GN - Ghép tạng từ người cho chết não tại Việt Nam là một sự kiện trong nền y học nước nhà. Để một ca ghép tạng được diễn ra thành công, ngoài đội ngũ y bác sĩ và người hiến tạng, còn có sự góp mặt không thế thiếu của đơn vị điều phối, kết nối.
BS.Dư Thị Ngọc Thu, đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại BV.Chợ Rẫy
trao thẻ hiến tạng cho người dấn đến đăng ký hiến tạng - Ảnh: Thùy Dương
Nhiệm vụ của người làm công tác điều phối trong ghép tạng bao gồm nhiều kíp: vận động hiến tạng, tổ chức chọn người nhận, phân phối tạng hiến tặng sao cho khoa học, đúng đối tượng, hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho người hiến theo luật định và đạo nghĩa. Nhờ đảm bảo quy trình, điều phối tất cả những diễn biến xảy ra trong quá trình hiến và ghép tạng, nên việc chuyển giao những món quà hiến tặng của sự sống để cứu người bị bệnh luôn chính xác, kịp thời, công bằng, minh bạch, tránh tình trạng mua bán, ghép tạng trái phép.
Hiện nay, ở nước ta có 18 trung tâm ghép tạng, cả ba miền Bắc, Trung, Nam và 2 trung tâm điều phối ghép tạng ở 2 miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, trên phương tiện truyền thông, Bộ Y tế nhiều lần phát đi tín hiệu về nguồn tạng ghép cho bệnh nhân đang thiếu trầm trọng và cần sự chung tay của cộng đồng.
Gian nan công tác vận động hiến tạng
Tháng 11-2017, khi chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM) tổ chức buổi tọa đàm “Hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học năm 2017”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã dành thời gian 3 giờ đồng hồ để tham gia. Tại đây, đứng trước hơn 500 Phật tử, ông đã bày tỏ trăn trở, trong sự bất lực rằng: “Khi tôi đứng ở đây chia sẻ với các bạn thì hiện tại tôi có 8 bệnh nhân đang chờ ghép gan. Từng ngày, từng giờ họ hỏi tôi đến bao giờ họ được ghép tạng, tôi cũng không biết nói như thế nào”. Hội trường lặng người, bởi lời nói từ trái tim của ông đã chạm đến trái tim người nghe: “Hiện tại ngày nào cũng có người chết não, nguồn cho rất nhiều nhưng thực tế lại không ghép được. Mà những khâu chuẩn bị người nhận, chúng tôi đã có danh sách chờ ghép rất nhiều rồi, hiện hữu ở trung tâm ghép đã có rồi, nhưng nguồn tạng thì không thể ở ngành y được, nguồn tạng là ở toàn thể người dân”. Ông lý giải: “Giữa cái sống và cái chết, giữa những người phẫu thuật viên và người được làm phẫu thuật, hàng ngày chứng kiến bệnh nhân ra đi thì ngoài nhiệm vụ mổ xẻ, tôi thấy rằng, mình cần đi tuyên truyền nữa”.
Thực tế không ít người chưa thấu hiểu về hiến tạng, dẫn đến những hoài nghi lệch lạc. “Tôi xin phép nói rằng, người chết não là chắc chắn chết, và cái này khác hẳn người sống thần kinh thực vật. Ví dụ một người bị tai nạn giao thông, sống đời sống thực vật, vẫn ăn được, uống được nhưng không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài, thì người đó vẫn được bảo vệ như chúng ta, thậm chí còn tôn trọng hơn. Đấy không phải là chết não. Chết não là chắc chắn chết, thế giới bây giờ chưa có một công bố nào cho thấy chết não mà cứu sống được cả. Chết não không thể sống được, nhưng người chết não có thể cứu sống được rất nhiều người. Cho giác mạc làm mắt sáng ra, một cái gan có thể chia cho 2 em bé, rồi van tim, mạch máu…”, GS.Sơn giải thích.
Giữa những hoài nghi, và trước câu hỏi “Quy trình sắp xếp người nhận mô tạng sẽ được ưu tiên như thế nào”, ông đã thẳng thắn giải thích: “Thứ nhất, một người sau khi chết não sẽ có hội đồng tuyên bố chết não. Quy định rất chặt chẽ, không một bác sĩ nào dám tuyên bố người không chết não lại chẩn đoán là chết não. Thứ hai, là quy trình hiến tạng, ghép tạng là độc lập, người tham gia mổ xẻ (ghép tạng) không can thiệp bất cứ việc nào vào ban chẩn đoán chết não, không tham gia vào vận động hiến mô tạng, đó là những quy trình hoàn toàn độc lập. Nhà nước và quốc tế đã có quy định rất rõ”. Sau lời tư vấn, trao đổi cởi mở, chân thành, từ con số lúc đầu đăng ký là 465 người, chương trình vừa kết thúc, số người đăng ký hiến xác, mô tạng khi qua đời đã tăng lên 527 người, chưa kể những cá nhân theo dõi qua kênh truyền thông, đến đăng ký hiến tạng vào ngày hôm sau.
Nỗ lực từ đơn vị điều phối của Bệnh viện Chợ Rẫy
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong những năm qua, mặc dù công tác kết nối của đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người còn nhiều khó khăn, nhưng được thực hiện xuyên suốt và đạt được nhiều kết quả. Năm 2004, PGS.TS Trương Văn Việt, nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và GS.TS Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký đề tài cấp thành phố về “Khảo sát tiêu chuẩn cho thận ở người chết não” và đến năm 2012 được nghiệm thu chính thức. Thông qua đề tài đó, nhóm nghiên cứu có bảng câu hỏi thăm dò ý kiến của những gia đình người bệnh bị chết não đang điều trị tại khoa Hồi sức ngoại thần kinh. Trong giai đoạn I, 2008-2014, khi chưa có chương trình vận động hiến tạng trong cộng đồng, ngày đầu tiên khi đội ngũ bác sĩ tiếp cận, thăm dò ý kiến của 89 gia đình người bệnh chết não, có tiềm năng hiến tạng tại khoa Hồi sức ngoại thần kinh, thì chỉ có 42 thân nhân đồng ý trả lời người phỏng vấn và 7 trường hợp đồng ý hiến tặng thận từ gia đình có người chết não. Điều đáng lưu tâm là, ngay sau khi phỏng vấn xong, có đến trên 90% gia đình các bệnh nhân xin xuất viện. Họ sợ bệnh viện lấy nội tạng của người bệnh.
Các bác sĩ cúi đầu, thể hiện sự tri ân trước thi thể bệnh nhân hiến mô tạng tại phòng mổ - Ảnh: BVCR
Đến giai đoạn II, từ 2014-2017, khi đã có chương trình vận động hiến tạng trong cộng đồng và đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập, thì đội ngũ nhóm nghiên cứu, tiếp cận số lượng gia đình có người bệnh chết não, có tiềm năng hiến tạng tại khoa Hồi sức ngoại thần kinh được nâng lên. Tiếp xúc 114 người thì có đến 26 gia đình đồng thuận hiến tạng. Tính trong thời gian từ 23-4-2008 đến 31-12-2017, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có 21 người hiến tạng khi qua đời. Với mỗi trường hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy đều hỗ trợ miễn viện phí, đưa cơ thể người hiến tạng và gia đình về đến nơi dự kiến tổ chức tang lễ. Trong đó có 2 gia đình yêu cầu hỏa táng và đưa tro cốt về nhà, xa nhất là ở Hà Tĩnh, 4 trường hợp hỗ trợ lo toàn bộ tang lễ. Nhưng dù xa đến mấy, đơn vị điều phối đều điện thoại hỏi thăm, báo tình trạng người nhận tạng ghép cho gia đình, thăm viếng gia đình người hiến tạng vào ngày giỗ kỵ, dịp Tết. Đơn vị Điều phối còn chu đáo gởi họ tên, ngày mất của người hiến tạng vào chùa để cầu siêu; giúp đỡ con cái của người hiến tạng học chữ, học nghề và với những gia đình quá khó khăn, đơn vị kết nối mạnh thường quân giúp vốn, tạo công ăn việc làm cho gia đình người hiến tạng.
Với sự tận tâm, làm hết sức mình và chỉn chu của đội ngũ điều phối, khi việc thiện được người nhà bệnh nhân truyền tai nhau, từ ngày đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập cho đến tháng 8-2017 đã nhận 4.191 đơn tình nguyện đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời, trong đó có 1.721/4.191 đơn đăng ký qua email, 825/4.191 đơn đăng ký qua bưu điện, 1.645/4.191 đơn đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiến tạng, cần nhiều hơn nữa những người kết nối
Từ công tác kết nối, tuyên truyền của các đơn vị làm công tác điều phối ghép bộ phận cơ thể người, thấy được ý nghĩa thiện lành của việc hiến tạng khi qua đời, số người đăng ký hiến tạng ngày càng nhiều. Tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, nhắc đến ĐĐ.Thích Thiện Anh, tổ đình Pháp Bảo, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hầu như ai cũng ấn tượng. Bởi ngoài đăng ký hiến tạng, hiến xác, thầy còn kết nối người thân, người xung quanh cùng chung tay.
Đến thời điểm hiện tại, đã có gần hai mươi người từ cầu nối của thầy, đã phát tâm hiến tạng, tặng cho cuộc đời những điều có thể cho khi mình qua đời. Và hành trang để thầy thuyết phục mọi người đồng hành với mình, đơn giản chỉ là triết lý sống: “Thọ mạng của mỗi người, không ai sống được mãi mãi. Khi chết đi, dù là thiêu hay chôn cũng bỏ thân tứ đại. Hiến xác, hiến tạng cũng là hình thức bỏ thân tứ đại, nhưng cách này sinh nhiều lợi lạc. Các bộ phận trên cơ thể mình khi qua đời có thể giúp được người nào đó đang cần để thay nội tạng, hoặc giúp cho công tác nghiên cứu cứu người… Vì có lợi, mình nên chọn”. Và cũng từ lối tư duy này, lời nói của thầy Thiện Anh đã chạm vào trái tim của hai đấng sanh thành, cả hai người là bố, mẹ thầy đều đăng ký hiến xác, hiến tạng ngay sau đó. Quý thầy đồng tu và Phật tử cũng vui vẻ đăng ký.
Thầy Thiện Anh chia sẻ về việc hiến tạng đầy ý nghĩa - Ảnh: Hạnh Ý
Thầy kể rằng: “Người đưa tôi đến với quyết định hiến tạng, hiến xác là Bệnh viện Chợ Rẫy, vì công tác tuyên truyền trên báo tốt. Tôi thấy số người cần thay tạng nhiều nhưng người cho thì ít, trong khi đó, rất nhiều người có thể cho tạng khi qua đời. Thứ tưởng chừng như bỏ đi trở nên có ý nghĩa vô cùng khi cứu sống được người khác, hành động nhân đạo này, dường như bất cứ ai dù giàu hay nghèo, chỉ cần tạng khỏe đều cho được. Thế nên, mỗi lần đi phát quà ở vùng sâu, vùng xa, tôi đều có vận động bà con, mình nghèo nhưng luôn có cái để cho”.
“Có sức khỏe thì mình đi hiến máu mỗi năm, cơ thể khỏe mạnh thì hiến tạng để khi mình chết đi rồi nhưng vẫn trao sự sống cho người bệnh tật, làm lợi lạc cho cuộc đời. Mình giúp được cho ai đó, bản thân mình cảm thấy rất hạnh phúc, cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa lắm. Khi tôi nói xong, lần sau đến tặng quà, bà con có sự chuyển biến nhiều. Số lượng bà con đi hiến máu cũng tăng, cũng có người đăng ký hiến tạng và thuyết phục gia đình mình cùng làm”, thầy Thiện Anh kể.
***
Từ câu chuyện Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng phải đi vận động người dân tham gia hiến tạng khi qua đời đến những nỗ lực miệt mài từ đội ngũ bác sĩ đơn vị điều phối Bệnh viện Chợ Rẫy và hành động chung tay tuyên truyền, thiết thực của thầy Thiện Anh đã cho thấy, mặc dù số người hiến tạng nhân đạo cứu người khi qua đời còn chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tế, nhưng nếu có nhiều chương trình tiếp cận và tuyên truyền chia sẻ về hiến - ghép tạng cho cộng đồng trên cả nước, chắc chắn số người có tiềm năng hiến tạng và đồng thuận với việc hiến tạng sẽ gia tăng. Bởi, trên cuộc đời này, còn rất nhiều cá nhân muốn chia sẻ sự sống, muốn làm việc thiện cho cuộc đời, nhưng trên hết, hãy làm cho họ thấy được giá trị của việc hiến tạng và địa điểm nào đáng tin cậy để họ yên tâm ký gửi...
Hạnh ý
Bài liên quan: