Câu chuyện cuối năm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1285 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1285 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chênh chao, lắc lư - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Buồn, tủi, uất – nhiều khi tôi thậm xưng nghĩ nỗi đau của mình còn hơn cuộc đời sáu mươi năm của một người bình thường nào đó.

Tôi vô vọng, tới mức mỗi lần nghe ai đó cám cảnh “sao không chuyển về đồng?” rồi tự trả lời “trên núi, xa mặt trời, muốn dạy muốn nghỉ tùy nghi mà lương lại cao…” thì tôi cười như mếu và chẳng buồn giải thích quy định về lương bổng hay chất lượng những tiết dạy ở ngôi trường có đội ngũ trẻ và chuyên môn vững như chúng tôi. Đời là vậy, đừng mong người khác hiểu được nỗi đau và cả ghi nhận nỗ lực của người khác. Nghĩ vậy nên không nghĩ ngợi gì, chỉ nhìn qua ô cửa lờ nhờ nhìn cây cỏ bị bỏ lại sau lưng, đó là ngôn ngữ của tôi, ngôn ngữ của sự phớt lờ.

Tôi tự ví mình như một con cá mắc cạn, không chết được trong trận đau thì giờ cứ ngắc ngoải, kệ, tới đâu hay tới đó. Tôi giật mình nhìn chiếc ba lô cũ sờn trên vai và bộ tóc luôn chỉ một kiểu cột cao của mình mấy năm nay. Tôi nghĩ sẽ không bao giờ có sự đổi thay trong tôi nếu không có một buổi trưa, xe đông khách, đang loay hoay tìm chỗ ngồi phù hợp thì tôi được một cô bé đứng dậy nhường ghế. Bất chợt thấy dáng cô bé là lạ, nhìn kỹ thấy chân thấp chân cao, tôi mỉm cười, ái ngại chưa nỡ ngồi thì cô bé hiểu ý nói: không sao đâu cô, em đứng tạm đây cũng được, sắp xuống rồi ạ.

Tôi vừa đặt đít xuống ghế thì xe buýt dừng, nhặt lên một cụ già. Chính xác là nhặt; bởi cậu soát vé phải xuống xốc nách, gần như bế cụ mới bước lên nổi bậc cửa. Lẩy bẩy, nhăn nheo. Lúc bà cụ mới lên xe, tôi có thấy vẻ đau bệnh nhưng giờ ngồi gần mới thực sự… phát hoảng. Xanh xao, vô hồn hệt khuôn mặt người chết trôi mới vớt lên. Không có dấu hiệu của hơi thở. Không có dấu hiệu phập phồng của mạch máu. Có lẽ biểu hiện sống còn duy nhất đôi mắt. Mà mắt cũng lờ đờ, vẩn đục hệt mắt cá ươn. Bệnh nặng; chắc chắn.

Soát vé hỏi: Cụ xuống đâu? Bịnh… bịnh … viện … tỉnh. Đáp, thở, ho khù khụ. Run rẩy moi trong cái túi đen kiếm tiền. Bệnh và tự đi khám. Cụ bà làm tôi nghĩ đến điều gì đó còn vượt lên trên cái ấn tượng bệnh tật của nhân sinh. Một cuộc đời lặng lẽ và trọn vẹn đến tột cùng. Cụ bà khiến tôi nghĩ nhiều hơn về nỗi vô thường và thức tỉnh tôi về hai chữ trách nhiệm. Nhìn kỹ bà cụ, tự dưng lạnh người. Không hiểu sao trong tôi cứ trồi lên cái cảm giác xót xa vĩ đại: bà cụ đang đi chuyến xe cuối của đời mình. Ý nghĩ ấy đã giúp tôi tự giác ngộ mình. Cuộc đời đâu có dài để phung phí cho những nỗi buồn vặt…

*

Lại một hôm, gặp chuyến xe chật như nêm, tôi phải đứng. Soát vé đề nghị một chàng trai nhường ghế cho cô giáo mặt đã tái xanh nhưng anh không. Bỗng có một giọng nữ hiệp nghĩa lên tiếng:

“Ngồi đây em, chị khỏe như voi, để chị đứng cho! Thứ đàn ông mặc váy đi chi xe buýt, lấy trực thăng đem chở bỏ hết ngoài đảo hoang là vừa!!” - có tiếng cười trên xe sau câu mắng khôi hài ấy.

Nơi phát ra câu đó, là người phụ nữ trạc tuổi trung niên, phục sức diêm dúa đỏ xanh, tiếng nói lơ lớ nửa quê nửa phố nhưng tựu trung rất ra dáng thị thành. Chưa nói hết câu đã đứng dậy. Tôi ngồi vào chỗ của chị còn chị thì vịn cái tay nắm cạnh tôi. Không hỏi nhưng chị tự kể, bảo mình gốc núi nhưng giờ định cư ở phố. Nói cười khanh khách. Hồi mới vô làm công nhân cho công ty giày da rồi chuyển qua bán cà-phê cà pháo, sau phục vụ quán bia, mẹ kiếp, bị thằng kia nó đè có chửa, tưởng mẹ con ăn cám rồi chớ, nhờ trời run rủi, tui gặp ông già giàu có mà cô độc. Yêu đương là thứ quái quỷ gì, của đáng tội, lúc đó cái tui cần là một chỗ dựa tài chính thôi. Vậy mà về sống chung thì yêu thiệt. Chị độc thoại tràng giang đại hải rồi cười ha ha rất tự nhiên, chẳng quan tâm có ai nghe không, kiểu cười vì hạnh phúc tràn trề khó giấu.

Tình cờ tôi với chị cùng xuống trạm ở thị trấn khi soát vé hỏi; cậu xé vé và kêu hăm hai nghìn. Trong khi tôi móc tiền đưa thì chị cự: đi có một quãng mà chém tới hăm hai nghìn! Ở phố tui đi cỡ mười nghìn chớ mấy! Được người bán vé giải thích đó là giá tuyến quy định của công ty nhưng chị vẫn cứ oang oang: quy quy; mấy người tự thu tự chi rồi chỉ đông chỉ tây cho rậm chuyện! Đây, tui còn mười bảy nghìn nè (móc mớ tiền lẻ trong cái ví sang trọng, mười bảy nghìn thật), không chịu thì cho tui xuống. Đợi đến lúc cậu bán vé kêu tài xế dừng xe, chị thị thành gốc núi mắt xanh môi đỏ mới mắt chuột mắt dơi: nè nói vậy chớ mấy người tính… cho tui xuống thiệt hả?? Đây, hăm hai nghìn nè, cái đồ…

Giàu sang dởm.… - một người ngồi hàng ghế cuối lầm bầm. Chị vẫn tỉnh bơ như không nghe, độc thoại tiếp:

“Trẻ nhỏ ở quê giờ sao không biết, chứ phố, con gái tui đã vô trung học mà ngày ngày cứ phải thuê người đưa rước. Nó sành điệu lắm, tháng thay đủ ba mươi bộ đầm váy, mỗi ngày một bộ, tui sắm đủ, sắm dư… Vóc dáng cỡ đó, tui đầu tư, mai mốt chân dài lấy đại gia, sống phủ phê nhung lụa, đàn bà học hành chi nhiều, biết chữ, biết đếm tiền là được rồi. Chữ mà không đổi ra tiền thì tui đây thà dốt”.

Nghe tới đây thì cô giáo tôi chỉ biết nuốt tiếng thở dài, cố nhếch môi dù chỉ để cười như mếu…nhưng đành bất lực.

*

Cuối năm, xe buýt cũng đông như người đi trẩy hội.

Xe từ phố về núi, chật ních như ken, người và lổn ngổn đồ đạc dưới sàn. Nào rau nào củ, nào bánh, thảm nhứt mấy con vịt khốn khổ bị nhốt trong thùng giấy có chọc một lỗ thông hơi nhưng cứ gào cạp cạp, bức bí quá mà. Tôi bước lên xe, đảo mắt một vòng, lại không có chỗ ngồi khi tôi đang trong kỳ bệnh, chuyện này với tôi còn thảm hơn mấy con vịt bị nằm trong thùng giấy kia. Đứng trên xe buýt với cô nàng sức khỏe như chiếc lá mùa thu trước sót tận mùa xuân sau, tôi thèm được như mấy con vịt khốn khổ kia biết chừng nào, cứ nằm ì dưới sàn xe, kệ hết, khỏi phải thấy xe chuẩn bị leo cua, đổ dốc hay vất vả trườn qua ổ gà ổ voi.

Đang luyên thuyên nghĩ thì xe bất ngờ dừng, một cô gái không đứng bến mà chạy ào ra thiếu nước dang tay chặn xe, bác tài hét, muốn chết hả con? Sốc mạnh, tôi đu chặt tay nắm mà vẫn lắc lư dữ dội. Bị hất mạnh sang bên trái, có thứ gì đó từ dưới bụng cuộn lên không cách chi giữ lại, tôi đưa tay chụp túi ni lông nôn thốc tháo. Ói xong mới áy náy nhìn bác già ngồi ghế bên đã bị mình va vào khá mạnh. “Ôi, bác cho con xin lỗi …”. Bác nói rề rà: “Trẻ trung mà lên xe ói mửa. Giống con gái tao quá. Nó mà lên xe là ọi ra liền!”. Tôi “dạ” không phải chỉ để chia sẻ câu chuyện của bác, mà tôi biết bác đang nói yêu con mình.

Sau tiếng “dạ”, tôi thấy trong đôi mắt sâu hoắm, nheo nheo kia có những tia vui sướng. Vừa lúc người ngồi ghế trong xuống xe, tôi lại ngồi bên bác.

“Già đi thăm con gái. Nó với chồng lên Eabar sống từ cái thời mới cưới, hồi đó già cũng lên đôi ba lần, xã mới khai phá chỉ có vài nóc nhà, ảm đạm lắm. Rồi tao bịnh đau, Covid ập tới, vèo cái đã mấy năm chưa lên con cháu. Nó kêu giờ nhà cửa khang trang, đường sá láng o bóng rạnh hết rồi. Tao đòi lên chơi nhưng vợ chồng nó kêu đang làm nhà, banh tành té bẹ nên chưa đón bà ngoại lên được”.

Ngưng một chặp, bác nói chậm và nhỏ:

“Nhớ ghê lắm lận, thằng cháu bữa nào bước lẫm đẫm nay chắc bà hết ẵm được rồi”.

Tôi sợ nếu tôn trọng để bác độc thoại một mình có khi sẽ bất kính vì người đang chia sẻ sẽ có cảm giác bị bỏ quên nên hòa nhịp:

“Dạ, con cũng thích trẻ nhỏ lắm, tuổi chập chững tập đi cưng đã lắm!”.

“Ừ. Xót ruột quá, không chờ nữa, tao tự đi tìm cháu luôn. Tụi nó cứ sợ già lẩm cẩm không dám cho đi, chứ đoạn đường này, ngày xưa tao gánh gồng từ miền đất đỏ những bao bắp về xuôi, thời đó cỏ gai rậm rịt, rắn rít bò cả hàng còn chưa sợ, giờ sướng ru, leo lên xe ngủ chưa đầy giấc đã tới chỗ rồi”.

“Dạ, dễ hơn xưa nhiều nhưng cũng phức tạp hơn nhiều nên con cái sợ là đúng đó bác”.

“Ui cha, sống được mấy bữa nữa mà sợ với sệt!”.

“Đi bất ngờ vầy, ngoại đã điện con gái ra đón ở bến xe buýt chưa?”.

“Lén đi mà điện gì. Cứ lên đó, hỏi thăm nhà là tự tới thôi. Nhà nó nằm mặt đường”.

“Nhưng lỡ lần này thôi, lần sau không được đi nữa đâu. Mẹ con ở nhà cũng vậy, tụi con phải ‘cấm’ chứ đường sá giờ để mấy cụ ra đường con cái không yên đâu”.

“Ừ, già đi lần này thôi, bận sau có cho chắc chi đi được!”.

Ngoại nói, tôi bỗng nghĩ tới mẹ rồi giật mình. Hồi nhỏ thích Tết nhưng giờ hết rồi, tôi sợ mẹ đón xong Tết sẽ già hơn hôm nay.

“Rét…rét…!!!”.

Đúng là tay lái lụa. Cua gắt, thắng gấp đến… chóng mặt. Bác tài hét:

- Bữa sau lại bến đứng nghen!

- Bến gì bến, tui có thấy cái bến bờ nào đâu?

- Dạ, ở quê, có mấy chỗ lắp trụ tín hiệu nhưng bị hư hết rồi, đi nhiều mới quen mặt bến, anh thông cảm vì chị ít về quê.

- Kiểu khó khăn nạt nộ vầy, bữa sau có về tui thà đi cộ bò chứ không leo xe buýt nữa!!

Chị “thị thành” vừa lên thì tôi cũng vừa xuống, bác già cũng tự nhiên đứng dậy đi với tôi.

“Ôi bác, đây chưa phải Eabar, còn cũng ba chục cây nữa mới tới. Vậy mà nãy nói với con nhớ nhà nhớ đường. Chết nỗi giờ con phải vô trường cho kịp tiết một!”.

“Khốn khổ rồi. Cụ già lẩm cẩm!!” – soát vé than.

Trước khi bước xuống, ỷ chỗ khách ruột, tôi dặn soát vé:

“Lát đợi tới bến ở Eabar hẵng cho cụ xuống nha em!”.

“Cô giáo yên tâm, lát tui cũng xuống Eabar, tui sẽ đem bả giao tận tay cho con luôn!”. Tôi nán tại cửa một phút, nhìn chị “thị thành” và cười bằng nụ cười trìu mến hết cỡ.

*

Còn mấy ngày nữa là tròn sáu mùa mai nở tôi phải đi dạy bằng cách leo lên trèo xuống xe buýt nhưng đây là lần đầu tiên tôi vừa đi bộ vô trường vừa cười thân thiện với xung quanh. Ngó nghiêng hai bên đường, ơ hay, bụi cỏ lau sáng nay mới bung hoa hay đã nở từ hôm qua mà chao nghiêng lấp lánh dưới nắng hồng. Ồ, lại nắng hồng! Tôi đang tự hỏi có phải nắng mùa xuân có công năng kéo những người xa lạ xích lại gần nhau hơn?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Minh Quang trao quà Tết đến bà con khó khăn, tại chùa Kim Thiền

Tổ đình Vạn Thọ (Q.1) trao quà Tết tại tỉnh Tiền Giang

GNO - Ngày 20-1, tổ đình Vạn Thọ (Q.1) kết hợp với tổ đình Phổ Quang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trao tặng 80 phần quà Tết đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đồng Thạnh, H.Gò Công Tây và 250 phần quà cho bà con tại H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Thông tin hàng ngày