Trong niềm hân hoan chung hướng về Đại lễ 30-4 và chiếc cầu Cần Thơ đưa vào vận hành, còn đó nỗi bùi ngùi len nhẹ vào từng con người và làm thổn thức hàng triệu trái tim đặt chân lên mặt đường bê-tông trên chiếc cầu lịch sử, nhớ lại sự cố đau thương 3 năm về trước (26-9-2007).
Cầu cáp treo Cần Thơ mới hoàn thành
Sự kiện cầu Cần Thơ khánh thành ngày 24-4 và sau đó là ngày 26-4, tại TP.Cần Thơ khai mạc Festival ngành thủy sản, được xem là bước đột phá đầu tiên mở màn cho những dự án đòn bẩy kinh tế tập trung về khu vực này, tạo sức vươn lên của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thứ nhất là tháo gỡ và đẩy mạnh, hanh thông việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, rút ngắn thời gian, tiết kiệm được tài chính. Đóng góp lớn vào điều này phải kể bước đệm quan trọng của cầu Mỹ Thuận. Thứ hai là sau khi cầu Cần Thơ thông suốt, ngoài việc hưởng lợi ích của TP.Cần Thơ là thành phố ưu tiên, một loạt các tỉnh phía cuối cùng của Tổ quốc như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đều có cơ hội thuận lợi hòa vào nhịp đập mới vươn lên theo hiệu ứng dây chuyền. Giới quan sát các chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực hai đầu cầu phía Bình Minh (Vĩnh Long) và phía Trà Nóc (Cần Thơ) trong tương lai sẽ rất thịnh vượng và có thể trở thành những đô thị lớn. Đặc biệt phía Bình Minh (Vĩnh Long) sẽ trở thành vùng đô thị lớn nhất nhì của đồng bằng sông Cửu Long vì nơi đây, sát chân cầu Cần Thơ đã có Khu công nghiệp Bình Minh và một số dự án trung tâm, nhà máy sản xuất sản phẩm ngành trái cây của tỉnh Vĩnh Long đang hình thành. Về phía chân cầu Cần Thơ từ lâu đã có Khu công nghiệp Trà Nóc, tỉnh Hậu Giang có dự án Khu công nghiệp Sông Hậu và các cụm công nghiệp vệ tinh Nam sông Hậu. Riêng khu đô thị mới Nam Cần Thơ có diện tích trên 2.000ha với 16 dự án khu dân cư trên 620ha đã được Chính phủ quy hoạch phê duyệt.
Yếu tố tích cực của cầu Cần Thơ là về mặt chiến lược phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng và mang ý nghĩa rất lớn trong việc làm thay đổi bộ mặt của khu vực. Trong hoạt động vận chuyển, sản xuất kinh doanh, yếu tố rút ngắn thời gian cũng là việc tiết giảm chi phí giá thành và cải thiện chất lượng sản phẩm đáng kể, đồng thời nâng cao khả năng phục vụ và cạnh tranh trong tiêu dùng, dịch vụ đối với người dân khu vực. Mặt khác, dưới cái nhìn của những nhà đầu tư nước ngoài, cầu Cần Thơ hoạt động sẽ giải tỏa những ách tắc về đường bộ và nâng cao năng lực ngành đường thủy. Đó là những khích lệ lớn, tạo niềm tin và mở ra những cơ hội mới trong việc xúc tiến, gia tăng những dự án đầu tư vào các tỉnh đồng bằng.
Sau cầu Rạch Miễu nối liền Tiền Giang và Bến Tre, chiếc cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu được xem là chiếc cầu huyết mạch cuối cùng của các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ. Thông tin tóm tắt: Khởi công ngày 25-9-2004, khánh thành thông xe ngày 24-4-2010. Tổng chiều dài 15,85km nối hai tỉnh Vĩnh Long và TP.Cần Thơ. Đây là chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á và lớn thứ 7 trên thế giới.