Câu chuyện của những gã giang hồ phản tỉnh »» Kỳ cuối: "Chỉ có tình thương ở lại"

Giác Ngộ - Chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả và kết thúc loạt bài này bằng câu chuyện về một người có cuộc sống đời thường khá đơn giản nhưng đầy ắp tình người. Đó là bác "Sáu hoàn lương" (bác Lê Công Thượng, pháp danh Từ Nghiêm) một người đã trải lòng nhân hậu không chỉ đối với người nghèo khổ mà ngay cả với giới giang hồ.

>>>> Câu chuyện của những gã giang hồ phản tỉnh - Kỳ 3: Lên núi lập nguyện

Với một lẽ bình dị "mình thương nó thì nó cũng sẽ thương mình", và với lý lẽ này những giang hồ, anh chị cũng đã cảm nhận được tình thương của bác mà hoàn lương quay về làm người lương thiện.

bacsau.gif

Bác Sáu, chủ quán cơm chay Thiện Tâm bên bữa cơm của người nghèo

Bác Sáu Thượng nói: "Đơn giản lắm, giang hồ, quậy phá cỡ nào cũng biết thương vợ, thương con, gia đình, người thân của mình. Muốn tụi nó theo mình thì mình phải thương tụi nó trước và biết cách khơi vào góc khuất yêu thương còn lại trong tâm hồn tụi nó. Mình thương tụi nó, lo cho nó cái ăn cái mặc, giúp trong những lúc ngặt nghèo sống chết chẳng lẽ nó phụ mình. Tôi gieo tình thương thì gặt niềm tin, chỉ có tình thương ở lại với đời".

Cuộc đụng độ cuối cùng

Một ngày ghé đến quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm tại đường Hoàng Sa, sát bên hông cầu Lê Văn Sỹ, Q.3, chúng tôi gặp H.V, một thanh niên có vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng gương mặt rất sáng. V nhanh nhẩu dọn dẹp xe cộ, dọn bàn, bưng bê thức ăn cho những người nghèo khổ đến dùng cơm. V tự nhận mình không phải đại ca mà chỉ vì một thời tuổi trẻ còn bồng bột, ham vui lại hay thương anh em trong giang hồ nhưng cuộc sống bây giờ trong lòng rất nhẹ nhàng, thoải mái, tự tại vì đã biết làm việc có ích. Công này một phần vì sự quyết buông bỏ của bản thân và phần nhiều là nhờ vào tình thương yêu của bác Sáu "hoàn lương" mà mình xem như cha.

V nói, khu vực chùa Miên (chùa Chantaransay) trước kia khiếp lắm, nếu chạng vạng tối có lỡ đường gọi xích lô hay xe ôm chở đến đây là không ai dám đi. Cầu Lê Văn Sỹ trước đây là ranh giới của 4 phường nên cũng là ranh giới của các giang hồ, lang thang, cơ nhỡ tập trung. Nơi đây cũng là địa bàn của đại ca Sóc đen. Sóc đen có cha là người châu Phi, mẹ Việt. Sóc bị thất lạc cha mẹ nên lưu lạc, trôi giạt mải miết trở thành đại ca lừng lẫy rồi nghiện ma túy.

"Anh Sóc trước là đàn anh, vào tù ra khám như đi chợ, thậm chí nhà tù cũng không muốn dung dưỡng. Sóc xem khu chùa Miên này là "trái tim" để cát cứ, lừng lẫy một vùng với đàn em bao quanh nhưng những cơn nghiện tai ác đã cuốn anh Sóc đi, trong một lần bị sốc thuốc, Sóc rơi xuống kênh Nhiêu Lộc và chết". V nói.

"Cái chết của anh Sóc làm tôi suy nghĩ rất nhiều, cuộc vẫy vùng của anh Sóc rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhớ lại những chuyện đâm chém, những sới gà đỏ đen trước đây, bây giờ nghĩ lại tôi thấy sao ghê quá, không hiểu sao mình làm được. Nhưng, xét cho cùng giang hồ cũng năm bảy loại, không phải hễ đâm chém nhau là đại ca và tôi chỉ là người vì quá thương anh em. Chuyện lo lắng cho người này, người kia nên anh em nể phục mà theo, tôi chưa bao giờ dạy anh em phải đi chém giết, giựt dọc, làm bậy hại người. Tôi bảo bọc, lo lắng nhưng đứa em nào làm sai thì phải đâu ra đó rất rõ ràng, xử phân minh. Nói vậy, chứ sau lưng cũng có đứa làm bậy, mình không biết, mình làm anh nên phải chịu".

V chỉ cho chúng tôi những vết sẹo chí mạng và tấm lưng đầy hình xăm là dấu tích còn lại, V gọi đó là dấu tích của những ngày tháng nông nổi của tuổi trẻ:

"Từ dạo quyết dứt bỏ chuyện giang hồ, tôi cạo trọc đầu đi theo bác "Sáu hoàn lương" (chủ quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm) để phụ lo cho quán cơm từ thiện với quyết tâm buông bỏ tất cả. Nhiều lúc, chùa Miên hễ có lễ, tôi tự nguyện giữ xe cho người đi chùa. Nhiều giang hồ tứ xứ đến quán ăn cơm từ thiện, rồi dò la, họ há hốc mồm ngạc nhiên. Tôi của hiện tại như là một phụ quán, lúc dọn bàn ghế, lúc bưng bê cơm mời chào tất cả những thành phần đến đây, có cả giang hồ, cướp giật, nghiện ngập và cả người đói rách. Hồi tôi mới theo bác Sáu, tụi nó chướng mắt nên cho người đến xử, hai ngày liên tiếp tôi bị đâm và chém, máu đã đổ xuống ngay khi tôi cố gắng "buông". Đó là cuộc đụng độ cuối cùng, nếu như trước kia, tôi đã có cách trả đòn quyết liệt, chắc chắn máu sẽ không ngừng đổ ở đó, nay thì khác tôi im lặng và cho qua. Tôi được bác Sáu khuyên bảo, cho tiền chữa trị vết thương. Trong lòng tôi xem bác Sáu như cha".

V nhận được từ bác Sáu rất nhiều và tình thương yêu đó làm V cảm kích, mỗi thứ 3, 5, 7, V đến quán cơm giúp bác Sáu phụ việc, theo cha làm nghề cắt tóc nam gần đó và vui thú với việc chăm sóc chim chóc. V nói: "Tôi bây giờ sống như nghệ sĩ và làm việc lương thiện, lúc thiếu tiền thì ra quán ăn cơm chay miễn phí. Tự thấy mình không phải người tệ bạc, biết thương cha mẹ, anh em và được gia đình thương yêu. Tôi thấy mình hạnh phúc, hiện tại tôi cũng cưu mang 3 đứa em cơ nhỡ, giúp đỡ tụi nó lúc khó khăn. Sống như vậy nên tôi thấy rất thoải mái và không phải suy tính hoặc phải lo sợ bị trả thù như trước kia".

"Bác Sáu hoàn lương"

Tháng 6-2007, duyên lành hội đủ, bác Sáu rủ anh Thịnh, làm việc tại Ngân hàng Phương Nam mở quán cơm chay từ thiện Thiện Tâm dành cho những người đói rách, lang thang, cơ nhỡ đến dùng mỗi tuần vào 3 ngày: thứ 3, 5, 7 tại khu vực bên hông chùa Chantaransay (đường Hoàng Sa, sát cầu Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM). Mỗi ngày có đến 400 người thuộc đủ thành phần: khuyết tật, nghiện ma túy, nghiện rượu, bán vé số, dân anh chị, người vô gia cư, sinh viên, học sinh… đến dùng cơm chay miễn phí, bác Sáu nói đó không những là bữa cơm cứu đói mà đó còn là những bữa cơm chứa đựng tình người với nhau, bữa ăn "nhường cơm sẻ áo". Bác nói: "Chừng nào tôi còn sống thì còn cơm từ thiện để giúp cho những người đói rách".

Cơm chay Thiện Tâm ra đời tại "điểm nóng" nên ngoài người nghèo, cơ nhỡ, lang thang còn có cả dân anh chị, giang hồ cũng kéo đến lúc ăn cơm, lúc dò la trong đó có đại ca Sóc đen và đàn em. Bác Sáu nói: "Ở đây là chỗ làm việc thiện, tụi bây muốn quậy phá thì đi chỗ khác nếu muốn giúp tao thì ghé chơi, tao sẵn lòng. Dò la biết Sóc đen mới ra tù nên tôi giúp đỡ, lúc thì cho tiền bạc lúc thì lựa lời khuyên răn. Nghe anh em nói, nó muốn cai nghiện nhưng không có nhà, khó cai nên tôi sai người đi thuê nhà, mua lương khô cho Sóc trong một tháng. Sóc nghe theo, nhưng tiếc cho nó đang trong giai đoạn cai thì Sóc té xuống sông, chết".

Những ngày quán mở cửa, bác Sáu đến ngồi ở chiếc ghế quen thuộc quan sát, nói chuyện với từng người. Dân đói rách ở TP thường thân thuộc với bác, ai bác cũng thương, cũng giúp đỡ nên có lúc đi giữa đường chợt nghe ai đó kêu tên mình giữa đám đông, ngoái lại mới thấy anh bán vé số hay "cái thằng lượm ve chai". Ai đến ăn cơm bác cũng nhớ mặt và biết hoàn cảnh của từng người. Có những hoàn cảnh quá thảm thương, bác lại dốc lòng lo cho đến nơi đến chốn, "như thằng Lộc, không gia đình, lang thang, nghiện rượu nặng, mỗi buổi sáng nó nằm phơi bụng trên bãi cỏ, bao nhiêu chiếc xương sườn thì thấy hết ráo. Tôi phải xốc nó dậy, đặt cơm tháng, mua hủ tiếu mỗi buổi sáng nuôi cho nó tỉnh người lại. Vậy mà nó sống cho đến bây giờ".

Cuộc đời nhiều thay đổi, như bác nói có người trước kia cũng công danh rạng rỡ nhưng rồi hiện nay phải đến đây ăn cơm từ thiện. Nhiều người ăn cơm chay miễn phí của quán từ ngày thành lập đến nay, bác gọi vui đó là "ăn mối". Ngồi với bác một lúc trưa ở quán, chúng tôi tận mắt chứng kiến có người đến xin 100 ngàn đồng mua cái bánh xe đạp, lúc xin tiền đóng học phí, lúc lại xin chiếc xe đạp đi bán vé số, xin chữa bệnh… ai bác cũng sẵn lòng. Bác Sáu nói, bác thương nhất là mấy đứa mới ra tù, xất bấc xang bang nên bác tạo điều kiện cho nó hoàn lương, làm việc thiện bằng cách giúp cho tiền mua quần áo, tiền đi lại, rồi xin việc làm cho. Không những vậy, tối đến bác đi dạo tại các "cung đường của người lang thang" bác lại cho cái mền đắp ấm, trước Tết 1 tuần bác đi một vòng tặng mền, quần áo, bịch bánh "để tụi nó ăn Tết cho ấm lòng".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày