Cần hiểu đúng về chùa chiền

GN - Quan sát thực tế chùa chiền hiện nay, năng lui tới cửa chùa đa phần vẫn là người lớn tuổi, người nữ, những người đã đi quá nửa, hai phần ba, thậm chí ba phần tư cuộc đời.

Những ngày lễ - Tết, trong tấp nập người đi lễ chùa thì phổ biến nhất vẫn là khấn nguyện, cầu xin chư Phật ban ơn, tăng phúc, bớt họa v.v... Sở dĩ có hiện tượng đó là do không ít người có nhận thức lệch lạc về Đức Phật, về chức năng, nhiệm vụ của chùa chiền.

di chua.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Hằn sâu trong tâm thức người Việt, Đức Phật hiện lên như một vị thần có nhiều quyền năng, thần thông quảng đại, có thể ban phúc, trừ họa cho bất kỳ người nào. Hình ảnh đó được cụ thể hóa bằng hình tượng ông Bụt trong các câu chuyện cổ tích; là hình ảnh Phật Tổ Như Lai toàn năng, tài giỏi hơn cả Ngọc hoàng trong tác phẩm văn học được rất nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích là Tây du ký. Sự hình tượng hóa Đức Phật một cách sai lệch như vậy, vô hình trở thành động lực thôi thúc người ta đến chùa với tâm cầu xin.

Trước Tam bảo, người ta lạy lục cầu xin: xin cho tai qua nạn khỏi; xin cho giàu sang phú quý; xin tiền tài, xin địa vị… Họ mang theo rất nhiều lễ vật, sì sụp khấn vái, cầu xin. Khắp nơi trong khuôn viên chùa chỗ nào cũng thấy cắm nhang đèn, tiền rải khắp nơi; lò hóa vàng rừng rực cháy mang theo muôn vàn lãng phí. Cảnh chen chúc, giẫm đạp nhau ở cửa thiền để được làm lễ cầu an, giải hạn trong dịp đầu năm không còn là chuyện lạ.

Trong tình hình đó, đáng lẽ đội ngũ Tăng Ni ở các ngôi chùa cần phải hướng dẫn, chấn chỉnh lại nhận thức sai lệch của người dân, của Phật tử. Tuy nhiên, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vì lòng từ bi mà nhiều ngôi chùa, nhiều nhà sư lại dễ dãi chấp nhận việc người dân, Phật tử đến chùa chỉ để cầu xin. Hình ảnh một số nhà sư cúng sao giải hạn, gieo quẻ âm dương, chọn ngày lành tháng tốt đã và đang làm cho đạo Phật dần dần đậm màu sắc mê tín.

Để trả lại thanh tịnh cho chùa chiền, giúp chúng sinh nhận thức rõ về giáo lý và phương pháp tìm an lạc ngay trong cuộc sống, cần có một sự đổi thay căn bản về nhận thức. Trước hết là nhận thức của Tăng Ni, Phật tử. Bởi xã hội nhận biết đạo Phật thông qua hoạt động của đội ngũ Tăng Ni, Phật tử; cuộc sống thường ngày của Phật tử là tấm gương phản chiếu tư tưởng Phật giáo đến cộng đồng.

Chùa là nơi hoằng pháp. Vậy sư trụ trì và đội ngũ Tăng Ni phải là những người thầy trong lĩnh vực truyền bá giáo lý của Phật. Những tủ kinh sách Phật giáo phải được trưng bày ở nơi dễ thấy, dễ lấy. Sách về đạo Phật cần được đổi mới, được dịch và viết ra theo ngôn ngữ đương đại, dễ hiểu, dễ thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân. Vào những ngày lễ - Tết, các Tăng Ni phải thuyết giảng giáo pháp hướng dẫn tu học cho những người muốn đến chùa học hỏi Chánh pháp.

Đức Phật nói: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Việc xem Đức Phật như một vị thần chuyên ban ơn, giáng họa; coi chùa chiền như một địa điểm cầu xin phước lộc đang làm cho đạo Phật trở nên xa lạ với tinh thần minh triết do chính Đức Phật đã dạy. Thiết nghĩ, chư vị Tăng Ni, Phật tử hãy cùng chung tay, góp sức trả lại giá trị đích thực cho ngôi chùa, trả lại sự tôn kính cho Đức Phật mà bao đời nay nhân dân ta hằng ngưỡng mộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Phước Nguyên trao quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung Ban Trị sự tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai: Công bố quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh

GNO - Chiều 27-3, tại Trụ sở Ban Trị sự - chùa Tỉnh Hội (TP.Biên Hòa), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức buổi công bố và trao quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung theo Quyết định số 114/QĐ-HĐTS của Hội đồng Trị sự do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã ấn ký.

Thông tin hàng ngày