Câu chuyện trang hoàng cờ Phật giáo và “hậu” đại lễ

GN - Tuần lễ Phật đản PL.2561 đã qua đi trong sự hoan hỷ và tôn kính của toàn thể Tăng Ni, Phật tử. Khắp nơi từ nội thị tỉnh thành cho đến các vùng miền quê đều nhất tâm dâng tấm lòng của mình hướng đến Đức Phật.

Đó là hình ảnh những chiếc lồng đèn được kết hoa, những đoàn diễu hành với cờ và hoa nơi vùng sơn cước Tây Nguyên hay duyên hải Trung Bộ, những đoàn đi bộ rước Phật, đoàn xe hoa trên các nẻo đường từ cố đô đến cao nguyên đầy ấn tượng… Tất cả đều có chung một tấm lòng, đó là vui mừng đón ngày Đức Phật - bậc thị hiện của Tình thương và Trí tuệ - ra đời cách đây hơn 26 thế kỷ.

a co phatgiao.jpg


Đạo kỳ trang trí thiếu trang nghiêm

Có lẽ sự kiện Tuần lễ Phật đản sẽ vui hơn, trọn vẹn hơn ở một số địa phương nếu không có việc một số cơ quan chức năng có những văn bản “không cho” hoặc “không chấp thuận” cho treo cờ, trang trí ngoài khuôn viên tự viện, địa điểm tổ chức đại lễ đã được đăng ký và có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng. Đó có thể là lý do bằng cách căn cứ, diễn dịch các văn bản pháp quy hiệu lực hiện thời - dù không đúng, thiếu sự hợp lý, hoặc lý do vì muốn giữ gìn “mỹ quan đô thị”… Sự việc này đã gây ra một số phản ứng ngược từ Tăng Ni, Phật tử. Bởi với họ, đó là rào cản giới hạn sự biểu hiện lòng tôn kính nhân một đại lễ lớn, một sự kiện lớn của nhân loại được Liên Hiệp Quốc công nhận - Ngày Vesak, kỷ niệm Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết-bàn.

Việc trang hoàng cờ đèn mừng Đại lễ Phật đản cũng như các sự kiện trọng đại khác của Phật giáo, của Giáo hội, hay của một số cơ sở tự viện đem đến niềm hân hoan cho mọi người trước và trong đại lễ, sẽ không có vấn đề gì ở một số nơi, cảnh hậu đại lễ khiến không ít người thấy bùi ngùi bởi cảnh cờ xí bị mưa gió làm cho trở nên xộc xệch, mất đi sự trang nghiêm.

Hàng năm vào dịp Đại lễ Phật đản, không khí trang trí cờ đèn nhộn nhịp khắp nơi, nhất là sau khi Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak năm 2008. Hình ảnh Tuần lễ Phật đản với nhiều sắc thái khác nhau, cờ đèn không chỉ treo giăng ở nội viện khuôn viên các tự viện, mà còn được treo phía bên ngoài dọc con đường của các tự viện đó. Những hình ảnh đó tạo nên một bầu không khí lễ hội và nhất là đã tạo ra một nét văn hóa đã có từ lâu, giờ được tái lập lại. Những ngả đường, con phố đầy màu sắc vào ban ngày, lung linh ánh điện vào ban đêm. Những đóa hoa sen khổng lồ được thiết trí ở những khu vực công cộng. Ai bảo đó không phải là một nét đẹp góp thêm vào nét văn hóa cho thành phố, không phải là tạo mỹ quan đô thị?

Chúng ta thể hiện tấm lòng tôn kính lên Đức Phật, cúng dường lên đại lễ; cờ đèn được treo giăng trước Phật đản. Tuy nhiên không ít nơi hoặc lý do này lý do khác, mà theo chúng tôi đó là sự thiếu trách nhiệm, sự tôn kính đối với Đạo kỳ qua việc cờ đèn không được thu dọn sau đại lễ. Người viết đã từng bắt gặp không ít trường hợp trên những con đường đi qua không hề được thu dọn cờ, dù lễ Phật đản đã qua 2-3 tuần, thậm chí trên cả tháng. Những lá cờ bạc màu, những chiếc đèn nhếch nhác sau những cơn mưa nắng đầu mùa của Sài Gòn. Hình ảnh ấy hoàn toàn đối lập với cái đẹp ban đầu - ý định làm đẹp cho một đại lễ hoặc cúng dường.

Đạo kỳ là hình ảnh thiêng liêng, là biểu tượng của Phật giáo. Chúng ta nghĩ gì khi bắt gặp hình ảnh đó?

Nói như ông Phạm Quang Đồng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM - khi giải trình về văn bản của xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn): “Quốc kỳ, Đạo kỳ là biểu tượng của quốc gia, của tôn giáo; là hình ảnh rất thiêng liêng, phải được trang trí, đặt để vào nơi trang trọng để thể hiện sự tôn trọng. Nếu chúng ta treo cắm vào những nơi không được tôn nghiêm, để cho mưa nắng bạc màu rách nát thì đó là sự không tôn trọng… Đó là chưa nói đến làm xấu đi mỹ quan cho cái nhìn của mọi người, cho văn hóa…”.

Qua thăm dò, nhiều người cũng chia sẻ ý kiến của ông Trưởng ban Tôn giáo TP. Chúng ta treo giăng cờ đèn trong háo hức, nhưng khi thu dọn chúng ta lại không có trách nhiệm thiêng liêng đối với biểu tượng để trả lại cảnh quan ban đầu. Phải chăng có người không thấy ở đó là sự biểu hiện một giá trị tâm linh, lý tưởng sống cao quý mà mình tín ngưỡng? Vì nếu có thì đã không để những biểu tượng ấy cảm thấy lạc lõng sau mỗi mùa đại lễ giữa phố phường. Ấy là chưa nói đến những cái nhìn thiếu thiện cảm của những người vô tình thấy những lá cờ vương vãi, xập xệ trên dây treo, trên cán cờ thỉnh thoảng thấy ở đây đó.

Trong mỗi chúng ta, tự thân khi nhận mình là Tăng Ni, là Phật tử; hơn ai hết tự rõ lá cờ Phật giáo có vị thế ra sao trong tâm thức mình ở góc độ tôn giáo - Đạo Phật.

Lá cờ Phật giáo ra mắt lần đầu tiên tại Sri Lanka và chính thức được công nhận nhân dịp Phật đản năm 1885, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên (Colombo, Sri Lanka) năm 1950 với 26 quốc gia tham dự thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do cố HT.Tố Liên là đại biểu duy nhất tham dự. Đại hội đã nhất trí công nhận lá cờ này là cờ Phật giáo thế giới.

Năm 1951, Đại hội Phật giáo ba miền Bắc-Trung-Nam tại chùa Từ Đàm (Huế), thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, HT.Tố Liên đã thay mặt Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tặng Tổng hội lá cờ Phật giáo thế giới được đem về từ Sri Lanka. Toàn thể đại hội đã chấp nhận lá cờ này cũng là Đạo kỳ của Phật giáo Việt Nam.

Chúng ta còn nhớ xuất phát điểm của sự kiện lịch sử được thế giới quan tâm sâu sắc, đó là cuộc đấu tranh bất bạo động chống chính sách kỳ thị tôn giáo tại miền Nam năm 1963, xuất phát từ việc triệt hạ biểu tượng thiêng liêng này.

Hình ảnh thiêng liêng của lá cờ Phật giáo được chứng tỏ bằng lòng trung kiên, tôn kính đối với Đạo pháp của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư Thánh tử đạo đã vị pháp thiêu thân để bảo vệ lá cờ Phật giáo, bảo vệ Đạo pháp là một hình ảnh bất diệt.

Lá cờ ấy đã gắn liền với máu và nước mắt của bao vị tôn túc Tăng Ni, của rất nhiều các mẹ, các anh chị em Phật tử. Vì thế lá cờ Phật giáo không chỉ xứng đáng để trân quý như một biểu tượng hiển nhiên của một tôn giáo - Phật giáo -  mà còn là sự tri ân tiền nhân quá khứ.

Có thể khẳng định rằng, với Tăng Ni, Phật tử, lá cờ Phật giáo luôn là hình ảnh bất khả xâm phạm, sau biểu tượng Đức Phật. Chúng ta sống trong hiện tại và thừa hưởng thành quả từ quá khứ của tiền nhân đi trước. Dù với tâm thế nào thì ít nhất cũng đặt để một sự trân trọng mỗi khi sử dụng biểu tượng ấy. Chúng ta có trân quý, đặt để những biểu tượng có tính cách quy nhất thì mỗi chúng ta mới có một niềm tin vào giá trị thiêng liêng.

Tuy nhiên, qua thực tế, hiện có cả việc lạm dụng hình ảnh lá cờ trong trang trí, có nơi tùy tiện in, chèn nhiều hình ảnh, nội dung khác lên Đạo kỳ. Việc làm đó đã có lần thấy phản ánh trên báo Giác Ngộ, nhưng vẫn còn tái xuất hiện mà chưa có một văn bản hướng dẫn nào từ các cấp Giáo hội. Mỗi khi đã công nhận đó là Đạo kỳ, được Hiến chương công nhận là biểu tượng cho một tôn giáo, một lý tưởng sống thì không được tùy tiện thêm bớt, sử dụng tùy tiện như những hình ảnh trang trí phổ thông khác được. Cờ khi đã là mẫu quy định chuẩn thì bất khả xâm phạm, tựa quốc kỳ của một quốc gia.

Trao đổi với chúng tôi trong vấn đề cờ đèn sau các dịp đại lễ của Phật giáo, ĐĐ.Thích Hải Đạt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thông tin-Truyền thông TP.HCM, chia sẻ: “Sau Phật đản những năm trước, chúng tôi thường bắt gặp những dây cờ, dây đèn còn treo vương vãi dọc các đường phố trước những tự viện, hoặc ở trên các lề đường. Thời gian lễ chính thức đã qua rất lâu, hình ảnh “xập xệ” đó cứ tiếp diễn, đem đến những cảm giác rất khó chịu… Chúng tôi nghĩ các cấp Giáo hội nên có hướng dẫn, chỉ đạo cho việc trang trí và thời hạn ngày thu dọn. Đừng để hình ảnh lá cờ hay lồng đèn bạc màu theo thời gian và nắng mưa. Đó là hình ảnh rất phản cảm…”.

Mong rằng những mùa Phật đản, cũng như các sự kiện quan trọng khác, chúng ta hân hoan trang trí cho đại lễ dù bằng hình thức nào, thì sau niềm vui ấy chúng ta nên thu dọn cũng trong việc giữ gìn các giá trị thiêng liêng cần thiết. Và cũng cần cân nhắc về vị trí, cách thức hiện diện đặc biệt của Đạo kỳ. Điều đó không chỉ là sự tự tôn nghiêm biểu tượng của chính tôn giáo mình, mà còn biểu cảm sự tôn nghiêm đến từ những người khác, trong đó có cả những người không cùng tôn giáo, cộng đồng xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Thờ vong ở trong chùa

Thờ vong ở trong chùa

GNO - Cha tôi vừa qua đời cách nay hơn 5 tháng. Khi cha mất, có người xem giờ cho biết cha tôi đi vào giờ xấu, nên phải gửi vong lên chùa. Sau khi chôn cất xong tôi đã gửi vong cha lên chùa. Tôi có nghe một số người nói trong 49 ngày cha tôi cũng không nhận được lộc. Hiện tôi rất đau khổ và hoang mang...
Ảnh Minh Họa .nguồn Làng Cười

Ngày lành tháng tốt

GNO - Hiện lòng tôi rất hoang mang, lo lắng và không biết giải quyết làm sao? Xin quý Báo cho biết về ngày tốt, xấu có thực không? Nếu không tại sao trong chùa các thầy lại coi ngày? Lòng hơi lo sợ vì nếu không nghe lời thầy thì sau này biết đâu gặp nhiều điều không vui hay trắc trở do cưới không đúng ngày tháng tốt.

Thông tin hàng ngày