Cam kết thiện lành

GN - Gần tới Tết, năm nào cũng vậy, anh Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Thiên Sa (TP.HCM) lại thông báo tin vui với tôi: “Anh vừa làm chương trình Cây mùa xuân, gặp và tặng quà chú Tư với mấy đứa nhỏ ở làng Đại học xong”.

kindness-864123744_388385.jpg

Với việc thiện lành - “Thả cho nó bay”

Cách đây hơn 10 năm, tôi nhớ đó là Tết của năm 2008, anh Duy hỏi tôi có biết chỗ nào khó khăn, kết nối để anh tặng quà Tết. Tôi giới thiệu vài điểm, cuối cùng anh chọn lớp học tình thương ở ấp Tân Lập, phường Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương - một lớp học do ông bà Tư mở ra dạy mấy đứa nhỏ quê miền Tây theo cha mẹ mưu sinh nơi này, không được học hành.

Lớp học của ông Tư từng là địa chỉ quen thuộc của nhiều sinh viên muốn làm thiện nguyện đến dạy miễn phí, tiếp sức cho hai vợ chồng già. Năm nay, ông Tư đã 80 tuổi và theo anh Duy, ông vẫn còn dạy cho những đứa nhỏ lớp sau. Trong khi đó, chương trình Cây mùa xuân anh bắt đầu làm cũng đã tiếp nối hơn 10 năm.

Ngày đó, công ty của anh Nguyễn Hữu Duy chỉ có làm tranh cát xuất khẩu và bán một ít trong nước. Tôi từng viết bài đăng báo cơ sở của anh do tâm thiện lành của ông chủ: tạo điều kiện cho người khuyết tật học nghề, rồi còn nhận vào làm thợ để họ có công ăn việc làm. Đó cũng là nhân duyên tôi quen anh, rồi từ đó kết nối anh với lớp học tình thương ở ấp Đông Hòa, nơi tôi từng đứng lớp khi còn là sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức.

Lời hứa hồi đó của ông chủ Vạn Thiên Sa chính là: “Mỗi năm anh đều tổ chức Cây mùa xuân để chia sẻ quà Tết với những hoàn cảnh khó khăn mà mình có duyên”.

Anh đã làm như lời hứa, và hơn thế, trong những năm sau đó, khi Vạn Thiên Sa nổi lên không chỉ tranh cát mà ở mảng chăn, ra, gối, nệm (thương hiệu Edena), tôi còn thấy anh Nguyễn Hữu Duy tài trợ cho nhiều hoạt động từ thiện khác trên truyền hình, từ giúp đỡ bệnh nhân tới tiếp sức đến trường cho học sinh, sinh viên. Có lẽ, đó chính là tâm nguyện “đền ơn cuộc sống” mà anh Duy thao thức, khi chính bản thân cũng đã trải qua những tháng ngày khó khổ, thành đạt từ sự vun vén của một người mẹ nghèo.

Những ngày này, tôi biết anh Duy cùng cộng sự cũng đang tiếp tục chăm chút cho chương trình Cây mùa xuân, sẻ chia với ông giáo Tư cùng học trò và nhiều nơi khác nữa. Không khí se lạnh cuối năm không làm lòng người quá lạnh từ chính những cam kết và thực hiện thiện lành như anh Duy, cũng như bao người khác đã, đang làm nhiều năm, sẽ làm dài lâu trên hành trình sẻ chia.

Một năm sắp hết, Tết Nguyên đán cận kề, tôi lật giở lại cuốn lịch bàn theo mẫu thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và dừng lại ở hai câu: “Thả cho nó bay” và “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”. Với câu đầu, Thiền sư khuyên cần buông bỏ để cho dính mắc, chấp chặt trong lòng mình bay đi và đón lấy một năm mới, để khởi đầu mới bình an hơn.

Còn “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” đã được Thiền sư chia sẻ trong một pháp thoại: “Trong mảnh đất tâm của chúng ta có đủ các loại hạt giống: hạt giống khổ đau, buồn tủi, ganh tỵ, giận hờn, hận thù, bạo động, phản bội, thờ ơ... Nhưng cũng có những hạt giống an vui, hạnh phúc, hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung, tình nghĩa, thủy chung... Nếu ta tưới hạt giống nào thì hạt giống ấy sẽ lớn lên và biểu hiện qua lời nói, tư duy hay hành động.

anh anh Duy 1.jpg

Nguyễn Hữu Duy cùng các cộng sự với nhiều hoạt động thiện nguyện bền bỉ trong nhiều năm - Ảnh: VTS

Nếu ta xem phim bạo động mỗi ngày, tiếp xúc với những cuộc chuyện trò vô bổ gây nên sự bực bội, giận hờn thì từ từ ta cũng hành xử bạo động và giận dữ. Nếu ta tiếp xúc với những hành động tươi mát, thương yêu, tiếp xúc với những con người cao thượng đầy nghĩa khí thì tình thương trong ta sẽ ngày càng lớn, chí khí trong ta sẽ ngày càng cao”.

đọc và nghĩ về anh Duy, về những người bạn của mình đang chọn những việc làm cho tự thân, cho cuộc đời để rồi nhận ra: cách sống của mỗi người quyết định vị trí, niềm an vui của người đó. Anh Duy đã gieo “cây mùa xuân” nên tôi luôn cảm nhận nơi anh lúc nào cũng đầy năng lượng, tôi biết anh đã truyền cảm hứng vươn lên cho rất nhiều bạn nhỏ ở lớp học nghèo ấp Tân Lập. Tiếp xúc với anh, tôi cũng cảm thấy mình được tiếp năng lượng thiện lành, tự nhắc mình phải học và hành điều đó.

Cam kết tử tế, phát nguyện sống thiện lành - như anh Duy nói là trồng cây mùa xuân cho cuộc đời. Tôi lại nghĩ, đó là cách gieo hạt giống mùa xuân cho tâm hồn mình. Những ngày cuối năm, các đại án được đem ra xét xử, có những người quyền cao chức trọng đã phải “vào lò” vì lòng tham, vì lạm quyền. Nhiều đồng nghiệp của tôi bình luận, nếu cho những nhân vật đó làm lại, chắc họ sẽ không bao giờ chọn nhận 3 triệu đô vì cuối cùng, cũng đâu được thảnh thơi ngồi ăn bát phở trong những ngày tuổi già ập tới, giữa những ngày Tết tới rộn ràng không được vui vầy cùng cháu con…

“Hãy bước đi như một con người tự do”, đó là nội dung cuối cùng của cuốn lịch 2019 tôi vừa xem trong ngày đầu năm mới 2020 trước khi thay vào đó 365 ngày của thập kỷ thứ 3 (thế kỷ 21). Tôi nghĩ, Thiền sư muốn nhắn nhủ, không có hạnh phúc nào bằng tự do, để được vậy chỉ có cách ta phải cam kết sống thiện lành, tử tế với đời, với người và với mình thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Báo Giác Ngộ số 1281 ra ngày 6-12 có nội dung gì đặc biệt?

Báo Giác Ngộ số 1281 ra ngày 6-12 có nội dung gì đặc biệt?

GNO - "Mỗi lần tái sanh trên cuộc đời, các Bồ-tát học được một số việc. Việc thứ nhất là Bồ-tát nghĩ đến Vô thượng Bồ-đề, làm sao trong cuộc đời, hiểu biết của mình nâng đến độ cao nhất có thể được. Cho nên, đối với tôi là học và tu. Học là trên sách vở, tu là trong cuộc sống...". 
Giáo sư Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Văn Khê biết tụng kinh từ khi 4 tuổi!

GNO - Trong chương trình giao lưu với các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh tại chương trình “Thai giáo và phương pháp nuôi dạy con”  tại Hà Nội vừa qua, vị giáo sư tài ba và đáng kính Trần Văn Khê đã chia sẻ những câu chuyện làm bất ngờ biết bao khán giả, trong đó có tôi.
Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.

Thông tin hàng ngày