Cây thông đỏ trong ngôi chùa Hàn Quốc

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1231 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1231 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thông đỏ Hàn Quốc được coi là cây quốc gia của Hàn Quốc, trong tiếng Hàn có tên sonamu, có nghĩa là “cây tối cao”.

Theo sử sách của Hàn Quốc, các nhà sư ở đất nước này thời xưa thường sử dụng lá thông đỏ trong bữa ăn khi tu hành trên núi do lá thông có nhiều dưỡng chất giúp ngăn ngừa bệnh tật, tinh thần thông tuệ và kéo dài tuổi thọ.

Cây thông đỏ ở Viện Lâm nghiệp Hàn Quốc

Năm 2023, chúng tôi có chuyến công tác đến Hàn Quốc do Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Bộ Công thương thực hiện) tổ chức, đến điền dã và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học tại Hàn Quốc về vấn đề năng lượng sinh khối. Một trong những điểm đến làm việc, là Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc.

Trong khuôn viên của viện, có rất nhiều tòa nhà, nhưng ấn tượng nhất là một tòa nhà của phòng Khoa học Lâm nghiệp được làm bằng gỗ thông đỏ. Phòng Khoa học Lâm nghiệp nằm bên trong Vườn ươm Hongneung, Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia với chức năng nghiên cứu và quảng bá giá trị của rừng cũng như cung cấp kiến thức và thông tin về lâm nghiệp cho công chúng. Tòa nhà này là một cấu trúc bằng gỗ thông đỏ ba chiều lớn, được thiết kế để trở thành một triển lãm khổng lồ bằng cách kết hợp các đặc điểm lịch sử độc đáo của Hàn Quốc và phong cách kiến ​​trúc bằng gỗ hiện đại.

Tham quan các khu vườn rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc, chúng tôi được đi dạo trong rừng cây thông đỏ. Đặc biệt, trên bãi cỏ rộng giữa các tòa nhà của viện, có một cây thông đỏ cổ thụ vô cùng to lớn và rất đẹp. Gốc thông rất lớn, tán cây tỏa tròn ra 4 phía như một cái tán, nhiều cành uốn lượn sà xuống gần sát đất. Được biết cây thông đỏ này gần 400 năm tuổi, được xếp vào “quốc bảo” của đất nước Hàn Quốc nói chung, của Viện Khoa học Lâm nghiệp Hàn Quốc nói riêng.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Hàn Quốc
Viện Khoa học Lâm nghiệp Hàn Quốc

Giáo sư Lee Soo Min, Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc cho biết, thông đỏ và sâm được coi là hai loài cây quốc bảo của Hàn Quốc. Thông đỏ là loài đặc hữu trên khắp bán đảo Triều Tiên và các vùng lân cận của Trung Quốc, Nhật Bản, nơi người ta tìm thấy dấu vết hóa thạch có niên đại hàng trăm triệu năm. Tên tiếng Hàn của thông đỏ là sonamu, có nghĩa là “cây tối cao”. Thậm chí loài cây này còn được đề cập trong quốc ca Hàn Quốc. Theo truyền thống, thông đỏ Hàn Quốc là một trong mười biểu tượng của sự trường thọ, bao gồm: mặt trời, núi, nước, mây, đá, thông đỏ, nấm trường sinh, sếu trắng, hươu và rùa. Cây thông đỏ xuất hiện ở khắp nơi trong tâm thức, nghệ thuật thị giác và văn học Hàn Quốc.

Ngày nay, nhiều cây thông đỏ được trồng ở lối vào tới các tòa nhà cao tầng ở Seoul, đặc biệt có cả một khu rừng thông đỏ ở lối vào tòa nhà Quốc hội của Hàn Quốc. Thông đỏ Hàn Quốc được trồng thành những cụm rừng nhỏ trong vườn hoàng gia Hàn Quốc, bao gồm mộ và các khu vườn cung điện ở cả Seoul và Kyungju. Toàn bộ rừng thông đỏ bảo vệ quần thể lăng mộ hoàng gia Joseon ở Gangnam, ở Seoul được tượng trưng cho mong ước trường thọ của triều đại Joseon bất chấp cái chết của từng thành viên trong gia đình triều đại chôn cất ở đó.

Phần lớn các cây thông đỏ có dáng đứng thẳng, nhưng ở một số vùng của Hàn Quốc, thông đỏ mọc theo kiểu xoắn tự nhiên. Cây thông đỏ Hàn Quốc nổi tiếng với tư thế thẳng thắn, tượng trưng cho lòng ngay thẳng của con người. Người Hàn Quốc vẫn coi dáng đứng của cây thông đỏ thể hiện cho sự kiên cường của con người trước phong ba, trước tuyết sương giá lạnh.

Đặc biệt, với thân thẳng đứng, cây thông đỏ luôn được các thợ thủ công đánh giá cao vì được dùng làm cột, xà trong xây dựng cung điện, xây dựng nhà cửa. Thế nhưng, những cây thông đỏ có dáng liêu xiêu, xoắn vặn, thậm chí quăn queo méo mó lại vẫn được nhiều người làm vườn ngưỡng mộ. Những cây thông xiêu, xoắn thường để làm cảnh bởi hình dáng lạ của chúng, đặc biệt được trồng trong các vườn thiền, tượng trưng cho sự uyển chuyển, nhẫn nại trước sự khó khăn của hoàn cảnh.

Thông đỏ đã được coi là cây lấy gỗ chính ở Hàn Quốc từ hàng nghìn năm nay. Trong suốt triều đại cuối cùng của Hàn Quốc, Joseon, tồn tại trong 518 năm cho đến năm 1910, triều đình có bộ phận lâm nghiệp riêng chịu trách nhiệm quản lý bền vững rừng của hoàng gia, để luôn có đủ nguồn cung cấp gỗ tốt cho việc xây dựng và tái thiết các tòa nhà hoàng gia.

Ngoài ra, các quốc vương còn ra sắc lệnh rằng việc trồng thông đỏ nên được duy trì tại các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Hàn Quốc, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đóng và sửa chữa các tàu hải quân có vai trò thiết yếu là bảo vệ vương quốc chống lại cướp biển Nhật Bản và các cuộc xâm lược quy mô toàn diện.

Gỗ thông đỏ là vật liệu xây dựng và tái thiết cốt lõi cho tất cả các cung điện và công trình vườn từ thời triều đại Joseon, cho đến các thời đại sau này, vẫn sử dụng gỗ thông đỏ để tái thiết Cung điện Cảnh Phúc ở Seoul. Cung điện Cảnh Phúc (Gyeongbokgung), còn gọi là Cố cung, đây được xem là cung điện lớn nhất trong số 5 cung điện nguy nga của triều đại Triều Tiên với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn truyền thống của thời xưa. Được biết để xây dựng Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, người ta đã phải đốn hạ hàng nghìn cây thông đỏ ở những khu rừng xa xôi dưới chân núi Seorak ở tỉnh Gangwon-do.

Điện Cần Chính là nơi có diện tích lớn nhất và cao nhất trong các khu vực tại Cung điện Cảnh Phúc, là nơi đặt ngai vàng của vua và diễn ra việc thiết triều, cùng các hoạt động triều chính, đón tiếp các sứ thần từ các nước khác. Tại sảnh nơi vua ngồi thiết triều có một bức bình phong lộng lẫy phía sau ngai vàng được trang trí bằng một số biểu tượng của hoàng gia. Nổi bật trong số đó phải kể đến thông đỏ Hàn Quốc.

Cây thông đỏ trong chùa ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, cây thông đỏ tượng trưng cho cuộc sống lâu dài ở vùng đất của những người bất tử, và những người ẩn dật đã rút lui khỏi xã hội và trở về với thiên nhiên. Nhiều cây thông đỏ Hàn Quốc trồng trong rừng cảnh quan xung quanh các ngôi chùa ở Hàn Quốc, đặc biệt là trên sườn núi bảo vệ phía sau quần thể chùa chính. Những lối đi mang tính nghi lễ trong mỗi ngôi chùa thường được bao quanh bởi những cánh rừng thông đỏ.

Mỗi ngôi chùa Phật giáo đều có một ngôi đền nhỏ, Gak, ở phía sau, thờ một nhân vật pháp sư được gọi là San shin hay “thần núi”, được cho là sự tồn tại từ niềm tin vật linh trước đó có từ trước sự xuất hiện của các tôn giáo chính thức hơn như Phật giáo và Nho giáo ở Hàn Quốc. Những ngôi đền này thường nằm ở phía trước những cây thông đỏ và thường có một mẫu vật thông đỏ lâu đời ở cửa đền thờ. Những bức tranh của San shin có thể được nhận ra bởi những người bạn đồng hành là một con hổ và một người Hàn Quốc.

Tượng Phật bằng đồng ở chùa Beopjusa
Tượng Phật bằng đồng ở chùa Beopjusa

Cây thông đỏ được vinh danh cao nhất Hàn Quốc là cây thông đỏ Jeongipum mọc ven đường dẫn đến ngôi chùa Beopjusa ở tỉnh Chungbuk, với tuổi khoảng 600 năm. Tương truyền vào năm 1464, vị vua Sejo ốm yếu đã được đưa về chùa Beopjusa trong một chiếc xe kiệu để tìm cách chữa trị. Nhưng trên đường về chùa, xe kiệu bị vướng bởi cành cây thông đỏ chìa ngang đường. Quân lính hộ vệ tìm cách đẩy cành cây lên để kiệu vua đi qua, nhưng không thể nào làm được.

Vua Sejo bèn mắng cây thông đỏ, cây lập tức nhấc cành lên và cho đoàn hoàng gia đi qua. Vua Sejo rất ấn tượng trước hành động cung kính này, nên vua đã ban cho cây một chức quan hành chính cấp địa phương. Ngày nay cây thông đỏ này vẫn đứng trên đường vào chùa Beopjusa trong dáng cổ kính và đơn độc, cây cao và có hình dáng đẹp, thân cây rõ ràng cành cao hơn chiều cao của kiệu. Để gia cố cho thân cây đứng ở tư thế thẳng đứng, người ta đã cho đỡ bởi tám cột kim loại.

Chùa Beopjusa là ngôi chùa lớn nhất vùng Chungcheong nằm trong Công viên quốc gia Songnisan. Chùa có nhiều vật được công nhận là di sản văn hóa, gồm: tháp gỗ năm tầng lâu đời nhất Hàn Quốc là điện Palsang (Bát Tương), đèn bằng đá được đỡ bằng cặp sư tử đá, bể đựng nước bằng đá hình hoa sen (Thạch Liên Trì), tượng Di-lặc Geumdong Mireuk Daebul cao 33m. Theo ghi chép trong quyển Donggukyeojiseungram (Đông quốc dư địa thắng lãm) từ thời đại Joseon, chùa Beopjusa do Tổ sư Euishin (Nghĩa Tín) xây dựng.

Tại Hàn Quốc, thông đỏ được trồng theo truyền thống ở các cảnh quan xung quanh các ngôi chùa Phật giáo, nơi ngoài vai trò biểu tượng, chúng phục vụ mục đích thiết thực của việc xây dựng và phục hồi đồ gỗ các tòa nhà chùa. Lá và vỏ cây thông đỏ được truyền tụng là vị thuốc quý chữa nhiều loại bệnh. Các nhà sư ở Hàn Quốc thời xưa thường sử dụng lá thông đỏ trong bữa ăn khi tu hành trên núi do lá thông có nhiều dưỡng chất giúp ngăn ngừa bệnh tật, tinh thần thông tuệ và kéo dài tuổi thọ.

Vào chùa - hành trình gột rửa thân tâm

Các ngôi chùa Phật giáo ở Hàn Quốc là hiện thân của sự yên bình và tĩnh tại của Đức Phật, đồng thời là những kiệt tác nghệ thuật lộng lẫy. Hàn Quốc, đất nước có chùa trên núi Hàn Quốc với 70% đất đai là đồi núi với hơn 5.000 đỉnh núi. Hầu hết những ngọn núi đó là nơi có các ngôi chùa, mỗi ngôi chùa đều có lịch sử, truyền thuyết và nguồn gốc riêng. Có hơn 20.000 ngôi chùa được đăng ký chính thức ở Hàn Quốc. Trong đó, có nhiều ngôi chùa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, như chùa Bulguksa, động Seokguram, chùa Haeinsa, chùa Tongdosa, chùa Hwaeomsa.

Hành trình của mỗi người Hàn Quốc đến chùa là rửa sạch tâm trần tục trong dòng suối sau khi đi qua cổng Iljumun, và gặp Đức Phật bên trong tòa nhà chính của ngôi đền sau khi vượt qua cánh cổng của chư thiên và nhận được giác ngộ tại Bulimun - có thể được coi là con đường rèn luyện tinh thần dẫn đến sự giác ngộ của Đức Phật.

Chùa Haedong Yonggungsa ở Busan
Chùa Haedong Yonggungsa ở Busan

Mỗi ngôi chùa thường bắt đầu với một cây cột dài được gọi là jiju danggan, được dùng như một cột mốc cho thấy đây là nơi có linh hồn của Đức Phật. Sau khi vượt qua jiju danggan sẽ đến cổng Iljumun. Từ “Ilju” có nghĩa là “tâm trí của một người” hoặc “ý thức vũ trụ”, biểu tượng cho nguồn gốc của vũ trụ và sự sống và ranh giới giữa nhân gian và thiên đường (cõi Phật).

Sau khi đi qua cổng Iljumun và đi thêm một chút lên núi, thường đến một con suối nhỏ mang theo lời nhắn nhủ đến du khách rằng chúng ta nên gột rửa bản thân khỏi mọi lo toan của thế gian, thân và tâm của mình trong dòng nước suối trước khi bước vào diện kiến Đức Phật.

Sau khi vượt qua dòng suối gột rửa bản thân, một cánh cổng xuất hiện đưa ta vào ngôi điện được canh giữ bởi bốn vị kim cương, còn gọi là hộ pháp bảo vệ Đức Phật. Sau đó sẽ tới tòa nhà tiền đường được gọi là Bulimun. Bulimun có nghĩa là “không phải hai” trong tiếng Hàn, có thể được hiểu là “bạn và tôi không phải là hai sinh thể riêng biệt, vũ trụ cũng không tách biệt với bản thân ta”. Vì vậy, “Đức Phật và ta là một”. Điều này cần được ghi nhớ khi ta đi qua Bulimun để về phía tòa nhà thượng điện đặt tượng Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày