Câu chuyện của những gã giang hồ phản tỉnh »» Kỳ II: Gã đại ca buông đao xuất gia

Giác Ngộ - "Thuở còn trai trẻ, tôi sống cuộc đời của kẻ giang hồ chỉ biết chém giết, thanh toán, bảo kê. Nhưng cũng từ thuở còn trai trẻ, tôi đã "gặp Phật" bằng sự tôn kính vô biên dù chưa thấu hiểu về Ngài. Tôi đã chơi những trò chơi đẫm máu, và tôi đã lạy Ngài bằng tất cả tấm lòng tôn kính. Tôi đã từng nghĩ định mệnh của tôi nặng như một quả núi sẽ không bao giờ chuyển đổi được. Nhưng rồi, tất cả đã đổi thay nhờ vào "Ván cờ sinh tử" của thiền sư và gã giang hồ..." Sư Chơn Hữu

>>> Kỳ I: "6 chữ Nam mô A Di Đà Phật làm thay đổi đời tôi”

"Sở dĩ trong xã hội ngày nay thường có những tệ nạn là vì thiếu yếu tố tình thương, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia chân thành với nhau. Tuổi trẻ hãy mở rộng lòng mình và sống yêu thương với thiên nhiên, con người thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao". Sư Chơn Hữu thế danh là Huỳnh Thiện Hữu, hiện trụ trì chùa Định Quang, thôn Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở đầu câu chuyện nhiều trăn trở của mình.

chonhuu.jpg

Dốc lòng cho học sinh nghèo

Đại ca có duyên Phật

Huỳnh Thiện Hữu mất cha từ rất sớm, mẹ một mình ngày đêm tần tảo buôn bán, làm thuê làm mướn nơi đất khách quê người vẫn không sao đủ nuôi 5 mặt con. Do đó, Thiện Hữu không có tình thương và sự chăm sóc của gia đình, từ đó Thiện Hữu đã "vào đời" bằng những bước đi của một đứa trẻ ngông cuồng, cá biệt. Gia nhập nhóm "Ánh Sáng" với ý nghĩ, phải bước vào đời bằng tư cách của "đàn anh", Thiện Hữu đã vùng vẫy tạo cho mình một thanh thế trong đám bạn bè. Thiện Hữu đã không ngần ngại "ra tay" đánh phủ đầu để dằn mặt những kẻ "muốn lên mặt" dạy đời. Rồi tách hội "Ánh Sáng" ra lập hội riêng với 20 đệ tử, Thiện Hữu bước vào thế giới ngầm của xã hội đen ở bãi vàng với tư cách là một đại ca khét tiếng. Ngày qua tháng lại, Thiện Hữu chuyên làm nghề đâm thuê, chém mướn, bảo kê phòng trà, hộp đêm với sự lạnh lùng, nhẫn tâm và vô cảm.

Nhưng, Huỳnh Thiện Hữu không như các "đại ca" khác mà rất đặc biệt; cứ sau mỗi lần ăn chơi trác táng, đánh đập, chém giết mỗi lần nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca, Thiện Hữu đều sụp xuống lạy. Mặc dù trong đầu của "đại ca" chưa hề có một khái niệm gì về Phật, nhưng Thiện Hữu đã có sự thành kính và lễ Phật theo kiểu lạy của các nhà sư Nam tông. Thiện Hữu lạy Phật đến nỗi đám đàn em nhiều lần phải nhắc nhở "sao đại ca lạy Phật hoài vậy".

Một hôm, tình cờ đại ca Thiện Hữu bắt gặp và đọc say sưa cuốn truyện ngắn "Ván cờ sinh tử" của sư Giới Đức (bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh), lúc đó đang trụ trì chùa Huyền Không. Truyện kể về một gã giang hồ đánh cờ luận kiếm với một vị thiền sư. Và cuộc đời của một đại ca khét tiếng chỉ biết thanh toán, chém giết, bảo kê đã được chuyển dần từ một sự "ớn lạnh" của máu me. Và, Thiện Hữu nhớ lại câu chuyện "Ván cờ sinh tử" của sư Giới Đức liền quyết định "gác kiếm" tìm đường ra Huế sụp lạy Sư Giới Đức xin làm đệ tử, xuống tóc với tên đạo là Thích Chơn Hữu. Chơn Hữu đã rũ bỏ quá khứ, bắt đầu cuộc đời của người xuất gia hành đạo giải thoát tại chùa Huyền Không, Huế.

Gieo hạt mầm tình thương

Từ khi sư Chơn Hữu về nhận chùa Định Quang, sư đã dốc lòng cho hoạt động từ thiện như cứu trợ bà con nghèo khó trong vùng. Nhưng sau một thời gian tặng quà, sư Chơn Hữu đã có suy nghĩ, những món quà và những đồng tiền cứu trợ chỉ để cho bà con sử dụng trong vài ngày rồi cũng hết. Với những trải nghiệm của bản thân và cái nhìn sâu sắc, sư đã biết ươm mầm ước mơ cho các em học sinh nghèo. Sư nghĩ, nếu ta đầu tư cho các em tốt thì tương lai của các em sẽ được thay đổi, các em sẽ được yêu thương, chăm sóc vững bước vào tương lai tươi sáng.

Nghĩ là làm, đầu tiên sư Chơn Hữu chỉ mở các lớp dạy thêm về ngoại ngữ, để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho các em trong vùng từ An Cựu đến Hương Thủy. Khóa đầu tiên là từ tháng 6 năm 2008. Đến nay, cơ sở "dạy thêm" từ thiện của sư Chơn Hữu đã có 4 lớp học sinh cấp II; 3 lớp học sinh cấp III, và 1 lớp luyện thi đại học.

Nguồn tài trợ đầu tiên chính là quý thầy trên núi "Huyền Không Sơn Thượng", ngoài ra sư Chơn Hữu tự vận động đồng thời qua các đợt triển lãm ảnh nghệ thuật, bán được ảnh thì toàn bộ kinh phí đều dành cho lớp học, hỗ trợ sách vở, giáo án, lương giáo viên... Các giáo viên được mời về đây giảng dạy đều là những giáo viên giỏi từ các trường trên thành phố Huế và có cả những giáo viên nước ngoài với chế độ lương tương đối cao. Mỗi tháng, sư Chơn Hữu chi cho chương trình học này 10 triệu đồng.

Ngoài ra tại chùa, sư Chơn Hữu còn mở thêm các lớp thiền ban đầu chỉ một số em tham gia, sau đó có rất nhiều em và một số em sau khi học thiền, tập ngồi thiền thì đã hạn chế và bỏ dần những đam mê chơi game... Bằng cách làm thiết thực của mình, sư Chơn Hữu luôn tìm cách để chuyển hóa các em học sinh từ những đam mê xấu đến những thói quen tốt, từ lười nhác, thụ động trong học tập các em đã trở thành những học sinh siêng năng, cần mẫn.

Sư Chơn Hữu có những đam mê nghệ thuật rất đáng trân trọng, trong đó nghệ thuật nhiếp ảnh của sư đã được công chúng công nhận. Sư có cái nhìn rất tinh tế và nhạy cảm với thiên nhiên. Những bức ảnh được sư sáng tác đều có giá trị nghệ thuật cao thu hút người xem. Sư tâm sự, thực ra để đam mê trở thành hiện thực thì phải có ý tưởng đẹp, sau đó cần phải có con mắt biết "nhấp nháy" với cái đẹp. Sư Chơn Hữu đã có 5 lần triển lãm cá nhân và 1 triển lãm chung toàn quốc. Ước mơ của sư Chơn Hữu hiện nay là sang Mỹ để tổ chức triển lãm từ thiện, tìm nguồn tài trợ để hỗ trợ cho các em học sinh, xây dựng trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất và đáp ứng nhu cầu học tập cho các em tốt hơn.

Thay lời kết

Tệ nạn học đường đang là thực trạng bị xã hội lên án. Với một đại ca đã gác kiếm và tìm về con đường giải thoát giác ngộ đã có những lời khuyên rất thiết thực: "Ý nghĩa đích thực và căn bản của cuộc sống là tình thương. Mỗi người khi ý thức được tình thương gia đình, tình thương bạn bè và tình thương xã hội thì cuộc đời sẽ được thành tựu và thăng hoa. Tuổi trẻ thường sốc nổi, thiếu suy nghĩ thấu đáo nên khi để xảy ra sự việc đáng tiếc thì rất ân hận, lúc đó thì đã muộn. Theo sư, sở dĩ trong xã hội ngày nay thường có những tệ nạn là vì thiếu yếu tố tình thương, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia chân thành với nhau... Tuổi trẻ hãy biết mở rộng lòng mình và biết sống yêu thương với thiên nhiên, con người thì xã hội sẽ tốt đẹp và tràn đầy tình thương".

Kỳ tới: Sống trượt dài trong những trò đời và lặn ngụp trong ma túy rồi dẫn đến trộm cướp, ngồi tù… nó cứ tiếp diễn như những hình xăm rồng rắn chằng chịt ngày càng dày thêm trên thân thể. Thế nhưng, trong những ngày cùng đường nhất và nhờ vào tình thương, Hưởng lại tìm thấy Phật và bước sang một ngả rẽ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày