Ngài Som Buntheoun là một vị tu sĩ đạo cao đức trọng, một bậc thầy danh tiếng của đất nước Campuchia. Ngài được sinh ra ở tỉnh Takeo, một tỉnh thuộc vùng Đông bắc Campuchia, sau này xuất gia tu học và tốt nghiệp chương trình cao nhất về thiền Vipassana (Minh sát tuệ) ở Campuchia.
Lúc sinh thời Ngài đi nhiều nơi trên đất nước Campuchia để giảng dạy thiền học và giúp đỡ dân nghèo. Bên cạnh đó, Ngài còn là nhà hoạt động xã hội, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh để bảo vệ nhân quyền, đòi bình đẳng và xóa đói giảm nghèo.
Ở Campuchia, pháp môn thiền Vipassana khá phát triển. Vào năm 1996, Nội các Campuchia và Bộ trưởng Bộ Tôn giáo - Tín ngưỡng đã quyết định thành lập Trung tâm thiền Vipassana và đề cử ngài Som Buntheoun làm Giám đốc. Trung tâm thiền lúc ấy được đặt tại chùa Nondamuny, thuộc thủ đô Phnom Penh. Sau đó không lâu thì ngài Som Buntheoun đã xin phép dời trung tâm này về chân núi Adharas, ở xã Phsar Dek, huyện Srok Ponhea Leu, tỉnh Kandal, Campuchia và đặt tên là “Vipassana Dhura Buddhist Meditation Centre of Kingdom of Cambodia” (Trung tâm thiền Phật giáo Vipassana Dhura của Vương quốc Campuchia). Tại chân núi Adharas, với khu đất rộng gần 20 hecta, ngài Som Buntheoun đã tiến hành xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, như là: chánh điện, thiền đường, Tăng xá,... Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Hoàng gia Campuchia, ngài Som Buntheoun đã tiến hành xây dựng ngôi tháp thờ xá lợi Phật trên đỉnh núi Adharas, ngôi tháp rất nguy nga, tráng lệ, nằm gần những ngôi tháp cũ ở trên núi Adharas. Trong ngôi tháp ấy tôn thờ xá lợi của Phật và được xem như là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất của Phật giáo Campuchia. Vào những dịp lễ lớn thì vua, hoàng hậu cùng các vị trong hoàng gia thân chinh đến ngôi tháp để đảnh lễ và cầu nguyện.
Trung tâm thiền Vipassana Dhura này được mở ra với tiêu chí là truyền dạy giáo lý của Đức Phật cho hàng tu sĩ lẫn cư sĩ, đặc biệt chú trọng đến pháp môn thiền Vipassana và các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức theo tinh thần Phật giáo, nhằm giúp cho mọi người có được sự bình ổn tâm lý và tạo dựng một nếp sống hiền thiện, đem lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Để thực hiện những tiêu chí ấy, trung tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tổ chức các khóa thiền Vipassana để giảng dạy và hướng dẫn Phật tử Campuchia sống và tu tập theo con đường Chân - Thiện - Mỹ mà Đức Phật đã dạy.
2. Tổ chức hệ thống giáo dục cộng đồng để góp phần khôi phục nếp sống đạo đức và văn hóa Phật giáo trong cộng đồng xã hội.
3. Cúng dường và cung cấp thực phẩm đến chư Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử đang tu học tại trung tâm.
4. Xây dựng bệnh viện để chăm sóc và hỗ trợ về vấn đề sức khỏe cho cả những hiệp hội, những cộng đồng dân cư và những đoàn thể ở trong nước cũng như quốc tế, nhằm chữa trị và đảm bảo sức khỏe cho những người muốn tu học Phật pháp.
5. Thành lập trường đào tạo nhân tài về tiếng Pali và Sanskrit cũng như về văn học.
Trong lúc Trung tâm thiền Vipassana Dhura đang dần hoàn thành và đi vào hoạt động thì một điều không may đã xảy ra, ngài Som Buntheoun đã bị một tay súng của phiến quân giết hại tại chùa Lanka, thủ đô Phnom Penh vào ngày 6-2-2003, và đến ngày 7-2-2003 thì Ngài đã qua đời tại Bệnh viện Kalamaet, Phnom Penh. Tuy nhiên, kỳ diệu thay, cho đến nay nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên vẹn mà không nhờ đến bất kỳ một loại hóa chất nào, có thể xem như là Ngài đã lưu lại toàn thân xá lợi, và được phụng thờ tại trung tâm thiền. Trong lúc sinh tiền, Ngài luôn cống hiến và làm lợi ích cho đạo pháp, cho quê hương, đặc biệt là dùng uy tín và đạo hạnh của mình để vận động, quyên góp tài vật cho việc truyền bá Chánh pháp, Đào tạo Tăng tài và hỗ trợ cho dân nghèo. Và bây giờ, dù Ngài đã qua đời, nhưng toàn thân xá lợi của Ngài hiện đang được phụng thờ tại Trung tâm thiền Vipassana Dhura ở chân núi Adharas cũng vẫn lợi lạc không ít. Khi tín đồ Phật tử trong nước lẫn quốc tế đến thăm trung tâm thiền, họ được chiêm ngưỡng và đảnh lễ toàn thân xá lợi của Ngài, nhờ vậy mà củng cố được lòng tin vào Chánh pháp, vào Tam bảo của họ và phát tâm cúng dường. Số tiền cúng dường ấy trở thành một nguồn tài chính quan trọng để trang trải cho sinh hoạt phí cùng các hoạt động của trung tâm, và thậm chí đôi khi còn dùng để giúp đỡ cho dân nghèo nữa. Quả thật, với các bậc chân tu, dù khi còn sống hay là đã quá vãng, họ vẫn luôn đem đến nhiều lợi lạc cho mọi người.
Hiện tại, Trung tâm thiền Vipassana Dhura vẫn hoạt động tốt và ngày càng được nhiều người ái mộ, số lượng tu sĩ và cư sĩ quy tụ về tu tập ngày càng đông. Trung tâm thiền trở thành nơi tu học lý tưởng cho tín đồ Phật giáo ở Campuchia (tu sĩ cũng như cư sĩ).
Xá lợi thân Ngài Som Buntheoun
Theo truyền thống của chư Tăng ở Campuchia thì vào mỗi buổi sáng, chư Tăng thường trì bình khất thực và chỉ ăn cơm vào giờ ngọ, nhưng tại trung tâm thiền này, vì lý do đảm bảo an ninh cho hành giả, và do số lượng tu sĩ và cư sĩ tập trung về tu học dài hạn tại trung tâm thường rất đông nên họ không đi khất thực. Thay vì vậy, cứ mỗi ngày, ngay từ lúc tờ mờ sáng, tín đồ Phật tử trong vùng, đủ mọi giới và mọi lứa tuổi, chuẩn bị phẩm vật đem đến trung tâm để cúng dường chư Tăng và cư sĩ Phật tử đang tu học tại đấy. Có những người đến từ rất sớm để tham gia tụng kinh cùng các hành giả đang tu học tại trung tâm. Trời càng sáng dần thì lượng người tập trung về trung tâm càng đông. Khi bước vào chánh điện, người Phật tử để phẩm vật của mình vào vị trí đã được sắp đặt sẵn, rồi nhẹ nhàng ngồi vào hàng để lễ Phật và tụng kinh cùng với chư Tăng. Cứ thế, mọi người nối nhau ngồi ngay ngắn. Bầu không khí trang nghiêm và lời kinh trầm hùng của đại chúng, hòa với khói hương trầm thoang thoảng tạo nên một không gian tâm linh siêu trần thoát tục, khiến cho lòng người dâng lên niềm cảm xúc và an vui khôn tả.
Kết thúc thời kinh khuya cũng là lúc trời vừa sáng, các hành giả tu học tại trung tâm ngồi vào đúng vị trí của mình, tín đồ Phật tử thứ tự dâng thực phẩm và lễ vật lên chư Tăng và các hành giả cư sĩ. Đây là một nếp sinh hoạt thường nhật tại tu viện. Chính sự tu tập tinh chuyên của các hành giả và lòng hộ đạo nhiệt thành của hàng Phật tử tại gia mà Trung tâm thiền Vipassana Dhura ngày càng phát triển.