình, đêm làm việc dưới âm phủ (trong lúc thân vẫn nằm trên giường như một đồ vật thừa thãi). Chỉ là chúng ta không đủ định lực và phước đức nên chấp nặng đời thường, nghĩ mơ là giả. Để thấy duyên cảnh bên ngoài thực ra cũng là sự phóng chiếu của tâm nghiệp báo. Mơ và thực đều… mộng, tức đều một tâm thức biến hiện bởi bạn và tôi chưa “khai/tỉnh ngộ”.

Tâm thành chính là chân tâm. Thành kính với hết thảy chúng sanh và vạn pháp. Thành kính cũng là bản chất của chân tâm vì một khi tâm thành kính dần hiển lộ, chính là phướngió bớt lay động. Chúng ta không chịu tôn trọng vạn pháp, không chịu tôn trọng vẻ đẹp nguyên sơ trong mối tương quan giữa vạn pháp. Chúng ta không chịu gửi sáu căn của mình “thường trú” nơi sáu căn của bất cứ ai để thấu cảm. Thông cảm mới chỉ là cách ta nới dần lượng tâm, thấu cảm mới là con đường xuyên thẳng vào tánh đức chứa sẵn miền hư không mầu nhiệm! Thấu cảm là cách ta nhạt dần trước mọi chúng sanh, chuyển ý niệm vì mình thành ý niệm phụng sự tha nhân. Vô ngã là cảnh giới của những bậc hoàn toàn không mảy may tự lợi mà tinh ròng lợi người. Bạn và tôi chỉ là hướng về “phương ấy”, đó là cái giác biết tự có song từ lâu vẫn bị nghiệp lực vây ám.

Một hành giả cần thiết phải nhận lấy tánh giác, rồi chuyển giao sự biết cho nó, phần mình lui dần phía sau cánh gà sân khấu và xóa dần cái ngã để gương tâm có cơ hội chiếu soi vạn pháp. Bạn tu của tôi hiểu tánh giác ở mức thấp nhất, chỉ dám nhận ở mức thô lậu và tạm gọi là cái tự biết. Có lần bạn gãi xong chỗ ngứa chợt nghĩ, rõ ràng lúc đó tâm đang chìm vào suy nghĩ, cái tự biết tự biết ngứa (chứ hoàn toàn không phải tôi biết), rồi cái tự biết nó khiến tay đưa lên gãi (cái tự biết gãi); gãi xong cái tôi/ta (tâm ý thức) mới nhận ra (lúc mọi việc đã xong).

Để thấy giữa tri thức lưu trong não bộ, giữa tâm ý thức và công dụng của tánh giác nhiều lúc chúng ta vẫn nhầm là một. Để thấy cái tự biết vốn sẵn và ai từng giây phút đều dùng xài song vẫn tin tâm suy nghĩ là mình hơn; ta tin mọi sự đều có một chủ thể mang tên Ngã để thị phi với cuộc luân hồi. Tàng thức tôi tự lưu hình ảnh và âm thanh ở với bạn trong hai ngày; mười năm sau gặp lại bạn, trong một khắc cuốn phim sống động ấy hiện toàn vẹn trên mặt phẳng. Nghĩa là cũng tri thức đó song nó không đơn thuần được trí nhớ lưu theo thứ tự thời gian (hai ngày) nữa, mà đồng hiện chớp nhoáng. Tôi và bạn mê nên không hay thân huyễn tâm vọng này chỉ là dụng của thể [tánh]. Ân sư tôi dạy ai mà căn tiếp trần không sanh thức là cơ bản lìa được tâm ý thức; ai không chấp trước là lìa được mạt-na thức; ai không lưu ấn tượng như là ảo ảnh thuộc quá khứ vị lai kể cả hiện tại, tinh ròng trì một câu kinh thà chết không rời, người này đang thoát khỏi vòng vây của a-lại-da thức để trở về nhận bản tâm chính nó.

Mọi trần cảnh đều do tâm hiện; khi căn tiếp xúc sinh ra thức khiến vạn vật xiên xẹo do đó vận mạng của chúng ta cũng méo mó theo. Tánh giác/biết ẩn hiện ở sáu căn, phải thật tỉnh táo mới bám được vào khoảnh khắc nguyên sơ đầu tiên và cứ thế tập sống với nó mới tạm thấy mình đang tu. Đức Phật luôn mong mỏi đệ tử của mình giữ lấy chân tâm. Tâm thanh tịnh (nhờ giới sanh định) là tấm gương thấy biết bắt đầu hiện vọng niệm qua cái nhìn quán chiếu về bản chất hư giả của chúng. Hay có thể gọi sự xuất hiện của vọng là cuộc soi gương tập thể trên mặt phẳng của cái tự biết. Một khi cái tự biết càng nhạy, vọng niệm theo đó héo dần và bản thân của Ngã cũng cảm nhận được sự có mặt dư thừa. Đang tĩnh tâm, bỗng có mũi kim thình lình chích đau giật nẩy. Tánh biết/giác vừa hiện đã trôi vào mê. Thành ra chúng ta giỏi lắm chỉ chạm được kiến tinh chứ kiến tánh thì xa vời! Nhưng dẫu sao ở mức thô phù đó cũng xem như ta thấy được chút ánh sáng mà có hy vọng lần tới ngọn đèn quang minh thường hằng.

Quán sát trong đời sống, chúng ta sẽ cảm nhận được linh tánh có ở mọi loài kể cả thực vật. Cây cối từng gửi đến con người những thông điệp về sự sống không hề ngẫu nhiên; loài vật cũng tự biết về những điều liên quan đến vận mạng của nó. Con người có lẽ do vọng tưởng hay đúng hơn là ảo ảnh chi phối mà tánh giác ít hiển lộ dẫu nó vẫn ở đó sáng chói trong sâu thẳm.

Điều khó trong cuộc tu là chúng ta dính vào những vọng tưởng, tưởng nó “là/của mình” nên âm mưu loại vọng tưởng ra ngoài tấm gương thấy biết. Điều trọng yếu luôn là nhận và sống với cái tự biết trong mọi thời khắc.

Cũng như một khuôn mặt xuất hiện trong gương mong nhận lời khen, nhưng rồi nó thất vọng tức thời trước cái trong sáng lặng lẽ của gương nên tự cất mặt. Một khi không nhận được bất cứ nhiên liệu nào từ sự có mặt của cái-ta-ngã, vọng sẽ nhận ra tánh hư dối của mình và bỏ đi. Tôi và bạn thường có thói quen thông dự vào muôn pháp, thò tay chỉnh sửa muôn pháp qua sáu căn để vừa khớp với những khuôn mẫu đúc sẵn.

Chúng ta bởi chấp trước kiên cố từ vô thủy vô minh nên cái gì không vừa sở thích liền khởi tham hoặc sân, và si cũng đã có mặt, trong lúc muôn pháp đang hoạt động trong “khuôn khổ” của nhân quả. Tai chúng ta không nghe được tổng phổ mọi âm thanh, mắt không có cái nhìn toàn diện, mũi và lưỡi không chấp nhận những khuôn thước lưu sâu trong tàng thức, tự nó liền bóp méo thực tại. Rồi khi học được những nguyên lý màu diệu, tôi và bạn liền đưa ra chụp lên những pháp thô lậu để hơn thua, để đẩy mức độ hư giả của Ngã chấp lên những tầng ảo tưởng mới. Nếu người lớn đưa cho đứa trẻ một hộp viên bi màu, nó sẽ chọn những viên màu nó thích; tôi cũng vì thế nên loại đi những viên bi khác màu mình thích mà lẽ ra được quyền sở hữu hết thảy. Lời Phật đơn giản là giúp mỗi hành giả áp dụng vào bản thân để phá vọng tưởng và chấp trước, trở về với nguyên sơ tự tánh nhuốm sáng khắp vạn pháp.

Vạn pháp chỉ méo mó khi chúng ta thích sở hữu những khuôn nghiệp thông qua chu trình thụ hưởng của sáu căn. Mắt tai mũi lưỡi thân ý vốn là gốc sanh tử, nhưng nếu không có sáu căn làm sao ta nhận ra cái tự biết? Cái tự biết từ vô thủy có mặt mà ta vốn không hay; hay đúng hơn là ta không dám nhận cái chân ngược lại nhận ảo. Cái tự biết có ở chúng sanh thuộc mọi loài, kể cả chúng sanh tâm mà ta thường gọi là vọng tưởng. Bạn đang đánh máy, cái tự biết thực tế đang tự biết những ngón tay xúc chạm dẫu mắt vẫn dán lên màn hình. Còn con trâu đứng trụ một chỗ tư lự đôi mắt, nó không biết mắt đang “vô hồn” nhìn cái gì; nó cứ thế nhai cỏ mà không biết hàm mình đang nhai và lưỡi đang luân chuyển nhận vị giác; rồi khi đuổi ruồi trên thân thì cái quẫy đuôi đó cũng không hề tự biết. Con trâu không sống với cái tự biết, dẫu cái tự biết vẫn đang tự biết. Con trâu không nhận ra cái tự biết thế nên tánh giác đó không là “của nó” do vậy sự thăng tiến vận mạng trong luân hồi nằm ngoài nó.

Nhận và sống với cái tự biết, ta sẽ thấy âm thanh không phải bị nghe mà nó tự hiện ngay nơi phát khởi. Sắc cũng không phải được mắt thấy nữa mà hiện ở chính nó. Cái tự biết luôn hiện diện ở sự vật hiện tượng khi ở mắt, khi ở tai, khi ở thân, ý hoặc đồng thời ở nhiều căn cùng lúc, như ta nghe được âm thanh cùng lúc nhận biết chỗ ngứa trên thân. Lúc ta chạm vào cốc nước thì, ngay khi có sự ấm nóng là cái tự biết đã ở đó rồi. Nghe một âm thanh từ xa, cái tự biết nghe khiến ta cảm giác như không cần đến tai nữa. Vậy tại sao lúc ta bịt tai thì không còn nghe được âm thanh bên ngoài? Hẳn là thân còn bị ngũ ấm ngăn che giữa cái rỗng không bên trong và cái rỗng không bên ngoài?

Ngũ ấm ví như đứa trẻ từ lúc sinh ra tại bệnh viện đã bị lầm lẫn, người trao cho ta đứa con của giặc. Lớn lên ta bắt đầu hoài nghi về tính cách, và rốt cùng đi thử máu, rõ ràng không phải con mình. Nhưng chúng ta đã gắn bó quá ân nghĩa với nó; nó không phải con mình song đã thành máu mủ ruột rà cắt thì đau đớn… Cũng như chúng ta chấp cái nhà chiếm hữu hư không, nhưng thực tế ngôi nhà xây lên không vì thế mà hư không giảm bớt hay khi ngôi nhà bị phá dỡ hư không cũng không tăng thêm. Cơn giận nổi lên, cái tự biết biết rõ: ngay lúc ấy lửa sân đang đốt cháy chính nó. So với lúc hành giả chưa nhận được cái tự biết bổn nguyên, cơn giận khởi, xong rồi, lửa sân phụt lên rồi tắt nhưng vẫn còn lại cục than âm ỉ, ủ lại dưới lớp trấu tưởng và tiếp tục hành trình phát lửa vào bất cứ lúc nào hội duyên mới.

Lúc ta đi xe, có tên khùng từ đâu lao vô, ta tránh được, hoàn hồn; rồi không dưng ta cứ đứng đó suy luận đủ điều nào may sao hắn không đâm vào mình, may sao trời Phật cứu ta vân vân, về đến nhà ta còn kể lể khiến ăn sâu vào a-lại-da (tàng thức); trong lúc mọi thứ vừa trôi tức khắc đã trở thành cái bóng, trở thành ảo ảnh và nó không còn liên quan gì đến ta nữa. Bởi cái tâm suy nghĩ ta nhận nó là mình, là của mình nên mặc sức hoạt dụng, trong lúc nhẽ ra phải tập cho nó biết chững lại để cái tự biết chiếu soi vạn pháp đúng như chu trình vận hành chuẩn xác của nghiệp quả. Từ việc phanh hãm tâm suy nghĩ và óc sáng tạo đến chừng lặng luôn nằm trong một chữ buông.

Một hành giả nếu bắt đầu khởi tâm quyết vượt thoát luân hồi, là họ đã nhận ra cuộc đời như một con thuyền. Bờ kia mù mịt, con thuyền ấy muốn đi xa dĩ nhiên phải vứt xuống sông từ vật thô đến tế. Thô là tài danh dục lạc, tế là buông ý niệm chấp trước mọi cảnh trần, chỉ giữ lại cái thấy biết sáng suốt trong veo đến ngây thơ. Một khi thuận theo giới luật sống bằng lòng tri ân vô bờ bến, có lẽ hành giả không cần phải nghĩ bất cứ điều gì, thay vào đó, như bạn tu của tôi chẳng hạn, chỉ trì niệm mỗi một câu kinh; mọi sự thuận nghịch đều trôi theo sự sắp đặt của chư Phật, Bồ-tát. Bạn tu của tôi nói hãy tập làm quen với ý niệm con người và vạn sự vạn vật là một “cảnh giới” chư Phật hóa hiện cho chỉ riêng ta tu hành, ta không nên khởi một mẩu ý niệm chống trái, đơn thuần buông xuôi thế giới, và đó là đang nằm trên chiếc bè đưa dần ta vào cõi Phật.

Tùy duyên quán sát trong mọi thời khắc cuộc sống, theo thời gian toàn thân tâm dần được thay thế bởi cái tự biết. Cái tự biết cho thấy ngoài nó ra chúng ta không có gì cả. Cái tự biết sẽ soi hết thảy máy động thân tâm của ta như một tấm gương. Một tấm gương, đưa bàn tay vào, gương lập tức hiện bàn tay; tự hỏi bàn tay đưa trước gương và bàn tay hiện trong gương, cái nào trước cái nào sau? Hẳn nhiên là không. Rồi nữa, ta đưa đầu vào, gương hiện đầu; mà gương không hề ô nhiễm, không hề nhăn nhó (bởi gương mà nhăn gương sẽ vỡ). Khoảnh khắc vật hiện trong gương là khoảnh khắc cái tự biết có mặt. Vật ta đưa trước gương, bóng vật hiện trong gương và cái tự biết, là tuyệt đối đồng hiện. Ta nhận ngay cái bóng đồng hiện trong gương - cái thường hằng trong ta. Tại sao không? Sao phải mời thêm một người đứng phía bên để hễ ta đưa tay vào thì hô “cái tay”, mà khi “cái tay” cất lên đã quá chậm so với cái tự biết. Sao ta không nhận cái đồng hiện ở trong gương lại còn thuê một người đứng bên gọi tên những gì hiện trong gương để rồi phân biệt, tự vọng động lấy? Bởi không tin vô minh tự giải thoát, chưa tin vọng vừa sinh là đang diệt cũng như ta đang sống nghĩa là ta đang chết nên tham sân qua rồi, chúng ta cứ tưởng lại, tưởng lại để yêu thương hờn giận. Chúng ta đổ năng lượng phước báu vào ảo ảnh quá khứ vị lai. Không hay ở vạn sự vạn vật phóng chiếu vào tâm thức đều đã có cái tự biết thấu tường, không cần ai động tâm khởi niệm bài trừ nữa.

Chân tâm vốn là gương. Một vọng niệm xấu khởi sanh, thì liền ngay sau đó có một niệm sám hối khởi sinh và đương nhiên nó hiện với cái tự biết. Không nhận và sống với cái tự biết, cho nên vọng tưởng trở thành thực và nó tạo nên không gian ảo của sáu nẻo. Bạn tu của tôi tập sống với cái tự biết, mọi khởi sinh trong và ngoài đều mang một danh là vọng tưởng hư giả; đã hư giả thì nó dẫu đảo điên cũng không dính dáng gì đến tâm thấy biết trong họ. Những vọng tưởng không mất hết, song chúng bị định lực của quán chiếu rút năng lượng trở về với nguyên nghĩa vô tự thể nên dần vô hại. Những vọng niệm khởi lên như những mũi tên, một mũi tên, hai mũi tên, cho đến trăm vạn mũi tên (hiện trong gương). Vọng đó không hẳn vọng. Mà là hoạt dụng của tâm thức, và nếu ta sập mọi giác quan thì vẫn có ý căn khuấy động.

Khi mắt ta nhìn hình sắc, tâm liền khởi hiện như một sự lập trình sẵn đôi khi rất “quỷ quái”, mà ở đấy mọi sự chỉnh sửa đều quá muộn. Tôi đã thuê người gác cổng, và hô, đây là niệm thiện đây là niệm ác rồi bảo ta yêu thương niệm thiện và xử ngay niệm ác. Vọng đó là sự xung đột của những vọng niệm trong tâm chứ chưa phải bản thân mỗi vọng; chúng phát xuất từ sự buông lơi của việc trì giới để chạm định sinh tuệ quán chiếu. Việc không tu Chỉ đã nhảy lên Quán rồi phá chấp, nhầm mình đã sẵn tánh giác, luôn là cái bẫy để một hành giả bởi mê vào lý viên dung nên rơi vào cảnh âm u. Đây thực là lời răn của những bậc tôn túc miên mật ẩn mình trong cảnh giới của vô ngã tha thiết thương cảm bạn và tôi còn chập chững trên đường đạo.

Chúng ta biết vọng hư giả, nhưng nó chỉ hư giả khi hành giả thấu tận mặt trái của thiện ác, chân tục rành rõ và đã “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, đã sanh tâm lễ kính với tất cả mọi người kể cả loài vật cây cối.

Lục trần nếu ta không tham đắm thì ít nhiều tự nó cũng lưu vào tạng thức thông qua lục căn. Cần yếu phải nhận gương bởi xét ở một căn thôi, mắt ta sự thật là không nhìn thấy vạn vật bên ngoài mà chỉ nhìn thấy cái bóng ở ngay trong mắt; còn sự vật bên ngoài là tướng hiện theo nghiệp báo tùy mỗi loài. Tâm ta còn “phá giới” thì phần nhiều chỉ thấy cái dơ dáy. Tâm ta có chút định thì thế giới bên ngoài yên bình hơn. Tâm ta chiếu ra tia tuệ giác dẫu mong manh thì sự phân biệt về vạn pháp cũng bắt đầu nhẵn đi. Một con chó ăn phân người thì mùi nó ngửi thấy chưa hẳn là thứ mùi phân chúng ta từng biết.

Các nhà khoa học thực nghiệm xem con vịt nhìn con người ra sao, mới biết vịt nhìn người ra một hình dạng khác hẳn; cũng như một số loài khác chúng thấy sự vật toàn là hình khối màu sắc. Hẳn là nguyên do khiến loài vật nhìn thấy tâm chúng ta; bởi tâm động thì thể phách hay vầng quang quanh cơ thể người biến sắc. Giả dụ loài rắn, theo quy ước của chúng thì quầng sắc người chuyển động như thế nào là yêu thương hay muốn hại chúng chẳng hạn.

Con người theo tập khí không nhìn thấy sự bình đẳng trong mỗi chúng sanh, nên hễ thấy rắn là muốn đánh giết. Hai bên gặp nhau, khi rắn đang thuần khiết, con người đã khởi tâm sát hại, thế nên việc rắn tấn công người âu dễ hiểu; và càng dễ hiểu những vị chân tu vào rừng ẩn tu đến rắn rết lang báo cũng biết tìm cách cúng dường. Để ý chúng ta sẽ thấy nhiều loài vật có linh giác; phải chăng nhờ chúng ít khởi phân biệt chấp trước. Nhiều con vật nhìn xa trông rộng hơn người, mũi thính hơn người và nói chung có linh giác hẳn cũng ở nguyên lý này. Ngoài sự ăn ngủ mang tính sinh tồn và phần nào đó thuộc ái dục bản năng, con vật thuần vô tư giữa cỏ cây, nhạt danh vị tài sắc; khiến chúng gần với cái nhi nhiên sẵn diệu dụng.

Pháp pháp vốn bình đẳng tuyệt đối trong trời đất được vận hành theo một quy chuẩn vĩnh hằng. Pháp pháp vốn dĩ có nguyên do tồn tại của nó, và chúng tồn tại trong sự bình đẳng với nhiều cảnh giới khác nhau, chúng ta không thể dùng con mắt và tri thức nghiệp báo để quy chụp. Bon-sai dẫu đẹp đến mấy cũng là một khái niệm. Ngôn ngữ luôn có sau hiện tượng để gọi tên sự vi diệu chứ ngôn ngữ không phải là sản phẩm có trước để chụp vào những huyền nhiệm cuộc sống. Mọi khái niệm và quy luật được rút ra chẳng khác chúng ta tạo cây cảnh và ngắm nghía qua lăng kính hẹp của vọng tâm. Ngôn ngữ luôn luôn được sản sinh song vẫn bất lực trước sự biến hóa sinh động của thiên nhiên. Một họa sĩ vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ về vừng mặt trời vỡ òa trên sông, đó vẫn là cái đẹp của một bộ phận. Còn mặt trời vỡ òa trên sông quê vào chiều thì một người nông dân hay danh họa nổi tiếng thế giới đều nhận được vẻ ban sơ qua cái nhìn trong trẻo như gương.

Những gì con người sáng tạo luôn bị tham thâu tóm và phóng chiếu theo chiều hướng bắt chim nhốt lồng, và quá trình dựng lập ngã luôn khởi nghiệp bằng việc nhốt hư không vào lâu đài của ảo tưởng. Ta thường cãi nhau về không gian và thời gian, trong lúc chúng đều là thứ không hề thật tướng. Người bên cạnh nghe thấy khó chịu, họ bay khỏi hành tinh trái đất, nơi mặt trời không soi đến nên chẳng có ngày đêm; họ nhìn xuống thấy tôi và bạn vẫn còn nảy lửa cãi nhau. Lại thấy dưới giếng có hai con ếch phân bua về không gian trên đầu bằng cái nia hay cái thúng. Thời gian chỉ là luật định của cuộc chơi địa cầu. Ra khỏi địa cầu luật chơi này vô giá trị. Cũng như từ công dân của một nước, bạn muốn tham gia công dân toàn cầu phải cần ngoại ngữ. Từ công dân của trái đất, muốn thông dự công dân ngoài lục đạo chúng ta phải chịu những “luật chơi” khắt khe hơn, mà điều kiện đầu tiên là năm giới, mười thiện. Dĩ nhiên tôi hạng phàm đang ở trong địa cầu thì khoan nhìn xa hơn những gì trước mặt. Bởi Phật pháp không rời vạn vật. Vạn vật mà ta hân hạnh gặp gỡ từ bên ngoài cho đến nội tâm, đơn giản là chúng thấy tâm ta như gương bèn ghé mặt soi trước lúc nhập tánh.

Vạn vật đều có linh giác, chính thế vạn vật đều nhắc thức ta về sự giác ngộ vào bất cứ lúc nào. Thích tìm cái cao siêu bởi tập khí tham tri kiến. Con người thường có tâm chấp lấy kiến thức học được, liên quan đến triết học và kinh điển lại càng. Chấp sẽ không sanh trí tuệ mà phần lớn sanh ngã mạn. Trong lúc con đường tu chứng là buông chấp trước và vọng tưởng. Không cứ là việc thiện cỡ nào, cái chấp đó chính là đang đẩy chúng ta an trú chắc chắn hơn trong cảnh giới ác đạo. Tu là ngày một giảm tham sân si và ngã mạn; xét một thứ thôi, nếu tăng ngã mạn thì không cứ đang ở địa vị thông tuệ nào, người đó đang tu ngược. Những thứ tầm thường nhất đã sẵn chứa lý tối thượng một khi chúng ta thật thà ngoan ngoãn hành theo lời Phật. Nếu đưa ra một khái niệm Nó dành cho những pháp dẫu tầm thường nhất, thì vấn đề là thái độ hòa nhập của chúng ta với Nó chứ không phải tìm cầu sở đắc Nó, ép Nó phải đúng với khuôn thước của mình ngay cả đó là khuôn thước của chân lý, bởi chân lý tối thượng luôn sinh động, theo quy luật vạn pháp vô thường biến hoại. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta càng tu càng thấy mình “lớn lên” trong lúc con đường về cõi Phật là nhận ra hình hài hư giả của mình trong gương và dần dà xóa đi không dấu vết.

Lý thậm thâm, nói thì dễ, hành thì như bơi qua đại dương. Kẻ sơ học tôi vẫn luôn theo hạnh “ngày ngày siêng phủi quét”, chứ chưa dám nhận thẳng cái sẵn tròn đầy trong lúc chưa nếm mùi của định nói gì tuệ để rồi không biết rơi xuống hố hầm nào. Nếu bạn và tôi mãi không có lực định thì giới dễ dàng bị nghiệp phá sản bất cứ lúc nào. Định và tuệ sẽ vuốt ve được nghiệp tập tạm ngủ yên; ấy là lúc hành giả tự biết ngắm vọng tưởng trong sự tịch lặng của tâm gương và như nhiên tỏa ánh sáng về những dấu chân của Đức Phật vẫn lung linh bên trời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày