Cần thể hiện sự bảo hộ giáo sản của tôn giáo

GN - Đầu năm 2015, Thủ tướng ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, trong năm 2015 này việc lấy ý kiến và điều chỉnh này sẽ phải được hoàn tất để Quốc hội thảo luận và thông qua. So với Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Bộ Luật Dân sự năm 1995, lần dự thảo này có nhiều điểm mới và tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều nội dung cần nghiên cứu, bổ sung, nhất là các vấn đề liên quan đến tài sản của tôn giáo.
cctt2.jpg
Chùa Thiên Chánh (quận Tân Phú, TP.HCM) -
nơi có vụ việc tranh chấp về tài sản của tôn giáo thời gian qua

Câu chuyện chưa hồi kết

Vào năm 2011, dư luận cả nước rộ lên khi các phương tiện truyền thông công bố thông tin vụ kiện đòi gần 140.000 USD mà Ni sư Thích nữ Huệ Tịnh (thế danh Đỗ Thị Thiềng), nguyên trụ trì chùa Thiên Chánh (quận Tân Phú, TP.HCM) viên tịch từ năm 2008 để lại.

Theo báo cáo của Văn phòng II Trung ương Giáo hội sau 7 phiên họp giao ban với 34 tỉnh, thành phía Nam vừa qua thì vấn đề tranh chấp di sản thừa kế do vị trụ trì đứng tên cá nhân sau khi vị trụ trì viên tịch được nhắc tới khá nhiều, tạo nên những bất ổn trong sinh hoạt liên quan tới đời sống tín ngưỡng tôn giáo.

Theo đó, sau khi Ni sư Thích nữ Huệ Tịnh tịch và được tổ chức tang lễ chu đáo, chư tôn đức Ban Đại diện Phật giáo địa phương lúc bấy giờ với sự chứng kiến của lãnh đạo Ủy ban MTTQVN phường Phú Trung, Sư cô Thích nữ Hạnh Châu là vị Ni duy nhất sống trong chùa, và bà Đỗ Ngọc Thanh, em ruột của Ni sư Huệ Tịnh, tiến hành mở niêm phong những chiếc tủ có khóa thì phát hiện có 5 quyển sổ tiết kiệm của Vietcombank mang tên Đỗ Thị Thiềng, với tổng số tiền là 138.850 USD và tiền mặt, gồm: 423 USD và 41.918.000 đồng. Toàn bộ số tài sản này được lập biên bản và Ban Đại diện Phật giáo Q.Tân Phú tạm thời quản lý.

Tuy vậy, sau đó không lâu, bà Đỗ Ngọc Thanh đã làm đơn đề nghị Ban Đại diện Phật giáo quận Tân Phú xin được nhận số tiền có trong 5 sổ tiết kiệm với quan điểm tự đưa ra là em ruột của Ni sư Huệ Tịnh nên được quyền thừa kế theo luật. Từ lời đề nghị này và trên cơ sở yêu cầu của Ban Đại diện Phật giáo quận Tân Phú, HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG lúc bấy giờ đã ký văn bản khẳng định, số tài sản được để lại là do thập phương bá tánh tự nguyện đóng góp cúng dường để lo tu sửa chùa chiền và lo cho Tăng chúng ăn học. Do vậy chúng cần được dùng vào các mục đích: Thanh toán chi phí tang lễ, lo tuần thất cho Ni sư; trùng tu lại chùa Thiên Chánh; đóng góp vào công tác từ thiện…

Không đồng ý với quan điểm của các cấp Giáo hội, đại diện gia đình Ni sư Huệ Tịnh đã chủ động, trực tiếp đến Ngân hàng Vietcombank xin được rút tiền nhưng Giáo hội và UBND quận Tân Phú biết chuyện đã đề nghị ngân hàng niêm phong tài sản đang được Ni sư gởi tiết kiệm, cho đến khi chùa Thiên Chánh được bổ nhiệm trụ trì mới.

Từ kết quả này, gia đình bà Thanh đã kiện đòi quyền sở hữu 5 quyển sổ tiết kiệm nói trên ra TAND quận Tân Phú sau nhiều lần hòa giải không thành. Đến nay (giữa năm 2015) đã hơn 4 năm trôi qua với nhiều động thái của ngành tư pháp, chùa Thiên Chánh cũng đã có trụ trì mới nhưng các quyển sổ tiết kiệm vẫn còn bị niêm phong tại ngân hàng và không biết bao giờ mới trả lại cho Giáo hội theo nguyện vọng của số đông.

Vụ việc của chùa Thiên Chánh chỉ là một câu chuyện điển hình về thực trạng tranh chấp tài sản của tôn giáo mà Phật giáo gặp phải. Theo báo cáo Văn phòng II Trung ương Giáo hội sau 7 phiên họp giao ban với 34 tỉnh, thành phía Nam vừa qua thì vấn đề tranh chấp di sản thừa kế do vị trụ trì đứng tên cá nhân sau khi vị trụ trì viên tịch được nhắc tới khá nhiều, tạo nên những bất ổn trong sinh hoạt tự viện và cộng đồng dân cư.

Giáo sản cần được bảo hộ

Theo các chuyên gia pháp lý, vụ việc như trên xảy ra là do chưa có những quy định pháp luật cụ thể áp dụng hoặc việc diễn giải các quy định của pháp luật theo nhiều hướng khác nhau.

Điển hình như trong vụ việc liên quan đến tài sản để lại của Ni sư Huệ Tịnh, nhiều chuyên gia pháp lý đã căn cứ vào khoản 2, Điều 15 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định, cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự như quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản để khẳng định đây là tài sản riêng của Ni sư Huệ Tịnh. Họ cũng cho rằng, 5 cuốn sổ tiết kiệm mang tên cá nhân Ni sư ở ngân hàng là tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ, khi Ni sư mất không để lại di chúc, thì tài sản đó được gọi là di sản và được giải quyết theo quy định pháp luật thừa kế. Trong trường hợp này, gia đình bà Thanh sẽ được hưởng. Tuy nhiên, nhiều người khác lại nêu quan điểm trái ngược vì theo họ Luật Dân sự hiện hành không có quy định riêng nào về tài sản của những người xuất gia tu hành. Nếu luật không quy định thì phải xem đến tập quán và các quy định khác.

cctt1.JPG


5 cuốn sổ tiết kiệm trong vụ tranh chấp liên quan tới chùa Thiên Chánh

Rõ ràng Bộ Luật Dân sự 2005 dù kế thừa các truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, đến nay đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ được hình hành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí của các chủ thể tham gia. Nhưng trong một giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước những biến đổi của xã hội thì bộ luật hiện hành bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập như thiếu các chế định về tài sản của nhà tu hành, giáo sản của các tôn giáo. Tất cả trông chờ vào bộ luật mới được ban hành thay thế.

Báo cáo của bộ phận soạn thảo cho hay dự thảo bộ luật mới có 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương và so với Bộ Luật Dân sự năm 2005, dự thảo giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Lần dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ luật này được xem là cơ bản và toàn diện nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân đặc biệt là các quyền của bên yếu thế, bên thiện chí trong giao lưu dân sự. Trên cơ sở đó, dễ dàng nhận thấy những nội dung điều chỉnh liên quan đến tôn giáo và giáo sản tôn giáo như: khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 44; sở hữu chung của cộng đồng tại Điều 238, v.v...

Tuy vậy, xã hội vẫn chưa thấy các nhà soạn thảo lưu tâm và đề cập những chế định giải quyết việc tranh chấp giáo sản của tôn giáo; việc phân chia và định đoạt tài sản mà nhà tu hành để lại. Và thực tế cho thấy, nếu những điều này không được luật hóa và nâng chúng lên thành quy định chung trong toàn xã hội, chắc chắn sự bất ổn và kiện tụng liên quan đến tôn giáo sẽ còn nhiều và ngày càng phức tạp, mở ra những kẽ hở cho những đối tượng xấu trục lợi bất chính.

Vì theo quan điểm lập pháp hiện đại, các hiện tượng xã hội diễn ra thường xuyên nhưng còn nhiều bất đồng nên được pháp luật điều chỉnh để tạo sự đồng thuận, thống nhất theo định hướng chung. Với quan điểm này, trong một dịp mà toàn dân cùng mong muốn xây dựng các thiết chế pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự có tính khả thi và dự báo nhất, có lẽ vấn đề bảo hộ giáo sản cần được luật hóa nhằm tránh những tranh chấp kéo dài tạo nên bất ổn trong xã hội.

 Bảo Thiên

>> Xem kỳ tới: Ý kiến của lãnh đạo Giáo hội và các chuyên gia về vấn đề bảo hộ giáo sản của tôn giáo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày