GN - Sau bốn ngày diễn ra hàng loạt các hoạt động văn hóa phong phú, Lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại TP.HCM đã khép lại trong niềm vui, hoan hỷ; để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị bang giao lâu đời giữa hai dân tộc Việt-Ấn.
Các vị Tăng Tây Tạng thực hiện Mandala cát tại chùa Phổ Quang - Ảnh: Yên Hà
Cuộc đời và lời dạy của Đức Phật ẩn trong từng tác phẩm nghệ thuật
Ấn tượng và độc đáo - đó là nhận xét chung của hầu hết các Phật tử tham gia các chương trình diễn ra trong Lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại TP.HCM. “Các ngày diễn ra chương trình như tạo đồ hình mandala bằng chất liệu cát màu, điêu khắc bơ, múa Cham, triển lãm, trình diễn các vũ điệu và nghi lễ Kim cương thừa… tôi đều đến xem. Tôi ấn tượng và thích nhất là khi xem vẽ đồ hình mandala, điêu khắc bơ rất đẹp mắt, tinh tế; ngày nào tôi cũng đi xem nhưng không thấy chán”, Phật tử Diệu Ngọc cho biết.
Và để tạo ra những tác phẩm ấn tượng gửi đến Phật tử Việt Nam, ít ai biết, các vị Tăng Tây Tạng đến từ Ấn Độ đã tốn khá nhiều thời gian, chuẩn bị tỉ mỉ từ nguyên liệu đến vật dụng cần thiết, đặc trưng chỉ có ở văn hóa Ấn Độ.
Một vị Tăng trong nhóm các vị tham dự tạo đồ hình mandala cát đã chia sẻ: “Thấy đơn giản nhưng rất khó, chúng tôi phải thật chú tâm mới thực hiện được bức tranh mandala hoàn hảo. Chúng tôi cọ xát dụng cụ dhar hình dáng giống con dao này lên trên phần rãnh lồi của thành ống mà chúng tôi gọi là chakpu để tạo lực rung, làm cát đi qua đầu nhỏ bên kia của ống và rải trên bề mặt bức tranh theo đường vẽ phác họa trước. Cát phải được vào đúng vị trí, không được lem sang hoa văn bên cạnh thì bức tranh mới đạt yêu cầu chất lượng. Nếu như vẽ mandala trên cát chiếm thời gian vài giờ đồng hồ thì điêu khắc bơ tốn nhiều thời gian hơn”.
Theo các vị sư thì điêu khắc bơ là loại hình tương đối khó và tốn khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự tịnh tâm và nhất tâm trong quá trình thực hiện mới có thể cho ra tác phẩm có hồn. Được biết, điêu khắc bơ là loại hình nghệ thuật có niên đại vào khoảng thế kỷ XV, những tác phẩm điêu khắc bơ như thế này thường được các vị Lama Tây Tạng vùng Hy Mã Lạp Sơn thực hiện, được tạo để cúng dường đến những bậc thầy giác ngộ, hay những vị thần linh theo quan niệm của người dân Tây Tạng.
Nguyên liệu làm nên tác phẩm là bơ và màu. Phải đánh trộn bơ và dầu với nhau, rồi ngâm trong nước đá lạnh để bơ không bị chảy. Việc thực hiện không đơn thuần là sự sáng tạo, mà hơn hết, đó còn là phương cách tu tập giúp tâm hành giả trở nên tĩnh tại và thuần tịnh.
Tác phẩm điêu khắc bơ do một vị Tăng Tây Tạng thực hiện - Ảnh: Yên Hà
Mặc dù với cách biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nhưng những vũ điệu Kim cương thừa và các thời khóa lễ do các vị gốc Tây Tạng trình diễn trong lễ hội lần này đã đem đến nhiều cảm xúc tâm linh sâu lắng cho Phật tử Việt Nam, đặc biệt là với những ai có duyên với pháp môn Mật tông.
Văn hóa Phật giáo giúp Việt-Ấn gần nhau hơn
Phát biểu tại lễ bế mạc Lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại TP.HCM, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh, ông Deepark Mittal đã bày tỏ: “Trong 4 ngày qua, tôi thấy mối liên kết, văn hóa hai nước có nét tương đồng và xích lại gần nhau. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, điêu khắc bơ và vẽ mandala cát là hai chương trình thể hiện rõ nét văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ mà các vị sư đã gửi đến Phật tử VN chiêm nghiệm. Tôi tin, điều này sẽ đem đến niềm hạnh phúc cho hai nước. Và ngày hôm nay, đoàn sẽ di chuyển đến Hà Nội, trước khi rời đi, chúng tôi rất lưu luyến vì chúng tôi yêu TP.HCM rất nhiều”.
Đại diện cho một trong những đơn vị đồng hành cùng lễ hội, HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã nhận xét thay lời đúc kết: “Lễ hội Phật giáo Ấn Độ đã khép lại sau 4 ngày nhưng những giá trị tinh thần từ lễ hội này sẽ tiếp tục tỏa sáng. Nền minh triết và đạo đức được Đức Phật giảng dạy, thông điệp từ bi, bất bạo động, hòa bình được Phật công bố, trách nhiệm phổ quát và sự tu luyện đạo đức như Đức Phật chủ trương, một lần nữa được tỏa sáng trong lễ hội văn hóa Ấn Độ này”.
Trên tinh thần thúc đẩy mối liên kết văn hóa giữa hai nước, Hòa thượng cũng bày tỏ mong muốn có các hoạt động tại lễ hội trong tinh thần giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia: “Nếu có nhân duyên hãy tiếp tục đến với Việt Nam và GHPGVN, Phật tử cả nước Việt Nam lúc nào cũng chào đón nồng nhiệt, hoan hỷ”.
Biểu diễn các nhạc cụ được sử dụng trong nghi lễ Kim cang thừa - Ảnh: Yên Hà
Tham gia xuyên suốt các hoạt động diễn ra mùa lễ hội, Wajila, du học sinh Ấn Độ đang học tập tại TP.HCM tâm đắc: “Mặc dù đây là lần đầu tiên, Ấn Độ tổ chức lễ hội Phật giáo tại TP.HCM, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã truyền tải rất nhiều thông điệp. Như lời khẳng định của quý Hòa thượng, lãnh đạo GHPGVN, lễ hội Phật giáo Ấn Độ không chỉ góp phần truyền bá ý thức bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa Phật giáo; không những là cơ hội vàng để Phật giáo Ấn Độ truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật đến với tín đồ Phật tử Việt Nam mà còn là cơ hội để hai dân tộc chia sẻ những giá trị thiết thực, nhân văn của Phật giáo. Đồng thời cũng là dịp để Phật tử Việt Nam hiểu rõ hơn về nền văn minh, tôn giáo và triết học cổ xưa của Ấn Độ. Chúng ta có chung một tín ngưỡng, chúng ta càng dễ gần nhau hơn và hy vọng năm sau, lễ hội sẽ tiếp tục diễn ra”.
* Đọc thêm: