“Cần lắm sự hỗ trợ từ phía chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội”

Giác Ngộ - Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương (PBĐTNG T.Ư) ra mắt hai năm qua là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo chư Ni. Và, hơn ai hết, chư vị Trưởng lão Ni là những người mang trọng trách nặng nề đối với cả một thế hệ hàng ngàn Ni trẻ.

Ni xá và những nỗ lực giúp đỡ Ni sinh

Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương (PBĐTNG T.Ư) ra mắt hai năm qua là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo chư Ni. Và, hơn ai hết, chư vị Trưởng lão Ni là những người mang trọng trách nặng nề đối với cả một thế hệ hàng ngàn Ni trẻ. Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cũng đã thấy rõ vai trò của Ni giới nên đã phục hồi lại một "Ni bộ" như trước đây để Ni giới cùng góp sức theo cách riêng của mình để xây dựng GH trong tinh thần lục hòa cộng trụ. Hai năm qua là thời gian ngắn ngủi để chư tôn giáo phẩm Ni của PBĐTNG T.Ư làm hết được mọi việc Phật sự còn quá nhiều ngổn ngang.

chunivn_14.jpg

Theo báo cáo công tác của Tiểu ban Danh bộ PBĐTNG T.Ư, thời gian qua, Tiểu ban kết hợp với PBĐTNG tỉnh thành đã lần lượt rà soát từng địa phương để thống kê tự viện và Ni giới cả nước. Hiện nay, có 8.101 tự viện Ni với tổng số 20.579 vị Ni. Đa số chư Ni hiện nay có trình độ từ trung cấp đến đại học chiếm tỷ lệ 80%; cử nhân khoảng 1.300 vị; đang học tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân khoảng 1.200 vị, có nhiều vị đã tốt nghiệp thạc sĩ, học vị tiến sĩ.

Thống kê sơ bộ này cho thấy, Việt Nam hiện nay là nước có số lượng chư Ni tu học đông nhất các nước Đông Nam Á. Hai năm sau khi ra mắt, PBĐTNG T.Ư cũng đã kết hợp cùng chư tôn đức lãnh đạo BTS tỉnh thành thành lập 32 PBĐTNG và hiện nay do điều kiện khách quan vẫn còn 25 tỉnh thành chưa được thành lập PBĐTNG. Con số này cũng cho thấy nhân sự của các PBĐTNG đang rất dồi dào, có tiềm năng và nhiệt thành trong công tác Phật sự vì sự nghiệp chung của nữ giới Phật giáo. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo của PBĐTNG T.Ư, công tác Phật sự của Phân ban vẫn còn rất hạn chế vì nhiều lý do khác nhau.

Trong các cuộc họp của HĐTS, các ban ngành viện hiện nay vấn đề bức xức đang gây sự chú ý trong Tăng Ni Phật tử vẫn là vấn đề Tăng Ni sinh ở nhà ngoài. Hội nghị tổng kết PBĐTNG T.Ư vừa qua vấn đề này một lần nữa lại dấy lên trong các đại biểu về tham dự. Nỗ lực giúp đỡ cho Ni sinh đang ở nhà thuê, nhà trọ hoặc nhà cư sĩ đã được PBĐTNG T.Ư bàn bạc và tìm hướng giải quyết nhưng thật sự chưa đạt hiệu quả cao.

Theo Ni sư TN.Huệ Từ - Chánh Thư ký PBĐTNG T.Ư - từ tháng 7-2009, PBĐTNG T.Ư đã gởi văn bản đến các trường Trung cấp, Cao đẳng, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM xin danh sách các Ni sinh chưa được các chùa tiếp nhận còn ở bên ngoài để Phân ban có hướng giúp đỡ Ni sinh nhưng PBĐTNG T.Ư vẫn chưa được hồi đáp. Thời gian qua, linh động giải quyết vấn đề chỗ ở cho Ni sinh, PBĐTNG T.Ư cũng đã đến tận nơi ở để động viên, giúp đỡ Ni sinh bằng cách giới thiệu cho Ni sinh đến các chùa Ni, hỗ trợ điều kiện vật chất cho các Ni sinh còn khó khăn được ổn định nhưng thật sự con số này không nhiều vì những lý do khách quan khác nhau. Trong đó, lý do ở chùa sẽ khó đi lại học tập bên ngoài là lý do chính mà Ni sinh thường đưa ra.

Chính vì lẽ này, một Ni xá rất cần thiết cho Ni sinh trong việc ổn định việc tu học cho Ni sinh từ các tỉnh thành đến học tại TP.HCM. Tuy nhiên, đây chỉ là ước mơ của quý Ni trưởng lãnh đạo PBĐTNG T.Ư vì lẽ hiện nay PBĐTNG T.Ư đang đề xuất GH và các ngành chức năng xin một địa điểm để xây dựng Ni xá. Ni sư Huệ Từ cho biết: "Không phải chúng tôi đòi hỏi nhiều mà vì đây là vấn đề cấp bách để giúp đỡ Ni trẻ tu học và ổn định nơi ăn chốn ở. Khi có một Ni xá thì sẽ giải quyết rốt ráo các vấn đề phát sinh khi Ni sinh ở nhà thuê, nhà trọ, nhà cư sĩ".

Mong được cấp con dấu

Căn cứ vào Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư nhiệm kỳ VI (2007-2012) quy định bộ phận phụ trách sinh hoạt, tu học, quản lý Ni giới nói chung lấy tên là PBĐTNG T.Ư. Ra mắt vào ngày 1-1-2009, đến nay Phân ban đã hoạt động được hai năm. Sự ra đời kịp thời của Phân ban đã đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của chư tôn đức Ni. Mục đích hướng đến trọng trách truyền bá Chánh pháp, chấn chỉnh lại sinh hoạt của Ni giới và củng cố giềng mối giới luật Phật chế, hộ trì việc tu học, hành đạo của chư Ni thuộc các hệ phái và sinh hoạt của các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường…

Sau khi ra mắt, PBĐTNG T.Ư đã củng cố nhân sự và cùng nhau nỗ lực thực hiện các hoạt động Phật sự theo kế hoạch đã định. Một trong những hoạt động lớn mà Phân ban đã thực hiện được đó là tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua công tác tổ chức này cũng cho thấy Ban Tổ chức khá lúng túng và có những khó khăn nhất định.

Theo Ni sư TN.Huệ Từ, Chánh Thư ký PBĐTNG T.Ư: "Khi đi vào hoạt động, PBĐTNG T.Ư có những khó khăn nhất định vì chưa được cấp con dấu. Ngay từ đầu, PBĐTNG T.Ư cũng đã gởi văn bản đến GH và các ban ngành xin một con dấu riêng như các ban ngành viện khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động hành chánh được đồng bộ và nhanh chóng. Chúng tôi cũng đã đề xuất nếu dùng chung con dấu với Ban Tăng sự thì nên cơ cấu một vị Ni trưởng làm Phó ban thường trực Ban Tăng sự để tiện trong việc hành chánh của PBĐTNG T.Ư nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời".

Cũng theo Ni sư Huệ Từ, ngay từ khi mới thành lập PBĐTNG T.Ư đã có những trở ngại khi gởi những văn thư đến BTS tỉnh, thành. Văn thư đi chỉ có chữ ký mà không có dấu tròn do người giữ con dấu của Ban Tăng sự đi vắng nhiều ngày. Chúng tôi bị thụ động trong công tác hành chánh, đó cũng là lý do khiến cho văn bản không có giá trị pháp lý dẫn đến công tác Phật sự bị trì trệ và không hiệu quả. Đó là chưa nói đến những lúc PBĐTNG T.Ư phải gởi những văn thư đến các cơ quan ban ngành chức năng.

Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện, Phó ban Thường trực PBĐTNG T.Ư cho biết: "Ni giới Việt Nam đã có thời gian dài hàng chục năm không sinh hoạt, không có một tổ chức kết nối với nhau. PBĐTNG T.Ư mới được thành lập không lâu, mặc dù được sự giúp đỡ của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GH nhưng không sao tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, chúng tôi cần thời gian chứ không phải một sớm một chiều mà đưa về những khuôn phép như trước đây được. Chúng tôi cần lắm sự hỗ trợ từ phía chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo GH để Phân ban hoạt động hiệu quả hơn trong công tác Phật sự và hỗ trợ Ni giới trong tất cả các hoạt động nhằm gắn kết Ni giới trong một ngôi nhà Phật pháp".

Hội nghị sơ kết hai năm công tác vừa qua, một trong những vấn đề "nóng" nhất của các thành viên PBĐTNG từ T.Ư đến các tỉnh vẫn là đề xuất lên GH xin con dấu tròn. Nhiều đại biểu bức xúc, nếu thành lập Phân ban mà cũng như cũ thì cũng bằng không. Trong phương hướng hoạt động năm 2011 và Nghị quyết Hội nghị, PBĐTNG T.Ư cũng đã tiếp tục đề xuất xin con dấu để dễ dàng, chủ động hơn trong công tác hành chánh và bảo đảm tính pháp lý trong các công tác xã hội.

tinhnguyen.jpg

-Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện (ảnh), Phó ban Thường trực PBĐTNG T.Ư cho biết."Trong các cuộc họp của chư Ni, nhiều vấn đề được đặt ra như xin con dấu cho PBĐTNG từ T.Ư đến các tỉnh thành, việc truyền giới và thọ giới của chư Ni, Ni trẻ ở nhà cư sĩ… luôn là những vấn đề gây nhiều băn khoăn được nhắc đến và đề xuất lên các cấp GH nhưng nói chỉ là nói thôi thì đó là điều đáng buồn. Lần này, chúng tôi phải lập văn bản kiến nghị để gởi lên quý Hòa thượng lãnh đạo GH nếu không được nữa thì phải tìm cho rõ nguyên nhân. Nhiều lúc tôi nhận thấy Ni giới bức xúc trong thời gian dài với nhiều vấn đề nhưng lực bất tòng tâm, chúng tôi chỉ biết chờ đợi."

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày