Cây đa và túi trầu

GN - Mùa hè trời nắng như đổ lửa, đốt cháy cái không khí mà mấy ngày trước còn sặc mùi ẩm ướt. Ngoài đường đã vắng bóng người, duy chỉ có bà Ninh khọm khọ lần đi dưới nắng. Cái bóng già đeo đét hắt xuống đường chuyển động một cách nhẫn nại.

Ở cái xóm núi nghèo xơ xác này đa số là người Cơ-tu, chỉ lưa thưa vài mái nhà người Kinh nhập cư. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu, bẽn lẽn nhìn tụi con nít Thượng ăn trái cà na. Chúng nuốt từng miếng ngon lành, khóe miệng đứa nào cũng bẹp nhẹp nước dãi. Những đứa trẻ ốm nhách, đen bóng và khét lẹt nắng. Chúng dạy tôi phát âm tiếng Cơ-tu, tôi nhẩm hoài câu “a dít kiêng a ty” mà chẳng hiểu nghĩa nó là gì, chỉ biết cười ngờ nghệch theo tụi nó.

qgnSbd6j34.jpg

Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Internet

Từ nhỏ gia đình tôi đã rời quê để lên vùng núi cho ba thuận công việc, và cũng chính nơi đây đã gắn tôi với những kỷ niệm về trái cà na, trái bứa rừng, cái thứ tiếng mà người ta gọi mẹ là Amế. Mà nhất là đám trẻ con đen quắt và bà Ninh già nghiện rượu.

Ngày nào cũng vậy, bất kể sáng sớm, trưa đứng bóng hay ngả chiều, hễ xúc được mớ tôm tép là bà lại mang sang nhà tôi đổi rượu. Chỉ mỗi rượu mà không phải là món hàng gì khác. Có lúc uống xong, bà ngã lăn ra hiên nhà làm má tôi phát hoảng, cứ ngỡ bà trúng gió. Có lần tôi thắc mắc hỏi má tại sao mỗi lần bà Ninh say rượu má đều lấy vôi vạch chữ thập ở lòng bàn chân. Dần dần tôi biết đó là cách để giải rượu mà má làm được cho bà.

Bà Ninh ở một mình trong cái nhà nhỏ, nói là nhà nhưng có lẽ nó giống cái chòi hơn. Xung quanh nẹp toàn lá nón, trên giàn bếp lúc nào cũng có vài con ếch khô lủng lẳng ám đầy khói bếp, nơi hốc nhà còn vài chum ché cũ, cái bị sứt miệng, cái lành lặn thì bị rạn nhiều đường sậm màu, đó là tất cả tài sản khi bà cưới chồng còn giữ lại được. Tụi con nít trong làng đứa nào cũng sợ bà chết điếng mới thôi. Những đêm trăng mờ, bà lại ra gốc đa gần nhà tôi nhảy múa, hát điệu gì chẳng ai nghe rõ, có hồi thét thật to rồi có khi cười sặc sụa. Chiếc xà-lùng cũ rạc, bạc phết quấn quanh người thành những vòng lộn xộn, cộm lên ở ngực. Ðầu tóc rối xù bị xốc theo những bước nhảy chệnh choạng.

Sương núi trùm lấy bà chẳng khác nào một vong hồn còn vương nợ đời chưa chịu siêu thoát. Những người lớn trong làng không coi đó là điều kỳ lạ đã từ mấy năm nay. Người nói bà say rượu, người thì nói bà bị ma bắt hành vậy. Rồi người ta xem bà như một kẻ điên mà mặc kệ. Duy chỉ có chúng tôi chẳng đứa nào dám lại gần, vừa sợ nhưng vừa thích thú theo dõi cái bóng đen kịt đang uyển chuyển. Cả đám im thin thít. Có đứa sợ quá không dám về, phải đợi có người lớn nào đi qua thì phóng vụt theo thật nhanh.

Từ sáng, người ta đã thấy bà lững thững vác vợt và cả chiếc giỏ buộc lủng lẳng ở hông đi vào rừng, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Bà lần theo dòng suối nhỏ ven bìa rừng xúc cá, trưa về, lại ghé nhà tôi. Má nhiều lúc không muốn bán thì bà hết năn nỉ than tội nghiệp rồi chửi bới, má cũng đành chịu. Ở đây người ta lo làm ăn, chạy từng bữa rồi cũng chẳng ai để tâm đến. Nghe đâu bà có đứa con trai năm nay cũng vừa chừng hai mươi nhưng bỏ nhà đi biệt, cũng tại bà nghèo quá không có của làm quà thách cưới, nó giận rồi bỏ nhà đi.

Chẳng ai biết nó đi đâu mà tìm, đến khi người ta mang xác nó về bà mới biết nó bỏ vào Hang Chuột làm phu vàng, bị sốt rét rồi chết. Bà thương khóc con hóa ngây ngây dại dại, lấy rượu mà hành hạ cái mạng số nghèo mạt rệp, đến nỗi để con chết bờ chết bụi. Nhìn cả người bà ướt chẹp nhẹp, trên gò má nhăn nheo còn dính bùn khô ai cũng nẫu lòng. Rượu vào bà lại bạ đâu nằm đấy, có lúc tiểu tiện cả ra áo quần. Nhớ có lần, uống xong đi được vài bước bà ngã lăn ra gốc vú sữa trước sân nhà tôi, bất tỉnh nhân sự, khó khăn lắm mấy má con tôi mới đưa bà vào tấm phản trước hiên. Cũng lần đó mà hai anh em tôi biết thế nào là cảm giác say trầu. Thấy mấy Mế ăn trầu chóm chém, miệng đỏ au, chúng tôi cũng bắt chước hái đọt gai mâm xôi nhai nhuyễn rồi phun ra thứ nước miếng đỏ sậm rồi cười thích thú lắm.

Lúc bà Ninh tỉnh dậy, bà lơ huơ tìm túi trầu, vẻ mặt như chưa tỉnh hẳn cơn say. Tôi đứng ở cột nhà nhìn thấy nó rơi trong kẽ phên nhưng giả bộ làm ngơ. Ðợi bà đi mất, tôi sử thằng em bò xuống phản lấy túi trầu chạy thót ra đống cỏ sau chuồng bò, cũng quệt vôi, cũng nhai vỏ chay, thấy miệng cay cay, thằng Út nhăn mặt đáng thương. Có lẽ vì nuốt nước trầu nhiều quá nên hai đứa say chổng vó. Ðầu ung lên nhức buốt, cả hai lăn ra ngủ trên đống cỏ khô lúc nào không hay, làm má đi kiếm cả buổi trời không thấy. Tôi bảo nó giấu túi trầu đi, treo trên xà chuồng bò sẽ chẳng ai biết được.

Ðến tối, mấy đứa con nít kéo qua nhà rủ hai anh em tôi chơi trốn tìm, đêm trăng sáng rọi xuống cánh rừng phía xa một màu vàng nhạt, những mái nhà thưa thớt để lọt vài đường sáng qua kẽ phên lặng tờ, lâu lâu vẳng lại tiếng cú kêu đêm, rồi những con đom đóm lập lòe dưới bóng cây đa chỗ ngõ quẹo. Cả làng tôi lọt ủm trong thung lũng mà bao phủ xung quanh là những dãy núi đen kịt, sừng sững. Chỉ có con đường phảng phất cái ánh sáng của trăng, nằm ngoằn ngoèo vắt qua sườn đồi là trông rõ nhất. Ðó là tất cả những gì về đêm tôi có thể thấy được ở mảnh đất này, sự tịch mịch mờ ảo lẩn trong sương núi.

Ðêm nay bà Ninh không ra nhảy múa, đằng nhà bà cũng tối thui không đèn đóm gì cả. Có đứa nói bà say rượu, ngủ quên nên không bật đèn. Cứ như mấy dạo mỗi lần bà lọ mọ tới gần, cả đám tán loạn bỏ chạy hụt hơi. Dù không nói ra nhưng đứa nào cũng nghi ngại ngóng chừng.

Trời tờ mờ sáng, má đã gọi anh em tôi dậy trông nồi rượu đương bắt trên bếp để má đi chợ bán măng. Hai đứa mắt còn mớ ngủ nhìn gánh măng nặng kĩu kịt trên vai má khuất sau ngõ quẹo tự nhiên thấy thương má quá chừng.

 Cời bếp than nồi rượu xong, tôi rủ thằng Út chơi bắn ống thụt. Lâu lâu, thi nhau chạy ra ngõ ngóng má, nhiều lần tôi hét lên “má về…, má về rồi”, thằng nhỏ nghe vậy phóng vụt ra, thấy đường vắng tanh không một bóng người mặt nó ỉu xìu, tội nghiệp. Bữa nay chắc chợ ế nên má về trễ, hai đứa ngồi trên tấm phản ao ước những bịch chè mát rượi, chợt thằng Út thắc mắc vì không thấy bà Ninh. Mấy hồi chỉ thấy bóng bà ở ngõ thì trong nhà nó đã vụt đi núp thật kỹ, vậy mà không thấy bà nó thấy nhơ nhớ.

Huyên thuyên một lát, cả hai đứa ngủ béng trên phản lúc nào không hay, chỉ khi nghe tiếng ới ới hốt hoảng của má và mấy người trong làng, tôi vùng dậy. Má luống cuống vứt đôi gánh ở hiên, chạy ra theo đoàn người. Hai người đàn ông khiêng chiếc võng đẫm ướt, từng giọt nước rơi xuống tan nhanh vào đất thành từng hàng dài cong queo trên con đường mòn dẫn vào làng. Người ta dừng lại ở nhà bà Ninh. Tôi chẳng kịp nghĩ ngợi, băng vụt đi. Thằng Út thấy vật cũng ùa theo. Tiếng bàn tán rộn lên, vẻ mặt ai cũng đầy đau xót lẫn hoang mang.

Xác bà Ninh được đặt xuống chiếc giường nứa nhỏ trước sân nhà bà, mái tóc bạc bẹp nhẹp nước quấn vào mặt, vào cổ, cả thân người bà đã tái nhợt, cúng đờ lại. Thằng Út chen vào, thấy vậy nó lùi lại khóc ré lên, ôm chầm lấy tay tôi. Mấy đứa con nít xúm lại tò mò nhưng rồi chúng cũng tản ra nhanh chóng, những đôi mắt to tròn tinh nghịch ngấn đầy nỗi hoang mang, chúng hốt hoảng nhưng không nói một lời rồi lủi ra sau lưng người lớn, chỉ dám len lén nhìn.

Người ta đi rẫy kể lại, họ phát hiện xác bà nằm dưới con suối, vào mùa hạn nước chưa đến dưới gối. Có người nói bà bị chúi đầu xuống bị sặc nước mà chết, có người nói bà bị trúng gió. Người mê tín nói ma da nhận bà chứ nước cạn thế mà.

Mọi lời bàn tán rồi cũng lùi dần sau tiếng chiêng trống người làng làm ma cho bà. Từng làn khói bay tỏa lên làm cảnh vật ở làng tôi thê lương đến đáng sợ. Tội nghiệp, thằng Út sau khi về nó buồn thiu, chạy ra chuồng bò, nó nhìn mãi túi trầu của bà như sắp khóc. Tôi cũng buồn. Tự dưng cảm giác hối hận cứ trào lên làm tôi khó chịu, cứ lo sợ bà hiện về đòi lại, thêm những lần tôi đong bớt rượu cho bà, rồi hùa theo đám con nít giễu cợt mỗi khi bà đi ngang, bao nhiêu là điều không phải.

Thời gian cứ chầm chậm trôi. Trong làng tôi mỗi khi có người vừa chết thì chập choạng tối người ta đã đóng cửa thật kỹ, không một ai qua lại. Mấy đứa con nít cũng im bặt, lâu lâu chỉ len lén nhìn về phía gốc đa chỗ cua quẹo, chẳng có gì ngoài cái tịch mịch của rừng núi. Lũ đom đóm lập lòe quanh quẩn chỗ tối càng làm cho bóng tối thêm thâm u và đáng sợ.

Bẵng đi một thời gian, làng tôi cũng dần trở lại cuộc sống bình thường, đám con nít nhắc lại bà trong những tiếng cười trong trẻo, ngôi nhà lá của bà bị bỏ hoang lạnh ngắt. Hai mồ đất nằm cạnh nhau lồ lộ trên sườn đồi, gió lộng rít lên như tiếng nói của hai mẹ con bà vẳng lên rộn rã. Bên nấm mồ của bà ai cũng nhìn thấy cây đa nhỏ trên cành treo túi trầu đã xỉn màu. Không ai biết người nào đã trồng cây đa ở đó, và cả cái túi trầu được buộc chặt bên ngôi mộ của hai con người đáng thương ấy. Nhưng với hai anh em tôi, đó là tất cả những gì gợi lại trong ký ức về bà Ninh già tội nghiệp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày