GN - Thư tay gửi từ em Lê Thị Mỹ Phụng, học sinh Trường THCS - THPT Long Cang, huyện Cần Đước (Long An) đã để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi. Bởi trong lá thư ấy, không chỉ đơn thuần là câu chuyện về học sinh nỗ lực vượt khó, mà sâu thẳm là tấm lòng của người mẹ góa ở miền quê đã tảo tần nuôi và dạy con nên người từ những điều nhỏ nhặt nhất…
Lá thư từ tình yêu của mẹ
Em Mỹ Phụng mở đầu câu chuyện của mình: “Hoàn cảnh gia đình thì ba em mất sớm, mẹ em một mình nuôi em (học lớp 10) và em trai em (lớp 6) đi học. Một người phụ nữ phải gánh vác luôn chức trách của người đàn ông trong gia đình, thật sự rất vất vả, em thương mẹ lắm”.
Em nắn nót từng chữ, kể rằng: “Chữ thương đối với mẹ không thể gói trong vài hành động được, mẹ là nhất, không ai thay thế nên lúc nào em cũng thương mẹ nhất. Thương mẹ vì mẹ mang nặng đẻ đau; thương mẹ vì đã luôn che chở; thương mẹ vì từ ngày ba mất cũng gần 10 năm, mẹ nuôi lớn em cho dù có khó khăn… Vì em mà mẹ chẳng ngần ngại làm quần quật từ sáng đến tối để có tiền đóng tiền học, mua đồ mới cho em, chẳng bao giờ em thấy mẹ mua đồ mới cho mình.
Khi em bệnh, mẹ mua thuốc, nấu cháo cho em ăn rồi bắt em nằm nghỉ, không cho làm việc nhà. Còn khi mẹ bệnh thì mẹ chỉ uống thuốc rồi lại tiếp tục công việc mà không nghỉ ngơi gì cả. Thấy mẹ như vậy em thương lắm và càng nuôi quyết tâm học thật giỏi để sau này có công việc thật tốt để nuôi mẹ. Học cho tương lai của mình, học cho cuộc sống sau này của mẹ và giúp ích cho xã hội ngày mai”, sự mạnh mẽ, suy nghĩ chín chắn của một em học sinh lớp 10, đã mở ra câu chuyện sau đó.
Em Mỹ Phụng gởi học bổng cho mẹ
Chúng tôi tìm đến nhà em, được những người hàng xóm cạnh nhà em Phụng cho biết, ngày ba của em Phụng qua đời do căn bệnh ung thư quái ác, lo cho chồng ấm mồ, mẹ của bé Phụng - chị Ngoan, như người mất hồn, rơi vào trầm cảm. Đang ngồi trong nhà, cứ nghe tiếng xe chạy ngoài đường, chị bật dậy như phản xạ, không mang dép, cứ chân đất chạy ra vì cứ nghĩ là chồng đi làm về.
Cứ như vậy, một khoảng thời gian, may mắn sao đến một ngày tiếng con trẻ làm chị chợt tỉnh. Biết mình còn hai đứa con nhỏ phải lo, trong phút tỉnh táo đó, chị Ngoan tìm mọi cách để đứng dậy. Ngoài thời gian không có khách đến nhà làm tóc, gội đầu, chị lăng xăng nhổ cỏ, làm việc nhà. Chị không dám để bản thân được rảnh rỗi phút nào, vì sợ sẽ nghĩ bâng quơ, lẩn quẩn, rồi lại chìm vào nỗi đau, không vực dậy nổi.
Từ những chia sẻ này, chúng tôi đã hình dung được lý do vì sao, trong thư gửi chúng tôi, em Phụng viết: “Mỗi năm học, em đều cố gắng đạt học sinh giỏi để về khoe với mẹ. Tuy nó chẳng giúp gì nhiều nhưng ít ra sẽ động viên được tinh thần của mẹ”.
Sống tử tế với nhau…
Cô Kiều ở xóm nói: “Ngoan sống hiền lành nên trời Phật thương, chúng tui đâu nỡ bỏ... Ngoan làm nghề với giá bình dân nên ai cũng đến cho Ngoan làm và để ủng hộ”. Hỏi thì cô Kiều cho biết thêm: “Ngày trước, ở xã có một bà cụ khờ, tuổi trên 70 sống ở miếu, hàng ngày đi lang thang để xin ăn. Ngày nào mà không ai cho gì, hay không có gì trong bụng là bà ghé nhà của Ngoan ăn bữa cơm, dù Ngoan không khá giả gì. Rồi, có ai khó khăn, là Ngoan cắt tóc cho không lấy tiền.
Ngoan sống rộng lượng như vậy nên khi chồng mất, ai cũng thương. Sợ Ngoan ngồi một mình rồi sinh ra trầm cảm, nên mấy bà ở xóm nói với nhau cùng nhau đến làm tóc, gội đầu, thấy nhà Ngoan không có khách là mấy bà tấp vô, không gội đầu thì làm móng tay… để nói chuyện cho Ngoan khuây khỏa”.
Tình thương của xóm làng đã tiếp sức cho chị Ngoan rất nhiều, rồi nghĩa vụ phải thay chồng lo cho các con ăn học đã thôi thúc chị cố gắng, mạnh mẽ, để nỗi đau chìm ở phía sau. Tiệm tóc của chị là “chiếc cần câu” duy nhất để nuôi hai đứa con ăn học và xoay xở cho những khoản nợ. Có những hôm công nhân hẹn làm tóc, dù làm đến 11, 12 giờ khuya, chị vẫn cố gắng và ráng làm, mặc dù ở vùng quê này, khoảng 9 giờ tối thì hầu như nhà nhà đều tắt đèn, nghỉ ngơi.
Em Phụng trải lòng rằng: “Em là học sinh, chẳng thể đỡ đần mẹ việc tiền nong, nên ngày ngày đi học về em chọn phụ việc nhà, chăm sóc em, chỉ cho em học để giúp mẹ. Em học thì em của em cũng nỗ lực học”.
Chị Ngoan kể, từ trong khóe mắt ánh lên niềm vui: “Có hôm thằng bé Khoa nói, mẹ ơi con thấy chị Hai có quá chừng giấy khen học sinh giỏi, con có ít quá, con phải cố gắng học để không bị chị cười. Rồi bao nhiêu giấy khen có được, Khoa đem dán lên tường, kế bên chỗ giấy khen của chị Hai, để nhìn vào đó mà cố gắng. Đó là động lực của mình, làm cực bao nhiêu cũng xứng đáng”.
Hầu như mọi đứa trẻ đều thích quà bánh và thích đi học được mẹ cho tiền, nhưng hai đứa con của chị Ngoan không cần điều đó, cũng chưa bao giờ đòi hỏi, hay nói đúng hơn là tụi nhỏ biết tiết kiệm. Chúng biết, mua thêm bánh kẹo nghĩa là mẹ vất cả thêm, bớt một khoản thì mẹ của chúng có thể nghỉ ngơi được một khoản.
Vì suy nghĩ chững chạc đó mà mấy bà hàng xóm có dẫn bé Khoa đi quán mua bánh cho, năn nỉ lắm, em mới chọn hai bịch, một cho mình và một cho chị, có ép cũng không lấy thêm. “Đủ rồi” là câu mà em khước từ dứt khoát.
Cuộc sống có nhiều điều không như ta mong muốn, nhưng chọn cách sống thế nào là do mình. Em Phụng nói lên suy nghĩ: “Không được đổ thừa hoàn cảnh rồi hư hỏng. Em cố gắng học, biết việc sai quấy em đều không làm, vì không muốn bất kỳ ai nói vì nó không có cha nên nó mới như vậy”, đó cũng là cách mà em báo hiếu với cha, làm yên lòng mẹ, khiến cho người lớn cũng phải suy ngẫm rất nhiều.
Rồi khi chúng tôi báo tin, Phụng sẽ nhận được học bổng, đó là phần thưởng ngợi khen từ những suy nghĩ đẹp trong em. Em thiệt thà hỏi chúng tôi: “Nhưng mà mẹ đã đóng tiền cho em rồi, giờ mà em nhận thì có được không, có là gian dối không”. Trong khi đó, số tiền mà mẹ đóng học phí cho em và em của em, là chắt chiu, là gói ghém và không phải là tiền có sẵn…
Ông bà ta nói, muốn con mình sống thế nào thì cha mẹ phải là tấm gương. Nhìn vào sự nỗ lực trong học tập và ứng xử của hai chị em Phụng, chúng tôi đã phần nào thấy được gương sáng từ đấng sanh thành của hai em. Đó là cả quá trình dạy dỗ, với sâu thẳm tình yêu thương, có sự hiểu biết mới gieo vào con trẻ những hạt mầm hướng thiện như thế. Dù ba của hai đứa trẻ đã khuất nhưng giá trị từ những lời dạy của ba thông qua sự truyền đạt trực tiếp từ người mẹ đã nâng các con vào đời, vào cánh cửa của sự tự lập...
Chị Ngoan nói rằng: “Tài sản cho con chẳng có gì ngoài cố gắng dạy, hướng cho con lối sống tốt, sự tử tế, biết tự lập và nỗ lực vươn lên nghịch cảnh”.